Bs Phan Thị Thành Tâm -
Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?
Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B streptococcus – GBS) là một trong những loại vi khuẩn thường trú trong cơ thể. Nó thường không gây ra các bệnh lý nghiêm trọng, và không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Mặc dù có tên tương tự, nhưng GBS khác với liên cầu khuẩn nhóm A, là nguyên nhân gây ra bệnh “viêm họng do liên cầu”.
Vì sao GBS là mối quan tâm đối với phụ nữ mang thai?
Ở thai phụ, GBS hầu hết được tìm thấy trong âm đạo và trực tràng. Điều đó có nghĩa là GBS có thể truyền từ mẹ sang thai trong quá trình chuyển dạ. Điều này hiếm khi xảy ra, với tần suất 1-2/100 khi người mẹ không được điều trị kháng sinh trong chuyển dạ. Khả năng một trẻ sơ sinh mắc bệnh sẽ thấp hơn nhiều khi người mẹ được điều trị.
GBS ảnh hưởng như thế nào lên trẻ sơ sinh?
Mặc dù hiếm khi em bé mắc GBS, nhưng nếu mắc tình trạng sẽ rất nghiêm trọng. Khi trẻ nhiễm GBS sẽ gây nên nhiễm trùng sơ sinh sớm hoặc nhiễm trùng sơ sinh muộn.
Nhiễm trùng sơ sinh sớm là gì?
Nhiễm trùng sơ sinh sớm được định nghĩa là trẻ mắc bệnh nhiễm trùng trong vòng 12-48 giờ hoặc lên đến 7 ngày sau sinh.
- Viêm màng não (meningitis)
- Viêm phổi (pneumonia)
- Nhiễm trùng huyết (sepsis)
Một số lượng nhỏ trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm tử vong ngay cả khi được điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng sơ sinh muộn là gì?
Nhiễm trùng sơ sinh muộn là khi trẻ mắc bệnh nhiễm trùng từ một tuần đến vài tháng sau sinh. Trẻ thường mắc bệnh do tiếp xúc với mẹ sau khi sinh nếu như mẹ mắc bệnh. Nhưng trẻ cũng có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với những người khác mắc GBS.
Nhiễm trùng sơ sinh muộn cũng rất nguy hiểm và gây nên viêm màng não. Ở trẻ sơ sinh, dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não có thể khó phát hiện ra. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu con bạn có các dấu hiệu sau:
- Lừ đừ
- Quấy khóc
- Bú kém
- Sốt cao
Tôi có được xét nghiệm liên cầu nhóm B hay không?
Có, thai phụ được sàng lọc GBS như là một phần của chăm sóc tiền sản thường quy. Nuôi cấy để phát hiện GBS, được thực hiện từ tuần 36-38 của thai kỳ. Bệnh phẩm được lấy từ âm đạo và trực tràng bằng một que tăm bông.
Nếu kết quả dương tính thì sẽ như thế nào?
Nếu kết quả cho thấy có GBS, hầu hết thai phụ sẽ được điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch khi bắt đầu chuyển dạ. Điều này giúp bảo vệ thai nhi không bị nhiễm bệnh. Thời điểm tốt nhất để điều trị là trong chuyển dạ. Penicillin là kháng sinh thường được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng sơ sinh sớm ở trẻ, nhưng không ngăn ngừa được nhiễm trùng sơ sinh muộn.
Nếu tôi bị dị ứng với penicillin?
Nếu bạn bị dị ứng với penicillin, thông báo với bác sĩ trước khi bạn được xét nghiệm GBS. Bạn có thể được test lẩy da để phát hiện mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng. Một loại kháng sinh khác sẽ được sử dụng khi cần thiết.
Có thể sử dụng kháng sinh mà không cần xét nghiệm trước đó hay không?
Trong một số trường hợp, thai phụ được sử dụng kháng sinh thường quy trong chuyển dạ mà không cần xét nghiệm GBS. Kháng sinh có thể được sử dụng mà không cần xét nghiệm khi:
- Bạn có đứa con trước nhiễm GBS
- Bạn có GBS trong tử cung tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ
- Tình trạng nhiễm GBS không được biết khi bạn vào chuyển dạ và có sốt
- Tình trạng nhiễm GBS không được biết khi bạn vào chuyển dạ trước 37 tuần
- Tình trạng nhiễm GBS không được biết và ối vỡ trên 18 giờ
- Tình trạng nhiễm GBS không được biết trong thai kỳ lần này nhưng có xét nghiệm GBS dương tính ở thai kỳ trước.
Nếu như tôi dự định sinh mổ?
Những thai phụ mổ lấy thai không cần sử dụng kháng sinh cho tình trạng nhiễm GBS trong khi sinh nếu không có chuyển dạ và ối không vỡ. Nhưng những thai phụ này vẫn nên xét nghiệm GBS bởi vì chuyển dạ có thể xảy ra trước khi mổ lấy thai. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, em bé có thể cần phải theo dõi nhiễm GBS sau sinh.
Tham khảo: https://www.acog.org/womens-health/faqs/group-b-strep-and-pregnancy
- 04/03/2023 10:13 - Cập nhật xử trí xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực…
- 01/03/2023 16:12 - Dị tật bẩm sinh của thận
- 28/02/2023 20:34 - Mê sảng sau ngừng tim
- 23/02/2023 10:48 - Bệnh thận mạn và quản lý các yếu tố nguy cơ
- 11/02/2023 16:18 - Cơ chế thần kinh trong châm cứu giảm đau (p.2)
- 30/01/2023 19:08 - Cơ chế thần kinh trong châm cứu giảm đau
- 09/01/2023 14:56 - Giá trị của sFlt-1/ PIGF trong chẩn đoán và tiên đ…
- 04/01/2023 16:00 - MÃN KINH: Triệu chứng- Nguyên nhân- Chẩn đoán- Điề…
- 28/12/2022 17:57 - CONCERV: thử nghiệm triển vọng về phẫu thuật bảo t…
- 19/11/2022 09:10 - Động học thời gian đổ đầy mao mạch (CRT) sau khi t…