Bs Nguyễn Thị Liên Hoa -
Một tổng quan về quản lý huyết động ở những bệnh nhân sốc nhiễm trùng, chiến lược trong việc phát hiện những thay đổi về huyết động và hành động điều trị thích hợp để cải thiện tiên lượng của những bệnh nhân này.
Giới thiệu
Nhiễm trùng huyết là một trong những nguyên nhân chính của việc nhập viện vào Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Nó được định nghĩa như là một rối loạn chức năng cơ quan đe dọa tính mạng, gây ra bởi rối loạn điều hòa đáp ứng cuả vật chủ với tác nhân nhiễm trùng (Singer et al. 2016). Sốc nhiễm trùng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, gây tử vong từ 1/3 đến 1/6 những người mắc phải (Evans et al. 2021). Nó là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tử vong chung ở những bệnh nhân nhập viện do nhiễm trùng huyết có thể lên đến 24,2% và cao hơn ở bệnh nhân có bệnh đồng mắc (33,1 so với 19,1%) (Kaukoken và cộng sự 2014). Sốc nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong ~ 40% (Singer et al. 2016).
Điều trị nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng bao gồm điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh và kiểm soát nguồn nhiễm trùng đồng thời hỗ trợ chức năng đa cơ quan. Những thay đổi huyết động kèm theo sốc nhiễm trùng liên quan đến sự giảm nghiêm trọng sức cản mạch hệ thống (SVR), sự tăng cung lượng tim (CO) ban đầu do giảm hậu tải thất trái (LV) và tăng nhu cầu chuyển hóa tế bào, bên cạnh đó sự giảm thể tích tương đối do rò rỉ chất lỏng qua mạch hoặc giảm thể tích tuyệt đối khi bệnh nhân bị mất chất lỏng đáng kể hoặc không dung nạp chất lỏng đường miệng (ví dụ, nhiễm trùng huyết có nguồn gốc từ ổ bụng hoặc sau phẫu thuật). Ngoài ra, viêm mãn tính có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận (tương đối) và bệnh cơ tim. Bất chấp những tiến bộ y học, việc quản lí tất cả những thay đổi này vẫn còn là thách thức với bác sĩ chuyên khoa, họ phải tập trung vào việc khôi phục tưới máu mô để tăng cường phân phối oxy (D02) đến các mô và hạn chế suy các cơ quan.