Trong hai ngày 16-17/5/2012, tại Hội trường thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức Hội nghị với sự hợp tác của Hội Sản phụ khoa và Hội Phụ khoa Không biên giới Cộng Hòa Pháp.
Hội nghị Sản Phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 13
Trong Hội nghị này, có khoảng hơn 1200 đại biểu là những nhà chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cùng sự tham dự của các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản–phụ khoa–nhi sơ sinh, chu sinh trong và ngoài nước. Trong số đó, có gần 60 báo cáo và các hội thảo vệ tinh chuyển giao các kỹ thuật y học hiện đại điều trị các bệnh lý sản - phụ khoa, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán tiền sản - sàng lọc sơ sinh, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phục hồi sàn chậu, hiếm muộn - vô sinh, hồi sức cấp cứu sơ sinh - điều trị sơ sinh non tháng có nguy cơ tàn tật, dự phòng và điều trị dọa sanh non, cá nhân hóa nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh: tiến bộ và thách thức v.v…, được trình bày bởi các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ đến từ các bệnh viện, viện–trường đại học y khoa tiên tiến của Pháp, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Singapore... và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về lĩnh vực sản phụ khoa tại Việt Nam như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương ....Đây là những tư liệu y học mới và kinh nghiệm lâm sàng quý báu, đã và đang ứng dụng hiệu quả tại các trung tâm chuyên khoa thuộc lĩnh vực sản phụ khoa. Các đại biểu các tuyến y tế cơ sở có dịp cập nhật các kiến thức mới, tiếp cận các thành tựu y học tiên tiến và các phác đồ điều trị có hiệu quả dựa trên y học bằng chứng để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng đa dạng của người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trong chương trình nghiên cứu loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, Gs Nguyễn Văn Tuấn đã đề cập đến sự ra đời của mô hình tiên lượng gãy xương trong loãng xương. Một thách thức trong tương lai là sử dụng những thông tin từ những khám phá gen kết hợp với các yếu tố lâm sàng để tiên lượng gãy xương cho một số cá nhân một cách chính xác.
Trong Hội Thảo vệ tinh về “ Điều trị bệnh phụ khoa lành tính- những vấn đề còn tranh luận” các tác giả đã cập nhật hướng dẫn điều trị lạc nội mạc tử cung (LNMTC). Đây là một bệnh lý với cơ chế bệnh sinh không rõ vẫn là một thách thức cho các nhà lâm sàng phụ khoa. Việc lựa chọn điều trị tùy thuộc vào mục tiêu điều trị: giảm đau, bảo tồn khả năng sinh sản, tăng khả năng thụ thai, giảm tái phát và diễn tiến nặng...Trước đây, nội soi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán LNMTC nhưng hiện nay vấn đề này còn nhiều tranh cãi, không phải luôn cần thiết vì nguy cơ phẫu thuật.. Trong điều trị đau do LNMTC, có nhiều lựa chọn cho điều trị nội tiết như: viên tránh thai nội tiết, Progestins, Danazol, GnRH đồng vận.. Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa không đáp ứng, hiếm muộn, tình trạng của khối u. Hiệp hội Sản phụ khoa Châu Âu 2008 và Canada 2010 khuyến cáo cần xem xét đúng mức chỉ định mổ, đánh giá tổn thương trước mổ và lựa chọn kỹ thuật mổ cũng như mức độ kinh nghiệm của phẫu thuật viên cùng với các phương tiện kỹ thuật điều trị đi kèm.
