Bs. Trần Thị Thảo - Khoa Huyết học – Truyền máu
1. Thuốc tránh thai đường uống và cơ chế tác dụng
Thuốc tránh thai đường uống (OCs: oral contraceptives hay birth-control pills) được sử dụng để ngăn cản có thai. Estrogen và progestin là 2 hormon của nữ giới. Sự kết hợp 2 hormon này có thể ngăn chặn rụng trứng, thay đổi lớp nội mạc tử cung để tránh có thai, phát triển và thay đổi lớp nhầy tử cung để ngăn chặn tinh trùng đến gặp trứng. OCs là phương pháp tránh thai rất có hiệu quả, nhưng chúng không ngăn chặn được các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như virus HIV.
Hình 1. Cơ chế tác dụng của thuốc tránh thai đường uống
2. Liên quan giữa thuốc tránh thai đường uống và nguy cơ tăng đông
Kể từ khi được giới thiệu vào năm 1960, thuốc tránh thai đường uống kết hợp chứa ethinylestradiol và progestin liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. Phụ nữ sử dụng OCs tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch 2 đến 6 lần so với phụ nữ bình thường, nguy cơ này xảy ra cao nhất trong 6 tháng đầu dùng thuốc và trở về bình thường sau khi ngưng thuốc. Nguy cơ này thay đổi theo liều của ethinylestradiol và loại progestin.
Các nghiên cứu dịch tễ học sau đó đã tìm thấy mối liên quan giữa OCs và thay đổi nồng độ các yếu tố đông máu, thay đổi tiểu cầu và hiện tượng huyết khối, đặc biệt là ở những phụ nữ tăng đông di truyền (như thiếu antithrombin, thiếu protein C, thiếu protein S, yếu tố V Leiden và đột biến prothrombin-G2021A), phụ nữ hút thuốc lá, đái tháo đường... Nhiều nghiên cứu cho thấy ở những bệnh nhân có yếu tố V Leiden và đột biến prothrombin-G2021A có tần suất huyết khối cao hơn (5% và 2%) so với bệnh nhân thiếu antithrombin, protein C và protein S (khoảng 0.1%).
3. Cơ chế tăng đông của thuốc tránh thai đường uống
Sự thay đổi nồng độ của các yếu tố tiền đông máu, kháng đông cũng như các yếu tố tiêu sợi huyết trong huyết thanh được báo cáo khi tìm hiểu về huyết khối tĩnh mạch liên quan OCs.
OCs gia tăng trạng thái tăng đông do tăng có ý nghĩa nồng độ fibrinogen, yếu tố XII, các yếu tố phụ thuộc vitamin K (đặc biệt là yếu tố VII và X), tiểu cầu cũng tăng ngưng kết; chất ức chế đông máu antithrombin III thường giảm, từ đó có thể dẫn đến các đợt huyết khối.
Hình 2: Cơ chế tăng đông của thuốc tránh thai đường uống
Một số nghiên cứu chứng minh sự đề kháng đến ức chế protein C hoạt hóa khi sử dụng OCs, và cơ chế vẫn chưa rõ, nhưng có lẽ liên quan đến giảm chất ức chế qua con đường yếu tố mô (TFPI: tissue factor pathway inhibitor) và protein S tự do khi sử dụng OCs.
4. Chọn lựa thuốc tránh thai ở phụ nữ có nguy cơ tăng đông
Thuốc tránh thai chứa lovonorgestrel hoặc norethisterone kết hợp với ethinyloestradiol 35 µg hoặc ít hơn được khuyến cáo hàng đầu vì ít liên quan đến huyết khối tĩnh mạch. Những liệu pháp chỉ có progestogen đơn thuần thì an toàn hơn cho những phụ nữ có nhiều yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Thuốc tránh thai kết hợp đường uống liên quan với tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và thiếu máu não, với tỷ số chênh (OR) khoảng 1.7 so với người không sử dụng, nguy cơ này tăng ở những phụ nữ có tiền sử bệnh lý động mạch, béo phì, hút thuốc lá (nếu trên 35 tuổi), đau đầu Migraine có tiền triệu (aura), đái tháo đường có biến chứng mạch máu hoặc tăng huyết áp không kiểm soát được. Những phụ nữ có những yếu tố nguy cơ này thì không nên dùng OCs.
Tóm lại, sử dụng thuốc tránh thai kết hợp đường uống có liên quan đến nguy cơ tăng đông, đặc biệt là ở phụ nữ có các yếu tố nguy cơ như tăng đông di truyền, tiền sử huyết khối, …Vì vậy, cần cân nhắc hiệu quả, an toàn, thuận lợi và bất lợi trên từng cá thể để lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- Comp Philip C., Zacur Howard A. (1991), “Contraceptive choices in women with coagulation disorder”, Am J Obstet Gynecol, 168(6):1990-1993.
- Farmer R. D. T, Lawrenson R. A, et al (1997), “Population-based study of risk of venous thromboembolism associated with various oral contraceptives”, Lancet, 349:83-88.
- Heiko Ruhl, Lars Schroder, et al (2014), “Impact of Hormone-Associated Resistance to Activated Protein C on the Thrombotic Potential of Oral Contraceptives: A Prospective Observational Study”, Plos One, 9(8):1-6.
- Hugon-Rodin Justine, Marie-Hélène Horellou et al (2018), “Type of Combined Contraceptives, Factor V Leiden Mutation and Risk of Venous Thromboembolism”, Thrombosis and
- Jill Jin (2014), “Oral Contraceptives”, JAMA Patient Page, 311(3):321.
- Samsunnahar, Qazi Shamima Akhter, et al (2014), “Assessment of Coagulation Disorder in Women Taking Oral Contraceptives”, Journal Bangladesh Soc Physiol, 9(1):1-5.
- Tanratana Pansakorn, Ellery Paul, et al (2018), “Elevated Plasma Factor IXa Activity in Premenopausal Women on Hormonal Contraception”, Arterioscler Thromb Vasc Biol, 38(1):266-274.
- Van Vlijmen E.F.W, Wiewel-Verschueren S., et al (2015), “Combined oral contraceptives, thrombophilia and the risk of venous thromboembolism: a systematic review and meta-analysis”, Journal of Thrombosis and Haemostasis, 14:1-11.
- 24/09/2019 20:13 - Tổng quan về điều trị gãy xương theo nguyên tắc AO
- 24/09/2019 20:06 - Thay khớp gối toàn phần
- 24/09/2019 09:38 - Test hỗn hợp: hỗ trợ chẩn đoán khi PT và APTT kéo …
- 19/09/2019 17:54 - Xác định kháng thể kháng HLA ở bệnh nhân và ứng dụ…
- 19/09/2019 17:46 - Vai trò của nội soi phế quản trong chẩn đoán bệnh …
- 13/09/2019 17:11 - Phẫu thuật ít xâm lấn đầu trên xương chày
- 13/09/2019 17:01 - Cập nhật điều trị đái tháo đường type 2 theo khuyế…
- 13/09/2019 16:51 - Áp dụng hướng dẫn trong cường cận giáp nguyên phát…
- 12/09/2019 18:57 - Kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy
- 10/09/2019 20:29 - Co thắt động mạch vành