• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh vôi hóa cột sống và cách điều trị

  • PDF.

Bất kỳ một dấu hiệu bệnh tật nào xảy ra trên cơ thể cùng cần thiết được quan tâm và bệnh vôi hóa cột sống cũng không ngoại lệ. Hãy tìm hiểu những biểu hiện và cách điều trị bệnh vôi hóa cột sống qua nội dung bài viết dưới đây. 

I. Bệnh vôi hóa cột sống

Vôi hóa cột sống là tình trạng tích tụ canxi trên các dây chằng bám vào thân đốt sống hay các mấu gai, mấu ngang của cột sống. Điều này liên quan đến sự biến đổi cấu trúc của cột sống với sự thoái hóa cột sống và xuất hiện gai xương.

Vôi hóa cột sống phổ biến ở người trung niên và cao tuổi. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh vôi hóa cột sống cao hơn phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh cũng rất dễ gặp phải tình trạng này.

Vôi hóa xảy ra khi canxi tích tụ trong mô cơ thể, mạch máu hoặc các cơ quan. Sự tích tụ này có thể làm cứng và gián đoạn quá trình bình thường của cơ thể bạn. Canxi được vận chuyển qua dòng máu, nó cũng được tìm thấy trong mọi tế bào. Kết quả là, vôi hóa có thể xảy ra ở hầu như bất kỳ phần nào của cơ thể.

Vôi hóa cột sống là bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống

1. Nguyên nhân gây vôi hóa cột sống

Bệnh vôi hóa cột sống có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, các yếu tố di truyền, thiếu hụt dinh dưỡng, nếp sống không lành mạnh, dáng điệu đứng ngồi không đúng tư thế, chấn thương liên tục do thể thao, tai nạn xe cộ và những rủi ro khác.

Bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người làm nghề khuân vác nặng, người béo phì do làm tăng áp lực lên xương khớp, người có dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu vẹo, đưa tới tình trạng thoái hóa xương khớp và tạo gai nhanh hơn.

Một số nguyên nhân gây vôi hóa cột sống phổ biến bao gồm:

  • Thoái hóa cột sống: Đại đa số các trường hợp vôi hóa cột sống do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khi chúng ta già đi, cấu trúc cột sống, sụn khớp, đĩa đệm và dây chằng trở nên suy yếu dần và mất đi tính linh hoạt vốn có của nó, dần dần xuất hiện tình trạng vôi hóa cột sống.

  • Chấn thương: Một số người gặp phải những chấn thương ở cột sống. Lúc này, cơ thể sẽ thực hiện sửa chữa tổn thương bằng việc bù đắp canxi cho cột sống. Tuy nhiên, việc bù đắp quá mức sẽ gây nên hiện tượng tích tụ canxi ở cấu trúc này làm cho cột sống bị biến đổi hình dạng, dẫn đến hình thành gai xương.

  • Tư thế xấu: Cột sống là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc chống đỡ cơ thể và chịu sức ép từ  những tác động bên ngoài. Chính vì vậy mà khi chúng ta làm việc không đúng tư thế, khiến áp lực lên cột sống gia tăng. Quá trình này kéo dài sẽ rất dễ gây nên tình trạng cột sống bị suy yếu đi, thiếu hụt dưỡng chất và hình thành nên gai xương do vôi hóa cột sống.

  • Tăng cân đột ngột: Cân nặng là yếu tố trực tiếp làm ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp nói chung và cột  sống nói riêng. Rất nhiều các báo cáo cho thấy kết quả rằng, 45% trong số những người bị vôi hóa cột sống là do nguyên nhân béo phì, thừa cân.

Nếu bạn là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc phải căn bệnh vôi hóa cột sống, hãy nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của mình và có biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh khả năng bệnh “tìm gặp” và gây ảnh hưởng lên cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

2. Biểu hiện của vôi hóa cột sống

Tùy thuộc vào vị trí xảy ra vôi hóa cột sống mà người bệnh có thể có những biểu hiện khác nhau. Thông thường, vôi hóa cột sống được tìm thấy nhiều nhất là ở cổ và thắt lưng, bởi vì đây là hai vị trí mà cột sống phải chịu nhiều áp lực nhất.

+ Biểu hiện vôi hóa cột sống ở cổ: 

Vôi hóa cột sống cổ có thể xảy ra do thoái hóa đốt sống cổ hoặc do tư thế làm việc hoặc chấn thương. Một số biểu hiện vôi hóa cột sống cổ thường gặp là:

  • Cơn đau xuất hiện ở vùng cổ, đau nhức khi cúi xuống hoặc làm việc trong một tư thế.

  • Cứng cổ sau khi ngủ dậu, người bệnh khó có thể vận động khớp cổ.

  • Cơn đau có thể lan truyền xuống bả vai, cánh tay và cả bàn tay (trong trường hợp chèn ép dây thần kinh).

  • Hạn chế khả năng vận động trong trường hợp trầm trọng.

+ Biểu hiện vôi hóa cột sống ở thắt lưng:

  • Người bệnh có cảm giác đau lưng, cơn đau trở nên dữ dội khi làm việc hoặc hoạt động quá sức.

  • Đau có thể lan tỏa xuống vùng hông, đùi và thậm chí là tê bì ở bàn chân.

  • Teo cơ có thể xuất hiện trong trường hợp bệnh diễn biến nặng nề.

  • Người bệnh gặp khó khăn trong vận động, đi lại.

Vôi hóa cột sống có xu hướng xấu đi theo thời gian. Nếu không điều trị, căn bệnh sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

3. Biến chứng của vôi hóa cột sống

Vôi hóa cột sống nếu không được điều trị và kéo dài có thể gây nên một số biến chứng như:

  • Hẹp tủy sống: Xảy ra khi các gai xương trong vôi hóa cột sống chiếm không gian của tủy sống, do đó tủy sống sẽ dần bị thu hẹp lại. Biến chứng này thường gặp ở vôi hóa cột sống cổ làm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, nhức bả vai, tay chân và mất khả năng vận động.

  • Chèn ép dây thần kinh: Vôi hóa cột sống sẽ gây chèn ép vào các rễ thần kinh nằm trong cột sống, điều này khiến cho bệnh nhân phải đối mặt với các triệu chứng của thần kinh tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng.  Một số bệnh nhân còn gặp phải các biểu hiện như rối loạn ruột, bàng quang.

  • Bại liệt, tàn phế: Đây được xem là biến chứng nặng nề nhất mà người bệnh phải gánh chịu do bệnh vôi hóa cột sống. Trường hợp này thường xảy ra trong các trường hợp bệnh nặng nhưng không được chú trọng điều trị.

II. Cách điều trị bệnh vôi hóa cột sống

Theo Bác sĩ Bùi Thế Trung – Bác sĩ nội trú chuyên khoa Cơ xương khớp cho hay:  “Việc điều trị bệnh vôi hóa cột sống tùy thuộc vào vị trí xuất hiện gai và gai xương có gây nên đau đớn hay không. Nếu gai xương không gây đau, người bệnh có thể không cần phải điều trị. Đối với các trường hợp vôi hóa cột sống gây đau đớn và hạn chế vận động, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải do bệnh vôi hóa cột sống”.

Bác sĩ Trung cũng cho biết thêm, các phương pháp điều trị vôi  hóa cột sống hiệu quả phải đáp ứng mục tiêu là làm thuyên giảm đau đớn cũng như các triệu chứng khác, đồng thời ngăn ngừa tiến triển xấu đi của bệnh. Hiện nay, các cách điều trị vôi hóa cột sống bao gồm:

1. Điều trị bằng thuốc giảm đau

Thuốc chữa vôi hóa cột sống là một trong những biện pháp đầu tiên được sử dụng phổ biến để kiểm soát cơn đau và cải thiện tình trạng bệnh. Thông thường, người bệnh được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc chống viêm không có steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen,  diclofenac… Đồng thời, kết hợp chườm nước đá và nghỉ ngơi để giảm đau và giảm sưng viêm.

Thuốc chữa vôi hoá cột sốngĐiều trị vôi hóa cột sống bằng các loại thuốc

Bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bệnh nhân bị vôi hóa cột sống các thuốc giãn cơ như baclofen, carisoprodol, methocarbamo, metaxalone… Các loại thuốc này hoạt động như các chất ức chế thần kinh trung ương và có đặc tính làm giảm cơ xương, giúp người bệnh giảm đau do co thắt, cảm thấy dễ chịu hơn và tăng khả năng vận động tại vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi vôi hóa cột sống.

Các thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định ngay cả khi bệnh nhân không bị trầm cảm. Loại thuốc này được sử dụng với liều thấp để điều trị các chứng đau mãn tính do vôi hóa cột sống. Một số thuốc thường dùng như amitriptylin, doxepin.

