• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Liệt mặt ngoại biên hai bên nguyên phát - một chẩn đoán phân biệt.

  • PDF.

Ths Nguyễn Văn Tánh - Khoa YHCT

ĐẶT VẤN ĐỀ

Liệt mặt ngoại biên một bên (LMMB) có tỉ lệ mắc phải khoảng 25/100.000/ năm, là một bệnh lý thần kinh phổ biến, xảy ra đột ngột. Liệt Bell hay liệt mặt nguyên phát là nguyên do phổ biến nhất của LMMB, chiếm khoảng 70%.

Liệt mặt ngoại biên hai bên (LMHB) là bệnh lý cực kỳ hiếm, chiếm 0,3 - 2% tất cả các trường hợp liệt mặt và tỉ lệ mắc phải là 1/5.000.000/năm. Không như LMMB, LMHB ít khi là liệt mặt nguyên phát, phần lớn bệnh nhân này có tình trạng bệnh lý nặng nề, cần được chẩn đoán nguyên nhân và xử trí kịp thời. LMHB thường có nguyên nhân: thần kinh, viêm nhiễm, ung bướu, chấn thương, chuyển hóa. Liệt mặt nguyên phát chiếm khoảng 23% trường hợp LMHB.

lietmat1

Chúng tôi báo cáo trường hợp bệnh nhân nam 31 tuổi, vào viện với liệt mặt ngoại biên hai bên đồng thời đã 2 ngày. Chúng tôi muốn phân tích, thảo luận tìm những nguyên nhân có thể có; chỉ chẩn đoán Liệt mặt nguyên phát hay liệt Bell sau khi đã chẩn đoán phân biệt với những nguyên nhân khác. Và đánh giá hiệu quả điều trị LMHB bằng phương pháp YHCT.

BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP

Bệnh nhân là một nam nông dân 31 tuổi. Tiền sử khỏe mạnh.

Bệnh khởi phát đột ngột, cách nhập viện 2 ngày sau ngủ dậy thấy mặt cảm giác đầy, nặng, nói năng môi miệng khó thực hiện động tác như ý, súc miệng nước rơi chảy ra 2 mép nhiều. Người nhà phát hiện 2 mắt nhắm không kín và mắt, môi có phù nề. Trước đó 1 ngày có đau đầu âm ỉ 2 bên thái dương và sau tai. Bệnh tỉnh, không sốt, không buồn nôn, không đau trong tai, tai nghe ồn, chói hơn, vị giác nghe nhạt hơn.

Bệnh nhân được Trung tâm Y tế huyện chuyển viện đến Bệnh viện ĐK tỉnh với chẩn đoán Liệt dây thần kinh VII ngoại biên 2 bên.

Thăm khám:  

Bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

M: 74 lần/ph, nhiệt độ: 37 0C, HA: 120/70 mm Hg, nhịp thở: 18 lần/ph.

Nếp nhăn trán, rãnh mũi má mờ nhưng gần như đối xứng 2 bên. Hai mắt nhắm không kín, khe mi hở # 2 mm, dấu Charles Bells (+). Rất khó khăn khi thực hiện các động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhíu mũi, trề môi, phồng má. Liệt mặt 2 bên ở mức độ trung bình (dựa theo Bảng khám vận động MacMey cải tiến của Nguyễn Tấn Phong). Đau đầu 2 bên mức độ vừa, chóng mặt, hoa mắt nhẹ. Dấu cứng cổ (-), tay chân không yếu liệt, không rối loạn cảm giác, phản xạ gân xương bình thường, không phát hiện liệt dây thần kinh sọ khác, đặc biệt dây IX, X (không liệt hầu họng, liệt dây thanh âm), không ho kéo dài, không khó chịu dạ dày ruột, không tiểu buốt láu. Không phát hiện thấy u hạch, ban sẩn, mụn nước. Gần đây không đi xa. Hút thuốc lá, uống rượu bia không đáng kể, không sử dụng ma túy, không quan hệ tình dục bừa bãi.

Cận lâm sàng: CTM, sinh hóa máu trong giới hạn bình thường, ECG bình thường, X quang Schulles 2 bên, CT scaner đầu không phát hiện bệnh lý.

Khám chuyên khoa TMH: không phát hiện bệnh lý.

Chẩn đoán: Bởi triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng phù hợp với liệt mặt nguyên phát và loại trừ những nguyên nhân có thể khác, chúng tôi đã chẩn đoán Liệt mặt ngoại biên hai bên nguyên phát (liệt Bell).

Ngoài các triệu chứng trên còn có, bệnh khởi phát lúc thời tiết chuyển mưa lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Do đó, chẩn đoán theo YHCT: Bệnh danh: Khẩu nhãn oa tà; Bát cương: biểu thực; Kinh lạc: 6 kinh dương ở mặt; Nguyên nhân: phong hàn.

Điều trị:

Pháp trị: Khu phong, tán hàn, thông lạc.

Bài thuốc: Khương hoạt 8g, phòng phong 8g, quế chi 8g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, huỳnh kỳ 12g, bạch chỉ 12g, trần bì 8g, hương phụ 8g, táo nhân 12g, đảng sâm 12g, đại táo 20g.

Ngày 1 thang, sắc 2 lần uống sáng, chiều.

Điện châm:

Toản trúc xuyên Tình minh, Địa thương xuyên Giáp xa, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Ế phong, Thính cung, Thừa tương, Hợp cốc. Sau khi châm đắc khí, mắc điện vào kim (dạng xung hình sin, cường độ 15-25 µA, tần số 5- 15 Hz), thời gian kích thích 20 phút/ lần, ngày 1 lần.

Xoa bóp: với các thủ thuật vuốt, xoa, miết, gõ. Vuốt từ dưới cằm lên thái dương và từ trán hướng xuống tai. Xoa với các ngón tay khép kín, xoa thành những vòng tròn nhỏ. Miết trán dọc và ngang bằng vân đầu ngón tay cái. Gõ nhẹ nhanh vùng trán và quanh mắt với các đầu ngón tay. Thời gian 20 phút.

Liệt mặt cải thiện tốt với phác dồ điều trị này, đến ngày điều trị thứ 5 (N5) mặt cảm giác nhẹ, hết sưng nề; N7 mặt bên phải phục hồi 4/10; N10 mặt bên phải phục hồi 8/10, mặt bên trái phục hồi 3/10; N15 mặt bên phải phục hồi gần như bình thường,  mặt bên trái phục hồi 8/10. Sau 1 tháng , liệt mặt phục hồi hoàn toàn.

BÀN LUẬN

Không như LMMB, nguyên nhân thường là vô căn. LMHB thường có nguyên nhân. Phần lớn bệnh nhân LMHB là do bệnh Lyme, hội chứng Guillain-Barre, Sarcoidosis, viêm màng não, viêm não, tăng áp nội sọ lành tính, bệnh bạch cầu, đái tháo đường, nhiễm HIV, giang mai, chấn thương sọ não, u góc cầu tiểu não. Do đó, cần khai thác kỹ bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng, cận lâm sàng cẩn thận trước khi chẩn đoán liệt mặt nguyên phát.

Hội chứng Guillain-Barre hay viêm đa rễ dây thần kinh cấp, có bệnh căn chưa rõ ràng, 2/3 trường hợp có nhiễm siêu vi đường hô hấp trên khoảng 1 – 4 tuần trước đó. Biểu hiện liệt mềm cấp tính, đối xứng, có khuynh hướng liệt hướng lên, giảm hay mất phản xạ gân cơ, những dây sọ não thường gặp nhất là IX, X, VII, khoảng 25 – 30% case có liệt mặt,  50% liệt mặt có LMHB. Dịch não tủy có phân ly đạm tế bào, đạm #50 mg% hay cao hơn trong khi các thành phần khác không thay đổi. Bệnh nhân này không có chọc dò tủy sống nhưng không có triệu chứng yếu liệt cơ hay mất phản xạ gân cơ, nên chẩn đoán hội chứng Guillain-Barre được loại trừ.

Nguyên nhân viêm nhiễm thường gặp nhất của LMHB là bệnh Lyme, do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra, 11% bệnh nhân bệnh Lyme có liệt mặt, LMHB chiếm 30-40 % trường hợp liệt mặt. Bệnh thường khởi phát vào mùa hè với tổn thương da, nhiều ban đỏ. Chẩn đoán dựa vào huyết thanh chẩn đoán, điều trị là dùng ngay lập tức kháng sinh cho đến khi có xác định huyết thanh học. Bệnh nhân này không đến vùng lưu hành bệnh, da không có dấu tích gì, do đó bệnh Lyme được loại trừ.

Chấn thương sọ não, u góc cầu tiểu não được loại trừ bởi CT sọ não không phát biện bất thường.

LMHB hiếm gặp ở Sarcoidosis, xấp xỉ 7 cases trên 1.000 bệnh nhân, Sarcoidosis được loại trừ bời bệnh nhân không có u hạch, không ho kéo dài, không có dấu thần kinh khác.

Đái tháo đường được loại trừ, bệnh nhân 31 tuổi, không thừa cân, đường máu 4,1 mmol/l.

Ngoài ra, các bệnh khác như giang mai, AIDS cũng được loại trừ.

Liệt Bell hay liệt mặt nguyên phát là nguyên do phổ biến nhất của LMMB, chiếm khoảng 70%. Liệt mặt nguyên phát chiếm khoảng 23% trường hợp LMHB. Cơ chế bệnh sinh vẫn còn bàn cãi, vai trò của lạnh được đề cập qua cơ chế mạch máu và nhiễm trùng, dây VII bị phù nề, gây chèn ép, thiếu máu cục bộ trong khung xương của vòi Fallope. Biểu hiện lâm sàng của liệt mặt nguyên phát có thể giúp phân biệt với các nguyên nhân khác gồm, liệt mặt khởi phát đột ngột, liệt hoàn toàn <48h, có ít nhiều liên quan dến lạnh, dấu não – màng não (-), không có liệt khu trú khác, không phát hiện bệnh lý tai mũi họng. Do vậy, LMHB trên bệnh nhân này được chẩn đoán nguyên nhân: liệt mặt nguyên phát hay liệt Bell.

KẾT LUẬN

LMHB là bệnh lý cực kỳ hiếm, <2 %/ tất cả cases liệt mặt.

LMHB đa số có nguyên nhân gồm: thần kinh, viêm nhiễm, ung bướu, chấn thương, chuyển hóa.

Chẩn đoán phân biệt những nguyên nhân của LMHB thường rất khó khăn, phức tạp.

Bác sĩ lâm sàng phải khai thác bệnh sử, thăm khám thật cẩn thận. Ưu tiên chẩn đoán phân biệt những bệnh nặng đe dọa tính mạng như bạch cầu cấp, hội chứng Guillan-Barre...

LMHB nguyên phát hay liệt Bell chỉ nên được chẩn đoán sau khi đã loại trừ hết những nguyên nhân có thể có.

LMHB nguyên phát có thể phục hồi tốt bằng phương pháp điều trị YHCT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Lina (1998), “Liệt mặt nguyên phát”, Bài giảng Bệnh học và Điều trị (Lưu hành nội bộ), Bộ môn Y Học Cổ Truyền – Khoa Y – Trường ĐH Y Dược TP HCM, Tập 2, tr.111-119.
  2. Nguyễn Tấn Phong (1997), Điều trị liệt mặt, Nhà xuất bản Y Học, tr. 7-22, 33-37.
  3. Alexander Kamaratos et al (2004), “Simultaneous bilateral facial palsy in a diabetic patient”, Diabetes Care february 2004 vol.27 no. 2 623-624.
  4. Andressa Alves da Silva; Marcelo Ducroquet; Jeff Chandler Pedrozo Junior (2009), “Bilateral facial palsy associated with Leptospirosis”, Braz J Infect Dis vol.13 no.4 Salvador Agu.2009 (http://dx.doi.ogr/10.1590/s1413-86702009000400017).
  5. Felipe Sartor G et al (2005), “Bilateral peripheral facial palsy in HIV patient”, International Archives of Otorhinolaryngology 2005, Vol 9, Num 3-Jul/Set (70).
  6. Hidayat Ullah et al (2009), “Bilateral facial paralysis – Can it be Bell´s ?” Int. Adv. Otol. 2009; 5:(3)498-411.
  7. Kadir KOTIL; Bekir KILINC (2005), “Sarcoidosis: A cause for bilateral facial palsy”, Journal of Neurological Sciences (Turkish) 2005, volum 22, number 3, page(s) 304-308.
  8. Ram P Narayanan et al (2008), “Guillan-Barre syndrome presenting with bilateral facial nerve paralysis: a case report”, Cases Journal 2008, 1:379, doi:10.1186/1757-1626-1-379.
  9. Sohil Pothiawala and Fatimah Lateef (2012), “Bilateral facial nerve palsy: a diagnostic dilemma”, Cases reports in Emergency Medicine, Vol 2012, Article ID 458371, 3 pages, doi: 10.1155/2012/458371.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 15 Tháng 10 2014 13:48

You are here Tin tức Trường hợp lâm sàng Liệt mặt ngoại biên hai bên nguyên phát - một chẩn đoán phân biệt.