KTV Trần Yến Duy - PHCN
I. ĐẠI CƯƠNG
Điện xung trị liệu là một phương pháp điều trị trong vật lý trị liệu bằng các xung điện có tần số thấp và trung bình.
Dòng điện xung là dòng điện do nhiều xung điện liên tiếp tạo nên. Xung điện là dòng điện chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, xen kẽ giữa các xung là khoảng nghỉ hoàn toàn không có dòng điện. Các dòng điện xung có thể là dòng một chiều hoặc xoay chiều
Tác dụng sinh lý:
Từ kích thích gây hưng phấn các cơ quan cảm thụ ở da, cơ và các tổ chức dòng điện đi qua gây nhiều phản xạ như giãn mạch, tăng tuần hoàn và dinh dưỡng cục bộ, tăng chuyển hoá...;
Dòng điện xung là dòng điện do nhiều xung điện liên tiếp tạo nên. Trong vật lý trị liệu thường sử dụng các dòng điện xung có dạng xung và tần số khác nhau một chiều (nửa sóng) và xoay chiều (cả sóng).
2. TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA DÒNG ĐIỆN XUNG
2.1. Phản ứng của cơ thể với dòng điện xung
- Cường độ ngưỡng: là cường độ dòng điện xung đạt tới một giá trị nào đó làm cho tổ chức bắt đầu có đáp ứng.
+ Ngưỡng cảm giác: là cường độ dòng điện xung mà ở đó bệnh nhân bắt đầu có cảm giác có dòng điện (như kiến bò, kim châm...).
+ Ngưỡng rung: là cường độ dòng điện xung mà ở đó bệnh nhân bắt đầu có cảm giác cơ rung lên (do nhiều thớ cơ co).
+ Ngưỡng co cơ: là cường độ dòng điện xung mà ở đó bệnh nhân bắt đầu co cơ, cảm giác cơ co như bóp chặt.
+ Ngưỡng đau: là cường độ dòng điện xung mà ở đó bệnh nhân suất hiện cảm giác đau.
- Vùng có hiệu lực điều trị: là cường độ trên ngưỡng cảm giác, dưới ngưỡng đau.
Tác dụng sinh học của dòng điện xung
- Dòng điện xung tác động lên cơ thể gây ra hai tác dụng: kích thích gây hưng phấn và ức chế làm giảm hưng phấn thần kinh.
- Dòng điện xung hưng phấn có tính chất: f < 50Hz, xung có sườn rất dốc, ngắn
- Dòng điện xung ức chế có tính chất: f > 80Hz, sườn xung thoải, thời gian xung dài (xung lưỡi cày, xung hình sin).
- Thần kinh vận động: đáp ứng với dòng điện có tần số tối đa là 1.000Hz, Nếu lớn hơn 1.000Hz không còn đáp ứng. Với cơ, tần số tối đa của dòng điện để cơ đáp ứng là 200 - 250Hz, lớn hơn cơ không đáp ứng, với f < 20Hz thì gây co cơ từng cái một, tần số từ 20 - 50Hz gây co cơ liên tục, tần số từ 50 - 200Hz gây co cơ kiểu răng cưa, còn trên 200Hz thì cơ co yếu dần, đến 250Hz thì không còn co cơ nữa.
- Thần kinh cảm giác: có đáp ứng với tần số từ 0 - 1.000Hz. Với tần số từ 0 - 20Hz thì mỗi xung như có một vật chạm vào da, tần số 20 - 50Hz có cảm giác rung liên tục trên bề mặt da, f > 100Hz cảm giác rung yếu dần cho đến 1.000Hz không còn cảm giác.
- Thần kinh thực vật: tần số < 20Hz sẽ gây hưng phấn thần kinh giao cảm, tần số 20 - 50Hz gây hưng phấn thần kinh phó giao cảm, tần số > 100Hz gây ức chế thần kinh giao cảm.
Tần số ³ 1.000Hz thì dòng điện xung không còn kích thích thần kinh. Với các dòng điện xung tần số trung, để có tác dụng phải biến đổi biên độ xung để tạo ra xung bao có tần số thấp dưới 1.000Hz. Tác dụng điều trị là do xung bao tạo nên, vì xung bao hình thành trong tổ chức nên không gây kích thích da và sẽ tránh được cảm giác đau rát cho bệnh nhân.
Tác dụng giảm đau của dòng điện xung, có ba thuyết được đưa ra:
- Thuyết cổng kiểm soát do Melzack và Wall đề suất (1965) dựa trên cấu trúc và chức năng của các đường dẫn truyền thần kinh cảm giác:
+ Các sợi nhỏ (Ad và C) dẫn truyền cảm giác đau, trước khi tiếp xúc với tế bào T ở tủy sống, các sợi này cho một nhánh tiếp xúc với neuron liên hợp. Kích thích từ các sợi nhỏ gây ức chế neuron liên hợp, khi neuron liên hợp bị ức chế thì không có tín hiệu ức chế trước synap, lúc này "cổng" mở và xung động đau được dẫn truyền lên đồi thị
+ Các sợi to (Aa, Ab) chủ yếu dẫn truyền cảm giác bản thể, đồng thời dẫn truyền cảm giác đau nhưng chỉ với những kích thích phù hợp, sợi to cũng có nhánh tiếp xúc với neuron liên hợp trước khi tiếp xúc với tế bào T. Xung động từ sợi to gây hưng phấn neuron liên hợp, neuron liên hợp được hưng phấn sẽ ức chế trước synap dẫn truyền của cả sợi to và sợi nhỏ làm "cổng" đóng, xung không truyền lên đồi thị được.
+ Dòng xung có f < 50Hz, độ dốc xung đứng và độ rộng xung hẹp thì kích thích thần kinh được dẫn truyền chủ yếu theo sợi nhỏ làm neuron liên hợp bị ức chế không gây ức chế trước synap dẫn đến “cổng mở”, xung động đi lên đồi thị gây đau. Với tần số > 80Hz, độ dốc xung thoải, độ rộng xung lớn thì kích thích thần kinh được dẫn truyền chủ yếu theo sợi to, neuron liên hợp được hưng phấn làm “cổng” đóng gây ra tác dụng giảm đau.
- Thuyết về sự phóng thích endorphin do Sjoloud và Eriksson đề suất thì trong các trường hợp đau mạn tính có thể do giảm hoạt tính của hệ endorphin hoặc tăng tiêu hủy endorphin ở tổ chức thần kinh. Hệ thần kinh trung ương dưới tác dụng của dòng điện xung sẽ làm tăng giải phóng endorphin. Endorphin như một morphin nội sinh có tác dụng giảm đau mạnh. Dòng TENS (tần số cao, cường độ thấp) được cho là đã kích thích tủy sống tiết ra endorphin(morphin nội sinh).
- Thuyết về sự ngưng trệ sau kích thích của hệ thần kinh trung ương do Sato và Schmidt đề suất thì khi kích thích chọn lọc vào các sợi thần kinh nhóm II và III sẽ gây ức chế thần kinh trung ương làm giảm đau.
Ứng dụng: để giảm đau, giảm co thắt cơ, tăng tuần hoàn, chọn các dòng điện xung có tính chất ức chế. Để kích thích co cơ (cơ bại, liệt, rèn luyện cơ) phục hồi thần kinh, chọn dòng xung có tác dụng hưng phấn.
- Chống viêm: dòng điện xung có tác dụng chống viêm dựa trên cơ sở tăng cường tuần hoàn, chuyển hóa, giảm phù nề, tăng cường miễn dịch dịch thể và tế bào, giảm các chất gây viêm, chỉ áp dụng với viêm không do nhiễm khuẩn.
- Gây ngủ: dòng điện xung hình vuông có tần số 100
II. CHỈ ĐỊNH
- Giảm đau sau chấn thương, phẫu thuật, đau thần kinh, đau cơ, xương, khớp…
- Kích thích thần kinh cơ.
- Cải thiện tuần hoàn ngoại vi.
- Liệu pháp ion hóa (điện phân dẫn thuốc bằng xung một chiều)
- Điện phân thuốc cục bộ bằng dòng điện xung trung tần một chiều.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh mang máy tạo nhịp tim.
- Sốt cao, khối u ác tính, bệnh lao đang tiến triển.
- Mất cảm giác ở vùng điều trị. Tổn thương da nơi đặt điều trị
- Viêm da khu trú, huyết khối, viêm tắc mạch
- Trực tiếp lên thai nhi
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: bác sỹ Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu
2. Phương tiện: Máy và phụ kiện kèm theo.
- Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy, dây đất nếu có.
- Chọn các thông số kỹ thuật
- Chọn và đặt điện cực theo chỉ định.
3. Người bệnh
- Giải thích cho người bệnh
- Tư thế người bệnh phải thoải mái (nằm hoặc ngồi).
- Bộc lộ và kiểm tra vùng da điều trị,
4. Hồ sơ bệnh án, phiếu điều trị.
V.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Đặt và cố định điện cực: theo chỉ định.
+ Đặt các thông số kỹ thuật theo chỉ định.
+ Tăng cường độ dòng điện từ từ cho tới mức cần thiết (cảm giác co bóp).
- Hết giờ tắt máy bằng tay hoặc tự động:
Tháo điện cực kiểm tra da vùng điều trị, thăm hỏi người bệnh ghi hồ sơ bệnh án.
VI.THEO DÕI
- Cảm giác và phản ứng người bệnh
- Hoạt động của máy.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Điện giật: xử trí cấp cứu điện giật.
- Bỏng: Khi diều trị dòng xung một chiều xử trí theo phác đồ bỏng axit hoặc kiềm
Tài liệu tham khảo: tổng hợp bài giảng phục hồi chức năng - PGS :KIÊM HÀ HOÀNG
- 09/06/2019 18:52 - Tôn vinh người hiến máu
- 07/06/2019 11:14 - Áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/…
- 06/06/2019 17:51 - Bàn chân bệnh nhân đái tháo đường và cách phòng ch…
- 05/06/2019 18:09 - Hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết" …
- 07/05/2019 12:07 - Đề phòng nhiễm trùng uốn ván từ các tổn thương trê…
- 01/05/2019 18:42 - Thừa vitamin D liên quan với tổn thương thận
- 17/04/2019 18:55 - Phục hồi chức năng viêm lồi cầu ngoài xương cánh t…
- 09/04/2019 18:12 - Chủ động ngăn chặn và phòng chống bệnh bạch hầu
- 09/04/2019 17:56 - Chăm sóc người bệnh trước phẫu thuật
- 28/03/2019 19:21 - Những ảnh hưởng của việc dùng thuốc trong các giai…