• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Quản lý chuyển dạ giai đoạn một và giai đoạn hai

  • PDF.

Bs Nguyễn Thế Tuấn - 

I.Mục tiêu

Mục đích của tài liệu này là định nghĩa quá trình chuyển dạ và chuyển dạ đình trệ, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để xử trí tình trạng ở giai đoạn I, giai đoạn II của quá trình chuyển dạ và chuyển dạ đình trệ.

II.Tóm tắt một số khuyến nghị

2.1. Chuyển dạ và chuyển dạ đinh trệ

- ACOG khuyến cáo cổ tử cung mở 6 cm được coi là khởi đầu của giai đoạn chuyển dạ tích cực. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG VỪA)

- ACOG đề xuất chuyển dạ giai đoạn tích cực đình trệ được định nghĩa là không tiến triển trong quá trình giãn nở cổ tử cung ở những bệnh nhân đã giãn nở ít nhất 6cm với tình trạng vỡ màng ối mặc dù cơn go tử cung đầy đủ trong 4 giờ hoặc go tử cung chưa đủ trong 6 giờ với việc tăng cường oxytocin. (KHUYẾN CÁO CÓ ĐIỀU KIỆN, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG THẤP)

- ACOG khuyến nghị chuyển dạ giai đoạn hai kéo dài được định nghĩa là hơn 3 giờ rặn sinh ở những người con so và 2 giờ rặn ở những người đã sinh nhiều con. Nên sử dụng cách tiếp cận cá nhân hóa để chẩn đoán ngừng tiến giai đoạn hai; kết hợp thông tin về tiến triển, các yếu tố lâm sàng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh ngã âm đạo, thảo luận về rủi ro và lợi ích của các biện pháp can thiệp hiện có và ưu tiên của từng bệnh nhân được khuyến nghị khi thời gian ở giai đoạn hai kéo dài hơn các thông số này. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

- Ngừng tiến ở giai đoạn hai có thể được xác định sớm hơn nếu thai nhi không xoay hoặc đi xuống mặc dù có đủ các cơn go tử cung, nỗ lực rặn và thời gian. (ĐIỂM THỰC HÀNH TỐT)

- ACOG khuyến cáo nên gây tê trục thần kinh để giảm đau trong bất kỳ giai đoạn chuyển dạ nào. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG VỪA )

stages-of-labour-1536x1536

2.2. Quản lý tình trạng chậm tiến trong giai đoạn đầu chuyển dạ

- ACOG khuyến cáo bấm ối cho những bệnh nhân đang trong quá trình tăng go hoặc khởi phát chuyển dạ để giảm thời gian chuyển dạ. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

- ACOG khuyến cáo sử dụng chiến lược oxytocin liều thấp hoặc liều cao như những cách tiếp cận hợp lý để quản lý tích cực quá trình chuyển dạ nhằm giảm số ca sinh mổ. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

- ACOG khuyến cáo sử dụng đo áp lực trong buồng tử cung cho những bệnh nhân ối đã vỡ để xác định mức độ co bóp tử cung ở những bệnh nhân chuyển dạ tích cực kéo dài hoặc khi không thể theo dõi chính xác các cơn go tử cung bên ngoài. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG THẤP)

2.3. Quản lý chậm tiến giai đoạn hai

-ACOG khuyến cáo nên bắt đầu rặn khi cổ tử cung đã giãn nở hoàn toàn. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

2.4. Quản lý chuyển dạ đình trệ

-ACOG khuyến cáo nên mổ lấy thai ở những bệnh nhân có chuyển dạ đình trệ trong giai đoạn chuyển dạ tích cực. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG THẤP)

- ACOG đề nghị đánh giá khả năng sinh thủ thuật trước khi thực hiện mổ lấy thai đối với trường hợp ngừng tiến giai đoạn hai. (KHUYẾN CÁO CÓ ĐIỀU KIỆN, CHỨNG CỨ CHẤT LƯỢNG THẤP)

III.TÓM TẮT KHUYẾN NGHỊ LÂM SÀNG VÀ BẰNG CHỨNG

3.1. Định nghĩa chuyển dạ và chuyển dạ đình trệ

a. Chuyển dạ bình thường

Thời điểm bắt đầu chuyển dạ được định nghĩa là sự xuất hiện của các cơn co tử cung đều đặn dẫn đến xóa mở cổ tử cung. Tuy nhiên, có sự không đồng nhất trong cách xác định thời điểm khởi phát chuyển dạ trong tài liệu, các nghiên cứu hồi cứu thường sử dụng việc nhập viện hoặc khám cổ tử cung ban đầu làm điểm khởi đầu, có thể đánh giá thấp thời gian chuyển dạ sớm.

Giai đoạn I của chuyển dạ được định nghĩa là khoảng thời gian giữa lúc bắt đầu chuyển dạ và lúc cổ tử cung mở hoàn toàn hoặc mở 10 cm. Giai đoạn đầu tiên được chia thành hai giai đoạn: tiềm thời và hoạt động. Giai đoạn tiềm thời của quá trình chuyển dạ được đặc trưng bởi sự giãn nở cổ tử cung dần dần và tương đối chậm hơn, bắt đầu khi go tử cung đều đặn và kết thúc khi cổ tử cung mở nhanh chóng. Giai đoạn thay đổi nhanh chóng của cổ tử cung này được gọi là giai đoạn hoạt động của quá trình chuyển dạ và tiếp tục cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Giai đoạn II của chuyển dạ bắt đầu khi cổ tử cung mở 10 cm và kết thúc khi trẻ sơ sinh chào đời. Giai đoạn III chuyển dạ là khoảng thời gian giữa lúc trẻ sơ sinh chào đời đến lúc sổ nhau

b. Chuyển dạ tiềm thời

Giai đoạn chuyển dạ tiềm thời bình thường rất khác nhau giữa các cá nhân, bất kể mức độ tương đương. Chuyển dạ có thể mất hơn 6 giờ để tiến triển từ độ giãn nở từ 4 cm đến 5 cm và hơn 3 giờ để tiến triển từ độ giãn nở từ 5 cm đến 6 cm.

Sử dụng các chuẩn mực của Consortium on Safe Labor, thời gian giai đoạn tiềm thời trung bình ở những bệnh nhân chưa sinh con dao động từ 0,6 đến 6,0 giờ dựa trên các phát hiện ban đầu khi khám cổ tử cung. Do đó, giai đoạn tiềm thời kéo dài có thể được định nghĩa là dài hơn 16 giờ. Mặc dù chuyển dạ giai đoạn I kéo dài có liên quan đến những kết quả bất lợi ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, hầu hết những người mang thai có giai đoạn tiềm thời kéo dài cuối cùng sẽ bước vào giai đoạn tích cực với việc theo dõi đầy đủ.

Không có định nghĩa dựa trên bằng chứng cho việc ngừng tiến giai đoạn tiềm ẩn. Vì vậy, nên tránh sinh mổ được thực hiện trong giai đoạn tiềm thời kéo dài nhằm đảm bảo tình trạng của mẹ và thai nhi. Trong số những bệnh nhân được khởi phát chuyển dạ, “khởi phát chuyển dạ thất bại” nên là thuật ngữ được ưu tiên sử dụng khi không có tiến triển trong giai đoạn tiềm thời.

c. Chuyển dạ tích cực

ACOG khuyến cáo rằng cổ tử cung mở 6 cm được coi là khởi đầu của giai đoạn chuyển dạ tích cực. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG VỪA)

Dựa trên đường cong chuyển dạ Zhang năm 2010, điểm uốn mà chuyển dạ tiềm thời chuyển sang chuyển dạ tích cực là ở độ giãn nở khoảng 6 cm.

Mặc dù điều này phản ánh điểm khởi đầu trung bình, có thể có một phạm vi giãn nở từ 4 cm đến 6 cm mà tại đó tốc độ thay đổi cổ tử cung tăng nhanh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về quản lý chuyển dạ hoạt động và ngừng tiến chuyển dạ hoạt động không nên được áp dụng cho đến khi giãn nở ít nhất 6 cm.

d. Chuyển dạ hoạt động kéo dài và chuyển dạ đình trệ

ACOG đề xuất chuyển dạ giai đoạn hoạt động đình trệ được định nghĩa là không có tiến triển trong quá trình giãn nở cổ tử cung ở những bệnh nhân đã giãn nở ít nhất 6 cm với tình trạng vỡ màng ối mặc dù cơn go tử cung đầy đủ trong 4 giờ hoặc go tử cung chưa đủ trong 6 giờ với việc tăng cường oxytocin. (KHUYẾN CÁO CÓ ĐIỀU KIỆN, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG THẤP)

Sự kéo dài chuyển dạ là quá trình chuyển dạ chậm hơn bình thường và sự ngừng chuyển dạ được định nghĩa là sự ngừng chuyển dạ mặc dù đã cố gắng hết sức để tăng cường. Các yếu tố nguy cơ cho quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc ngừng chuyển dạ bao gồm, nhưng không giới hạn ở việc chưa sinh con, thai lớn so với tuổi thai, mẹ béo phì, tuổi mẹ cao, tư thế đầu của thai nhi (tức là chẩm sau) và bất cân xứng đầu chậu. Các rối loạn cơn go và ngừng tiến có liên quan đến nguy cơ cao về các kết cục bất lợi cho mẹ và trẻ sơ sinh, bao gồm sinh mổ, viêm màng ối, xuất huyết sau sinh, nhiễm toan máu ở thai nhi và nhập viện vào khoa chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU)

Dữ liệu hiện đại chứng minh rằng tốc độ giãn nở cổ tử cung trong giai đoạn chuyển dạ tích cực chậm hơn so với những gì đã được quan sát trong lịch sử. Bách phân vị thứ 95 cho sự giãn nở pha tích cực nằm trong khoảng từ 0,5 cm/giờ đến 1,3 cm/giờ; do đó, pha hoạt động kéo dài có thể được xác định một cách thận trọng là độ giãn dưới 1 cm trong 2 giờ. Tuy nhiên, phạm vi này bị ảnh hưởng bởi việc khám cổ tử cung và số lần sinh của bệnh nhân khi nhập viện, và những yếu tố này cần được xem xét khi nghi ngờ chuyển dạ kéo dài.

Năm 2014, ACOG khuyến cáo khoảng thời gian cần thiết cho việc ngừng giai đoạn tích cực được xác định là không có tiến triển trong việc giãn nở cổ tử cung mặc dù tử cung đã hoạt động đầy đủ trong 4 giờ (hơn 200 đơn vị Montevideo [MVU] bằng đo áp lực trong buồngtử cung) hoặc 6 số giờ tử cung hoạt động không đủ khi tăng cường oxytocin ở những bệnh nhân vỡ ối mà cổ tử cung đã giãn nở ít nhất 6 cm.

e. Giai đoạn hai chuyển dạ

ACOG khuyến nghị chuyển dạ giai đoạn hai kéo dài được định nghĩa là hơn 3 giờ rặn sinh ở những người con so và 2 giờ rặn ở những người sinh con rạ. Nên sử dụng cách tiếp cận cá nhân hóa để chẩn đoán ngừng tiến giai đoạn hai; kết hợp thông tin về tiến triển, các yếu tố lâm sàng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh ngã âm đạo, thảo luận về rủi ro và lợi ích của các biện pháp can thiệp hiện có và ưu tiên của từng bệnh nhân được khuyến nghị khi thời gian ở giai đoạn hai kéo dài hơn các thông số này. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

Ngừng tiến ở giai đoạn hai có thể được xác định sớm hơn nếu thai nhi không xoay hoặc đi xuống mặc dù có đủ các cơn go tử cung, nỗ lực rặn và thời gian. (ĐIỂM THỰC HÀNH TỐT)

Số lần sinh đẻ, rặn đẻ chậm, gây tê ngoài màng cứng, chỉ số khối cơ thể mẹ, cân nặng khi sinh, tư thế chẩm sau và tư thế thai nhi khi cổ tử cung mở hết đều đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến thời gian của giai đoạn hai của chuyển dạ.

Trong nghiên cứu của Hiệp hội Chuyển dạ An toàn, ngưỡng bách phân vị thứ 95 dài hơn khoảng 1 giờ ở những bệnh nhân được gây tê ngoài màng cứng so với những người không được gây tê ngoài màng cứng.

Điều quan trọng là phải xem xét các rủi ro đối với mẹ và trẻ sơ sinh của giai đoạn hai chuyển dạ kéo dài trong bối cảnh lợi ích tiềm tàng của việc sinh thường. Để có khả năng tối ưu hóa cơ hội sinh thường trong khi thừa nhận rủi ro tuyệt đối nhỏ về bệnh tật của mẹ và trẻ sơ sinh, hướng dẫn ACOG năm 2014 khuyến nghị xem xét mở rộng định nghĩa trước đây về giới hạn giai đoạn thứ hai thêm 1 giờ; ít nhất 2 giờ rặn ở phụ nữ sinh con rạ và ít nhất 3 giờ rặn ở phụ nữ sinh con so; đồng thời cá thể hóa theo từng cá nhân miễn quá trình đi xuống của đầu thai nhi có tiến triển khi thăm khám

Do đó, khi giai đoạn hai của chuyển dạ kéo dài nên thảo luận các nguy cơ đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh để xem có nên tiếp tục theo dõi sinh ngã âm đạo hay không?

f. Khởi phát chuyển dạ

Giai đoạn tiềm thời của chuyển dạ dài hơn đáng kể ở chuyển dạ được khởi phát so với chuyển dạ tự nhiên; giai đoạn chuyển dạ tích cực là tương tự nhau giữa hai nhóm.

Do đó, nếu tình trạng của mẹ và thai nhi vẫn ổn định, có thể tránh được việc sinh mổ do khởi phát chuyển dạ không thành công trong giai đoạn tiềm thời bằng cách khuyến cáo sử dụng oxytocin trong ít nhất 12–18 giờ sau khi vỡ ối trước khi kết luận khởi phát chuyển dạ không thành công. Tùy thuộc vào đặc điểm lâm sàng, sở thích của bệnh nhân và thảo luận về các rủi ro và lợi ích, quyết định tiếp tục sau 18 giờ có thể được cá nhân hóa.

g. Gây tê ngoài màng cứng

ACOG khuyến cáo nên gây tê trục thần kinh để giảm đau trong bất kỳ giai đoạn chuyển dạ nào. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG VỪA )

Gây tê vùng là phương pháp giảm đau hiệu quả cao cho những người đang chuyển dạ. Đối với phụ nữ mang thai lựa chọn phương pháp quản lý cơn đau vùng trong quá trình chuyển dạ, một đánh giá có hệ thống đã chứng minh rằng không có loại giảm đau thần kinh trục nào (gây tê ngoài màng cứng so với gây tê ngoài màng cứng kết hợp tủy sống) cũng như thời điểm nào ảnh hưởng đến nguy cơ sinh mổ.

3.2. Quản lý tình trạng chậm tiến trong giai đoạn đầu chuyển dạ

Nhiều chiến lược khác nhau để quản lý tiến trình chuyển dạ bất thường ở giai đoạn đầu đã được nghiên cứu. Với những rủi ro đã biết của quá trình chuyển dạ kéo dài quản lý chuyển dạ chủ động được ưu tiên hơn quản lý theo dõi; cách tiếp cận này có thể được điều chỉnh dựa trên sở thích của bệnh nhân sau khi thảo luận về những rủi ro đã biết.

a. Bấm ối

ACOG khuyến cáo bấm ối cho những bệnh nhân đang trong quá trình tăng go hoặc khởi phát chuyển dạ để giảm thời gian chuyển dạ. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

Các nghiên cứu xác định rằng việc bấm ối trong chuyển dạ tự nhiên làm giảm tổng thời gian chuyển dạ đối với những người chưa sinh con mà không làm tăng nguy cơ sinh mổ, nhiễm trùng mẹ, xuất huyết hoặc chấn thương sàn chậu.

b. So sánh việc bấm ối sớm với việc bấm ối muộn

Việc bấm ối cũng đã được nghiên cứu ở những bệnh nhân đang được khởi phát chuyển dạ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng thời gian sinh nở ngắn hơn ở những người bấm ối sớm.

Có bằng chứng chất lượng cao khuyến nghị bấm ối sớm như một biện pháp hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ để rút ngắn thời gian sinh mà không làm tăng tỷ lệ sinh mổ hoặc các biến chứng khác cho mẹ hoặc trẻ sơ sinh.

c. Oxytocin

ACOG khuyến cáo sử dụng chiến lược oxytocin liều thấp hoặc liều cao như những cách tiếp cận hợp lý để quản lý tích cực quá trình chuyển dạ nhằm giảm số ca sinh mổ. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

Khi chuyển dạ giai đoạn I bị kéo dài hoặc bị đình trệ, oxytocin thường được khuyên dùng. Một số nghiên cứu đã đánh giá thời điểm bắt đầu và thời gian tăng cường oxytocin tối ưu khi đối mặt với việc chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ đình trệ.

d. Phác đồ Oxytocin liều cao so với phác đồ Oxytocin liều thấp

Nhiều nghiên cứu đã xem xét các phác độ dùng oxytocin. Chúng thường được gọi là phác đồ liều cao so với phác đồ liều thấp, mặc dù chế độ liều thực tế thường thay đổi giữa các nghiên cứu.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết quả của bà mẹ hoặc trẻ sơ sinh với các phác đồ dùng oxytocin khác nhau; do đó, chiến lược sử dụng oxytocin liều thấp hoặc liều cao đều là những phương pháp hợp lý để quản lý tích cực chuyển dạ nhằm giảm bớt ca sinh mổ. Liều tối đa của oxytocin chưa được thiết lập.

e. Những cân nhắc bổ sung đặc biệt

Nhiều biện pháp chăm sóc hỗ trợ không dùng thuốc đã được đề xuất có khả năng hỗ trợ quá trình chuyển dạ. Những biện pháp này bao gồm hỗ trợ tinh thần liên tục, bóng đậu phộng, bù nước, mát-xa tầng sinh môn, ngâm nước, châm cứu, đi lại và các chiến lược phối hợp. Có sự không đồng nhất về loại hình và thời điểm can thiệp, điều này có thể khiến chúng trở thành một thách thức để nghiên cứu theo cách có hệ thống.

Hỗ trợ liên tục trong quá trình chuyển dạ

Dữ liệu đã công bố cho thấy một trong những công cụ hiệu quả nhất để cải thiện kết quả chuyển dạ và sinh nở là sự hiện diện liên tục của nhân viên y tế hỗ trợ hoặc sự hiện diện liên tục của người đồng hành.

Sự hỗ trợ có thể bao gồm hỗ trợ về mặt tinh thần, thông tin về tiến trình chuyển dạ, lời khuyên về các kỹ thuật đối phó, các biện pháp an ủi và yêu cầu tư vấn khi cần thiết.

Với những lợi ích này và việc không có rủi ro rõ ràng, bệnh nhân, bác sĩ sản phụ khoa và các bác sĩ lâm sàng chăm sóc sản khoa khác, cùng các tổ chức chăm sóc sức khỏe có thể muốn xây dựng các chương trình và chính sách để đưa nhân viên hỗ trợ cũng như người đồng hành được đào tạo vào môi trường chăm sóc trong khi sinh để cung cấp hỗ trợ tình cảm liên tục một kèm một cho những cá nhân đang trong quá trình chuyển dạ.

Quả bóng đậu phộng

Quả bóng đậu phộng là một loại quả bóng sinh nở có hình dạng giống vỏ đậu phộng, có hình thon dài, được đặt giữa hai chân của bệnh nhân khi chuyển dạ, khi bệnh nhân nằm ở tư thế nằm nghiêng. Việc sử dụng quả bóng đậu phộng được đề xuất để tạo điều kiện cho việc mở rộng xương chậu và sự di chuyển của thai nhi bằng cách bắt chước tư thế thẳng đứng. Nhìn chung, việc sử dụng bóng đậu phộng dường như không mang lại sự khác biệt đáng kể nào về kết quả ở bà mẹ.

Bù nước

Các phương thức bù nước cũng đã được nghiên cứu như các biện pháp can thiệp bổ sung trong quá trình chuyển dạ. Các tỷ lệ dịch truyền tĩnh mạch khác nhau và so sánh dịch truyền tĩnh mạch so với dịch truyền đường uống đã được nghiên cứu. Những sản phụ trong quá trình chuyển dạ tự nhiên có thể không cần truyền dịch tĩnh mạch liên tục thường quy. Mặc dù an toàn, nhưng bù nước tĩnh mạch hạn chế khả năng di chuyển và có thể không cần thiết. Có thể khuyến khích bù nước đường uống để đáp ứng nhu cầu bù nước và calo

Thay đổi tư thế và đi lại

Các nghiên cứu quan sát về tư thế của người mẹ trong quá trình chuyển dạ đã phát hiện ra rằng bệnh nhân tự động thay đổi nhiều tư thế khác nhau trong quá trình chuyển dạ

Việc thay đổi tư thế thường xuyên trong quá trình chuyển dạ để tăng sự thoải mái cho bà mẹ và thúc đẩy tư thế tối ưu cho thai nhi nên được hỗ trợ bằng cách áp dụng các tư thế để có thể theo dõi và điều trị thích hợp cho bà mẹ và thai nhi. Việc đi lại có liên quan đến thời gian chuyển dạ ngắn hơn trong đánh giá hệ thống AHRQ 2020, mặc dù sức mạnh của bằng chứng là thấp

Các can thiệp khác

Không có sự khác biệt đáng kể nào được ghi nhận về tỷ lệ sinh mổ hoặc thời gian chuyển dạ khi được điều tra về massage tầng sinh môn, ngâm nước hoặc châm cứu hoặc bấm huyệt tuy nhiên, có rất ít dữ liệu bình luận về tiềm năng tăng sự hài lòng của bệnh nhân với các can thiệp này.

Propranolol cũng đã được nghiên cứu như một tác nhân bổ sung cho oxytocin để hỗ trợ co bóp tử cung. Propranolol, một loại thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic, đã được chứng minh là có thể đảo ngược tác dụng ức chế của chất chủ vận beta isoproterenol đối với nhu động tử cung ở người và đã được chứng minh là làm tăng hoạt động của tử cung

Cần có thêm dữ liệu để cung cấp hướng dẫn về biện pháp can thiệp này và không nên sử dụng thường quy.

Khám cổ tử cung

Khám cổ tử cung được chỉ định để xác định tiến trình chuyển dạ, nhưng không có đủ bằng chứng để hướng dẫn về tần suất khám cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ để hỗ trợ tiến trình chuyển dạ hoặc khó đẻ.

Việc khám cổ tử cung thường xuyên khi cần thiết theo chỉ định lâm sàng là hợp lý.

Đo áp lực trong buồng tử cung

ACOG khuyến cáo sử dụng ống thông để đo áp lực trong tử cung cho những bệnh nhân bị vỡ màng ối nhằm xác định mức độ co bóp tử cung ở những bệnh nhân chuyển dạ tích cực kéo dài hoặc khi không thể theo dõi chính xác các cơn co bóp bên ngoài. (KHUYẾN NGHỊ MẠNH MẼ, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG THẤP)

Không có sự khác biệt đáng kể nào được ghi nhận về thời gian chuyển dạ, tỷ lệ sinh mổ hoặc sinh qua đường âm đạo bằng dụng cụ, quá kích thích hoặc nhiễm trùng khi sử dụng ống thông tử cung.

Mặc dù không có đủ dữ liệu để hướng dẫn việc sử dụng ống thông để đo áp lực trong tử cung trong trường hợp khó đẻ, nhưng nó có thể hữu ích khi không thể theo dõi tần suất hoặc cường độ của các cơn co thắt bên ngoài để có thể sử dụng tăng go bằng oxytocin.

3.3.Quản lý chậm tiến giai đoạn hai chuyển dạ

a. Rặn sinh hay trì hoãn

ACOG khuyến cáo nên bắt đầu rặn khi cổ tử cung đã giãn nở hoàn toàn. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG CAO)

Lợi thế về mặt lý thuyết của việc trì hoãn việc bắt đầu rặn sinh sau khi cổ tử cung đã giãn nở hoàn toàn là cho phép lực co bóp tử cung thực hiện việc xuống của đầu thai nhi và giảm nhu cầu phải gắng sức của bệnh nhân.

Những dữ liệu ủng hộ khuyến nghị bắt đầu rặn khi đạt được sự giãn nở hoàn toàn để tránh kéo dài giai đoạn thứ hai của chuyển dạ cũng như các kết quả bất lợi liên quan đến việc rặn muộn.

b. Xoay đầu thai nhi

So với tư thế đầu thai nhi ở chẩm trước, các tư thế đầu thai nhi khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh ngã âm đạo và sinh mổ.

Xoay thai, quá trình mà bác sĩ lâm sàng hỗ trợ xoay đầu thai nhi để tạo ra tư thế thuận lợi hơn và giảm đường kính đầu thai nhi để di chuyển qua khung chậu của mẹ, đã được xem xét như một phương pháp điều trị đẻ khó giai đoạn hai.

Những dữ liệu này gợi ý rằng việc xoay bằng tay trong giai đoạn hai của chuyển dạ từ tư thế chẩm sau hoặc chẩm ngang sang chẩm trước có thể liên quan đến việc giảm tỷ lệ sinh mổ và sinh ngã âm đạo, cũng như các bệnh tật liên quan, mà không có bằng chứng về nguy cơ gia tăng ở mẹ hoặc trẻ sơ sinh.

3.4.Quản lý chuyển dạ đình trệ

a.Chuyển dạ đình trệ giai đoạn chuyển dạ tích cực

ACOG khuyến cáo nên mổ lấy thai ở những bệnh nhân có chuyển dạ đình trệ trong giai đoạn chuyển dạ tích cực. (KHUYẾN CÁO MẠNH, BẰNG CHỨNG CHẤT LƯỢNG THẤP)

Việc ngừng tiến giai đoạn chuyển dạ tích cực là chỉ định phổ biến nhất cho việc sinh mổ lần đầu.

Những dữ liệu cho thấy rằng, mặc dù sau giai đoạn đầu kéo dài có thể sinh thường, nhưng có sự gia tăng các bệnh lý đi kèm ở mẹ và trẻ sơ sinh khi sinh thường hoặc sinh mổ. Trong trường hợp không có chỉ định sinh nào khác của mẹ hoặc thai nhi, sau khi giai đoạn chuyển dạ tích cực kéo dài đã được chẩn đoán, việc tư vấn về các biện pháp can thiệp có sẵn và các kết quả tiềm sẽ cung cấp thông tin cho việc ra quyết định liên quan đến việc tiếp tục chuyển dạ so với việc tiến hành sinh mổ. Sau khi chẩn đoán ngừng tiến trong giai đoạn chuyển dạ tích cực đã được đưa ra, thì việc sinh mổ được chỉ định.

b.Giai đoạn hai chuyển dạ ngừng tiến

ACOG đề nghị đánh giá khả năng sinh thủ thuật trước khi thực hiện mổ lấy thai đối với trường hợp ngừng tiến giai đoạn hai. (KHUYẾN CÁO CÓ ĐIỀU KIỆN, CHỨNG CỨ CHẤT LƯỢNG THẤP)

Việc ngừng tiến giai đoạn 2 nên được xử trí bằng phương pháp sinh qua ngả âm đạo hoặc sinh mổ. Quyết định phương pháp sinh qua ngả âm đạo nên được đưa ra bởi bác sĩ lâm sàng, tùy thuộc kỹ năng của bác sĩ lâm sàng, bối cảnh bệnh viện, các nguồn lực sẵn có, mong muốn của bệnh nhân.

Ngược lại với tỷ lệ sinh mổ ngày càng tăng, tỷ lệ sinh thủ thuật (bằng giác hút hoặc forcep) đã giảm đáng kể trong 15 năm qua. Do đó, ưu tiên đào tạo về sinh thủ thuật, đặc biệt là sinh bằng forcep vẫn là một điều quan trọng. Tóm lại, sinh thủ thuật trong giai đoạn hai của chuyển dạ bởi các bác sĩ có kinh nghiệm và được đào tạo tốt nên được coi là một giải pháp thay thế an toàn, có thể chấp nhận được cho sinh mổ.

Sinh mổ cũng là một phương pháp chấm dứt khi ngừng tiến giai đoạn hai chuyển dạ.

Tóm lại, cả phẫu thuật sinh ngã âm đạo cho đối tượng thích hợp với bác sĩ lâm sàng có tay nghề phù hợp và sinh mổ đều là những phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng để ngừng chuyển dạ ở giai đoạn hai của chuyển dạ.

Nguồn:

https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/clinical-practice-guideline/articles/ 2024/01/first-and-second-stage-labor-management

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 16 Tháng 9 2024 08:37

You are here Đào tạo Đào tạo nhân viên BV Quản lý chuyển dạ giai đoạn một và giai đoạn hai