• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn như thế nào là đúng?

  • PDF.

Bs Nguyễn Nhật Vỹ - 

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn cắn vào viện. Điều đáng nói là, hầu như đại đa số các trường hợp đều xử trí khi bị rắn cắn không phù hợp, thậm chí có những trường hợp vào viện với phần chi bị cắn hoại tử nặng, triệu chứng toàn thân.

Dưới đây là một số “niềm tin” sai lầm trong xử trí bệnh nhân bị rắn cắn:

1. Garo để chặn nọc độc

Các bệnh nhân vào khoa cấp cứu khi bị rắn cắn thường với một garo ở trên vị trí bị rắn cắn, và thường garo rất chặt.

Mọi người thường nghĩ rằng khi garo cố định ở trên vị trí cắn ở các chi sẽ làm ngăn cản nọc độc lan rộng trong cơ thể. Tuy nhiên, động tác này không giúp ngăn cản được nọc độc và loại bỏ hoàn toàn nọc ra khỏi cơ thể, ngược lại, garo sẽ làm thiếu máu ở chi bị garo, chi bị phù nề, hoại tử nhanh, và khi mở ra garo sẽ làm nọc độc ồ ạt lan vào toàn thân dẫn đến các triệu chứng toàn thân diễn tiến khó lường.

birancan

Bệnh nhân bị rắn cắn vào viện với bàn chân phù nề do garo quá chặt

2. Rạch, nặn và dùng miệng hút vết cắn

Các hành động này không được khuyến cáo sử dụng với vết rắn cắn. Khi rạch vết cắn rộng hơn, có thể gây nguy hiểm nếu người bị rối loạn đông máu, với các nọc độc có ảnh hưởng đến chức năng đông máu của bệnh nhân. Nặn có thể làm cho vị trí vết cắn sưng nề hơn, dùng áp lực tác động lên có thể làm nọc lan nhanh và rộng hơn, dẫn đến các tác động toàn thân đến sớm, trước khi người bệnh được đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị. Dùng miệng hút ở vết rắn cắn hoàn toàn không có lợi nên không khuyến cáo làm điều này.

3. Sử dụng thảo dược điều trị rắn cắn

Một số bệnh nhân đến khoa cấp cứu với tình trạng chi có vết cắn bị hoại tử nặng nề và tình trạng toàn thân nặng nề vì bị rắn cắn, và ở nhà dùng các loại thuốc dân gian tự chế không rõ nguồn gốc và tác dụng. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì thường các bệnh nhân đến cơ sở y tế rất muộn sau khi bị rắn cắn, các ảnh hưởng toàn thân thậm chí rất nặng nề.

Thuốc kháng nọc tĩnh mạch là phương pháp điều trị đặc hiệu duy nhất cho rắn cắn, không có các viên uống, chiết xuất thảo dược, thuốc đắp tại vết cắn bao gồm cả than, tro được chứng minh có hiệu quả trong điều trị nọc độc rắn cắn.

Vậy điều nên làm khi sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn là gì?

  • Đầu tiên, nên trấn an bệnh nhân, tránh để bệnh nhân kích thích hoặc lo lắng quá mức, đặt bệnh nhân nằm yên trên mặt phẳng, hạn chế di chuyển, có thể đặt chi bị cắn ở vị trí thấp hơn tim.
  • Rửa vết cắn nhẹ nhàng, nẹp cố định chi bị rắn cắn, tránh di chuyển chi để tránh nọc độc lan nhanh hơn.
  • Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định và gần cơ sở y tế, có thể vận chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sơ y tế và phải tuân thủ các điều ở trên để đảm bảo an toàn. Nếu ở xa cơ sở y tế, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu toàn thân nguy cấp, cần liên lạc xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân, đảm bảo chức năng hô hấp và tuần hoàn.
  • Nếu có thể, hãy để ý các đặc điểm của rắn đã cắn như màu sắc, độ dài, có vằn hay chấm gì không, sống ở đâu,... để mô tả lại cho các bác sĩ có cơ sở xác định được loài rắn sớm, đảm bảo điều trị kháng nọc rắn chính xác hơn và sớm hơn cho bệnh nhân.
  • Đối với bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, chưa xác định được là rắn có nọc độc hay rắn không có nọc độc, tất cả bệnh nhân nên được đưa đến bệnh viện theo dõi sát, ngoài ra việc đến bệnh viện cũng cần thiết để tiêm phòng ngừa uốn ván khi bị rắn cắn.

Hi vọng các bạn sẽ có được những kinh nghiệm để sơ cứu người bị rắn cắn một cách đúng đắn, đảm bảo an toàn cho người bị cắn.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 26 Tháng 4 2021 17:45

You are here Tin tức Y học thường thức Sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn như thế nào là đúng?