• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Vấn đề dinh dưỡng khi nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori

  • PDF.

Ths Bs Lê Thị Thu Trang - 

Vi khuẩn Helicobacter pylori(HP), là một loại vi khuẩn tấn công vào niêm mạc dạ dày, gây ra viêm thực quản trào ngược, viêm và loét dạ dày, tá tràng. Hậu quả của nhiễm khuẩn HP có thể nghiêm trọng, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, vì thế diệt vi khuẩn HP là cần thiết. Nhưng việc điều trị vi khuẩn HP phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bệnh tật, thời gian bệnh, quá trình điều trị.

Ngoài việc dùng thuốc điều trị diệt HP, hiện nay đã có khuyến nghị điều trị HP bằng thực phẩm. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chức năng của cơ quan tiêu hóa. Nếu chế độ dinh dưỡng khoa học và điều độ, có thể cải thiện được một số vấn đề ở cơ quan này. Vậy chế độ dinh dưỡng như thế nào để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori và giảm thiểu tác hại của vi khuẩn đến dạ dày?

Lợi ích của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Helicobacterpylori

Helicobacter Pylori là vi khuẩn sinh sống và phát triển trong cơ quan tiêu hóa (chủ yếu là dạ dày). HP là một loại xoắn khuẩn gram âm, có khả năng thích nghi với môi trường acid trong dạ dày người. Với hình dạng xoắn ốc, vi khuẩn này có thể thâm nhập vào lớp nhầy trong niêm mạc dạ dày và sinh trưởng tại cơ quan này. Sự xuất hiện của vi khuẩn HP trong dạ dày khiến cơ quan này tăng tiết axit và gây ra các tình trạng như viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,… Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm vi khuẩn HP nhưng không gặp phải bất cứ vấn đề gì là do số lượng lợi khuẩn bên trong dạ dày ở những trường hợp này cao và có khả năng cân bằng hại khuẩn.

dinhduonghe

Ngoài ra các chuyên gia cũng cho biết, một trong những yếu tố giúp vi khuẩn HP phát triển mạnh, gây ăn mòn và tổn thương niêm mạc dạ dày là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Thường xuyên ăn thực phẩm cay nóng, giàu chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống chứa cồn,… khiến dạ dày tăng tiết dịch vị; từ đó vi khuẩn HP có môi trường để phát triển, sinh sôi và làm phát sinh những vấn đề sức khỏe ở cơ quan tiêu hóa.

Chính vì vậy với những trường hợp dương tính với vi khuẩn HP, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết. Một chế độ ăn lành mạnh có thể ức chế vi khuẩn gây hại, tăng số lượng lợi khuẩn và cải thiện chức năng của dạ dày.

Thực phẩm diệt vi khuẩn HP và cải thiện chức năng tiêu hóa

Để hạn chế các ảnh hưởng của vi khuẩn HP, đồng thời cải thiện chức năng tiêu hóa của dạ dày và đường ruột, nên bổ sung các thực phẩm sau đây:

1.Tỏi – Thuốc kháng sinh tự nhiên

Từ lâu, tỏi đã được dân gian sử dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe thường gặp. Hoạt chất allicine trong tỏi có khả năng sát trùng, kháng khuẩn và chống oxy hóa.

Nhiều chuyên gia còn ví tỏi như một loại kháng sinh tự nhiên, có tác dụng ức chế hoạt động và ảnh hưởng của vi khuẩn HP. Ngoài ra, hợp chất lưu huỳnh trong tỏi còn thúc đẩy chức năng tiêu hóa, giảm tình trạng đầy hơi và khó tiêu.  

2. Gừng giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại

Tương tự như tỏi, gừng cũng là dược liệu được sử dụng phổ biến. Hợp chất Gingerol trong gừng có khả năng chống viêm và oxy hóa mạnh. Ngoài ra, hợp chất này còn ức chế nhiều loại vi khuẩn khác như vi khuẩn HP, vi khuẩn gây viêm nướu và nha chu.

Với những người bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP, việc bổ sung gừng có thể cải thiện tình trạng sung huyết, đau rát và ngăn ngừa chảy máu. Ngoài ra, thành phần trong gừng còn có tác dụng thúc đẩy tốc độ tiêu hóa ở dạ dày, giúp cải thiện tình trạng khó tiêu mãn tính.

3. Nghệ đem lại nhiều lợi ích cho dạ dày

Nghệ được đánh giá là một trong những loại gia vị có đặc tính dược liệu mạnh. Hoạt chất Curcumin trong loại gia vị này có khả năng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Vì vậy bệnh nhân nên bổ sung nghệ vào chế độ ăn để hạn chế viêm nhiễm ở cơ quan tiêu hóa.

Bên cạnh đó, thành phần trong củ nghệ còn ức chế sự phát triển bất thường của các tế bào loạn sản. Với những người có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao, sử dụng nghệ thường xuyên còn có thể ngăn chặn được bệnh lý nguy hiểm này.

4. Trái cây giàu vitamin C

Vitamin C và hợp chất thực vật trong nhóm trái cây này đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Carotenoids, flavonoid, vitamin B, magie, kali,… có khả năng chống oxy hóa, hạn chế hình thành gốc tự do và giảm hiện tượng viêm.

