• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh thủy đậu và vai trò của điều dưỡng

  • PDF.

CN Nguyễn Thị Kim Loan - Khoa YHNĐ

Bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em, hay xảy ra vào mùa đông – xuân, dễ bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự biến đổi của khí hậu, bệnh xảy ra gần như quanh năm. Tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh thủy đậu xảy ra ở người trưởng thành.

I. Vậy Bệnh thủy đậu là gì? Làm sao nhận biết?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra, virus này có  ái tính với da, niêm mạc và hệ thống thần kinh. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt, phát ban dạng mụn nước trên da và niêm mạc.

thuyda1

Ban có đặc điểm: Mọc ngay từ ngày đầu, lúc đầu có màu đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng nước không có mụn mũ nếu không nhiễm khuẩn, nốt đậu  mọc nông trên da, có hình cầu đường kính khoảng 5mm, xung quanh tấy đỏ, một số nốt phỏng hơi lõm ở giữa. Ban mọc khắp người, cả ở da đầu (chân tóc bao giờ cũng có ban). Ban mọc không theo thứ tự và thành nhiều đợt cách nhau 3-4 ngày, vì vậy trên cùng một vùng da có nhiều tuổi ban khác nhau. Trong niêm mạc đôi khi cũng có nốt phỏng, khi vỡ để lại những nốt loét nông tròn hoặc bầu dục, ít khi mọc ở màng tiếp hợp hay âm hộ. Ban mọc thường gây ngứa nhiều, khi vỡ dễ bị bội nhiễm. Nốt thủy đậu thường khô sau 4-6 ngày, không để lại sẹo vĩnh viễn trừ khi bị gãi loét và bội nhiễm.

Thời gian nung bệnh (không triệu chứng) của thủy đậu kéo dài 10 – 21 ngày, trung bình từ 14 – 17 ngày.

Thủy đậu nói chung lành tính, song nếu không được điều trị sớm và đầy đủ cũng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Viêm da và mô dưới da nhiễm trùng do nốt đậu bị vỡ hoặc do bệnh nhân gãi gây trầy xước, thường gặp nhiễm trùng do liên cầu và tụ cầu vàng, trong đó Hoại tử thủy đậu do Liên cầu nhóm A gây ra là một biến chứng rất nặng.  Viêm phổi cũng là một biến chứng tương đối thường gặp ở người lớn và người bị suy giảm miễn dịch. Ở những  người uống Aspirin trong giai đoạn ban mọc, sang giai đoạn hồi phục, có thể xuất hiện hội chứng Reye (nôn, hôn mê hoặc co giật, xuất huyết nội tạng, tăng Transaminase máu, tăng Amoniac, tăng đường huyết). Ngoài ra, thủy đậu có thể gây ra viêm cơ tim,  viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng huyết do bội nhiễm … nặng nhất là viêm não- màng não, có thể để lại di chứng như rối loạn tiền đình, mù, liệt, đần độn … Bệnh thủy đậu đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, trẻ em sinh ra từ người mẹ bị thủy đậu trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển trí tuệ …

II. Bệnh thủy đậu lây truyền như thế nào?

Thủy đậu lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, virus trong nước bọt của bệnh nhân được tung ra môi trường xung quanh khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, người lành hít phải và bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng của bệnh nhân khi chăm sóc hoặc thông qua quần áo, khăn mặt, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt … có dính dịch nốt phỏng.

Theo thống kê, có đến 90% trẻ em mắc bệnh thủy đậu sẽ lây bệnh cho tất cả người thân trong gia đình, sở dĩ như vậy là vì trẻ em không thể tự chăm sóc trong  sinh hoạt hàng ngày được mà cần có sự trợ giúp của người thân – đây là nguyên chính làm cho người thân trong gia đình trẻ dễ bị lây nhiễm.

Thời gian lây nhiễm bắt đầu từ cuối thời kỳ nung bệnh tới khi nốt phỏng bong vẫy. Do trong giai đoạn nung bệnh (trước khi nổi ban) người bệnh đã sẵn có virus gây bệnh và mặc dù khi không còn nổi ban nữa, các ban đã đóng vảy nhưng virus từ các mụn ban vẫn chưa bị chết hoàn toàn, nếu gặp điều kiện thuận lợi vẫn có thể phát triển và lây lan cho người khác.

Sau khi khỏi, bệnh sẽ tạo ra miễn dịch bền vững.

III. Vậy vai trò của điều dưỡng trong bệnh này phải như thế nào?

Do thủy đậu là một bệnh dễ lây và có nhiều biến chứng, trong đó thường gặp nhất là bội nhiễm nốt thủy đậu. Vì vậy, trong quá trình điều trị, vai trò của điều dưỡng trong việc tư vấn, chăm sóc, theo dõi, phòng ngừa lây nhiễm, phát hiện và ngăn ngừa biến chứng  là hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. Cụ thể:

Người bệnh thủy đậu cần được tư vấn đầy đủ về các đường lây nhiễm và tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người thân trong gia đình và cộng đồng như sau: Cách ly, điều trị cho tới khi khỏi hẳn, người bệnh cần nằm ở phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, học sinh phải nghỉ học). Người bệnh cần được khuyến cáo nên đeo khẩu trang để phòng lây lan cho người khác.

Người thân, khách đến thăm và nhân viên y tế, khi tiếp xúc người bệnh thủy đậu cần phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

thuyda2 

Buồng bệnh cần được vệ sinh thường xuyên, lau sàn, bàn ghế, tủ giường hàng ngày bằng nước Javel hoặc dung dịch Cloramin B. Các vật dụng cá nhân như khăn mặt, ly, chén, muỗng đũa, đồ chơi không nên dùng chung và phải được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó rữa lại bằng nước sạch, đối với những vật nhỏ có thể đem phơi nắng.

Do ban thủy đậu rất ngứa, dễ bị gãi làm vỡ nốt phỏng, nguy cơ bội nhiễm cao. Vì vậy, người bệnh cần được mặc quần áo vải mềm, rộng, thấm hút mồ hôi, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm. Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu, cần giữ  vệ sinh da và đôi bàn tay luôn sạch sẽ. Đối với trẻ em, nên cắt móng tay, giữ tay trẻ thật sạch, có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng. Khi các nốt phỏng vỡ, cần chấm dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) chống nhiễm khuẩn.

thuyda3 

Nên khuyên người bệnh ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hàng ngày, nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Người bệnh cần được theo dõi tình trạng sốt, hô hấp, tinh thần kinh … để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.

Hiện  đã có vaccin phòng bệnh, cần tư vấn cho người chưa mắc bệnh đi tiêm chủng. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần. Không tiêm vắc xin thuỷ đậu cho phụ nữ đang mang thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tiêm vaccin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 26 Tháng 5 2016 20:23

You are here Tin tức Y học thường thức Bệnh thủy đậu và vai trò của điều dưỡng