• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Kịp thời cứu sống bệnh nhân hen phế quản cấp nặng

  • PDF.

Bs Đặng Ngọc Thành - 

Lúc 13 giờ 38 phút ngày 14/9/2022 khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Dương T. N. 57 tuổi ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng ngưng thở, trụy tuần hoàn, hôn mê sâu. Theo thông tin người nhà cung cấp: Bệnh nhân tiền sử hen phế quản, chưa có tiền sử tăng huyết áp và bệnh lí tim mạch khác, trên đường từ tỉnh Kon Tum ra Bắc, dừng lại ở Quảng Nam ăn cơm thì lên cơn hen và diễn biến nặng nhanh chóng, được gọi xe đưa vào khoa Cấp cứu ghi nhận:

Mạch bẹn rời rạc, huyết áp không đo được, ngưng thở, vã mồ hôi, da lạnh tái, Glasgow 3đ.

Kíp trực đã tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy liều cao, dùng các thuốc giãn phế quản, sau 20 phút cấp cứu tích cực bệnh nhân có mạch quay rõ, huyết áp ổn định, tự thở qua ống nội khí quản, Glasgow 10đ, tiếp tục chuyển khoa điều trị và ổn định ra viện ngày 20/9/2022.

henpq2

Đây là trường hợp cơn hen nguy kịch đã được phát hiện sớm và đưa đến kịp thời nên được cứu sống mà không để lại di chứng não. Qua đó chúng tôi khuyến cáo với những bệnh nhân hen là:

- Hiện nay thời tiết đã chuyển sang mùa đông nên cơn hen dễ xẩy ra.

- Cơn hen phế quản cấp đặc trưng bởi những cơn khó thở kiểu hen xảy ra ở một người có tiền sử mắc hen phế quản hoặc các bệnh dị ứng. Cơn khó thở kiểu hen thường có các đặc điểm sau:

  • Hoàn cảnh xuất hiện: cơn hen thường xuất hiện về đêm hoặc sau khi tiếp xúc với các yếu tố kích phát như gắng sức, hít phải khói, bụi, thuốc lá, mùi thơm, nấm mốc, tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh (như lông thú), bị cảm cúm hoặc thay đổi thời tiết.
  • Tiền triệu: hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt, buồn ngủ, ho thành cơn (lúc này phải báo cho người thân biết và chuẩn bị sẵn phương tiện đưa đến bệnh viện).
  • Cơn khó thở: khó thở ra, khò khè, thở rít, mức độ khó thở tăng dần, người bệnh thường phải ngồi dậy để thở, có thể kèm theo vã mồ hôi, da lạnh, nói khó.

- Các yếu tố tiên lượng nặng cần đưa đến bệnh viện sớm là:

  • Có tiền sử bị các cơn hen nặng phải đặt nội khí quản hoặc thở máy.
  • Có ít nhất 1 lần phải đi cấp cứu vì hen trong 1 năm gần đây.
  • Dùng kéo dài hoặc ngưng dùng đột ngột glucocorticoid đường uống.
  • Không điều trị kiểm soát hen bằng glucocorticoid xịt.
  • Lệ thuộc thuốc cường β2 tác dụng nhanh, đặc biệt những người dùng nhiều hơn 1 bình xịt salbutamol/ tháng.
  • Có tiền sử dị ứng thức ăn.
  • Phải dùng phối hợp ít nhất 3 nhóm thuốc chữa hen.
  • Có các vấn đề về tâm thần hoặc đang phải dùng thuốc an thần.
  • Tiền sử có bệnh lý tim phổi khác phối hợp hoặc dùng thuốc chẹn bêta giao cảm.
  • Tiền sử không tuân thủ điều trị, từ chối chẩn đoán và điều trị hen.
  • Loạn thần, nghiện rượu, sống một mình.
  • Sang chấn tâm lí hoặc các bất ổn về gia đình.
  • Tiền sử nghiện thuốc lá.

- Sơ cứu ban đầu tại nhà:

  • Salbutamol dạng xịt: xịt họng 2 nhát liên tiếp (lưu ý xịt khi hít vào sâu). Sau 20 phút nếu chưa đỡ, xịt thêm 2 - 4 nhát nữa. Trong vòng 1 giờ đầu có thể xịt thêm 2-3 lần nữa (mỗi lần 2-4 nhát).
  • Nếu có máy khí dung, có thể thở khí dung Salbutamol thay cho thuốc dạng xịt.

Cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện nếu các bước sơ cứu như trên không đỡ khó thở.

Tóm lại: Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản. Cơn hen phế quản nặng và nguy kịch nếu không được tiên lượng và phát hiện sớm để xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong rất nhanh chóng ./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số: 1851/QĐ-BYT ngày 24 tháng 4 năm 2020 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi”


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 29 Tháng 9 2022 14:45

You are here Tin tức Trường hợp lâm sàng Kịp thời cứu sống bệnh nhân hen phế quản cấp nặng