Ngoài ra, với hàm lượng chất xơ dồi dào, nhóm trái cây này còn hỗ trợ nhu động ruột và thúc đẩy quá trình tiêu hóa của dạ dày. Tuy nhiên một số loại trái cây giàu vitamin C có tính axit cao như chanh, tắc, quýt,… có thể gây đau dạ dày và khó tiêu.

Vì vậy chỉ nên bổ sung các loại trái cây có vị ngọt và chua dịu nhẹ như dâu tây, lựu, cam, bưởi, việt quất, đào, thanh long,…

5. Rau xanh giúp kiềm hóa dịch vị dạ dày (Sup lơ, bắp cải, củ cải, bông cải xanh, rau lá xanh,…)

Hoạt động tăng tiết axit trong dạ dày là môi trường thích hợp để số lượng hại khuẩn tăng lên nhanh chóng. Để điều hòa và kiềm hóa dịch vị dạ dày, nên bổ sung rau xanh mỗi ngày.

Rau xanh có độ pH kiềm, có khả năng trung hòa dịch vị dạ dày, làm giảm nguy cơ trào ngược và viêm loét cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra với hàm lượng nước và chất xơ cao, bổ sung rau xanh còn hạn chế tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa,…

6. Các loại nấm (nấm rơm, nấm đông cô, nấm đùi gà,…)

Nấm là nguồn cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể, bao gồm protein, chất xơ, vitamin, nguyên tố vi lượng,… Ngoài ra các chất chống oxy hóa ở nấm còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ, chữa lành các tổn thương ở bên trong cơ thể và duy trì vóc dáng cân đối.

Bên cạnh đó, hàm lượng chất xơ và vitamin trong nấm có khả năng cân bằng vi khuẩn gây hại và men vi sinh trong dạ dày, đường ruột.

7. Sữa chua và thực phẩm có chứa probiotic

Probiotic là các men vi sinh (lợi khuẩn) cần thiết cho hệ tiêu hóa. Số lượng men vi sinh giảm gây mất cân bằng và tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter Pylori sinh sôi nhanh chóng.

Khi bị nhiễm vi khuẩn này, nên bổ sung sữa chua và các thực phẩm có chứa probiotic (kim chi, phô mai, dưa cải muối,…) để tăng số lượng lợi khuẩn trong đường ruột. Ngoài khả năng ức chế hại khuẩn, probiotic còn hỗ trợ chức năng tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột và cải thiện các tình trạng như táo bón, đầy hơi, khó tiêu.

8. Mật ong

Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn và có chứa hydrogen peroxide tự nhiên có thể loại bỏ vi khuẩn HP khỏi dạ dày.

9. Dầu ô liu

Dầu ô liu có chứa polyphenol, là tác nhân kháng khuẩn chống lại khuẩn HP truyền thống và chủng HP kháng kháng sinh.

10. Dầu Oregano

Dầu oregano có chứa một hóa chất thực vật gọi là carvacrol. Carvacrol không chỉ chống lại vi khuẩn trong dạ dày như vi khuẩn HP, mà còn kích thích các loại vi khuẩn có lợi cho dạ dày phát triển thúc đẩy phục hồi tổn thương của niêm mạc dạ dày rất tốt.

11. Trà xanh

Trà xanh làm giảm viêm dạ dày và do một số polyphenol có trong trà xanh cũng có thể chống lại vi khuẩn HP.

12. Rễ cam thảo

Rễ cam thảo ngăn chặn vi khuẩn HP bám vào các tế bào của niêm mạc dạ dày, làm cho quá trình hoạt động của vi khuẩn HP kém hiệu quả hơn.

Nguyên tắc ăn uống cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

Để thành phần trong những loại thực phẩm trên đem lại lợi ích cho hệ tiêu hóa, ức chế vi khuẩn gây hại và tăng số lượng lợi khuẩn, cần ăn uống theo nguyên tắc sau:

Cân bằng thành phần dinh dưỡng: Mặc dù các thực phẩm nêu trên đem lại nhiều tác dụng tốt đối với cơ quan tiêu hóa. Tuy nhiên bạn cần bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng khác để duy trì sức khỏe ổn định và đảm bảo chức năng của những cơ quan khác.

Ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn: Sự xuất hiện của vi khuẩn Helicobacter Pylori có thể khiến dạ dày và đường ruột giảm hoạt động. Vì vậy bạn nên ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn để tránh gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa, từ đó hạn chế tình trạng đau thượng vị, đầy hơi, táo bón,…

Không hoạt động sau khi ăn: Hoạt động ngay sau khi ăn có thể bị đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu,… Ngoài ra thói quen này còn làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.

Ăn chậm – nhai kĩ: Đây là thói quen nên thực hiện để giảm áp lực lên dạ dày và đường ruột. Khi thực phẩm được nhai kỹ, cơ quan tiêu hóa sẽ dễ dàng thu nạp thành phần dinh dưỡng và bài tiết chất thải.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Văn Đức (2010). Dinh dưỡng và điều trị. Nhà xuất bản Y học.
  2. Đào Văn Long (2014). Bài tiết acide dịch vị và bệnh lý liên quan. Nhà xuất bản Y học.
  3. Tạ Long (2003). Bệnh lý dạ dày tá tràng và vi khuẩn Helicobacter pylori. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 29 Tháng 9 2022 13:31

You are here Tin tức Y học thường thức Vấn đề dinh dưỡng khi nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori