KTVTrần Thị Nguyệt Ánh-Khoa Vi Sinh
Bệnh rận mu là một căn bệnh đã từng hiện diện ở hầu hết các châu lục trên thế giới, xuất hiện ở nhiều lứa tuổi và dường như đã bị lãng quên ở thời đại ngày nay. Hiện nay căn bệnh “dở khóc dở cười” này vẫn còn hiện diện trong cộng đồng, nhất là các nước chưa phát triển có điều kiện vệ sinh và ý thức tự bảo vệ sức khoẻ còn kém.
Để giúp mọi người có điều kiện ôn lại căn bệnh này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược đôi nét về Rận mu và Bệnh rận mu.
RẬN MU
Danh pháp khoa học: Phthirus pubis hay Phthirius pubis
Rận mu là những sinh vật ký sinh sống và sinh sản ở vùng lông mu của con người như vùng da lông mu, vùng sinh dục nhất là ở nam giới, thuộc côn trùng hút máu không có cánh, kích thước nhỏ (con trưởng thành dài 1,5 - 2mm), có thân hình oval, ngực rất rộng, bụng ngắn có 5 đốt , màu giống với màu da của con người và rận này có khả năng đổi màu.
Rận có ba cặp chân khỏe và hình giống càng cua bám rất chắc vào da và lông của con người bằng móng vuốt của các cặp chân thứ hai và thứ ba, 2 râu. Do tính chất đổi màu của rận nên rất khó nhìn thấy chúng.
Rận mu còn được gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua (vì chúng có hình hài giống với con cua), rận bẹn (do người ta thấy chúng hút máu ở vùng bẹn)
Rận mu hút máu người nơi chúng cư trú như ở chân lông mu (chúng dễ thích nghi với lông ở nam giới cứng và khô), bìu, bẹn, dương vật, bao quy đầu đối với những người đàn ông không cắt bao quy đầu. Rận mu ngoài cư trú và sinh sản bằng hình thức đẻ trứng ở lông vùng sinh dục, chúng có thể trú ở cả ở nách, hậu môn, lông mi, lông mày hoặc có thể thấy ở cả tóc. Ngoài ra rận có thể trú trong áo quần, giường chiếu mùng mền, khăn bông nhiễm mầm bệnh.
Rận cái đẻ khoảng 26 trứng trong khoảng 3 – 4 tuần. Trứng hình bầu dục, giống trứng chí và hơi nhỏ hơn. Trứng nở sau 7 - 8 ngày.
BỆNH RẬN MU
Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu hay rận lông mu. Nơi chúng hút máu thường xuất hiện nốt mẫn đỏ, chấm đỏ và ngứa ngấy rất khó chịu, nhất là về đêm, là nguồn gốc nhiễm trùng thứ phát do gãi đưa đến chốc hoá và viêm da mủ có hạch. Nhưng cũng có những trường hợp thấy xuất hiện các nốt đỏ, mẫn đỏ nhưng không ngứa.
Thời gian ủ bệnh từ 5 ngày đến vài tuần. Đôi khi bệnh nhân có thể nhiễm rận một thời gian dài mà không có triệu chứng.
Vì rận mu thường dễ chết khi sống ở môi trường bên ngoài nên bệnh thường lây truyền qua quan hệ tình dục (chủ yếu), tiếp xúc kề cận, đôi khi qua áo quần, giường chiếu, mùng mền, khăn lông nhiễm mầm bệnh. Lây nhiễm thường xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi 15 – 40 và ở những người có quan hệ tình dục thiếu an toàn.
Bệnh rận mu hiện nay tuy ít được nhắc tới nhưng vẫn còn là nguy cơ cao phát tán trong cộng đồng, phần lớn là do thiếu hiểu biết về bệnh này và tâm lý e ngại, không đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời. Theo nghiên cứu năm 2009 của Đại học East Carolina (Mỹ), bệnh rận mu ảnh hưởng tới khoảng 10% dân số. Bệnh thuộc dạng dễ lây nhất trong số các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Rận Phthirus pubis không có vai trò truyền bệnh nào cả ngoài vai trò gây bệnh như trên.
Vào năm 2011, tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam có phát hiện một cas bệnh rận mu. Bệnh nhân nam 70 tuổi bị lở ngứa vùng sinh dục, đã điều trị nhiều nơi không khỏi, lần này đến khám và được chỉ định soi tươi tìm nấm. Kết quả tìm nấm âm tính, tuy nhiên nhìn bằng mắt thường thấy có một chấm màu vàng ở rìa ngoài lam kính, quan sát dưới kính hiển vi thấy con rận mu.
Điều trị rận lông mu
- Khi có rận lông mu, bạn không thể tự bắt những con rận đó hết được mà phải điều trị bằng thuốc.
Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ, làm khô thoáng bộ phận sinh dục bạn có thể điều trị rận lông mu bằng một số loại thuốc (theo chỉ định của bác sỹ) như: Lindane 1%, Benzoate de Benzyl 25%, dung dịch Malathion 0,5%,... Nếu sau một tuần điều trị vẫn không khỏi thì bạn cần phải đi khám lại và có thể sẽ phải thay đổi loại thuốc.- Rận và trứng phải được tiệt trừ tại tất cả các khu vực khác trên cơ thể để ngăn ngừa tái phát.
- Các đồ dùng cá nhân như quần áo, chăn màn, giường chiếu... phải được giặt là sạch sẽ để triệt trứng và rận khỏi lây trở lại sang cơ thể.
- Điều trị cho cả vợ và chồng nếu một người phát hiện mắc. Trong thời gian điều trị phải tránh hoàn toàn quan hệ tình dục.
Ngoài ra, khi bị rận lông mu, bạn cũng cần nghi ngờ đến những viêm nhiễm khác vì bên cạnh việc bị lây nhiễm rận lông mu qua quan hệ tình dục bạn cũng có thể bị các nhiễm khuẩn qua đường tình dục khác, nhất là bệnh lậu. Bởi vậy, tốt nhất là bạn cần đến thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Nguồn tham khảo:
1. Giáo trình Ký sinh trùng Y học, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, 2004
2. Rận bờ mi - BS CK1 Trương Thanh Trúc
- 07/03/2013 14:00 - Bệnh polyp mũi
- 05/03/2013 21:37 - Hướng dẫn xử lý bệnh phẩm an toàn tại các khoa xét…
- 01/03/2013 20:43 - Gây mê hồi sức trong nội soi tiêu hóa
- 28/02/2013 14:59 - Phòng, chống ngộ độc thực phẩm
- 28/02/2013 14:42 - Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường thể 2
- 28/02/2013 13:13 - Acid uric
- 28/02/2013 13:08 - Chế độ ăn bệnh lý
- 06/02/2013 11:04 - Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam
- 01/02/2013 15:38 - Nhiễm trùng bệnh viện
- 16/01/2013 14:29 - Nét đẹp đời thường