Bs Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu
Hiện nay bệnh sởi đang xẩy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Là một bệnh có diễn biến thường lành tính, phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, nhất là trẻ em. Chúng tôi xin cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh sởi như sau:
1. Tác nhân gây bệnh: Do siêu vi sởi gây ra, là bệnh rất hay lây.
2. Đường lây: Đường hô hấp, do dịch tiết ở cổ họng có chứa siêu vi bắn ra ngoài khi bệnh nhân nói chuyện hoặc khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Bệnh xẩy ra quang năm, cao nhất vào mùa xuân.
3. Thời gian lây: Khoảng 9 – 10 ngày sau khi tiếp xúc (có thể sớm hơn) và kéo dài đến 5 ngày sau khi phát ban (cần cách ly bệnh nhân để tránh lây lan).
4. Miễn dịch: Miễn dịch sau khi mắc sởi tồn tại suốt đời.
5. Triệu chứng:
5.1. Thời kỳ ủ bệnh: Khoảng 10 – 12 ngày, thời kỳ này gần như không có biểu hiện gì, đôi khi chỉ sốt nhẹ.
5.2. Thời kỳ khởi phát (thời kỳ viêm long): Kéo dài 4 – 5 ngày: Các biểu hiện chính là:
- Sốt: Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39 – 40 độ, mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp.
- Biểu hiện ở mắt: Chảy nước mắt, mắt có ghèn, kết mạc đỏ. Sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị phù nhẹ.
- Biểu hiện ở mũi, họng: Hắt hơi, sổ mũi, rát họng, khàn giọng, ho có đờm, đôi khi kèm viêm thanh quản co thắt hay xuất hiện về đêm.
- Biểu hiện ở đường tiêu hóa: Tiêu chảy phân lỏng, số lượng ít.
5.3. Thời kỳ toàn phát (thời kỳ phát ban): Đặc điểm của ban sởi là:
Ban xuất hiện đầu tiên sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ, ngực, bụng, chi trên. Trong 24 giờ tiếp theo, ban lan ra sau lưng, hông, chi dưới. Trong vòng 2-3 ngày ban lan ra toàn thân. Ban sởi có màu hồng nhạt, ấn vào thì mất, hết ấn thì trở lại. Ban có xu hướng kết dính lại với nhau thành từng đám, giữa các đám có những vùng da lành không bị tổn thương.
Khi bắt đầu phát ban, bệnh nhân thường sốt cao, nhưng khi ban đã mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Nếu sau khi phát ban 2-3 ngày mà còn sốt thì cần cảnh giác các biến chứng.
Ban sởi
5.4. Thời kỳ hồi phục: Ban sởi thường bay theo trình tự xuất hiện như khi mọc, để lại vết thâm đen trên mặt da, gọi là vết vằn da hổ. Những vết thâm đen này sẽ nhạt màu dần trong 7-10 ngày. Lúc này bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn, ăn uống khá hơn và hồi phục dần.
Thể điển hình của bệnh sởi thường diễn tiến theo các giai đoạn và biểu hiện như trên.
6. Biến chứng: Bệnh sởi có thể gây ra một số biến chứng như sau:
6.1. Viêm phổi: Là biến chứng thường gặp nhất, có thể do chính siêu vi sởi gây ra hoặc do bội nhiễm vi khuẩn khác. Biểu hiện là bệnh nhân vẫn sốt sau khi phát ban, ho kéo dài, khó thở, phổi có rale.
6.2. Viêm tai giữa: Có thể xẩy ra trong thời kỳ phát ban hay thời kỳ hồi phục. Bệnh nhân sốt cao, đau trong tai, chảy mủ tai một hoặc hai bên, trẻ em thường quấy khóc, bứt rứt. Nếu điều trị chậm hoặc không đúng cách, có thể gây thủng màng nhĩ.
6.3. Viêm thanh quản: có thể xuất hiện dưới hai bệnh cảnh:
- Viêm thanh quản sớm: Xảy ra trong thời kỳ viêm long hay thời kỳ phát ban: Bệnh nhân ho khan, khàn tiếng, khó thở về đêm. Diễn tiến thường lành tính.
- Viêm thanh quản trễ: Xảy ra trong thời kỳ hồi phục với khó thở thanh quản. Soi thanh quản thấy phù nề, đôi khi có giả mạc.
6.4. Viêm não: Là biến chứng hiếm gặp nhưng trầm trọng, bệnh nhân sốt cao, nhức đầu, nôn mửa, lơ mơ, co giật, cứng cổ…
6.5. Một số biến chứng khác:
- Cam tẩu mã: là tình trạng nhiễm trùng răng miệng có hoại tử các tổ chức ở môi, miệng, niêm mạc má.
- Viêm ruột: gây tiêu chảy kéo dài.
- Loét giác mạc mắt: do thiếu vitamin A, có thể gây mù.
- Suy dinh dưỡng nặng.
7. Về chế độ ăn uống, chăm sóc, điều trị:
- Dinh dưỡng: không kiêng khem quá mức, ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, cháo thịt, cá, rau xanh…nước hoa quả, sữa. Uống nhiều nước. Dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.
- Chăm sóc: cho bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, lau rửa cơ thể sạch sẽ bằng nước ấm hàng ngày. Chú ý vệ sinh răng miệng, nhất là sau mỗi lần uống sữa, dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, mũi.
- Theo dõi tình trạng sốt, ho, khó thở, tri giác…nếu có các biểu hiện bất thường cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
- Việc dùng thuốc hạ sốt: có thể dùng các biện pháp vật lý để hạ sốt hoặc uống thuốc Acetaminophen, không dùng Aspirin. Việc dùng kháng sinh cần có chỉ định của bác sỹ.
- Điều trị biến chứng: Cần điều trị nội trú tại cơ sở y tế và theo dõi sát.
8. Phòng bệnh: Biện pháp tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hiện nay đã triển khai đến tất cả các thôn, bản trên toàn quốc.
- 10/03/2019 09:51 - Chăm sóc bệnh nhân sởi tại nhà
- 05/03/2019 20:22 - Cập nhật thông tin về các loài rắn độc ở Việt Nam
- 02/03/2019 08:43 - Cách xử trí trật khớp thái dương – hàm tại khoa Cấ…
- 23/02/2019 15:24 - Cập nhập các chủng virus gây sốt xuất huyết
- 23/02/2019 15:17 - Điều trị bằng siêu âm
- 20/02/2019 11:29 - Phục hồi chức năng bong gân
- 15/01/2019 19:32 - Điều kiện bảo quản thuốc, vắc xin, dược liệu, vị t…
- 13/01/2019 09:04 - Điều trị bằng corticosteroid cải thiện kết quả ở n…
- 09/01/2019 11:55 - Insulin, Sulfonylureas làm tăng nguy cơ bệnh tim m…
- 02/01/2019 17:44 - Tác dụng phụ của glucocorticoid và cách khắc phục