• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tìm lại ánh sáng

  • PDF.

“Trước đây con đã nghe tiếng mẹ khóc nhiều rồi, nay mới thực sự được nhìn thấy nước mắt của mẹ” - lời cô bé Bùi Thị Kim Ngân (Bắc Trà My) khiến mọi người lặng trong xúc động. Từ năm 2004 đến nay, hàng nghìn người dân nghèo đã được thấy ánh sáng, phục hồi thị lực thông qua sự tài trợ của tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF).

timlaias1

Một ca phẫu thuật đục thủy tinh thể

“Sao mẹ còn khóc?”

timlaias2

Khi bác sĩ mở vòng khăn cuối cùng khỏi mắt bé Bùi Thị Kim Ngân (Bắc Trà My), mẹ em đã òa khóc. Còn niềm vui nào hơn khi con gái mình có thể nhìn thấy ánh sáng sau gần 10 năm chịu cảnh mù lòa do đục thủy tinh thể bẩm sinh. Thấy mẹ khóc, Ngân hồn nhiên: “Mắt con sáng lại rồi sao mẹ còn khóc. Trước đây con đã nghe mẹ khóc nhiều rồi, đến nay mới thực sự được nhìn thấy mẹ khóc?”. Chồng mất sớm, chị Mười (mẹ bé Ngân) còng lưng quần quật làm việc cũng chỉ kiếm được chừng 400 nghìn đồng mỗi tháng để nuôi 3 đứa con ăn học. Lo cho các con ăn học đã là quá sức huống gì mơ đến có tiền chữa mắt cho con. Nhìn đứa con gái bé bỏng không chịu ăn uống mà cứ suốt ngày khóc lóc, chị Mười không cầm được lòng. Tạm gác việc làm, gửi con cho hàng xóm trông nom, chị Mười đưa bé Ngân ra Đà Nẵng với hy vọng tìm lại ánh sáng cho con. Trong một lần đến Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, may thay đúng lúc có đoàn công tác của Quỹ FHF Australia về phòng chống mù lòa về làm việc. Hai mẹ con trình bày ước mong. Và đôi mắt của Ngân đã được cứu chữa nhờ vào cuộc gặp gỡ định mệnh ấy.

timlaias3

Bác sĩ Dương Ngọc Vinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn
về khúc xạ học đường cho các em học sinh huyện Núi Thành.

Tháng 6-2004, dự án phòng chống mù lòa của Ngân hàng Standard Chartered và FHF thực hiện ở Quảng Nam với tổng số tiền tài trợ 300 nghìn USD. Dự án thiết lập hệ thống chăm sóc mắt ở 6 huyện ven biển và đã phẫu thuật 3.500 trường hợp đục thủy tinh thể, phục hồi thị lực cho 50 nghìn bệnh nhân mắt khác. Đặc biệt, dự án đã đào tạo 6 bác sĩ chuyên khoa mắt, tập huấn chuyên sâu 5 bác sĩ phẫu thuật đục thủy tinh thể và 10 điều dưỡng nhãn khoa cho y tế tuyến huyện.

timlaias4
Năm 2009, dự án của FHF tiếp tục đào tạo 3 bác sỹ chuyên khoa mắt và 7 điều dưỡng. Ngoài ra, tập huấn về chăm sóc mắt ban đầu cho 938 cán bộ y tế thôn bản, 450 y tế xã; 144 giáo viên và 126 y tế tuyến xã được tập huấn về khúc xạ học đường. Bên cạnh đó, dự án cung cấp hơn 65 trang thiết bị về mắt, nâng cấp 4 bệnh viện miền núi, xây mới một trung tâm chuyên khoa mắt khu vực lồng ghép trong Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Phía Bắc. Từ những điểm cơ sở được thành lập và nâng cấp, nhiều người nghèo đã tự tìm đến trung tâm để xin được hỗ trợ mổ mắt.

Chuẩn hóa đội ngũ

Ngoài Khoa Mắt thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Quảng Nam có các khoa hoặc phòng mắt trực thuộc các Trung tâm Y tế huyện. Tuy nhiên, các đơn vị này hoạt động không hiệu quả do thiếu đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên. Một số nơi thậm chí không có khoa mắt do không có bác sỹ hay y sỹ chuyên các bệnh về mắt. Trước khi các dự án hỗ trợ (như đã đề cập) triển khai, Quảng Nam chỉ có 6 bác sỹ mắt cho gần 1 triệu dân. Số bác sỹ có khả năng mổ đục thủy tinh thể lại càng ít. Còn ở tuyến xã và thôn hầu như không có dịch vụ chăm sóc mắt. Trong khi đó, nếu mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 400 ca phẫu thuật đục thuỷ tinh thì số lượng bệnh nhân mù do đục thủy tinh thể mới là 900 ca. Mặt khác, nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt; công tác chăm sóc sức khoẻ và giáo dục sức khoẻ trong trường học gần như chưa thực hiện được. 

timlaias5

Khoa mắt - Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc được tài trợ bởi dự án FHF.

Bằng sự “đỡ đầu” của mình, dự án FHF đã tổ chức mô hình chăm sóc mắt ở tuyến huyện, về với vùng cao vùng sâu ở tỉnh Quảng Nam với hình thức mổ mắt lưu động. Bác sỹ Đỗ Văn Liêm - Trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc là người tham gia vào những đợt đem ánh sáng cho người mù ở vùng cao Nam Giang và Đông Giang. Tốt nghiệp chuyên khoa mắt Đại học Y Huế đã hơn 10 năm, chưa bao giờ bác sỹ Liêm nghĩ đến việc được làm đúng chuyên khoa tại một trung tâm mắt hiện đại như hiện tại. Những ngày đầu, bác sỹ Liêm cùng các y bác sỹ trong khoa trực tiếp đi phát các tờ rơi tại những nơi tập trung đông người như chợ, trường học, quán nước…, liên hệ thông báo trên hệ thống phát thanh huyện và xã. Bên cạnh đó mở các lớp tập huấn kiến thức chăm sóc mắt ban đầu cho các cán bộ y tế thôn, xã.

timlaias6

Từ 6 địa phương triển khai ban đầu, đến nay dự án phòng chống mù lòa của FHF đã triển khai ở 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đáng mừng hơn, chỉ tiêu mổ đục thủy tinh thể được phân bố đều trên cả tỉnh. Đặc biệt, giai đoạn này, dự án tập trung vào giải quyết mù lòa cho học sinh và nhân dân vùng sâu vùng xa. Là người rất có tâm huyết và đã góp công lớn trong việc hiện thực hóa các mô hình chăm sóc mắt ở tuyến huyện phục vụ đem ánh sáng cho người dân nghèo, Bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc - Trưởng đại diện FHF tại Việt Nam bộc bạch: “Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ phòng chống mù lòa ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất. Với phương châm để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao chuyên môn để về lâu dài bác sỹ tuyến huyện có đủ năng lực khám chữa các bệnh về mắt cho nhân dân”. Nhờ đó, các huyện núi cao đã không còn tình trạng “xã trắng không có y bác sĩ chuyên trách mắt”.
Anh Trâm
(Nguồn baoquangnam.com.vn)

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 12 Tháng 9 2012 14:43

You are here Hợp tác Ban điều hành Tìm lại ánh sáng