Trong Hội thảo vệ tinh về dự phòng và xử trí dọa sinh non, các tác giả đã nhấn mạnh sinh non là nguyên nhân chính của bệnh suất và tử suất sơ sinh. Do vậy, điều trị chuyển dạ sinh non là vấn đề quan trọng của sản khoa nhằm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh. Chưa có đủ bằng chứng để đưa ra thuốc giảm go tốt nhất, việc lựa chọn thuốc tùy vào điều kiện cơ sở y tế và kinh nghiệm thầy thuốc (level A, ACOG, 2012). Thuốc ức chế cơn go tử cung có thể kéo dài thai kỳ thêm 2-7 ngày giúp cho việc sử dụng hiệu quả liệu pháp corticoid cũng như việc chuyển sản phụ đến cơ sở y tế tốt hơn. Beta-minetic hiệu quả để trì hoãn chuyển dạ sinh non trong 48 giờ chờ tác dụng của steroid và chuyển sản phụ đến trung tâm hồi sức sơ sinh, tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ không mong muốn trên mẹ. Thuốc chẹn kênh calci có tác dụng kéo dài thai kỳ hiệu quả hơn với tác dụng phụ ít hơn beta- mimetic. Atosiban là chất đối kháng oxytocin, là thuốc lựa chọn đầu tay ở một số nước châu Âu, hiệu quả tương đương với ß2- agonist, giảm tỉ lệ phải ngưng điều trị, tuy nhiên giá thành khá cao. Nên khâu cổ tử cung dự phòng khi có tiền sử sinh non diễn tiến giống hở eo tử cung (TC), thường được chỉ định khi thai kỳ được 12- 14 tuần. Khâu cổ tử cung (CTC) do theo dõi qua siêu âm thấy CTC hở rộng và ngắn dần, thường được chỉ định từ tuần 14- 24 của thai kỳ. Khâu CTC khẩn cấp khi CTC mở và ngắn hơn 25mm, thậm chí 15mm, tuổi thai < 28 tuần. Frederik, 2007 cho thấy tỉ lệ sơ sinh sống được khi khâu CTC khẩn cấp là 96% so với 57% nếu không khâu, vì vậy hầu hết các tác giả thống nhất khâu CTC phối hợp với kháng sinh và thuốc giảm co thắt, nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Tuy nhiên khi khâu cần tư vấn cho bệnh nhân về nguy cơ vỡ ối non, nhiễm trùng ối và nhiễm trùng bào thai... Progesteron với vai trò ức chế co thắt cơ TC có tác dụng dự phòng sinh non trong những trường hợp đơn thai, có tiền căn sinh non hoặc trường hợp CTC ngắn, giảm nguy cơ sinh non có ý nghĩa thống kê.
Trong các báo cáo về phẫu thuật nội soi, Bs Nguyễn Bá Mỹ Nhi đã có một báo cáo rất lý thú về các biến chứng nặng của phẫu thuật nội soi phụ khoa tại BV Từ Dũ. Theo tác giả, trong >2 năm (01/01/2011- 30/04/2013), BV Từ Dũ có 14.954 ca phẫu thuật nội soi, trong số đó có 1.103 ca cắt tử cung và 3495 bóc u buồng trứng va có 36 ca tai biến nặng. Trong 19 ca tai biến nhẹ, có 42% phát hiện trong phẫu thuật và 95% được điều trị bảo tồn. Trong 17 ca tai biến nặng, có 94% phát hiện trong thời kỳ hậu phẫu và 11/17 trường hợp là tổn thương đường niệu. Tác giả đã đưa ra khuyến cáo cho các phẫu thuật viên nội soi như sau: phẫu thuật nội soi thường làm cho người bệnh hồi phục nhanh trong thời kỳ hậu phẫu, nếu có bất kỳ tình trạng nào không cải thiện hoặc xấu đi từng giờ thì phải xem có biến chứng không? Nếu nghi ngờ có biến chứng cần phối hợp với các chuyên khoa Ngoại để phát hiện tổn thương. Các phẫu thuật viên nên được huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao, làm việc theo nhóm, và khi có sai sót nên xem lỗi từ kỹ thuật, do bệnh lý, do trang thiết bị, do tay nghề... từ đó đưa ra một chiến lược điều trị và huấn luyện tốt hơn và cuối cùng... không nên làm giàu kinh nghiệm của mình bằng sinh mạng của bệnh nhân...
Nhiều báo cáo khác rất hay về lĩnh vực chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, sản bệnh lý, phụ khoa, hiếm muộn, phẫu thuật thẩm mỹ... mà người viết không thể chuyển tải hết. Nếu quan tâm hơn về các đề tài báo cáo tại Hội nghị Việt Pháp Châu Á Thái bình dương, các bạn có thể vào trang web www.benhvientudu.vn để tham khảo tài liệu.
Ths Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh
- 17/12/2013 07:15 - Tin về Hội nghị Gây mê Hồi sức Miền Trung –Tây Ngu…
- 25/11/2013 09:37 - Hội nghị khoa học thường niên HOSREM lần thứ IX 15…
- 31/10/2013 07:40 - Hội nghị khoa học Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam …
- 27/10/2013 15:19 - Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 Phân hội Điện sinh lý…
- 12/06/2013 13:59 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam triển khai thành …
- 01/03/2013 09:56 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam triển khai kỹ thu…
- 30/01/2013 22:38 - Tổng kết công tác y tế 2012 và triển khai kế hoạch…
- 26/11/2012 14:25 - Thư mời tham gia Hội Thảo Khoa Học Trẻ Bệnh viện …
- 11/10/2012 13:31 - Tin về Đại Hội Tim Mạch Toàn Quốc Lần Thứ 13 tổ ch…
- 11/10/2012 09:44 - Các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện 2012