Bs Trần Thị Thảo -
Đại cương
Sửa van hai lá hiện đang là thủ thuật được ưu tiên cho hở van hai lá nếu khả thi và được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Nhiều tác giả khuyến khích sửa van hai lá khi tổn thương van hai lá có thể sửa được vì cách tiếp cận này có ưu điểm là bảo tồn chức năng thất trái tốt hơn và giảm gánh nặng điều trị chống đông.
Thiếu máu tán huyết (HA: hemolytic anemia) là biến chứng được biết nhiều sau thay van hai lá nhân tạo (van sinh học hoặc van cơ học) với tần suất từ 5 – 15% [5]. Thiếu máu tán huyết (TMTH) trong những trường hợp này đa số đáp ứng tốt với liệu pháp bổ sung sắt và phẫu thuật lại, những trường hợp TMTH kháng trị tiên phát hiếm gặp và thường không điều trị thành công. Thiếu máu tán huyết sau thay vòng van sửa van ít được biết đến. Chỉ có 7 bệnh nhân trong số 1548 bệnh nhân sửa van hai lá cần phẫu thuật lại do thiếu máu tán huyết [5]. Lịch sử nước Anh lần đầu tiên ghi nhận bệnh nhân tán huyết sau sửa van hai lá vào năm 1980. Từ đó đến năm 2012, AbouRjaili và cộng sự chỉ ghi nhận được 70 trường hợp TMTH sau sửa van hai lá. Trong thống kê này, độ tuổi bệnh nhân TMTH sau sửa van hai lá là 58±18 tuổi (40% ở nam giới), với thời gian trung bình lúc chẩn đoán là 60 ngày [2].