Trần Văn Trai - Khoa HHTM
Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào trong máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Đó là tế bào nhỏ nhất trong máu, được sinh ra từ các mẫu tiểu cầu ở tuỷ xương.
Tiểu cầu có chức năng quan trọng trong cầm máu và chống chảy máu nhờ các tính chất đặc thù là tập trung thành từng đám dính chặt vào thành mạch nơi bị tổn thương và thoái hoá chất nhầy để giải phóng ra yếu tố gây đông máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ. Khi số lượng tiểu cầu giảm thì quá trình này không được thực hiện và xảy ra tình trạng xuất huyết.
Xuất huyết giảm tiểu cầu là một trong những căn bệnh thường gặp. Bệnh hay gặp ở trẻ em, ở người trẻ tuổi, gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh biểu hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Nhẹ thì xuất huyết dưới da dưới dạng chấm nhỏ li ti, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi hoặc rải rác khắp người; xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, giác mạc.. Trường hợp nguy hiểm có khả năng dẫn tới xuất huyết nội tạng hay xuất huyết não, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng cho bệnh nhân suốt đời.
Có nhiều nguyên nhân gây ra giảm tiểu cầu nhưng tập trung ở hai nhóm nguyên nhân lớn sau đây:
- Tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi, thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau như: đông máu trong lòng mạch cấp tính và mạn tính gây tiêu thụ lớn tiểu cầu, các u máu lớn ở các vị trí khác nhau của cơ thể, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm virut nặng gây giảm tiểu cầu... hoặc các bệnh có kháng thể kháng lại tế bào máu như tan máu tự miễn kèm theo giảm tiểu cầu…
- Trong nhóm thứ hai, giảm tiểu cầu ở tủy xương thường gặp một số bệnh lý ở tủy xương gây giảm các mẫu tiểu cầu như bệnh suy tủy toàn bộ, suy một dòng mẫu tiểu cầu hay các bệnh ác tính ở tủy xương như ung thư di căn tủy, lơxêmi cấp... khi đó giảm tiểu cầu là tình trạng thứ phát do các bệnh chính gây ra. Tuy nhiên, nhiều trường hợp giảm tiểu cầu không xác định được nguyên nhân còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Ngày nay, các nghiên cứu kết luận do nguyên nhân tự miễn, nên còn gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch.
Chẩn đoán và phân loại mức độ bệnh
Chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm tiểu cầu máu ngoại vi: tiểu cầu giảm còn trên 80×109/L là nhẹ, giảm còn trên 50 × 109/L là vừa, giảm dưới 50 × 109/L là nặng.
Xét nghiệm tủy đồ thường là tủy tăng sinh, thấy dòng mẫu tiểu cầu trong tủy tăng sinh, chủ yếu là nguyên mẫu tiểu cầu. Dòng hồng cầu và bạch cầu hạt bình thường hay tăng sinh do mất máu nặng. Xét nghiệm đông máu nghiệm pháp dây thắt dương tính, thời gian máu chảy và cục máu không co hoặc co không hoàn toàn, thời gian Howell kéo dài, các xét nghiệm đông máu huyết tương bình thường. Xét nghiệm đời sống tiểu cầu giảm đi dưới 3 ngày thậm chí chỉ 1 - 4h trong khi đời sống tiểu cầu bình thường là 5 - 7 ngày. Xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán bệnh là nồng độ IgG gắng trên bề mặt tiểu cầu tăng khoảng 70%, tăng cao ở bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu thể nặng.
Nguyên tắc điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu đa số do nguyên nhân tự miễn. Nguyên tắc điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid, và cắt lách khi cần thiết, dùng gamma globulin, nếu thiếu máu thì truyền hồng cầu khối hoặc máu tươi toàn phần đồng nhóm. Trường hợp xuất huyết nặng đe dọa tính mạng khi tiểu cầu dưới 20 x 109/l.
Những người bệnh bị xuất huyết giảm tiểu cầu cần đi khám và xét nghiệm công thức máu thường xuyên, xét nghiệm chức năng đông cầm máu, kiểm tra lại tủy đồ để theo dõi dòng mẫu tiểu cầu ở tủy xương. Theo dõi nồng độ kháng thể kháng tiểu cầu trong máu.
Tài liệu tham khảo
- British Committee for Standards in Haematology, Blood Transfusion Task Force. Guidelines for the use of platelet transfusions. Br J Haematol 2003; 122:10.
- Van Veen JJ, Nokes TJ, Makris M. The risk of spinal haematoma following neuraxial anaesthesia or lumbar puncture in thrombocytopenic individuals. Br J Haematol 2010; 148:15.
- Sarode R, Refaai MA, Matevosyan K, et al. Prospective monitoring of plasma and platelet transfusions in a large teaching hospital results in significant cost reduction. Transfusion 2010; 50:487.
- Giáo trình Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Huế
- 24/07/2015 21:08 - Tự chữa bệnh táo bón bằng các phương pháp đơn giản
- 22/07/2015 20:11 - Những kinh nghiệm trong việc tiếp xúc ban đầu với …
- 20/07/2015 20:43 - Hiến máu tình nguyện và những điều cần biết
- 18/07/2015 06:40 - Bệnh lao phổi
- 24/06/2015 20:11 - Bệnh uốn ván
- 21/06/2015 19:49 - Giun đũa chó – mèo có gây bệnh viêm loét dạ dày ha…
- 15/06/2015 20:42 - Nhân sâm Việt Nam - cây thuốc cần được bảo tồn và …
- 13/06/2015 20:54 - Nghiên cứu cho thấy sử dụng kháng sinh không đúng …
- 13/06/2015 20:46 - Liệu pháp thay huyết tương – một phương thức trị l…
- 13/06/2015 20:22 - Loãng xương và gãy đốt sống phổ biến ở bệnh nhân C…