• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hôn mê kéo dài sau uống rượu: Đừng chủ quan!

  • PDF.

Bs CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu

Lạm dụng rượu và nghiện rượu là tình trạng phổ biến hiện nay trong cộng đồng, đặc biệt ở vùng nông thôn. Khi say rượu, bản thân người say không làm chủ được mình nên có thể bị những chấn thương mà đôi lúc không biểu hiện ra bên ngoài nhưng tổn thương bên trong thì rất nặng nề, đặc biệt là chấn thương sọ não kín dẫn đến hôn mê kéo dài. Trong khi người thân nghĩ rằng cũng như mọi lần trước, cứ hết say thì lại tỉnh ra nên chủ quan không đưa đến bệnh viện, khi không thể chờ được nữa mới đưa đi viện thì tình trạng của bệnh nhân đã quá nguy kịch, ngoài chấn thương còn kèm theo các rối loạn phối hợp khác nên tỷ lệ tử vong rất cao.

ruoubs1

 Hình ảnh máu tụ DMC trên CT scanner (hình minh họa)

Sau đây xin nêu 2 trường hợp lâm sàng trong số nhiều bệnh nhân như trên vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh trong thời gian qua:

Trường hợp 1:

  • Họ và tên: Nguyễn Thị Th. 43 tuổi ở xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My.
  • Vào viện ngày 17/2/2016.
  • Lý do vào viện: Hôn mê kéo dài, tuyến dưới chuyển tuyến.
  • Bệnh sử: Theo người nhà khai, bệnh nhân có thói quen uống rượu, cách 3 ngày đi làm về cũng uống rượu rồi đi ra núi bị ngã, chỉ trầy xước da nhẹ ở tay, chân và vùng trán, sau đó bệnh nhân nằm ngủ. Người chồng nghĩ rằng vợ bị say rượu nên không chú ý gì. Chờ đến 2 ngày mà vợ cũng không thức dậy nên được đưa vào tuyến dưới khám, truyền dịch, đường ưu trương, điều trị 1 ngày vẫn không cải thiện, tiên lượng nặng nên chuyển tuyến.

Tại khoa Cấp cứu ghi nhận: Bệnh nhân sốt cao 39 độ, Glasgow (E1V2M4) = 7đ. Có vài vệt trầy da ở tay, chân đã khô, vài vết bỏng nông ở bàn chân, đặc biệt chúng tôi chú ý có vết thương phần mềm nông vùng trán bên trái khoảng 3cm còn rỉ dịch. Ngoài ra không phát hiện gì thêm. Chẩn đoán ban đầu: Hôn mê chưa rõ nguyên nhân, theo dõi chấn thương sọ não kín do bị ngã. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, chụp CT scanner sọ não phát hiện tụ máu DMC bán cầu trái, sinh hóa có rối loạn về điện giải. Sau khi điều chỉnh về điện giải, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ, điều trị hậu phẫu và ra viện. Như vậy, có thể kết luận rằng bệnh nhân say rượu bị ngã, chấn thương sọ não kín dẫn đến hôn mê, còn vết bỏng ở bàn chân là do trời lạnh, bệnh nhân nằm bên bếp lửa để sưởi ấm, đưa chân vào lửa mà không biết.

ruoubs2 

Hình ảnh máu tụ NMC trên CT scanner (hình minh họa)

Trường hợp 2:

  • Họ và tên: Tăng Văn B. 60 tuổi ở xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước.
  • Vào viện ngày 24/3/2016.
  • Lý do vào viện: Hôn mê.
  • Bệnh sử: Theo lời người nhà khai, trưa cùng ngày bệnh nhân đi đám, có uống rượu, không rõ có chấn thương đầu hay không, sau đó bệnh nhân về nằm từ chiều đến tối vẫn không tỉnh, lay gọi chỉ ú ớ, được người nhà đưa vào viện.

Tại khoa Cấp cứu ghi nhận: Huyết áp 130/80 mmHg, Glasgow (E1V2M4) = 7đ, vạch tóc khám kỹ da đầu vùng đỉnh bên phải có đám bầm tím nhỏ, ngoài ra không phát hiện gì thêm. Tiền sử không có gì đặc biệt. Bệnh nhân được xét nghiệm huyết học, sinh hóa (kết quả trong giới hạn bình thường). Chụp CT scanner sọ não: xuất huyết não và não thất. Như vậy, do say rượu nên có thể bệnh nhân đã bị ngã mà không ai biết gây chấn thương sọ não kín.

Qua 2 bệnh nhân trên, chúng tôi khuyến cáo rằng: Gặp trường hợp sụt giảm tri giác, hôn mê sau uống rượu thì không được chủ quan, không nên nghĩ rằng đó là say rượu đơn thuần, vì đó có thể là một tình trạng:

  • Tai biến mạch máu não.
  • Chấn thương sọ não kín.
  • Ngộ độc rượu.
  • Hạ đường huyết.
  • Rối loạn điện giải.

Tất cả đều nguy hiểm nên cần đưa đến bệnh viện kịp thời.

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 05 Tháng 6 2016 16:55

You are here Tin tức Y học thường thức Hôn mê kéo dài sau uống rượu: Đừng chủ quan!