Một số trường hợp các gai cột sống đã mọc dài và đâm vào một số dây thần kinh hay mô mềm gây ra những cơn đau lưng dữ dội, thì bác sĩ sẽ tiêm thuốc steroid tại chỗ để giảm viêm và đau ở cơ bắp. Thuốc chống viêm steroid là thuốc có khả năng kháng viêm rất mạnh. Tuy nhiên, kết quả thường chỉ làm thời, nhưng có thể tiêm chỉ định lặp lại. Các thuốc này thường được cảnh báo với nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng.

2. Điều trị bằng vật lý trị liệu

Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì vật lý liệu pháp cũng giúp hỗ trợ quá trình điều trị vôi hóa cột sống đạt được những chuyển biến tích cực. Các thủ thuật xoa bóp, châm cứu, tập vận động, tập các bài yoga phù hợp… sẽ giúp giảm đau nhức và các ảnh hưởng khác của vôi hóa cột sống.

Điều trị vôi hoá cột sốngVật lý trị liệu chữa vôi hóa cột sống

  • Châm cứu: Là kỹ thuật sử dụng kim nhỏ luồn qua da và tác động lên các vị trí huyệt đạo để thúc đẩy lưu thông, giải phóng ứ trệ trong mạch máu, giúp người bệnh giảm đau và thư thái hơn.

  • Tập vận động: Các bài tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu là biện pháp giảm đau, tăng cường tính linh hoạt và ngăn ngừa tiến triển xấu đi của bệnh.

  • Yoga: Yoga mang lại rất nhiều hữu ích cho sức khỏe và vấn đề bệnh tật trong cơ thể. Một số các bài tập yoga có thể cải thiện sự biến đổi cấu trúc cột sống và làm giảm đi những khó chịu, đau đớn do bênh gây nên.

Ngoài ra, một số liệu pháp vật lý trị liệu có thể được áp dụng như:

  • Sóng ngắn: Sử dụng bước sóng có tần số thích hợp để tác động lên vùng cơ thể bị ảnh hưởng. Các bước sóng có tác dụng kích thích tuần hoàn màu lưu thông tốt hơn, thư giãn cơ, từ đó làm giảm đau và cải thiện vận động cho người bệnh.

  • Sóng hồng ngoại: Tác dụng hồng ngoại chủ yếu là tác dụng nhiệt, khi được sử dụng để điều trị vôi hóa cột sống có chức năng là thư giãn cơ bắp, tăng cường lưu thông máu và giảm đau chống viêm mạn tính.

  • Điện xung: Tận dụng loại ích của dòng điện để áp dụng điều trị cho bệnh nhân bị vôi hóa cột sống. Đây là một trong những biện pháp giúp giảm đau bằng cách ngăn cản sự dẫn  truyền tín hiệu đau đớn lên não, đồng thời kích thích cơ thể sản xuất ra các chất giảm đau tự nhiên như endorphin.

  • Thủy liệu pháp: Hay còn được gọi là liệu pháp hồ bơi hoặc trị liệu thủy sinh, là một dạng trị liệu được điều trị trong nước. Sử dụng nước để làm giảm áp lực lên cột sống và giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động một cách dễ dàng hơn, từ đó cải thiện đau đớn, cứng khớp do vôi hóa cột sống.

3. Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị vôi hóa cột sống có thể được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả hồi phục hoặc quá trinh vôi hóa diễn biến trầm trọng hơn.

Phẫu thuật được tiến hành để cắt bỏ gai cột sống hình thành do vôi hóa cột sống, giải phóng những chèn ép lên các dây thần kinh. Tuy nhiên, các kỹ thuật tiến hành còn được cân nhắc kỹ vì có thể phạm vào dây thần kinh và gây ra biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, vi phẫu thuật là phương pháp mới được áp dụng trong điều trị vôi hóa cột sống. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật một cách khéo léo để hoàn thành hai yêu cầu là cắt bỏ gai xương và tháo gỡ sự chèn ép, mang lại sự hồi phục tốt nhất cho người bệnh, giúp người bệnh nhanh chóng trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.

III. 3 Bài thuốc dân gian chữa vôi hóa cột sống

Như đã đề cập ý kiến của chuyên gia trước đó, vôi hoá cột sống có thể không cần phải điều trị nếu căn bệnh không gây đau đớn. Điều đó cho thấy, việc kiểm soát bệnh cũng không quá khó khăn. Và một số bài thuốc dân gian chữa vôi hóa cột sống có thể mang lại nhiều điều hữu ích cho người mắc phải căn bệnh này trong trường hợp vừa và nhẹ.

