Đạo đức là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội. Đạo đức bắt nguồn từ những yêu cầu của sự tồn tại và sự phát triển của xã hội, là sự điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội để kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể.Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân.
Vì thế, việc rèn luyện và học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa rất lớn lao, có tính sống còn của Đảng ta, của chế độ ta và sự nghiệp cách mạng của chúng ta, là yêu cầu thường xuyên và cấp thiết đối với mỗi cán bộ đảng viên.Tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tính toàn diện.Ngoài những nguyên tắc và những chuẩn mực cho tất cả mọi người, Người còn đề cập đến những yêu cầu cụ thể về đạo đức đối với từng đối tượng cụ thể, trong đó có đạo đức của cán bộ công nhân viên ngành Y. Đối với người cán bộ y tế, việc nâng cao y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh để đáp ứng với yêu cầu chăm sóc và bảo vệ người sức khoẻ nhân dân là lương tâm, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc, thực hiện đúng lời dạy của Người “thầy thuốc phải như mẹ hiền”, thực hiện bằng được chủ trương của Đảng và Chính phủ: “Đem tình thương vĩnh cửu của người mẹ để làm công việc cao quý của mình”.[1] Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh đạo đức phải thống nhất với tài năng, người có đạo đức cách mạng phải là người vừa có đạo đức vừa có tài, tức là phải “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó cái đức là gốc .
*. Những nội dung nâng cao y đức theo Tư tưởng Hồ Chí Minh tại Bệnh viện Quảng Nam
Vận dụng tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, cụ thể nhất là những lời dạy của Bác về y đức, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Đảng về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, chủ trương của Bộ Y tế về nâng cao y đức trong khám chữa bệnh, thì việc nâng cao y đức cho cán bộ Bệnh viện Quảng Nam là một việc làm hết sức bức thiết. Phải tập trung và giải quyết tốt các nội dung sau:
- Giáo dục cho đội ngũ cán bộ nhân viên bệnh viện bản lĩnh chính trị và có ý thức không ngừng nâng cao y thuật: hiện nay chúng ta đang quá độ tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong lúc thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Điều đó đòi hỏi Đảng uỷ và Ban giám đốc cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức, giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức “yêu nước, thương dân”. Yêu nước là phải kiên định lập trường, tư tưởng của mình; phải kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, quán triệt một cách nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra. Thương dân là phải thể hiện bằng việc làm cụ thể của mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phải không ngừng nâng cao y đức và trình độ chuyên môn trong khám chữa bệnh.Phải giáo dục cho cán bộ, công nhân viên bệnh viện trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, coi đó là niềm tin, lẽ sống, là định hướng cho mọi hành động, suy nghĩ của cá nhân, không dao động tư tưởng, lập trường trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của kẻ thù. Qua việc giáo dục mục tiêu lý tưởng cách mạng mà bồi dưỡng nâng cao tình cảm đạo đức, khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, lành mạnh, vươn tới cái “chân, thiện, mỹ”.
Lương y như từ mẫu cũng có nghĩa đòi hỏi người thầy thuốc phải vừa có đức, vừa có tài. Chữ “tài” trong y tế chính là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi cán bộ y tế. Có tài thì mới thực hiện thành công việc chuyển hoá cái đức thành lợi ích cho người bệnh. Phải nhận thức được rằng “chữ tài phải đồng nghĩa với khoa học.Tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư: Cần là hoàn thành nhiệm vụ công việc chuyên môn đạt chất lượng cao trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phải cần cù, siêng năng, chịu khó, không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc. Kiên quyết chống thói lười biếng trong công việc như khám bệnh qua loa, kê vội đơn thuốc cho xong việc.Kiệm là tiết kiệm, không lãng phí thời gian của cải của mình, của bệnh viện. Tiết kiệm thời gian phải được hiểu là “không đi trễ, về sớm”, bệnh viện phải quán triệt làm việc đúng giờ qui định, lấy đó làm một tiêu chuẩn để đánh giá thi đua của đơn vị. Tiết kiệm còn phải được hiểu là đánh giá đúng bệnh, và dùng thuốc với chí phí thấp nhất mà hiệu quả cao, bảo đảm người bệnh nhanh hết bệnh. Đảng uỷ và Ban giám đốc phải giáo dục và có hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng thuốc, kê đơn thuốc...cho người bệnh. Tiết kiệm còn phải được áp dụng trong việc sử dụng điện, nước, các sổ sách giấy tờ, các chi phí hành chính, các dụng cụ vật tư tiêu hao như: bông, băng, cồn, gạc ...Liêm là trong sạch, không tham ô, không lợi dụng gây khó dễ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để vòi vĩnh , đòi quà biếu, tiền lót tay...; không ăn chặn bớt thuốc của người bệnh. Phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ của công, không lấy phương tiện tài sản của công mà phục vụ lợi ích cá nhân mình.Chính là phải trị bệnh cứu người vì tình cảm, trách nhiệm đạo đức. Việc gì tốt dù nhỏ cũng gắng làm, việc gì xấu dù nhỏ cũng hết sức tránh, khi bản thân có thiếu sót phải thẳng thắn trung thực nhận khuyết điểm, trách nhiệm và có hướng sửa chữa. Không được khi có công thì giành cho bản thân, khi có sai phạm thì đổ hết cho đồng nghiệp, cho cấp dưới hay tuyến dưới. Đây là một điều sỉ nhục lớn mà mọi người nên tránh, tuy rằng nó vẫn còn tương đối phổ biến.Chí công vô tư là ham làm những việc có lợi ích cho người bệnh, không ham địa vị, không màng công danh phú quý. Khi làm bất cứ việc gì thì không nghĩ đến bản thân trước mà nghĩ đến bệnh nhân trước, làm việc một cách vô tư, không hàm ơn, không kể công, chống chủ nghĩa cá nhân.
- Chú trọng giáo dục tinh thần nhân ái, trách nhiệm nghề nghiệp: Nghề y là một ngành nghề cao quý, nắm trong tay sinh mạng con người. Điều đó đòi hỏi rất nhiều ở người thầy thuốc về trình độ chuyên môn lẫn đạo đức. Vì vậy, với đặc thù của nghề y đòi hỏi người thầy thuốc phải hết lòng yêu nghề, yêu con người, có tấm lòng nhân ái, độ lượng, luôn học hỏi để nâng cao trình độ, nâng cao phẩm chất đạo đức người thầy thuốc để hành nghề. Người bệnh khi đến bệnh viện đều có đau đớn về thể xác nên khó tránh khỏi dằn vặt, lo âu, buồn chán nhất là những người nghèo, đơn côi hay người khó khăn về kinh tế. Lúc đó, nếu người thầy thuốc có tấm lòng thương yêu, chăm sóc ân cần, động viên chia sẻ, cảm thông với bệnh tật và hoàn cảnh gia đình người bệnh thì sẽ làm vơi đi nỗi đau đớn về thể xác, yên tâm về tinh thần, đặt hết niềm tin và sinh mệnh của họ cho người thầy thuốc. Ngược lại, người thầy thuốc không có sự thông cảm, phân biệt đối xử với người bệnh, “trọng giàu, khinh nghèo” sẽ làm cho bệnh nhân thêm chán nản, bi quan. Chính điều đó sẽ có tác dụng xấu hơn đến sức khoẻ và căn bệnh của họ, bởi “sức khoẻ là tình trạng thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Vì lẽ đó, khi nói đến giáo dục y đức không nên hô hào, nói chung chung mà Đảng uỷ, Ban giám đốc phải đi vào từng vấn đề cụ thể. Cần phải giáo dục lòng nhân ái, nâng cao trách nhiệm, cải thiện đời sống và phát huy tinh thần tự rèn luyện cho từng cán bộ y tế; đồng thời phải nâng cấp trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất của bệnh viện. Những vấn đề này bổ sung cho nhau và khi giải quyết tốt được nó thì sẽ có hiệu quả trong việc nâng cao y đức.