Bs CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu
I. MỤC ĐÍCH
Adrenalin là thuốc kích thích adrenergic vừa có tác dụng β adrenergic (β1, β2) vừa có tác dụng α adrenergic. Thuốc có tác dụng nhanh 1 – 2 phút và kéo dài trong 2 – 10 phút. Sử dụng adrenalin trong cấp cứu nhằm:
- Tác dụng lên thành mạch: adrenalin gây co mạch, tăng sức cản mạch do đó giảm tính thấm thành mạch và gây tăng huyết áp. Với động mạch chủ làm tăng áp lực tâm trương động mạch chủ, tăng lượng máu động mạch vành do đó tăng dòng máu nuôi dưỡng cơ tim trong trường hợp sốc (tác dụng α), đồng thời tăng dòng máu não.
- Tác dụng trên cơ: tăng co cơ thành mạch, tăng co bóp cơ tim (tác dụng β1). Nhưng có thể làm rung thất (tác dụng α).
- Tăng nhịp tim và dẫn truyền xoang nhĩ, nhĩ thất và trong thất (tác dụng β1).
- Tác dụng giãn phế quản và tiểu phế quản, chống lại tác dụng histamin trong phản ứng dị ứng (tác dụng β2).
II. CHỈ ĐỊNH
1. Ngừng tim do các nguyên nhân khác nhau
2. Duy trì nhịp tim và huyết áp, tăng dòng máu vành.
3. Sốc phản vệ, sốc nhiễm khuẩn.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Thận trọng ở người bệnh ngừng tim có thai.
2. Glocom góc hẹp.
3. Gây mê dùng thuốc co mạch (thiếu oxy).
IV. CHUẨN BỊ
- Bác sỹ hoặc điều dưỡng có kiến thức sử dụng Adrenalin.
- Adrenalin pha loãng 1/1000 (1mg/ống).
- Adrenalin pha loãng 1/10.000 (0,1mg/ống).
- Bơm tiêm, kim tiêm các loại.
- Catherter, ống thông hút dịch phế quản vô khuẩn.
- Dung dịch NaCL 0,9%.
- Monitor theo dõi.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Adrenalin đường tĩnh mạch: 1mg (dung dịch 1/1000) tiêm tĩnh mạch chậm, có thể nhắc lại sau mỗi 5 phút, không kết quả có thể nâng lên 2mg, 3mg sau mỗi 5 phút. Có thể truyền tĩnh mạch: 1mg + 250ml glucose 5% (4µg/ml). Không truyền với dung dịch kiềm vì mất tác dụng thuốc. Có thể dùng tĩnh mạch ngoại biên hay trung tâm.
2. Adrenalin đường nội khí quản: tác dụng cũng nhanh như đường tĩnh mạch, liều 2mg (lấy 2ml của dung dịch 1/1000). Liều Adrenalin được pha loãng trong 10ml dung dịch NaCL 0,9% bơm qua Catheter có nhiều lỗ nhỏ đưa vào trong khí quản nhằm khuyếch tán hấp thụ thuốc tốt nhất.
3. Adrenalin truyền tĩnh mạch liên tục: Phải qua đường tĩnh mạch trung tâm 1mg + 250ml glucose 5% với liều 2µg/ phút lúc đầu, sau đó điều chỉnh theo kết
quả, duy trì 1µg/ phút. Có thể dùng liều cao adrenalin truyền liên tục 30mg + 250ml glucose 5%. Cứ mỗi giờ truyền 100ml sẽ cho tác dụng α; liều thấp hơn cho tác dụng β.
4. Adrenalin tiêm qua màng nhẫn giáp hoặc dưới lưỡi: dùng liều như đường tĩnh mạch.
5. Adrenalin tiêm trong tim: chỉ có hiệu quả khi đang phẫu thuật mở tim và tiêm adrenalin trong tim với liều 1mg hoặc tăng tới 3mg. Tiêm adrenalin vào tim ngoài lồng ngực ở vị trí khoang liên sườn 4 cách bờ trái xương ức 2cm, chọc sâu xuống 3-5cm hút ra thấy máu tươi rồi bơm thuốc vào đôi khi có tác dụng, nhưng lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
1. Trong cấp cứu ít thấy tác dụng phụ, có thể: adrenalin gây tăng tiêu thụ oxy cơ tim, tăng tính kích thích cơ tim ở người bệnh suy vành, vì thế dùng adrenalin phải cho người bệnh thông khí tốt, đủ oxy.
2. Không trộn adrenalin vào dung dịch kiềm
- 10/10/2014 08:13 - Phác đồ và kỹ thuật đặt nội khí quản khó
- 09/10/2014 19:36 - Điều dưỡng với chuẩn bị bệnh nhân trước mổ
- 05/10/2014 19:08 - Quy trình bảo dưỡng máy gây mê kèm thở
- 24/09/2014 16:49 - Hướng dẫn thu thập, bảo quản, đóng gói và vận chuy…
- 24/09/2014 16:40 - Sốc điện
- 23/05/2014 12:16 - Chăm sóc người bệnh sỏi đường mật
- 19/04/2014 10:00 - Kỹ năng giao tiếp
- 22/03/2014 13:51 - Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay
- 09/03/2014 09:21 - Trọng tâm công tác điều dưỡng quý I năm 2014
- 28/02/2014 12:29 - Kỹ thuật đặt sonde tiểu nam