Cách chữa vôi hoá cột sốngChữa vôi hóa cột sống bằng các bài thuốc dân gian

Đọc tiếp những thông tin bên dưới để biết về một số các bài thuốc dân gian chữa vôi hóa cột sống:

#1. Bài thuốc chữa vôi hóa cột sống bằng hạt đu đủ

+ Công dụng:

  • Hạt đu đủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người, ngoài tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tiêu diệt ký sinh trùng, tốt cho gan thận, hạt đu đủ còn có khả năng chống viêm nhiễm, kháng viêm, giảm đau rất tốt.

  • Các nghiên cứu đã cho thấy, tính chống viêm, giảm đau của loại hạt này có thể giúp chữa lành một số các chứng bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh vôi hóa cột sống.

+ Cách làm:

  • Lấy hạt đu đủ chín, sau đó đem chà mạnh cho bong lớp màng bên ngoài và rửa sạch, để ráo nước.

  • Tiếp theo, giã nát hạt đu đủ và dùng một miếng vải mỏng bọc lại, chườm trực tiếp lên vùng cột sống bị đau.

  • Để nguyên và thư giãn trong khoảng thời gian là 30 phút thì lất ra.

  • Lặp lại mỗi ngày một lần để có kết quả điều trị tốt.

#2. Chữa vôi hóa cột sống với bài thuốc từ cây dền gai

+ Công dụng:

  • Cây dền gai là vị thuốc dân gian có tác dụng thu phong, trừ thấp, giảm đau, điều trị xương khớp rất hữu hiệu.

+ Cách làm:

  • Cách 1: Dùng cành cây dền gai còn tươi, đem rửa sạch và sắc với nước để dùng uống hằng ngày. Có thể uống thay nước lọc.

  • Cách 2: Chuẩn bị cây dền gai, lá lốt, cây tầm gửi, cỏ xước mỗi loạn 30g và 50g cây chìa vôi. Tất cả các nguyên liệu này cho vào ấm và đổ thêm 2 lít nước rồi tiến hành sắc. Để cho nguội nước và dùng nước thuốc này để uống mỗi ngày một thang.

#3. Bài thuốc từ cây ngải cứu chữa vôi hóa cột sống

+ Công dụng:

  • Ngải cứu là thảo dược có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Dựa trên khả năng làm giảm đau, chống viêm, đau nhức xương khớp, nhân dân ta đã sử dụng loại thảo dược này làm vị thuốc để chữa trị bệnh vôi hóa cột sống.

+ Cách làm:

  • Cách 1: Ngải cứu rửa sạch và đem xay nhuyễn, sau đó lọc lấy nước cốt. Cho thêm vào khoảng 1 – 2 muỗng mật ong nguyên chất và dùng nước này để uống mỗi ngày.

  • Cách 2: Dùng một nắm lá ngải cứu và 1 nắm muối hạt to. Rang hỗn hợp này lên chảo nóng rồi cho vào một miếng vải sạch và bọc lại. Tiếp theo, chườm trực tiếp hỗn hợp ngải cứu và muối lên vùng cột sống bị ảnh hưởng. Thực hiện mỗi ngày một lần sẽ có dấu hiệu giảm đau nhức và cứng khớp do vôi hóa cột sống.

Hầu hết các bài thuốc dân gian chữa vôi hóa cột sống đều mang lại tác dụng chậm nhưng an toàn. Nếu sử dụng kiên trì trong một thời gian dài, người bệnh có thể thấy được sự thuyên giảm của các triệu chứng bệnh mà không cần dùng đến các thuốc tây y khác.

KẾT BÀI:

Mặc dù vôi hóa cột sống có thể tự hồi phục mà không cần điều trị. Tuy nhiên, căn bệnh có thể sẽ gây ra các triệu chứng đau đớn và hạn chế vận động, thậm chí làm xuất hiện biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống của người bệnh.

Chính vì điều đó, điều trị vôi hóa cột sống sẽ trở nên cần thiết khi người bệnh phát hiện có triệu chứng của bệnh lý này trên cơ thể. Các tùy chọn điều trị sẽ khác nhau ở mỗi cá nhân người bệnh, có thể dùng thuốc chữa vôi hóa cột sống hoặc vật lý trị liệu hay phẫu thuật cũng có thể được xem xét trong một vài trường hợp.

Cột sống là cấu trúc đặc biệt quan trọng và do đó bảo vệ cơ quan luôn được khỏe mạnh cũng chính là bạn đang bảo vệ cơ thể của chúng ta trước hàng loạt các nguy cơ bệnh tật từ cuộc sống.

BTV: Hồ Ngọc Tuyền - Nguồn: https://vimed.org/


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 13 Tháng 4 2020 15:53

You are here Tin tức Y học thường thức Bệnh vôi hóa cột sống và cách điều trị