Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh -
(QNO) - Nhiều người bày tỏ quan tâm, lo lắng về những vấn đề chăm sóc sức khỏe thai kỳ trong mùa dịch Covid-19. Ngoài những lưu ý về chăm sóc thai kỳ thông thường, cần lưu ý những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 và những hệ lụy của dịch bệnh.
Dưới đây là giải đáp những thắc mắc của đa số thai phụ trong mùa dịch.
* Trong mùa dịch Covid-19, lịch khám thai có thay đổi nhiều không? Nếu bị giãn cách xã hội, nên thay đổi như thế nào cho phù hợp?
- Nhiều người lo lắng khi đi khám thai mùa dịch vì sợ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện luôn đặt sự an toàn thai phụ và thai nhi lên hàng đầu như kiểm soát các quy trình khi thăm khám để hạn chế lây lan của dịch bệnh bằng cách tuân thủ 5K hoặc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 khi cần thiết.
Thai phụ cần khám theo lịch hẹn của bác sĩ và thực hiện đúng các hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể hạn chế đến bệnh viện bằng cách khám, tư vấn qua điện thoại hoặc các cuộc gọi video. Các bác sĩ sẵn sàng hướng dẫn một cách chi tiết nhất.
Lịch khám thai định kỳ thường chia theo quý I, II, III. Trong đó, giai đoạn quan trọng, không nên bỏ qua là khoảng 11 - 13 tuần 6 ngày, ngoài xem xét tình trạng thai kỳ, còn đo độ mờ da gáy, xét nghiệm máu phối hợp để sàng lọc các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể của trẻ sơ sinh và tầm soát tiền sản giật sớm cũng như xét nghiệm lây truyền mẹ con để phát hiện các bất thường sớm trong thai kỳ.
Quý II thường sẽ tầm soát hình thái học thai nhi trong khoảng tuổi thai 20 - 25 tuần và làm thêm xét nghiệm tầm soát đái đường. Nếu không đi khám được 2 lần, có thể chọn thời điểm 24 tuần là giai đoạn vừa tầm soát dị tật thai vừa xét nghiệm đái đường thai kỳ.
Quý III, nên khám thai vào tuổi thai 30 - 32 tuần để xem thai phát triển như thế nào. Một số trường hợp đặc biệt, thai nguy cơ, bác sĩ sẽ làm siêu âm Doppler và hướng dẫn kế hoạch theo dõi chặt chẽ hơn, và từ 36 tuần trở đi, còn ước đoán cân nặng thai, xác định ngôi thai, xem tình trạng nước ối và theo dõi sức khỏe thai nhi.
Như vậy, nếu giãn cách xã hội, không có điều kiện khám thai, ít nhất thai phụ nên khám thai mỗi quý một lần để được hướng dẫn và tư vấn về tình trạng thai.
* Mẹ nhiễm Covid-19 khi mang thai có nguy hiểm không?
- Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị biễn biến nặng khi mắc Covid-19 và khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể với tỷ lệ cao hơn so với người bình thường, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Các chuyên gia đề nghị tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai vì lợi ích nhiều hơn rủi ro.
* Khi phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, vi rút gây bệnh như thế nào cho em bé?
- Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con, hoặc mẹ nhiễm vi rút gây dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên cũng có những báo cáo cho thấy viêm phổi do vi rút ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh...
* Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có an toàn cho phụ nữ mang thai không?
- Với tình hình dịch bùng phát hiện nay, phụ nữ mang thai bệnh sẽ trở nặng nếu bị nhiễm Covid-19. Vì vậy, ngày 10.8.2021 Bộ Y tế đã ban hành quyết định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên để tạo kháng thể, qua nhau thai bảo vệ em bé những tháng đầu sau khi sinh trước yếu tố nguy cơ lây nhiễm xung quanh. Thai phụ nên tiêm vắc xin khi có cơ hội và cần được thăm khám về tình trạng của mẹ và thai ngay trước khi tiêm.
* Tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ có ảnh hưởng gì đến trẻ sơ sinh hay không?
- Tất cả vắc xin được phê duyệt hiện nay không sử dụng vi vút còn sống, do đó không có nguy cơ lây nhiễm vi rút sang trẻ qua sữa mẹ. Một số bằng chứng cho thấy, sau khi tiêm vắc xin, các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ, vì vậy thể giúp bảo vệ trẻ chống lại Covid-19. Do đó, phụ nữ cho con bú tiêm vắc xin một cách an toàn và có lợi rất nhiều cho trẻ.
* Với nguy cơ dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, phụ nữ mang thai cần phải có chế độ dinh dưỡng và luyện tập như thế nào để phòng chống nguy cơ lây nhiễm Covid-19?
- Ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất cần thiết cho phụ nữ có thai, các thai phụ nên bổ sung các thuốc bổ cần thiết cho thai nhi như canxi, viên sắt và acid folic, và đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D - một vitamin cần thiết cho chuyển hóa canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết.
Phụ nữ có thai hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết và áp dụng các biện phòng hộ cá nhân là cách phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có thai rất cần phải luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lý. Do phải hạn chế ra ngoài trong mùa dịch, chị em nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/y-te/cham-soc-phu-nu-mang-thai-trong-mua-dich-covid-19-116301.html
- 07/09/2021 18:48 - Tổn thương gan do thực phẩm chức năng và thuốc
- 05/09/2021 18:45 - Viêm đại tràng
- 26/08/2021 18:36 - Phẫu thuật nang nhầy vùng miệng
- 26/08/2021 18:20 - Nguy cơ tai nạn ở trẻ
- 23/08/2021 16:55 - Cơ chế phân tử của thuốc Molnupiravir kháng vi rút…
- 18/08/2021 17:25 - "DOPING" CỦA THẦY THUỐC
- 17/08/2021 20:17 - Yểu tố nguy cơ và dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ
- 08/08/2021 09:10 - So sánh kết quả điều trị đau thần kinh tọa 4-12 th…
- 08/08/2021 09:01 - Định lượng alkaline phosphatase
- 27/07/2021 10:48 - Tìm hiểu giấc ngủ liên quan đến nhãn áp như thế nà…