Bs Phạm Văn Sáu -
Lúc 7 giờ 45 phút ngày 04/02/2020 khoa Cấp cứu, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhi Huỳnh Anh K. 12 tháng tuổi ở Mỹ Đông, An Mỹ, Tam Kỳ trong tình trạng mê sâu, ngưng thở, ngưng tim, toàn thân tái nhợt, đồng tử giãn. Theo thông tin người đưa vào cung cấp thì trẻ được người chăm sóc cho ăn cháo bị sặc nên gọi xe chở vào viện.
Ngay khi tiếp nhận, xác định đây là một tình trạng nguy kịch nên kíp trực đã huy động tất cả nhân lực hôm đó gồm bác sỹ, điều dưỡng tập trung cấp cứu. Chúng tôi làm thủ thuật Heimlich (là thủ thuật dùng tay người cứu hộ gây một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy một dị vật, gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên; dị vật gây tắc khí quản thường xảy ra khi đang ăn, sau khi ăn no, say rượu, sặc bột ỏ trẻ em), thấy bắn ra nhiều dị vật là những mảnh thức ăn đặc từ đường thở của trẻ. Song song với đó là một loạt các kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực cho trẻ em, đặt ống nội khí quản, bóp bóng cung cấp oxy liều cao, truyền dịch, tiêm thuốc vận mạch. Hơn 20 phút cấp cứu liên tục thì bắt đầu có dấu hiệu tim đập trở lại trên monitoring, đây là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục cấp cứu cho trẻ. Sau khoảng 40 phút thì mạch quay rõ, đo được huyết áp, trẻ có nhịp tự thở, da hồng và đặc biệt là đồng tử co lại so với lúc được đưa vào viện. Chúng tôi liên hệ trước với khoa Hồi sức tích cực – chống độc để chuẩn bị phương tiện tiếp nhận bệnh nhi. Tại đó, trẻ được thở máy, điều chỉnh các rối loạn thăng bằng kiềm – toan, điện giải… Đến trưa cùng ngày thì trẻ tự mở mắt, tự thở, kích thích đau đáp ứng tốt, giảm dần liều thuốc vận mạch, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam điều trị theo đúng chuyên khoa trong tình trạng ổn định về sinh hiệu và tri giác cải thiện dần.
Thủ thuật Heimlich ở trẻ nhỏ tư thế nằm sấp và ngửa