• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Công tác quản lý trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam

  • PDF.

Phòng Vật tư thiết bị y tế

PHẦN I: BÁO CÁO CHUNG

1. Chức năng, nhiệm vụ của phòng Vật tư thiết bị y tế (VTTBYT) BVĐK Tỉnh Quảng Nam:

- Chức năng: Là phòng nghiệp vụ của Bệnh viện chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về toàn bộ công tác thiết bị y tế và một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong bệnh viện.

- Nhiệm vụ: Có các nhiệm vụ sau:

* Căn cứ vào nhu cầu thực tế của các khoa, phòng trong Bệnh viện để lập dự trù, kế hoạch mua sắm, thay thế, sửa chữa, kiểm kê-thanh lý tài sản, thiết bị y tế trong bệnh viện trình Giám đốc duyệt và tổ chức thực hiện việc cung ứng đầy đủ thiết bị y tế, thiết bị của một số hạ tầng cơ sở kỹ thuật.

* Tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, thiết bị của một số hạ tầng cơ sở kỹ thuật theo quy định của Nhà nước.

vttbyt2

Hệ thống xử lý ảnh KTS (Kodak)

* Tổ chức sửa chữa kịp thời, bảo trì định kỳ thiết bị y tế và thiết bị của một số hạ tầng cơ sở kỹ thuật; kiểm tra-kiểm định chất lượng thiết bị y tế.

* Lập hồ sơ lý lịch cho tất cả các thiết bị nằm trong phạm vi quản lý; xây dựng quy trình vận hành, bảo quản, bảo trì và kỹ thuật an toàn dành cho nhân viên sử dụng thiết bị.

* Tổ chức thực hiện việc kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng và bảo quản thiết bị y tế, thiết bị của một số hạ tầng cơ sở kỹ thuật.

* Theo dõi và thực hiện công tác an toàn thiết bị theo quy định của Nhà nước.

* Tham gia Đề án 1816 hỗ trợ tuyến dưới về lĩnh vực thiết bị y tế và thiết bị của một số hạ tầng cơ sở kỹ thuật khi có yêu cầu.

2. Quản lý đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế:

Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho phòng VTTBYT theo dõi, thực hiện công tác mua sắm TTBYT. Quản lý đầu tư, mua sắm được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, các Luật liên quan, các Nghị định, các Thông tư sửa đổi-hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y Tế và các Bộ - Ngành liên quan; quy trình cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

- Xác định nhu cầu mua sắm của tất cả các khoa , phòng trong toàn bệnh viện hàng năm (Thống kê và báo cáo, giá dự kiến) trình Giám đốc Bệnh viện.

- Giám đốc bệnh viện có Quyết định phân bổ kinh phí dành cho các nguồn mua sắm sau khi có QĐ giao dự toán thu, chi NSNN/năm.

- Xin phê duyệt danh mục mua sắm TSCĐ thuộc nguồn kinh phí không giao tự chủ.

- Chuẩn bị hồ sơ, cấu hình kỹ thuật cơ bản, xin thẩm định tính năng kỹ thuật của các thiết bị có giá trị .

- Xin phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

- Tổ chức đấu thầu theo trình tự được quy định trong Luật đấu thầu và các văn bản liên quan.

- Báo cáo kết quả đấu thầu .

- Tiếp nhận thiết bị và nghiệm thu sơ bộ.

- Theo dõi quá trình lắp đặt và vận hành.

- Nghiệm thu chính thức (nghiệm thu kỹ thuật).

- Hoàn thành chứng từ và hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng.

- Theo dõi hoạt động của thiết bị trong thời gian bảo hành.

3. Đánh giá hiệu quả đầu tư:

Công tác đầu tư mua sắm TTBYT từ các nguồn ngâ sách nhà nước (NSNN), quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp cũng như các nguồn kinh phí khác (nếu có) đều được thực hiện theo quy trình chuẩn.

Về danh mục mua sắm:

- Xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các khoa phòng (đơn vị sử dụng), phòng VTTBYT căn cứ vào tình hình chung của bệnh viện rà soát lại trước khi trình Giám đốc Bệnh viện xem xét.

- Giám đốc Bệnh viện triệu tập Hội đồng KHKT của bệnh viện, phòng VTTBYT, phòng TCKT để quyết định danh mục mua sắm phù hợp với khả năng kinh phí hiện có.

Về cấu hình kỹ thuật:

Giám đốc giao cho phòng VTTBYT phối hợp với các khoa, phòng được trang bị soạn thảo cấu hình kỹ thuật đảm bảo đúng theo yêu cầu sử dụng và phù hợp với khả năng kinh phí cho phép.

4. Đánh giá hiệu quả sử dụng:

Bệnh viện ĐK Tỉnh Quảng Nam có phòng VTTBYT được thành lập từ năm 1985, nhân lực hiện có: 10 trong đó có 3 kỹ sư.

Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành như hiện nay, phòng VTTBYT đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được BGĐ giao.

Trong những năm vừa qua, phòng VTTBYT của Bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả trong sử dụng TTBYT, cụ thể là:

- Tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, công tác bảo trì định kỳ TTBYT, thiết bị phụ trợ và các thiết bị khác đã được thực hiện bắt đầu từ năm 2005. Cho đến nay, số lượng TTBYT được thực hiện bảo trì định kỳ đạt được trên 80% số lượng thiết bị đang sử dụng và các thiết bị của cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã đi vào nề nếp với tỉ lệ là 90%.

II. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2012-2015: 

Xây dựng hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của phòng VTTBYT Bệnh viện ĐK Tỉnh Quảng Nam đủ mạnh về các mặt, trở thành cơ sở đầu ngành của Tỉnh Quảng Nam về Quản lý, Sửa chữa, Bảo trì định kỳ, Quản lý thiết bị tập trung các thiết bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ:

Để đạt được mục tiêu: Nâng cao hiệu quả trong đầu tư mua sắm, sử dụng TTBYT đối với các thiết bị hiện có, tránh gây lãng phí các nguồn kinh phí đã được đầu tư, giảm được kinh phí đầu tư mua sắm thêm các thiết bị mới góp phần vào việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân trong toàn ngành y tế nói chung, chúng tôi xin có một số giải pháp đề nghị:

1. Về kinh phí dành cho bảo trì, sửa chữa: Có văn bản quy định mang tính bắt buộc đối với tất cả các cơ sở y tế hàng năm phải dành một khoản kinh phí là bao nhiêu phần trăm tính trên tổng giá trị đầu tư ban đầu của các thiết bị hiện đang được sử dụng dành cho bảo trì định kỳ, kiểm tra, kiểm chuẩn. Tỉ lệ phần trăm này theo chúng tôi đề nghị là 1-2% (Theo số liệu chúng tôi cập nhật được từ các hội thảo về công tác bảo trì định kỳ TTBYT, ví dụ Công ty Vamed Engineering là Công ty chuyên thực hiện các hợp đồng bảo trì các thiết bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật-TTBYT thì con số này là 2% trong 3 năm đầu, 4% trong những năm tiếp theo; một số nước phát triển khác như Thụy Sĩ, Nhật,… là 5%).

Trước mắt chúng tôi đề nghị nguồn kinh phí này có thể là từ nguồn viện phí, từ NSNN cấp hoặc trích từ các Dự án Quốc gia dành cho ngành y tế về lĩnh vực đầu tư trang bị TTBYT hoặc tranh thủ từ các Dự án viện trợ của các tổ chức ngoài nước dành cho y tế.

2. Về nguồn nhân lực kỹ thuật cao: Đây là một đòi hỏi bức thiết hiện nay và chúng ta cần có những giải pháp trước mắt để giải quyết vấn đề này, cho đến nay như chúng ta biết nhà nước đã đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn để trang bị các thiết bị công nghệ cao đến tuyến bệnh viện huyện. Nếu không có nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đảm trách công tác kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa TTB nói chung thì hiệu suất sử dụng sẽ rất thấp và điều này là đồng nghĩa với lãng phí.

Về chiến lược lâu dài, có rất nhiều vấn đề phải thảo luận nhưng trước mắt theo chúng tôi là phải dựa vào 3 trường ĐHBK ở 3 khu vực: Hà Nội, Đà nẵng, Tp Hồ chí Minh để đào tạo kỹ sư Y sinh học. Chúng ta đòi hỏi phải có nguồn nhân lực cao thì đối với các trường đào tạo phải có đầu vào ở mức cao. Các trường ĐHBK ở 3 khu vực đạt được điều này.

Về phía bệnh viện, chúng tôi xin đề nghị:

- Tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các kỹ sư tốt nghiệp các trường ĐH kỹ thuật đạt loại khá giỏi có nguyện vọng vào làm việc trong ngành TTBYT như xét tuyển thẳng hoặc rút ngắn thời gian tập việc, ấn định thời gian cụ thể vào biên chế.

- Không đòi hỏi hoặc yêu cầu quá cao đối với các nhân viên kỹ thuật làm việc trong ngành kỹ thuật y tế, đặc biệt là các kỹ sư mới ra trường. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì với các kỹ sư tốt nghiệp đạt loại trung bình khá phải sau 3-5 năm trải qua thực tế mới có khả năng giải quyết được các vấn đề cơ bản về bảo trì, sửa chữa của một chuyên ngành nào đó trong lĩnh vực TBYT.

- Động viên, khuyến khích các nhân viên kỹ thuật học ngoại ngữ, ở đây là tiếng Anh để đọc được các tài liệu kỹ thuật của các thiết bị công nghệ cao.

3. Về Tài liệu kỹ thuật: Để có được nguồn tài liệu kỹ thuật cũng như các điều kiện thuận lợi khác cho nhân viên kỹ thuật đáp ứng tốt công tác bảo trì, sửa chữa thiết bị; chúng tôi xin đề nghị:

- Xin đề nghị với lãnh đạo Sở Y Tế đối với các chương trình, dự án mua sắm TTBYT là : nhà cung cấp phải cung cấp tài liệu kỹ thuật bản gốc (Service Manual), điều kiện bắt buộc. Tương tự như vậy đối với Bệnh viện khi đầu tư mua sắm TTBYT.

- Xin đề nghị các Chủ đầu tư-Lãnh đạo Bệnh viện khi nhận được các dự án đầu tư, mua sắm TTBYT từ các nguồn vốn viện trợ thì yêu cầu các Tổ chức viện trợ lưu ý đến việc bàn giao thiết bị trong đó phải có Tài liệu kỹ thuật.

4. Về chủng loại thiết bị: Sở Y Tế về chiến lược lâu dài định hướng cho bệnh viện chọn mua đối với từng chủng loại thiết bị có tính đồng nhất về model, hãng sản xuất. Có được như vậy, thực hiện công tác bảo trì sẽ rất thuận lợi, công tác sửa chữa sẽ dễ dàng nhanh chóng.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 25 Tháng 9 2012 15:30

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Công tác quản lý trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam