• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Ứng dụng MDCT 64 để khảo sát động mạch vành tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam

  • PDF.

Bs Nguyễn Tấn Thương - CN Nguyễn Minh Nhựt

Ngày nay MDCT (multi-detector computed tomography) đã được sử dụng rộng rãi trong y học để khảo sát hình ảnh các cơ quan trong cơ thể. Riêng trong lĩnh vực tim mạch, đây là một phương tiện không xâm lấn rất tốt để khảo sát bệnh lý động mạch vành:

1. Khảo sát cấu trúc giải phẫu hệ thống mạch vành:

Với sự cải tiến về độ ly giải thời gian và không gian, kỹ thuật tái tạo hình ảnh ở thì tâm trương dựa vào điện tâm đồ hồi cứu, cùng với việc dùng thuốc ức chế beta làm giảm tần số tim, MDCT 64 có thể khảo sát các động mạch vành có đường kính nhỏ đến 1.5-2 mm và tránh được các xảo ảnh di động. Nhờ những đặc điểm kỹ thuật này người ta có thể khảo sát rõ ràng cấu trúc giải phẫu bình thường và các bất thường bẩm sinh của hệ thống mạch vành như các loại dị dạng của động mạch vành, túi phình, cầu cơ tim…

mdct1

2. Khảo sát bệnh lý mắc phải của động mạch vành:

Phát hiện các điểm vôi hóa ĐMV:

Các máy MDCT đều có khả năng phát hiện các điểm vôi hóa động mạch vành. Định lượng chất vôi động mạch vành được ghi nhận lần đầu tiên qua các máy chụp cắt lớp điện toán bằng chùm electron (EBCT), nhưng hiện nay được thay thế dần bằng các máy MDCT. Các nghiên cứu về mô học cho thấy rằng giá trị đậm độ (attenuation values) > 130 HU có liên quan mật thiết với sự hiện diện các mảng vôi hóa. Để xếp loại mức độ vôi hóa động mạch vành, người ta dùng bảng tính điểm của Agaston. Bảng tính điểm này sử dụng một ngưỡng diện tích > 1mm2 và một ngưỡng tỷ trọng > 130 HU để nhận ra cá tổn thương vôi hóa, từ đó tiên lượng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành trong tương lai.

Đánh giá gánh nặng mảng vữa ĐMV:

Định lượng điểm vôi hóa động mạch vành cho ta biết được tình trạng xơ vữa ở mức độ nào đó, nhưng lại không đánh giá hết toàn bộ gánh nặng của mảng xơ vữa động mạch vành.

Chụp mạch vành bằng MDCT 64 không những cho phép phát hiện các tổn thương tắc nghẽn ở mức độ đáng tin cậy mà còn giúp phát hiện và xếp loại các mảng xơ vữa mạch vành ra loại mảng vữa có vôi hóa hay không vôi hóa, tử đó đánh giá được gánh nặng của mảng vữa lên động mạch vành.

Phát hiện tổn thương tắc nghẽn ĐMV:

Trước đây, với máy MDCT 4 và MDCT 16, một số lượng đáng kể các mạch máu không được đánh giá vì độ ly giải thời gian và không gian tương đối thấp. Hơn nữa, thời gian quét lâu thường gây xảo ảnh trong lúc thở ở phần sau của quá trình quét. Những giới hạn này khbuieens có tới 32 % các mạch máu không thể phân tích được vì chất lượng hình ảnh xấu.

Hiện nay, độ nhạy và độ đặc hiệu khi phát hiện các tổn thương có ý nghĩa (hẹp trên 50% lòng mạch) bằng các máy MDCT 64 hiện hành là khoảng 90%, chất lượng hình ảnh khá hơn. Quan trọng hơn, số lượng các mạch máu không tiếp cận được đã giảm đáng kể với máy MDCT 64. Raff và cs chỉ loại trừ có 12% các mạch máu, trong khi Mollet và cs không loại trừ bất cứ mạch máu nào vì lý do này.

Đánh giá tình trạng các stent trong ĐMV:

Sử dụng các ống phóng tia X có cường độ cao hơn và các phần mềm tái tạo hình ảnh tốt hơn cho phép đánh giá được tình trạng các stent. Tuy nhiên, những xảo ảnh do làm cứng chùm tia (beam hardening artefacts) có liên quan đến những chất liệu stent có tỷ trọng cao làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lòng mạch vành bên trong stent và không cho phép đánh giá chính xác sự tăng sản lớp áo trong không gây tắc nghẽn. Đây là một giới hạn, tuy nhiên dù sao thì hình ảnh MDCT cũng giúp kiểm tra được vị trí, hình dạng stent và sự tắc nghẽn trong lòng stent.

Đánh giá tình trạng các mảnh ghép bắc cầu ĐMV:

Chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc đa dãy đầu dò được dùng để đánh giá các mảnh ghép bắc cầu bằng động mạch hoặc tĩnh mạch.

Để phát hiện các mảnh ghép bị tắc (graft occlusion) sau phẫu thuật, các nghiên cứu mở đầu dùng các máy MDCT 4 ( có 4 đầu dò), cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao là 97% và 98%.

Tuy nhiên khả năng phát hiện các chỗ hẹp có ý nghĩa (significant stenosis) trong các mảnh ghép tĩnh mạch và động mạch của các máy MDCT thế hệ cũ vẫn còn khá thấp: với máy MDCT 4, độ nhạy, độ đặc hiệu là 74% và 94%; còn với máy MDCT 16, độ nhạy và độ đặc hiệu là 81% và 87%. Với sự xuất hiện của các máy MDCT 64, chúng ta hy vọng khả năng phát hiện các chỗ hẹp này sẽ được cải thiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Ngọc Hoa và cộng sự (2006), “Phần bệnh lý mạch vành”, Hình ảnh CT ngực, Đại học y dược TP. HCM, tr. 95-103.
  2. Agaston AS, Janowitz WR et al (1990), “Quantification of coronary artery calcium using ultrafast computed tomography”. J Am Coll Cardiol (15), pp.827-32.
  3. David platten (2007), “Understanding Imaging Performance: Artefacts”. Impact course October 05, 2007, Hompage: http://www.impactscan.org.
  4. Kaeng W Lee, Jonathan Panting (2006), “Current status of non-invasive coronary angiography for the diagnosis of coronary artery stenosis”, the Bristish Journal of cardiology, volume 13(2), July 2006.
  5. Udo Hoffmann (2006), “Coronary CT Angiography”, The Journal of nuclear Medicine, Vol. 47(5).

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 09 Tháng 10 2018 17:22

You are here Tin tức Y học thường thức Ứng dụng MDCT 64 để khảo sát động mạch vành tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam