• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bạn biết gì về thai trứng?

  • PDF.

Bs CKII Nguyễn Thị Kiều Trinh - Khoa Sản

Chuyện xưa kể rằng: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm trứng, nở ra trăm con, 50 lên non, 50 xuống biển. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết mà thôi các bạn ạ.! Nếu bạn thụ thai thành thai trứng, thì đó là trường hợp mang thai bất thường.

Thai trứng là gì ?

Sự phát triển bất thường của các gai nhau, các nguyên bào nuôi phát triển nhanh nên tổ chức liên kết và gai nhau phát triển không kịp, tạo thành những túi nước dính vào nhau thành từng chùm (giống như chùm nho, chùm trứng ếch), nên được gọi là thai trứng. Các bạn cứ liên tưởng, thai trứng được hút nạo ra ngoài giống với bột bán đã nở sau khi nấu chín.

Có mấy loại thai trứng?

  • Thai trứng  toàn phần: Là loại chửa trứng không có  thai, các gai rau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.
  • Thai  trứng bán phần: Có tổ chức thai hoặc một phần thai, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết, các gai rau phù nề.

thaitrun2

Dấu hiệu nào giúp nhận biết thai trứng?

Người bị thai trứng lúc đầu có những biểu hiện mang thai bình thường, như: tắt kinh, ốm nghén… Nhưng triệu chứng nghén rất nặng, Nôn nhiều, có thể bị phù, protein niệu. Thai phụ bị ra máu âm đạo kéo dài, tử cung to quá mức so với tuổi thai. Có thể ra máu đỏ tươi hoặc máu đen; bị chảy máu liên tục hay ngắt quãng; bị chảy nhiều hay ít máu. Hiện tượng chảy máu này xuất hiện sớm nhất là sáu tuần sau khi mang thai hoặc muộn hơn là khoảng 12 tuần..Nếu có dấu hiệu tiền sản giật  ở quý I thai kỳ thường hay nghi ngờ thai trứng..Do đó, khi có thai hoặc ra máu bất thường, các bạn nên siêu âm sớm và siêu âm ngay trong quý I để BS có thể phát hiện mang thai bất thường.

Ai là người dễ mắc thai trứng

Theo các nghiên cứu  trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tùy theo từng chủng tộc. Có một số yếu tố nguy cơ như : ăn thiếu carotene, vitamin A dễ bị thai trứng toàn phần. Mẹ tuổi trên 35 nguy cơ thai trứng tăng gấp 2 lần, > 40 tăng nguy cơ gấp 7 lần.                                                 

Thai trứng sẽ được điều trị như thế nào?

Khi bị thai trứng, các bạn sẽ được các BS khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm máu, chụp Xquang tim phổi. Xét nghiệm BHCG là một xét nghiệm quan trọng trong theo dõi và điều trị thai trứng. Ngoài ra, các bạn còn được kiểm tra về chức năng tuyến giáp xem có bị cường giáp hay không?

Điều trị thông thường là nong cổ tử cung để nạo, hút sạch thai trứng ra khỏi tử cung. Điều này cần được thực hiện sớm để tránh bị sẩy thai băng huyết hoặc phát triển thành ác tính. Sau đó, bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi và xét nghiệm nồng độ HCG  thường xuyên để xác định xem có biến chứng hay không? Đối với những trường hợp thai trứng nguy cơ cao, tùy số tuổi, số con và các dấu hiệu khác, Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các phương pháp điều trị nội khoa, phẫu thuật, hóa chất.

Thai trứng có nguy hiểm không?

Thai trứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu máu do rong huyết hoặc băng huyết do sấy thai trứng. Khoảng > 80% thai trứng sau khi hút nạo sẽ diễn tiến bình thường, 15% diễn tiến thành thai trứng xâm lấn sẽ làm thủng lớp cơ tử cung và gây xuất huyết ổ bụng, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Một biến chứng khác chiếm khoảng 4% là diễn tiến thành ung thư tế bào nuôi. Bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, âm đạo, vùng chậu hay trễ hơn là gan và não.

Theo dõi thai trứng như thế nào?

Vì nguy cơ tiến triển thành thai trứng xâm lấn và ung thư nguyên bào nuôi, việc theo dõi hậu thai trứng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy BHCG giảm nhanh về bình thường trong 9 tuần đầu sau hút nạo thai trứng. Do đó , cần theo dõi BHCG mỗi tuần một lần cho đến khi âm tính 3 tuần liên tiếp và sau đó mỗi tháng một lần. Nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi mang thai lần tiếp theo, hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và theo dõi xem có bị chửa trứng tái phát hay không ?

Thời điểm có thể mang thai trở lại

Dù bạn dùng cách thức điều trị nào đi chăng nữa, vẫn sẽ phải chờ một năm sau khi nồng độ hCG của bạn trở về mức âm tính, trước khi chuẩn bị mang thai lần nữa. Nếu bạn có thai trước thời điểm này, nồng độ hCG của bạn sẽ tăng lên và bác sỹ sẽ không thể biết được lần mang thai này bình thường hay bạn có nguy cơ diễn tiến của thai trứng lần trước.

Thai trứng có thể không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ngay cả khi bạn đã trải qua hóa trị. Bạn không bị tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Và tỷ lệ mắc thai trứng tái phát khoảng 1 đến 2%. Ở lần mang thai tiếp theo, bạn nên đi siêu âm trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì xảy ra…

Với các phương tiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, cũng như được trang bị các hóa chất trong điều trị thai trứng nguy cơ và ung thư tế bào nuôi, Khoa Phụ Sản BVĐK Quảng Nam đã triển khai điều trị và theo dõi bệnh lý thai trứng và các biến chứng hậu thai trứng. Chúng tôi rất mong muốn các thai phụ bị thai trứng nên tuân thủ lích theo dõi nghiêm ngặt, thăm khám đúng hẹn để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng của nó.

Tài liệu tham khảo :

  1. Cunningham FG, Leveno KJ, Bloom SL, Hauth JC, Rouse DJ, Spong CY, editors. Gestational Trophoblastic Disease. 23rd . USA: McGraw-Hill; 2010. Williams Obstetrics; p. 257.
  2. Phác đồ điều trị Bệnh viện Từ Dũ
  3. Bài giảng Sản phụ khoa, Đại học Y dược TP HCM, 2011.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 15 Tháng 6 2016 15:18

You are here Tin tức Y học thường thức Bạn biết gì về thai trứng?