Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh- Khoa Phụ Sản
1. Định nghĩa: Bí tiểu sau sinh (BTSS) là tình trạng không đi tiểu được sau sinh 6 giờ, thường kèm theo đau bụng dưới, có hay không có cầu bàng quang và cần thông tiểu để giảm triệu chứng
2. Phân loại:
2.1. BTSS có triệu chứng (30%) không đi tiểu được trong vòng 6 giờ sau sinh hoặc sau khi tháo ống thông tiểu.
2.2. BTSS không triệu chứng(70%): triệu chứng bí tiểu không rõ ràng, thể tích tồn lưu nước tiểu > 150ml.
2.3. BTSS kéo dài: tình trạng không đi tiểu được kéo dài, phải đặt thông tiểu nhiều ngày, chiếm tỷ lệ 0,05%.
3. Yếu tố nguy cơ:
- Con so, đau, táo bón.
- Bàng quang dãn quá mức trong chuyển dạ.
- Chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sinh thủ thuật, giai đoạn sổ thai kéo dài.
- Sang chấn vùng tầng sinh môn, âm hộ phù nề, rách tầng sinh môn phức tạp.
- Mổ lấy thai.
- Giảm đau trong sản khoa, gây tê tủy sống (10-15% bí tiểu sau gây mê, gây tê)
- Con to > 4000g.
4. Triệu chứng:
- Đau hạ vị, tiểu gấp, tiểu ít và lắt nhắt.
- Không thể tự đi tiểu được sau sinh 6 giờ hoặc sau khi lấy thông tiểu.
- Cảm giác bàng quang còn nước tiểu sau khi tiểu.
- Khám có thể thấy cầu bàng quang, đáy tử cung cao và lệch vị trí.
- Siêu âm bàng quang thấy thể tích tồn lưu nước tiểu > 150ml.
5. Hậu quả BTSS:
- Liệt bàng quang, vỡ bàng quang.
- Nhiễm trùng hệ niệu, trào ngược niệu quản, thận ứ nước.
- Suy thận cấp, mạn
- Tiểu không tự chủ, tiểu khó.
6. Điều trị:
6.1. Nguyên tắc điều trị:
- Tập đi tiểu để tạo lại phản xạ đi tiểu.
- Dùng kháng sinh chống nhiễm trùng.
- Dùng kháng viêm chống phù nề chèn ép cổ bàng quang.
- Hỗ trợ tăng trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường.
6.2. Các biện pháp điều trị:
6.2.1. Các phương pháp hỗ trợ tập tiểu không xâm lấn:
- Vận động, ngồi xổm.
- Uống nước 2,5-3 lít/ ngày
- Dội nước ấm vùng âm hộ,ngồi tập tiểu mở vòi nước chảy, chườm ấm vùng hạ vị
- Ấn đáy bàng quang hỗ trợ khi tiểu
- Chườm lạnh vùng tầng sinh môn phù nề
Nếu sau khi sinh hoặc sau khi rút thông tiểu 4 giờ, bệnh nhân chưa tự tiểu nên hướng dẫn bệnh nhân tập tập tiểu bằng các biện pháp không xâm lấn như đã kể trên.
Theo dõi thêm 2 giờ sau đó,
+Nếu bệnh nhân tiểu được > 200ml thì tiếp tục dùng biện pháp hỗ trợ như trên và khuyến khích đi tiểu mỗi 2- 3 giờ một lần.
+ Nếu không tiểu hoặc tiểu < 200ml phải lưu sonde tiểu cho bệnh nhân.
6.2.2. Các phương pháp xâm lấn:
- Sonde tiểu sau 6h, không để có cầu BQ căng, chú ý thao tác vô khuẩn khi sonde tiểu, nên dùng sonde tiểu có kích cỡ nhỏ để tránh phù nề và sang chấn.
- Tập bàng quang: Đặt sonde tiểu giữ lại và tháo kẹp mỗi 3 giờ/lần, tạo lại phản xạ đi tiểu (lưu ý: khi tháo kẹp, người mẹ phải tập rặn tiểu qua sonde).
+ Nếu thể tích tồn lưu nước tiểu khoảng 150-700ml nên lưu sonde tiểu trong khoảng 24 giờ.
+ Nếu thể tích tồn lưu nước tiểu > 700ml nên lưu sonde tiểu khoảng 48 giờ.
+ Nếu thể tích tồn lưu nước tiểu > 1500ml nên thảo luận với chuyên gia hệ tiết niệu.
6.2.3. Thuốc hỗ trợ :
- Thuốc giảm đau: dạng uống hay đặt hậu môn.
- Thuốc kháng viêm, chống phù nề: alphachymotrypsin 4,2mg x 2v x 2-3 lần/ ngày x 5 ngày.
- Kháng sinh
- Hỗ trợ tăng trương lực bàng quang:
+ Prostigmin 0,05 Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, cách nhau 3 giờ x 3-5 lần
+ Xatral 5mg 1viên x 2 lần/ ngày x 5 ngày
6.2.4. Châm cứu: điện châm các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Khúc cốt, Tam âm giao.
Tùy theo sự đáp ứng của bệnh nhân, có thể phối hợp nhiều biện pháp từ hỗ trợ không xâm lấn, tập bàng quang đến dùng thuốc và phối hợp với châm cứu để giải quyết triệu chứng bí tiểu của bệnh nhân.
Những trường hợp phải lưu sonde nhiều ngày hoặc phải sonde tiểu nhiều lần nên xét nghiệm và cấy nước tiểu làm kháng sinh đồ.
7. Các khuyến cáo dự phòng BTSS:
- Trong chuyển dạ, khuyến khích sản phụ đi tiểu mỗi 2- 3 giờ.
- Sau sinh, khuyến khích đi tiểu mỗi 2-3 giờ, chú ý theo dõi trong 6 giờ đầu, hỏi xem sản phụ tiểu được hay không, nếu không tiểu được phải sonde tiểu và sau đó khuyến khích bệnh nhân tập tiểu.
- Vận động sớm, uống nhiều nước,chế độ dinh dưỡng giúp hồi phục sức khỏe nhanh, tập ngồi xổm theo tư thế tự nhiên để dễ tiểu.
- Lưu thông tiểu sau sinh và sau mổ 6 giờ đối với bệnh nhân giảm đau sản khoa và gây tê tủy sống.
- Lưu thông tiểu và theo dõi trong 6 giờ đối với các trường hợp: Băng huyết sau sinh phải chuyền dịch, rách TSM độ III, IV, chấn thương quanh niệu đạo, phù nề tấng sinh môn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Auckland District Health Board (ADHB), Bladder Care Postpartum and Management of Urinary Retention, Clinical Guideline, 20 November 2017.
2. Rona Mackenzie SRN, DN Cert, Cert Ed (FE), BA Hons. Clinical Nurse Specialist Continence, Urinary Retention after Childbirth,2008.
3. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hùng Vương, Bí tiểu sau sinh, Hướng dẫn điều trị 2016.
4. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ, Bí tiểu sau mổ, Phác đồ điều trị sản phụ khoa 2015.
5. Nguyễn Gia Định, Bí tiểu sau sinh, sau mổ lấy thai, Bài giảng kiến thức cơ bản về y học, Sở Y tế Tỉnh Kon Tum, năm 2017.
6. Nguyễn Thị Thanh Hà, Đánh giá hiệu quả điều trị châm cứu tiểu khó, bí tiểu ở sản phụ sau sinh, Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 16 * Phụ bản của Số 1 * 2012
- 02/08/2018 20:33 - Sinh hoạt câu lạc bộ hen - COPD
- 02/08/2018 20:19 - Triển khai kỹ thuật mới tại Bệnh viện đa khoa tỉnh…
- 27/07/2018 07:19 - Bụng to bất thường không chịu đi khám, người phụ n…
- 24/07/2018 16:07 - Phát biểu khoa học 2018 của Hội Tim mạch Mỹ về đán…
- 20/07/2018 10:36 - Nhân một trường hợp sán lá gan nhỏ được chẩn đoán …
- 18/07/2018 07:11 - Xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng Helicobacter …
- 17/07/2018 08:03 - Sơ cứu người bệnh bị bỏng điện
- 17/07/2018 07:58 - Chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu thay khớp gối/thoái hó…
- 17/07/2018 07:47 - Tổng quan những quan điểm hiện nay về điều trị trậ…
- 14/07/2018 12:58 - Tổn thương Syndesmosis