• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Kiểm soát nhiễm khuẩn ở bệnh viện: Thiếu và yếu

  • PDF.

Hiện nay, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình (8%). Theo các chuyên gia về y tế, nếu con số này tăng lên nữa thì rất nguy hiểm.

Vì vậy, việc hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cho cộng đồng vẫn đang là một thách thức lớn đối với các bệnh viện.

63% cán bộ quản lý không đào tạo chuyên ngành

Đánh giá về đội ngũ nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Phạm Đức Mục thừa nhận, trưởng khoa nhiễm khuẩn bệnh viện thường phải là người có chuyên môn, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ có một vài người có năng lực như vậy.

Vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành điều tra cắt ngang được thực hiện vào tháng 8/2012 nhằm đánh giá thực trạng công tác tổ chức, nguồn lực và thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh công lập.

IMG_2775
Chăm sóc bệnh nhân thở máy tại khoa Hồi Sức Tích Cực-Chống Độc BVĐK QNam

Qua khảo sát hơn 500 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn chưa hoàn thiện theo yêu cầu, đội ngũ cán bộ về lĩnh vực này nhất là ở tuyến huyện còn thiếu, chưa đủ năng lực, chưa được đào tạo, nhiều nhiệm vụ chuyên môn trọng yếu về kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm triển khai thực hiện.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ cán bộ quản lý tổ kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo chuyên ngành còn rất lớn. Tỷ lệ chung chưa được đào tạo là 63%, trong đó tuyến trung ương là 31 %, tuyến tỉnh là 60% và tuyến huyện là gần 70%.

Thực trạng tại các bệnh viện chưa chú ý xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác này trong bệnh viện. Điều này đến ngay cả bệnh viện tuyến trung ương cũng không có nhiều khoa kiểm soát nhiễm khuẩn có đầy đủ cả trưởng khoa, phó trưởng khoa và điều dưỡng.

Tình hình này lại càng bất cập hơn tại tuyến tỉnh vì trong số 112 bệnh viện tuyến tỉnh đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn thì mới chỉ có 65 bệnh viện bổ nhiệm chức vụ trưởng khoa này (chiếm tỷ lệ 58%). Trong 105 bệnh viện huyện thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn thì có 95 khoa đã bổ nhiệm chức vụ trưởng khoa.

Ông Mục cho hay, qua tìm hiểu thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ một số bệnh viện huyện thành lập khoa và bổ nhiệm chức vụ trưởng khoa là để thu hút và giữ chân cán bộ.

Còn có tới 10% trưởng khoa, tổ trưởng kiểm soát nhiễm khuẩn chủ yếu là ở tuyến tỉnh và tuyến huyện có nghề nghiệp ít liên quan đến chuyên môn như kỹ sư hay cử nhân kinh tế.

Với thực trạng như vậy thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động cũng như chất lượng của các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.

40% bệnh viện chưa kiểm soát được nhiễm khuẩn

Theo quả điều tra Thực trạng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại 522 cơ sở khám chữa bệnh năm 2012 thì có gần 60% bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Như vậy, còn lại 40% bệnh viện chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết các bệnh viện chưa đảm bảo được các cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Minh Tâm – Hội điều dưỡng Việt Nam cho biết, khảo sát thực trạng tổ chức thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn và nhu cầu đào tạo tại 9 bệnh viện thuộc dự án sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch cho thấy, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là hầu hết các bệnh viện không có buồng cách ly bệnh nhân nhiễm khuẩn, nếu có thì không đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh viện không có buồng thu gom và xử lý vật dụng sau khi dùng.

Gần 44% các bệnh viện không trang bị bồn rửa tay trong buồng bệnh. Hầu hết các buồng rửa tay được trang bị trong buồng thủ thuật và buồng hành chính khoa.

Điển hình như tại Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt (Cần Thơ) chỉ thực hiện được việc giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện ở khoa sản và khoa ngoại, chưa làm được ở các khoa phòng còn lại. Bệnh viện cũng chưa có buồng cách ly cho mỗi khoa lâm sàng, chỉ mới thực hiện được ở khoa hồi sức tích cực, chống độc và khoa nhi.

Theo bác sỹ Đoàn Văn Hiền – Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), một khó khăn trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hiện nay tại bệnh viện là do bệnh viện thường xuyên quá tải, công việc nhiều nên thời gian mạng lưới viên kiểm soát nhiễm khuẩn với khoa kiểm soát nhiễm khuẩn khó sắp xếp. Vì vậy, lịch họp mạng lưới ít, sáu tháng mới họp một lần, trong khi yêu cầu đặt ra là định kỳ ba tháng họp một lần.

Nhiễm khuẩn gây nên những hậu quả nặng nề không chỉ cho người bệnh, gia đình người bệnh, cho cơ sở y tế mà còn cho toàn xã hội. Vì vậy, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện luôn là một nhiệm vụ ưu tiên và là một chỉ số thiết yếu về chất lượng khám, chữa bệnh.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là khi các bệnh viện vẫn diễn ra tình trạng quá tải và nhiều bệnh viện không nâng cấp được cơ sở vật chất thì nguy cơ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện vẫn hiện hữu và nhiều người dân vẫn phập phồng nỗi lo lây nhiễm bệnh. Nên chăng các bệnh viện thời gian tới cần sự  đầu tư quyết liệt hơn nữa để người dân được an tâm khi tới những cơ sở điều trị bệnh./.

NhiemkhuanBV

Khoa KSNK 
(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn)

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 21 Tháng 11 2012 17:37

You are here Tin tức Y học thường thức Kiểm soát nhiễm khuẩn ở bệnh viện: Thiếu và yếu