Bs Lê Thị Hà - Khoa Mắt
Béo phì và thừa cân có thể gọi là vấn đề có tính dịch tễ tại Mỹ. Có tới 2/3 công dân Mỹ đang bị thừa cân, 1/3 lâm vào tình trạng béo phì theo một báo cáo của chính phủ vào năm 1999-2000. Tỷ lệ hiện mắc của béo phì đã tăng gấp đôi so với năm 1960, xu hướng tăng dần trong 20 năm trở lại đây. Béo phì và thừa cân đã được các bác sĩ nội khoa biết đến nhiều. Một báo cáo của trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ đã chỉ ra rằng sau hút thuốc lá, béo phì là nguyên nhân kế tiếp gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Trong đó ăn uống bừa bãi và lười vận động giết chết 400.000 người mỗi năm, chiếm 16,6% nguyên nhân gây chết vào năm 2000. Trong khi năm 1990 hai chỉ số này chỉ là 300.000 người và 14%.
Như vậy có tới 130 triệu người thừa cân và béo phì tại Mỹ, đi kèm với nguy cơ bệnh lý tim mạch, tiểu đường, một vài dạng ung thư và tàn phế, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC). “Người Mỹ cần thấu hiểu là thừa cân và béo phì thực sự đang giết chết họ” ông Tommy Thompson, thư ký ủy ban Sức khỏe và Con người đã phát biểu như vậy trong buổi công bố các báo cáo của CDC. Đâu đó ta đã nghe những cảnh báo đại loại như vậy ở Việt Nam khi mà chúng ta đang hòa nhập sâu rộng với quốc tế về kinh tế chính trị và cả cơ cấu bệnh tật nữa. Ra đường không hiếm gặp trẻ béo phì, người lớn thừa cân. Thật đáng lo ngại là ngoài những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, tình trạng cận thị học đường chưa thể kiểm soát thì các bệnh mắt gây mù lòa tiềm tàng đi kèm với tình trạng béo phì sẽ đe dọa chúng ta vào một ngày không xa. Thật vậy, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng béo phì sẽ đi kèm với việc gia tăng tỷ lệ mắc của chí ít 4 căn bệnh có thể gây mù lòa, đó là : thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường, đục thể thủy tinh và bệnh glôcôm. Việc gia tăng tỷ lệ mắc cấc bệnh trên có thể liên quan đến những rối loạn chuyển hóa do béo phì đem lại hoặc do chính các chỉ số bất thường gây ra như chỉ số khối cơ thể BMI, số đo vòng bụng, chỉ số eo-hông.
Bác sĩ Johanna M. Seddon, phẫu thuật viên mắt, giám đốc Đơn vị dịch tễ trường điều dưỡng Mắt-TMH-RHM Massachusetts và Đại học Y Harvard đã bỏ ra 2 thập kỷ để nghiên cứu mối liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh lý mắt, đặc biệt là thoái hóa hoàng điểm người già (AMD). Theo ông có mối liên quan trực tiếp giữa béo phì và bệnh mắt. Béo phì đi kèm với giảm khả năng dung nạp các carotenoids. Có vẻ như là người ít ăn những sản phẩm bổ dưỡng lại là những người béo phì. Người ăn nhiều lutein sẽ giảm được việc mắc AMD, Tựu trung là những ai không ăn đủ dinh dưỡng cần thiết sẽ mắc những bệnh về mắt”
Ông cũng luôn coi chăm sóc mắt cho người béo phì là công việc của các bác sĩ mắt. Các bệnh nhân béo phì nên bỏ thuốc lá, theo dõi huyết áp và cholesterol máu và không nên gạt ra ngoài việc khám mắt. AMD rõ ràng liên quan trực tiếp đến bệnh béo phì.
Với các bác sĩ Việt Nam như tôi, béo phì từ trước đến nay ám ảnh lớn nhất là vấn đề thẩm mỹ: mi mắt bị thừa da và mỡ gây sụp mi, thoát vị mỡ khi đến tuổi già sẽ làm thẩm mỹ ở mắt tệ hại thêm. Bên cạnh đó là viêm bờ mi và lộ tuyến Mobeimius cũng gặp khá nhiều. Một số biến chứng tại dịch kính, võng mạc cũng có thể gặp do tăng áp lực đường thở, tăng huyết áp đi kèm với bệnh béo phì: hội chứng Valsava, hội chứng Terson. Chứng nhẽo mi cũng được y văn kể tới, nặng hơn có thể gây lật mi hay lộn mi ra ngoài cũng có thể gặp trên người béo phì, dừng thở khi ngủ. Ngày nay chúng ta nên biết thêm các căn bệnh có thể gây mù lòa sau đây thường đi kèm với béo phì, thừa cân:
AMD (Thoái hóa hoàng điểm người già)
Béo phì vốn không được các bác sĩ mắt chú ý đến nhiều mãi cho tới năm 2003, Bs Selddon đã chỉ ra một loạt liên quan giữa AMD và chỉ số BMI, vòng eo, vòng hông... Một nghiên cứu được đăng tải trên Archives of Ophthalmology, quan sát 261 người trung niên và già thấy rõ tương quan giữa lượng mỡ cao và phát sinh AMD. Ông còn nói rõ bệnh nhân có BMI 25-30 hoặc cao hơn sẽ mắc AMD cao gấp đôi so với người có BMI nhỏ hơn 25. Nghiên cứu trên vòng bụng, vòng eo/hông cũng cho những kết quả tương tự. Các nghiên cứu thuần tập khác cũng cho thấy việc gia tăng hoạt động thể lực sẽ đi kèm với giảm tỷ lệ phát sinh bệnh AMD
Đục thể thủy tinh
Nghiên cứu đăng tải trên Ophthalmic Epidemiology cũng chỉ ra mối liên quan giữa bệnh tim mạch và bệnh mắt. Bs Christine Younan, Đại học Sydney và các đồng nghiệp của Save Sight Institute in Sydney đã tìm thấy mối liên quan giữa bệnh lý tim mạch và đục thể thủy tinh đã được công bố trên Blue Mountain Eye Study.
