• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần

  • PDF.

Bs Dương Chí Lực - Khoa Ngoại TH

Ung thư gan là một căn bệnh xếp hàng thứ bảy trong tất cả các bệnh ung thư được biết, và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai (sau ung thư phổi) và Việt Nam là một trong những Quốc gia có tỷ lệ người bị mắc bệnh ung thư gan cao nhất, theo một số nghiên cứu, trung bình có khoảng 10.000 trường hợp mới bị ung thư gan được phát hiện. Theo cảnh báo, con số này có thể có chiều hướng gia tăng mạnh trong vòng 5 năm tới nếu chúng ta không có những biện pháp sàng lọc và xử trí kịp thời.

Trong các phương pháp điều trị ung thư gan, phẫu thuật là phương pháp đầu tay, gây triệt căn tế bào ung thư qua việc loại bỏ phần gan chứa các tế bào ác tính.

Tuy nhiên trong thực tế thì không phải trường hợp nào cũng được chỉ định như vậy khi tình trạng người bệnh không cho phép trải qua một cuộc phẫu thuật, hoặc gan đã bị xơ, có nguy cơ suy gan sau khi cắt .v.v…

Và khi đó, có một phương pháp được cho là có hiệu quả cao trong điều trị mà rất ít xâm lấn, thuận lợi cho người bệnh, nhanh chóng và không quá phức tạp để có thể triển khai ở các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên: đó là phương pháp hủy khối u bằng sóng cao tần, hay còn gọi là kỹ thuật RFA (Radiofrequency Ablation)

Đây là một phương pháp điều trị ung thư gan đầy triển vọng và ngày càng được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

caotan1

Hình minh hoạ quá trình đốt u

1. Tìm hiểu về sóng cao tần

Sóng cao tần là âm thanh có tần số cao hơn tần số tối đa mà tai người có thể nhận được (nghe được), có nghĩa là sóng có tần số từ 20kHz trở lên, sóng cao tần còn được gọi là “siêu âm”. Siêu âm được phân biệt với hạ âm và âm thanh con người nghe được.

Sóng siêu âm có thể truyền trong nhiều môi trường như không khí, chất lỏng, rắn .v.v… với tốc độ không đổi.

Sóng siêu âm có tần số từ 1MHz – 13MHz: được sử dụng trong chẩn đoán, còn gọi là “siêu âm chẩn đoán”.

Sóng siêu âm có tần số từ 200MHz – 1200MHz: được sử dụng để truyền xung động đến các mô của khối u qua một điện cực, gây nên sự ma sát và sinh nhiệt để làm hủy khối u. Đó là cơ chế hủy u của phương pháp điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần RFA.

2. Chỉ định

  • Khối u nguyên phát hay ung thư tế bào gan;
  • Khối u di căn: có nhiều ung thư có thể di căn đến gan, trong đó hay gặp nhất là di căn từ đại tràng - trực tràng;
  • Phương pháp đốt sóng cao tần được ưu tiên sử dụng để điều trị các khối có kích thước khoảng 3cm.
  • Một số bệnh nhân không thể phẫu thuật do xơ gan chức năng gan không đảm bảo hoặc già yếu, hoặc có bệnh toàn thân nguy cơ cao khi gây mê, phẫu thuật.

Chỉ định lý tưởng:

  • Có ≤3 u, kích thước mỗi u ≤3cm (tuy nhiên phải nhận diện khối u một cách chính xác và rõ ràng trên siêu âm);
  • Vị trí thuận lợi, không gần các mạch máu lớn;
  • Không có các chống chỉ định.

3. Chống chỉ định

  • Bệnh ngoài da vùng thực hiện thủ thuật;
  • Thời gian sống thêm dưới 6 tháng;
  • Có bệnh ác tính khác đang tiến triển;
  • Xơ gan hoặc suy gan nặng;
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc huyết khối tĩnh mạch cửa;
  • Rối loạn tâm thần;
  • Bệnh phổi nặng;
  • Nhiễm trùng nặng;
  • Rối loạn đông máu nặng hoặc đang điều trị chưa ổn định;
  • Tổn thương lớn (>5 cm) (tương đối)
  • Nhiều tổn thương (>4 tổn thương) (tương đối)
  • U nằm cạnh mạch máu lớn, màng ngoài tim, cơ hoành, hoặc tạng khác (tương đối)

4. Chuẩn bị

4.1. Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh được khám tổng quát, xác định bệnh chính, bệnh kèm và biến chứng. Rà soát lại các chỉ định và chống chỉ định để thực hiện RFA
  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm để chuẩn bị phẫu thuật, đặc biệt là chức năng đông máu, chức năng gan thận. Sau đó là nhịn ăn trước khi can thiệp khoảng 6 tiếng đồng hồ.

4.2. Chuẩn bị dụng cụ

  • Các phương tiện dẫn đường là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: Máy siêu âm, máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ hoặc máy chụp mạch số hoá xoá nền.
  • Một số dạng kim để chọc và máy phát sóng cao tần.
  • Kim chọc có hai dạng chính: kim thẳng, đa kim hoặc kim chùm.
  • Thuốc tê tại chỗ, thuốc giảm đau (fentanyl .v.v…)
  • Nước cất đóng chai được đông đá để làm lạnh.

5. Kỹ thuật

  • Bước 1: siêu âm xác định khối u và lựa chọn đường tiếp cận (vị trí và hướng để chọc kim);
  • Bước 2: sát khuẩn, bọc đầu dò siêu âm bằng găng vô khuẩn, trải săng vô khuẩn. Người thực hiện tiến hành rửa tay, mang găng tay vô khuẩn;
  • Bước 3: gây tê tại chỗ và chọc kim vào trong khối u theo đường xuyên qua da thành bụng và đưa vào khối u với sự hỗ trợ bằng hình ảnh của máy siêu âm;
  • Bước 4: Kim này sẽ phát sóng radio đốt nóng các tế bào ác tính của khối u và các tế bào gan trong vòng 0,5-1 cm kề bên khối u;
  • Bước 5: Nhiệt độ sẽ đạt đến trên 100°C và sẽ duy trì trong khoảng 10 phút thì đủ để giết tất cả các tế bào trong phạm vi phá huỷ của kim radio;
  • Bước 6: rút kim, kiểm tra tình trạng chảy máu, sát khuẩn và thu dọn dụng cụ.
  • Bước 7: người bệnh được nằm tại chỗ hoặc đưa sang phòng theo dõi 15 phút trước khi trở về phòng bệnh của mình

6. Theo dõi sau khi thực hiện

  • Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như khó chịu, đau lan lên vai, nôn ói và nóng rát. Có thể khắc phục các triệu chứng này bằng thuốc giảm đau. Thường bệnh nhân bình phục hoàn toàn sau 1-2 tuần.
  • Đây là phương pháp ít xâm lấn, đơn giản, được thực hiện nhanh chóng cho nên người bệnh có thể trở về với cuộc sống bình thường sau vài ngày;
  • Nhưng phải trở lại tái khám sau đó 1 tháng (theo giấy hẹn).
  • Trong ung thư gan nguyên phát, khi kích thước u nhỏ (<3,5 cm), tỉ lệ sống trung bình sau 1, 3, và 5 năm điều trị RFA tương ứng là 94%, 68%, và 40%. Theo các báo cáo trên thế giới, thủ thuật này rất ít khi gây biến chứng nặng, tỉ lệ biến chứng nhẹ khoảng 2-3%.

7. Lợi ích của phương pháp

  • Giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật lớn với rất nhiều nguy cơ;
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn, trở về với cuộc sống và công việc sớm hơn;
  • Chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác;
  • Hiệu quả cao đối với các trường hợp không thể phẫu thuật được bởi tình trạng toàn thân, có nguy cơ suy gan .v.v… với tỷ lệ thành công cao: 85% các trường hợp u nhỏ.
  • Biến chứng rất thấp: rò mật, viêm túi mật, tràn dịch màng phổi phải, thủng đại tràng .v.v…

Tóm lại, phương pháp điều trị ung thư gan nguyên phát cũng như di căn bằng sóng cao tần đã mở ra một triển vọng mới hết sức tốt đẹp, là tin vui cho ngành y tế và người bệnh trước các lợi ích và hiệu quả mà phương pháp này mang lại. Phương pháp này ngày càng không ngừng được cải tiến, đổi mới để ngày càng hoàn thiện hơn, chỉ định rộng hơn, phổ biến hơn và điều trị ung thư một cách triệt để hơn.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 07 Tháng 6 2016 09:42

You are here Tin tức Y học thường thức Điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần