• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Chỉ định và đánh giá hiệu quả truyền tiểu cầu

  • PDF.

Bs Đoàn Hoàng - 

I. Giới thiệu

Quá trình đông máu dựa trên một số lượng tiểu cầu thích hợp và đầy đủ chức năng, cùng với một hệ thống đông máu (yếu tố đông máu) còn nguyên vẹn. Do đó trong một số bối cảnh bệnh lý nhất định việc truyền tiểu cầu để có một quá trình đông cầm máu bình thường là rất quan trọng.

Có hai cách để thu thập tiểu cầu: cách thứ nhất là pool (tập hợp) từ nhiều túi máu toàn phần lại với nhau và thứ hai là gạn tách từ một người cho.

  • Khối tiểu cầu có thể điều chế từ máu toàn phần có chứa tối thiểu 35-45 x 109 tiểu cầu từ mỗi đơn vị máu toàn phần 250ml; để sử dụng có thể pool từ 3-4 đơn vị cùng nhóm máu.
  • Khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến bằng máy tách thành phần máu tự động thu nhận được thể tích khoảng 250-300ml và chứa khoảng 3 x 1011 tiểu cầu.
  • Khối tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần và pool trong hệ thống kín vô trùng, bảo quản ở 20-24oC, lắc liên tục trong thiết bị bảo quản tiểu cầu chuyên dụng có thời gian lưu trữ tới 5 ngày. Khối tiểu cầu được điều chế hoặc pool trong hệ thống hở cần sử dụng trong vòng 24 giờ. Khối tiểu cầu sau khi lĩnh từ đơn vị cấp phát máu, phải được đặt trong nhiệt độ phòng ở 20-24oC và cần được truyền sớm sau khi cấp phát.

truyentcau

II. Chỉ định truyền tiểu cầu

Theo quy ước, hầu hết các tác giả sử dụng thuật ngữ "truyền điều trị" ("therapeutic transfusion") để chỉ cả việc truyền tiểu cầu để điều trị chảy máu đang hoạt động và truyền tiểu cầu để chuẩn bị cho một thủ thuật xâm lấn có thể gây chảy máu. Thuật ngữ "truyền dự phòng"("prophylactic transfusion") được sử dụng để chỉ việc truyền tiểu cầu nhằm ngăn ngừa chảy máu tự nhiên.

Bệnh nhân đang chảy máu: Bệnh nhân đang chảy máu do giảm tiểu cầu nên được truyền tiểu cầu ngay lập tức để giữ số lượng tiểu cầu >50G/L trong hầu hết các tình huống chảy máu bao gồm đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC) và >100G/L nếu có chảy máu hệ thần kinh trung ương.

Các yếu tố khác có thể góp phần gây chảy máu (trực tiếp hoặc gián tiếp) cũng cần được giải quyết. Bao gồm:

  • Tổn thương do phẫu thuật hoặc giải phẫu
  • Sốt
  • Nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm
  • Rối loạn đông máu
  • Rối loạn chức năng tiểu cầu mắc phải hoặc di truyền

Liều lượng và tần suất truyền tiểu cầu sẽ phụ thuộc vào số lượng tiểu cầu và mức độ nghiêm trọng của chảy máu.

Chuẩn bị thủ thuật xâm lấn:

Tiểu cầu được truyền để chuẩn bị cho một thủ thuật xâm lấn nếu tình trạng giảm tiểu cầu nghiêm trọng, nếu không có đủ thời gian để sử dụng các liệu pháp khác nhằm tăng số lượng tiểu cầu khi được chỉ định (ví dụ: nếu không có đủ thời gian để tiêm globulin miễn dịch hoặc glucocorticoid tiêm tĩnh mạch ở một cá nhân bị giảm tiểu cầu miễn dịch), và nếu nguy cơ chảy máu được cho là cao.

Hầu hết các dữ liệu được sử dụng để xác định nguy cơ chảy máu đến từ các nghiên cứu hồi cứu trên bệnh nhân không sốt và giảm tiểu cầu nhưng không có rối loạn đông máu. Ngưỡng số lượng tiểu cầu được đề xuất điển hình được sử dụng cho một số thủ thuật thông thường được liệt kê bên dưới. Truyền tiểu cầu có thể được xem xét khi số lượng tiểu cầu của bệnh nhân thấp hơn ngưỡng cho thủ thuật tương ứng:

● Phẫu thuật thần kinh hoặc phẫu thuật mắt <100G/L.

● Hầu hết các cuộc phẫu thuật lớn khác <50G/L.

● Thủ thuật nội soi <50G/L đối với thủ thuật để điều trị; <20G/L đối với thủ thuật để chẩn đoán nguy cơ thấp.

● Nội soi phế quản với rửa phế quản phế nang <20-30G/L.

● Đường truyền trung tâm <20G/L.

● Chọc dò tủy sống <10-20G/L ở bệnh nhân có khối u ác tính về huyết học và <40-50G/L ở bệnh nhân không có khối u ác tính về huyết học; ngưỡng thấp hơn có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP).

● Giảm đau/gây tê trục thần kinh (Neuraxial analgesia/anesthesia) <80G/L.

● Sinh thiết/chọc hút tủy xương <20G/L.

Truyền tiểu cầu để dự phòng chảy máu tự nhiên: ở hầu hết các bệnh nhân không sốt với số lượng tiểu cầu <10G/L do ức chế tủy xương. Đối với những bệnh nhân bị sốt, nhiễm trùng hoặc viêm, thường truyền máu với số lượng tiểu cầu ≤15-20G/L do tăng nguy cơ chảy máu.

Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tiền tủy bào có rối loạn đông máu đồng thời truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu ≤30-50G/L.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học của Bộ Y tế ban hành năm 2022 thì:

Chỉ định chung cho các loại chế phẩm khối tiểu cầu:

- Các tình trạng có xuất huyết do giảm số lượng tiểu cầu dưới 50G/L. Trong tình trạng xuất huyết có giảm tiểu cầu kèm giảm chất lượng tiểu cầu, thì có thể chỉ định truyền khi số lượng tiểu cầu còn cao trên 50G/L.

- Trường hợp người bệnh chưa có xuất huyết, cần xem xét chỉ định truyền khối tiểu cầu khi giảm số lượng tiểu cầu dưới 10G/L. Trong trường hợp số lượng tiểu cầu chưa giảm dưới 50G/L, cần cân nhắc chỉ định truyền nếu đồng thời có giảm chất lượng tiểu cầu của người bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo như sốt, nhiễm trùng, rối loạn đông máu; nhu cầu phẫu thuật, thủ thuật có nguy cơ chảy máu; các tổn thương hiện có ở các cơ quan trọng yếu trong hộp sọ, lồng ngực, ổ bụng,...

Thận trọng khi chỉ định các loại chế phẩm khối tiểu cầu:

- Số lượng tiểu cầu lớn hơn 100G/L không có kèm các bất thường chức năng tiểu cầu (loại trừ giảm chức năng tiểu cầu do dùng thuốc, do các yếu tố ngoại sinh như ure máu cao, tăng globulin máu,…).

- Các bệnh lý có phá hủy tiểu cầu do nguyên nhân ngoại sinh như giảm tiểu cầu do heparin, ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hoặc vô căn,… trừ khi bệnh nhân có xuất huyết đe dọa tính mạng.

- Có thể truyền khối tiểu cầu thay huyết tương hòa hợp, nếu có nguy cơ không hòa hợp do kháng thể có mặt trong huyết tương của đơn vị khối tiểu cầu.

III. Liều lượng và đánh giá hiệu quả truyền tiểu cầu:

Song song với việc truyền tiểu cầu thì việc đánh giá hiệu quả truyền tiểu cầu rất quan trọng. Thí dụ một người bệnh nặng khoảng 50 kg được truyền đơn vị tiểu cầu pool (chứa ít nhất 1,4 x 1011 tiểu cầu), có thể làm tăng số lượng tiểu cầu sau khi truyền lên thêm 20-40 G/l; nếu được truyền 1 đơn vị tiểu cầu gạn tách (chứa ít nhất 3,0 x 1011 tiểu cầu), có thể làm tăng số lượng tiểu cầu sau khi truyền lên thêm 40-80 G/l. Số lượng tiểu cầu tăng sau truyền còn tùy thuộc nhiều vào tình trạng chảy máu, đồng miễn dịch với bạch cầu, tiểu cầu, hiệu quả điều trị bệnh chính và điều trị rối loạn đông cầm máu,…

- Chỉ số CCI (corected count increment) được sử dụng để đánh giá đáp ứng truyền tiểu cầu dựa trên lượng tiểu cầu được truyền (x1011), nồng độ tiểu cầu trước truyền (/mL), sau truyền (/mL) và diện tích da cơ thể - BSA (m2).

CCI = (nồng độ tiểu cầu sau truyền - trước truyền) x BSA / lượng tiểu cầu đã truyền.

Tính CCI vào thời điểm trong vòng 1giờ và 24 giờ sau truyền tiểu cầu.

Bình thường CCI trong vòng 1 giờ là > 7.500 và 24 giờ sau truyền là > 4.500.

Nếu CCI lúc 1 giờ thấp dưới 5.000 có thể nghi ngờ tăng phá hủy tiểu cầu do miễn dịch.

Nếu CCI lúc 1 giờ bình thường, nhưng CCI 24 giờ giảm có thể nghi ngờ tăng phá hủy tiểu cầu do nguyên nhân không miễn dịch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý Huyết Học, Bộ Y tế, 2022.
  2. Shan Yuan, Platelet transfusion: Indications, ordering, and associated risks, 2023, Uptodate.
You are here Tin tức Y học thường thức Chỉ định và đánh giá hiệu quả truyền tiểu cầu