• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Phòng ngừa phù hoàng điểm dạng nang sau phẫu thuật đục thủy tinh thể

  • PDF.

Bs CK2 Lê Thị Hà - 

Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, một số bệnh nhân có thể xảy ra biến chứng phù hoàng điểm trong vòng khoảng 6 tuần sau phẫu thuật. Thông thường, phù hoàng điểm sau phẫu thuật thủy đục thủy tinh thể (PCMO) không có triệu chứng cụ thể, tuy nhiên, một số bệnh nhân thì gặp tình trạng giảm thị lực.

Cơ chế phát sinh của PCMO có liên quan đến tình trạng viêm sau phẫu thuật và sự giải phóng các chất trung gian gây viêm. Việc sử dụng steroid tại chỗ và / hoặc thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng phụ của viêm, bên cạnh đó, còn được dùng để phòng ngừa và điều trị PCMO. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của những loại thuốc này hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Một phần là do PCMO có thể phân giải một cách tự phát cũng như phác đồ điều trị và số lượng dữ liệu để chứng minh rất ít. 

IMG-7539

Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID):  

NSAID là các hợp chất hóa học với tác dụng ức chế một loại enzyme có vai trò quan trọng trong tổng hợp prostaglandin, có tên gọi là cyclooxygenase (COX). NSAID không được FDA chỉ định để điều trị PCMO; tuy nhiên, chúng có tác dụng trong việc tăng tốc độ phục hồi thị lực trong vài tuần đầu sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. 

• Diclofenac: Diclofenac natri 0,1% là một dẫn xuất của axit phenylaxetic - một trong những NSAID phổ biến nhất. Khi dùng với mục đích dự phòng cho bệnh nhân mổ lấy thủy tinh thể đục và đặt kính nội nhãn, Naclof làm giảm tần suất và độ nặng (nếu có xảy ra) của phù hoàng điểm dạng nang.  Sự kết hợp của cyclodextrin (cyclic oligosaccharide) với diclofenac có thể giảm độc tính trên mắt và tăng cường khả năng dung nạp của giác mạc.

• Nepafenac: là một tiền thuốc (prodrug). Sau khi thẩm thấu vào giác mạc, Nepafenac trải qua quá trình sinh hóa nhanh chóng thành amfenac, bởi hydrolase nội nhãn, giúp ức chế tổng hợp prostaglandin bằng cách ức chế COX-1 và COX-2.  Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên tiền cứu, nhỏ nepafenac 0,3% một lần mỗi ngày, bắt đầu 2 ngày trước khi phẫu thuật và 5 tuần sau đó, có hiệu quả trong việc giảm độ dày hoàng điểm so với giả dược, mặc dù không có sự khác biệt về cải thiện thị lực (tất cả bệnh nhân được dùng prednisolone acetate trong 5 tuần sau phẫu thuật).

• Bromfenac: là một NSAID có sẵn với các nồng độ khác nhau: 0,07%, 0,075% và 0,09%. Nó được sử dụng để điều trị viêm sau phẫu thuật và đau mắt sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, mặc dù nó không được chỉ định để phòng ngừa hoặc điều trị PCMO. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Chinchurreta Capote và cộng sự, không có bệnh nhân nào phàn nàn về tình trạng dính mắt khi sử dụng bromfenac so với 13,8% bệnh nhân ở nhóm nepafenac và 10,3% bệnh nhân được điều trị bằng natri diclofenac. Hơn nữa, bromfenac được phát hiện có hiệu quả hơn diclofenac và nepafenac trong việc giảm nguy cơ mắc PCMO sau phẫu thuật phaco.

• Ketorolac: Ketorolac tromethamine là một NSAID, thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau, kể cả khi phẫu thuật mắt. Ketorolac tromethamine 0,5% đã được chứng minh là có hiệu quả tương đương với diclofenac natri 0,1% trong việc giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của PCMO sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Thuốc chứa corticosteroid: 

• Corticosteroid: hoạt động như chất ức chế phospholipase-A2 và ngăn chặn việc giải phóng axit arachidonic có thể được chuyển hóa thành leukotriene và prostaglandin, Nhóm thuốc này cũng ngăn chặn sự kết dính biểu mô, điều hòa hóa chất, thực bào, giảm phù ở võng mạc. Tuy nhiên,tác dụng phụ của việc sử dụng corticosteroid tại chỗ bao gồm tăng nhãn áp, suy giảm khả năng chữa lành vết thương, nhiễm trùng và phát triển đục thủy tinh thể. 

• Dexamethasone: không có sự khác biệt đáng kể trong việc ngăn ngừa PCMO khi so sánh việc sử dụng prednisolone acetate sau phẫu thuật với dexamethasone phosphate. Tuy nhiên, tiêm 0.7 mg dexamethasone vào mắt cho hiệu quả rõ rệt trong điều trị phù hoàng điểm sau phẫu thuật.

• Prednisolone: là một chất tương tự tổng hợp của glucocorticoid hydrocortisone. Nó có khả năng thẩm thấu tốt vào mắt và là chất chống viêm tương đối hiệu quả nhất đối với viêm mắt bán phần trước.

• Difluprednate: đã được FDA chấp thuận vào năm 2008, có sẵn ở dạng dung dịch nhỏ mắt với nồng độ 0,05%. Trong một nghiên cứu hồi cứu, Tijunelis báo cáo không có sự khác biệt đáng kể về sự thay đổi nhãn áp giữa hai nhóm bệnh nhân sử dụng difluprednate hai lần một ngày trong 30 ngày và prednisolone acetate bốn lần một ngày trong 30 ngày sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.

• Triamcinolone acetonide: Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, việc tiêm 40 mg triamcinolone acetonide dưới kết mạc được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh nhân đái tháo đường sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Ở những bệnh nhân dùng triamcinolone, độ dày hoàng điểm và thể tích hoàng điểm thấp hơn ở tuần thứ 6 và 12 sau phẫu thuật, so với những bệnh nhân không dùng. 

Viêm sau phẫu thuật đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân quan trọng gây ra các biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp hoặc phù hoàng điểm. Phù hoàng điểm thường tự khỏi, mặc dù có thể gây giảm thị lực và làm tổn thương hoàng điểm khi không được điều trị. Viêm mắt sau phẫu thuật có thể thuyên giảm bằng steroid hoặc NSAID. Hai nhóm thuốc này có cơ chế hoạt động chồng chéo. Dựa trên những nghiên cứu hiện tại, sự kết hợp của steroid và NSAID trong giai đoạn phẫu thuật sẽ đem lại lợi ích về thị lực trong 12 tuần sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Mặt khác, liệu pháp phối hợp mang lại lợi ích rõ ràng trong việc phòng ngừa PCMO ở các trường hợp đục thủy tinh thể có nguy cơ cao trong cả thời gian theo dõi ngắn hạn và dài hạn.

 Nguồn: https://bit.ly/3fXc3No


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 13 Tháng 6 2021 08:52

You are here Tin tức Y học thường thức Phòng ngừa phù hoàng điểm dạng nang sau phẫu thuật đục thủy tinh thể