• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Biểu hiện ngoài khớp trong bệnh lý viêm cột sống thể trục

  • PDF.

Bs Trình Trung Phong - 

MỞ ĐẦU

Viêm khớp cột sống thể trục (SpA) là bệnh lý viêm ảnh hưởng đến cột sống và khớp vùng ngoại biên [1]. SpA được phân thành nhiều nhóm phụ bao gồm: viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, viêm cột sống dính khớp (AS), viêm khớp/viêm cột sống liên quan đến bệnh viêm ruột (IBD) và SpA không phân biệt. Tiêu chí phân biệt SpA mới do Hội Đánh giá Viêm khớp cột sống Quốc tế (ASAS) phân loại SpA thành SpA thể trục (axSpA) hoặc SpA thể ngoại biên (pSpA). Bệnh nhân axSpA lại được chia thành AS (theo tiêu chuẩn New York chỉnh sửa) hoặc axSpA không thể hiện qua hình ảnh học (nr – axSpA) khi viêm khớp cùng chậu hoặc tổn thương cấu trúc không được xác định qua chẩn đoán hình ảnh [2, 3].

BIỂU HIỆN NGOÀI KHỚP CỦA ax – SpA

AxSpA ảnh hưởng chủ yếu đến khớp trục, đặc biệt là khớp cùng chậu. Một số vị trí khác bao gồm cột sống, khớp ngoại biên và khớp bám gân. Biểu hiện ngoài khớp phổ biến nhất của AS và nr – axSpA là viêm màng bồ đào, viêm ruột, các bệnh trên da, bệnh ở tim, phổi, xương và thận [4].

Biểu hiện ở mắt

Viêm màng bồ đào là biểu hiện ngoài khớp thường gặp nhất ở bệnh nhân AS. Khoảng 20 – 30% bệnh nhân viêm khớp có nguy cơ bị mắc viêm màng bồ đào [4]. Cho đến nay, có khoảng 14.5% bệnh nhân nr – axSpA và 15.3% bệnh nhân AS bị viêm màng bồ đào. Về mặt lâm sàng, viêm màng bồ đào được đặc trưng bởi tình trạng đau và đỏ mắt, nhạy cảm với ảnh sáng, nhìn mờ và tăng sinh nước mắt. Ở giai đoạn tiến triển, viêm màng bồ đào có thể tiến triển thành mủ tiền phòng, dính mống mắt, đục thủy tinh thể, glaucoma và suy giảm thị lực [4].

Biểu hiện trên đường tiêu hóa

Bệnh nhân axSpA có thể bị viêm ruột (IBD) như bệnh Crohn’s và viêm loét đại tràng [5]. Tỷ lệ mắc IBD ở bệnh nhân AS là 3.4% và ở bệnh nhân nr – axSpA là 4.1% [3]. Triệu chứng của bệnh viêm ruột có thể thay đổi từ nhẹ đến nghiêm trọng với biểu hiện phổ biến nhất là tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sụt cân, có máu và dịch nhầy trong phân, thiếu máu và lở miệng. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh Crohn’s. Thuốc điều trị chỉ có thể làm giảm triệu chứng và phòng ngừa tái phát [5].

Biểu hiện trên da

Gần 6.2% bệnh nhân nr – axSpA và 5.4% bệnh nhân AS bị mắc kèm bệnh vảy nến [3]. Bệnh nhân bị vảy nến mắc kèm có xu hướng biểu hiện các triệu chứng trên khớp ngoại biên. Hơn nữa, bệnh nhân có bệnh vảy nến mắc kèm có biểu hiện bệnh nặng hơn bệnh lý AS nguyên phát hoặc bệnh AS liên quan đến IBD [4].

Biểu hiện trên xương

Loãng xương và thiếu xương là các biến chứng ngoài khớp thường gặp của AS. Có khoảng 63% bệnh nhân AS bị loãng xương hoặc thiếu xương. Hơn nữa, có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa mật độ khoáng xương đùi (BMD) và nguy cơ gãy xương đốt sống (VF) ở bệnh nhân AS. Bệnh nhân AS có bệnh hoạt động thường bị mất xương (đặc biệt là cổ xương đùi) [6].

Biểu hiện ở tim

Bất thường tim mạch bao gồm tỷ lệ mắc rối loạn dẫn truyền cao hơn, bệnh van tim và bệnh cơ tim thường phổ biến ở bệnh nhân mắc AS. Tỷ lệ mắc bệnh tim ở bệnh nhân AS là 10 – 30%. Vì bệnh viêm mạn tính và rối loạn điều hòa miễn dịch, bệnh nhân AS có tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch cao hơn, đây có thể là lý do khiến nguy nhân mắc các bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng (20 – 40%) ở bệnh nhân AS [4, 6].

Biểu hiện ở phối

Một số bất thường trên phổi có thể gặp ở bệnh nhân AS bao gồm các bệnh trên đường hô hấp và bất thường mô kẽ, khí phế thủng, dày vách liên tiểu thùy, dày thành phế quản và dày màng phổi. Tỷ lệ mắc các bất thường liên quan đến phổi ở bệnh nhân AS là 40 – 88% [4, 6].

Biểu hiện ở thận

Các bất thường liên quan đến thận liên quan đến bệnh nhân AS bao gồm viêm cầu thận IgA, tiểu máu vi thể, microalbumin niệu và suy giảm chức năng thận và giảm thanh thải creatinin. Khoảng 30 – 35% bệnh nhân AS mắc các bất thường này. Amyloidosis thường phổ biến hơn ở bệnh nhân AS có bệnh lý hoạt động và bệnh nhân AS lớn tuổi đã mắc bệnh trong thời gian dài [6].

BÀN LUẬN

AxSpA chủ yếu ảnh hưởng đến khớp cùng chậu, tuy nhiên axSpA cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm mắt, ruột, da, tim, phổi, xương và thận [4]. Bệnh nhân AS và nr – axSpA có biểu hiện lâm sàng tương tự nhau ngoại trừ viêm khớp ngoại biên (phổ biến hơn ở bệnh nhân nr – axSpA). Tương tự, chất lượng cuộc sống, chức năng và gánh nặng bệnh tật cũng tương đồng ở bệnh nhân AS và nr – axSpA, tuy nhiên bệnh nhân AS bị ảnh hưởng nhiều hơn đến chức năng vận động [3].

Lược trích từ https://app.docquity.com/#/clinical/detail/5594

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jain N, Moorthy A. Current concepts in the pathogenesis of spondyloarthritis. Indian Journal of Rheumatology. 2020 Jun 1;15(5):6.
  2. de Winter JJ, van Mens LJ, van der Heijde D, Landewé R, Baeten DL. Prevalence of peripheral and extra-articular disease in ankylosing spondylitis versus non-radiographic axial spondyloarthritis: a meta-analysis. Arthritis research & therapy. 2016 Dec 1;18(1):196.
  3. Erol K, Gok K, Cengiz G, Kilic G, Kilic E, Ozgocmen S. Extra-articular manifestations and burden of disease in patients with radiographic and non-radiographic axial spondyloarthritis. Acta reumatologica portuguesa. 2018 Jan 1;43(1).
  4. El Maghraoui A. Extra-articular manifestations of ankylosing spondylitis: prevalence, characteristics and therapeutic implications. Eur J Intern Med. 2011 Dec;22(6):554-60.
  5.  National Axial Spondyloarthritis Society. What is Axial SpA (AS). Available from: https://nass.co.uk/about-as/what-is-as/
  6. Elewaut D, Matucci-Cerinic M. Treatment of ankylosing spondylitis and extra-articular manifestations in everyday rheumatology practice. Rheumatology. 2009 Sep 1;48(9):1029-35.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 30 Tháng 9 2024 14:49

You are here Đào tạo Đào tạo nhân viên BV Biểu hiện ngoài khớp trong bệnh lý viêm cột sống thể trục