Trong nghiên cứu này 2.300 bệnh nhân trên 48 tuổi được theo dõi trong 5 năm. Bệnh nhân được thăm hỏi tiền sử, đo cân nặng- chiều cao, huyết áp, khám mắt tổng thể. Chụp ảnh lưu trữ. 5 năm sau các bệnh nhân được thăm khám, chụp ảnh đánh giá đục thể thủy tinh vỏ, nhân, cực sau và dưới bao. Đầu ra của nghiên cứu cho thấy rõ bệnh nhân béo phì hay bị đục vỏ và dưới bao sau. Bệnh nhân hơn 65 tuổi, điều trị cao huyết áp cũng bị đục thể thủy tinh nhiều hơn nhóm chứng. Các bệnh nhân được mổ cataract cũng thường bị bệnh tim và đau ngực.
Bệnh lý võng mạc
Béo phì rõ ràng liên quan với bệnh lý tim mạch và đái tháo đường type II. Ngoài ra năm 2002 nguyên cứu của Diabetes Care do Bs Hendrik A. van Leiden, của Đại học University Medical Center Amsterdam, Hà Lan tiến hành còn tìm ra bệnh lý võng mạc hay xảy ra trên những người tăng BMI. Tác giả tổng kết bệnh lý võng mạc là biến chứng vi mạch xảy ra do nhiều yếu tố: đường huyết cao, huyết áp cao, mỡ máu và BMI có vấn đề”
Nghiên cứu của Hoorn Study trên quần thể 2.484 người tuổi 50-70, có 626 người bị đái tháo đường cũng đưa ra những gợi ý tương tự.
Hội chứng Tắc nghẽn đường thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea-OSA) ngày càng được nêu ra nhiều ở chuyên khoa mắt. Đây là vấn đề phổ biến ở người béo phì và người già. Ngoài cơ chế gây ra chứng nhẽo mi, do người béo phì không nhắm kín mắt khi ngủ mặc dù bị gối hay chăn cọ vào, lâu dần làm yếu sụn mi gây lộn mi, khô mắt, viêm kết mạc có nhú. Người ta còn đưa ra những dấu hiệu tại đáy mắt rất dễ làm ta hoang mang, đó là: xuất tiết cục bông đơn thuần, giả viêm hay phù gai thị.
Tăng nhãn áp và bệnh glôcôm
Hai nghiên cứu tại châu Á đều chứng tỏ có mối tương quan thuận giữa BMI và nhãn áp.
Keiko Mori, Tiến sĩ Đại học Nagoya, Nhật Bản và cộng sự tiến hành nghiên cứu cắt ngang phân tích 25.296 người nhật, cả hai giới, đã đăng tải trên International Journal of Epidemiology năm 2000. Bệnh nhân được theo dõi 10 năm nhãn áp kèm theo các thông số khác tuổi, giới, huyết áp và cân nặng. Đầu ra cho thấy rõ mối liên quan giữa cân nặng và nhãn áp. Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí nhãn khoa Hàn Quốc cũng cho thấy mối liên quan tương tự giữa nhãn áp và béo phì trong cộng đồng châu Á.
Cơ thể con người là một khối thống nhất. Lý thuyết và thực tế đều chứng minh như vậy. Chuyên khoa Mắt mà chúng ta đang phục vụ liên quan đến tất thảy những vấn đề “nóng” của sức khỏe cộng đồng gần đây: virus Zika, bệnh bạch hầu quay lại, xuất huyết đáy mắt trên bệnh nhân sốt xuất huyết và nay là béo phì nữa. Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm thông báo và tự thấy phải học hỏi nhiều hơn nữa chứ không thấy mình quan trọng.
(Tập hợp từ Eye Surgery News, Am J Ophthalmol, Sleep Med, Graefes Arch Clin Exp Ophthalmol)
- 02/03/2017 11:05 - Những cách trị nổi mề đay tại nhà đơn giản không d…
- 02/03/2017 11:03 - Cách chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không theo d…
- 02/03/2017 11:02 - Bị viêm da cơ địa nên ăn gì và không nên ăn gì?
- 28/02/2017 13:21 - Liên quan giữa thể thao và chấn thương mắt
- 27/02/2017 14:19 - Bệnh thủy đậu và chăm sóc
- 27/02/2017 10:41 - Tôn vinh Ngày Thầy Thuốc Việt Nam
- 24/02/2017 20:57 - Cách bảo quản một số máy móc, dụng cụ sử dụng tron…
- 19/02/2017 18:45 - Thông tin về vaccine HPV dành cho phụ nữ trẻ tuổi
- 17/02/2017 07:25 - Thư, bài viết của Bác Hồ gởi cho cán bộ ngành y tế
- 11/02/2017 19:30 - Giá trị của chất chỉ điểm sinh học CA-125