• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cập nhật một số phản ứng liên quan đến truyền máu

  • PDF.

Võ Thị Hồng Hạnh, ThS.BS. Phạm Thế Vĩnh – Khoa HHTM

Truyền máu là liệu pháp điều trị rất hữu hiệu, truyền máu không những giúp bổ sung các thành phần máu bị thiếu hụt mà còn bổ sung thể tích tuần hoàn cho cơ thể, cứu sống  người bệnh qua cơn nguy kịch, đem lại cho họ cuộc sống bình thường. Tuy nhiên bên cạnh những mặt lợi thì truyền máu đôi khi cũng gây ra một số tác hại nguy hiểm. Sau đây xin cập nhật một số phản ứng có hại khi truyền máu và cách xử trí:

A. Phản ứng truyền máu gây tan máu cấp

- Phản ứng hiếm gặp này thường hay đi kèm với tình trạng không tương hợp nhóm máu ABO và thường liên quan đến sai sót hành chính. Các triệu chứng sớm với tình trạng lo lắng, đỏ bừng, nhịp nhanh và tụt huyết áp. Đau ngực, đau bụng, sốt và khó thở là các biểu hiện thường gặp.  Nặng hơn là trụy mạch, suy thận, co thắt phế quản và đông máu rải rác lòng mạch (DIC).

-  Hemoglobin niệu dương tính do tan hồng cầu trong lòng mạch gây nên.

- Test kháng globin trực tiếp (+) [Test Coomb trực tiếp (+)] sẽ được thấy sau truyền máu. Mức độ nặng của phản ứng thường có liên quan với thể tích khối hồng cầu đã truyền.

phanungmau2

* Cách xử lý

1. Ngừng ngay truyền máu và thông báo ngay cho ngân hàng máu. Gửi lại số máu người cho chưa truyền hết và một mẫu máu tĩnh mạch của người nhận để định lại nhóm máu và làm lại phản ứng chéo, kể cả test Coomb trực tiếp và gián tiếp.

2. Xét nghiệm nước tiểu tìm hemoglobin tự do .

3. Điều trị tụt huyết áp bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc các dịch cao phân tử bồi phụ thể tích huyết tương. Có thể dùng thuốc vận mạch nếu biện pháp bồi phụ thể tích đơn độc không duy trì được huyết áp một cách thoả đáng. Có thể cần thiết phải theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm.

4. Duy trì tưới máu thận bằng bồi phụ thể tích tuần hoàn nếu lâm sàng có chỉ định. Có thể dùng các thuốc lợi tiểu như: Mannitol và/hoặc furosemid để duy trì cung lượng nước tiểu sau khi đã bồi phụ thể tích tuần hoàn đầy đủ.

5. Theo dõi thời gian Quick (PT), thời gian thrombin (APTT), tiểu cầu, fibrinogen và sản phẩm giáng hoá fibrin để tìm bằng chứng xác nhận tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch. Bồi phụ các yếu tố đông máu bị thiếu hụt bằng huyết tương đông lạnh, tiểu cầu và /hoặc chất kết tủa lạnh nếu có chỉ định

B. Phản ứng sốt do truyền máu (không có tan máu)

- Phản ứng này xảy ra ở 0,5-3% các trường hợp truyền máu và rất thường được thấy ở các bệnh nhân được truyền máu nhiều lần. Lâm sàng biểu hiện bằng rét run sau đó là sốt, thường xảy ra trong hay sau truyền máu một vài giờ. Phản ứng này thường chỉ là một biểu hiện nhẹ và tự khỏi.

* Cách xử lý:

1. Tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ bằng các thuốc như: Acetaminophen và diphenhydramine. Meperidine tĩnh mach hữu ích để điều trị tình trạng rét run.

2. Cần loại trừ các phản ứng truyền máu nghiêm trọng hơn (như có kèm với tan máu).

C. Phù phổi cấp  liên quan đến truyền máu

- Tình trạng suy hô hấp nặng xuất hiện đột ngột

-  Kết hợp sốt, rét run, đau ngực và tụt huyết áp.

-  Film Xquang ngực cho thấy có tình trạng phù phổi lan toả. Phản ứng này có thể trầm trọng và có nguy cơ gây tử vong, song thường thuyên giảm trong vòng 48h.

* Cách xử lý:

1. Tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ phù phổi và giảm Oxy máu bằng thông khí hỗ trợ.

2. Theo dõi huyết động chặt chẽ.

3. Lợi tiểu chỉ hữu ích khi có tình trạng tăng gánh thể tích tuần hoàn.

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu Huyết học – Truyền máu của Lê Đình Sáng, Đại học Y khoa Hà Nội
2. Website của Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ http://www.hopkinsmedicine.org


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 15 Tháng 7 2013 13:17

You are here Tin tức Y học thường thức Cập nhật một số phản ứng liên quan đến truyền máu