“ Lương y như từ mẫu”,“...coi người bệnh đau đớn như chính mình đau đớn, người thầy thuốc phải đóng vai trò người mẹ thứ hai trong cuộc sống mỗi bệnh nhân, là người chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Lời Bác dạy vẫn còn mãi nơi mỗi chúng ta. Chỉ có tấm lòng người mẹ hiền bao dung, độ lượng...mới xoa dịu được mọi nỗi đau; lòng nhân ái trong lương tâm của mỗi người thầy thuốc được đề cao là một lẽ tất yếu. Cần phải làm cho các cán bộ, nhân viên bệnh viện giao tiếp, quan hệ với bệnh nhân, thể hiện được “đến đón tiếp ân cần, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo” để người bệnh hoàn toàn thoải mái về tinh thần và thể chất.Công tác khám chữa bệnh là một lĩnh vực nhạy cảm, liên quan chặt chẽ đến sức khoẻ và tính mạng con người. Do vậy, thầy thuốc, cán bộ ngành y cũng phải được nâng cao về y đức, cần học tập nghiên cứu về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Việc xây dựng Y đức “thầy thuốc như mẹ hiền”, cần phải bắt đầu từ cả hai phía, phía cán bộ y tế và phía người bệnh, gia đình người bệnh. Chúng ta lên án những cán bộ y tế làm mất thanh danh, chạy theo đồng tiền. Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng, như thế chưa đủ, phía người bệnh và gia đình người bệnh không ít trường hợp góp phần vô ý thức làm hư hỏng một số thầy thuốc.Do vậy, đội ngũ cán bộ y tế, người bệnh và gia đình người bệnh phải thiết lập mối quan hệ thiện cảm, tạo niềm tin lẫn nhau.
- Giáo dục tinh thần đoàn kết nội bộ:Bác Hồ căn dặn: “Phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; đoàn kết thì vượt được khó khăn, giành được thành tích”[2]. Quán triệt lời dạy của Bác, Đảng uỷ và Ban giám đốc phải là hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết. Đoàn kết giữa các khoa phòng với nhau, đoàn kết giữa các đồng nghiệp. Đoàn kết trong sinh hoạt hàng ngày và trong cả hội chẩn, điều trị bệnh...Cùng nhau làm tốt công việc. Đoàn kết không phải là làm vừa lòng nhau, bao che cái xấu cho nhau, thủ tiêu đấu tranh; ngược lại, phải đấu tranh, phê bình, góp ý để sửa chữa trước cái sai, cái chưa đúng. Đoàn kết để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau tiến lên.
- Giáo dục ý thức xây dựng nền y học Việt Nam : Phải giáo dục cho mỗi người cán bộ y tế có ý thức làm việc, đóng góp công sức để xây dựng và phát triển ngành y tế phù hợp với nhu cầu của nhân dân và thực tiễn của đất nước như Bác nói: “...Dựa trên nguyên tắc: khoa học - dân tộc - đại chúng”.
* Giải pháp cụ thể để nâng cao y đức cho cán bộ Bệnh viện Quảng Nam:
+ Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị của ngành trong toàn bệnh viện : Trước hết mỗi thầy thuốc phải đọc lại các lời dạy của Bác Hồ, và những lời dạy của các bậc danh y như “Y huấn cách ngôn” của Hải Thượng Lãn Ông, lời thề của Hippocrate và các Chỉ thị về y đức do Bộ trưởng Bộ Y tế đề ra... để suy ngẫm cách tu dưỡng bản thân theo các lời dạy đó. Phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ học tập các văn bản, Chỉ thị của ngành về nâng cao Y đức. Một vấn đề có tính xuyên suốt trong công tác chính trị của ngành, đó là: muốn cóY đức tốt thì trước hết người thầy thuốc phải có đạo đức chung tốt.Vì vậy phải gắn chặt và không được tách rời việc xây dựng Y đức với việc phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức chung của công dân, công chức hay Đảng viên cả về nội dung lẫn hình thức.Bệnh viện phải thường xuyên tổ chức các buổi học tập các nghị quyết, tổ chức các buổi nghe nói chuyện về thời sự chính trị trong nước cũng như trên thế giới để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho cán bộ công nhân viên.
+ Hai là, tăng cường công tác thi đua, kiểm tra, thanh tra, giám sát; khen thưởng và kỷ luật kịp thời về việc thực hiện Y đức: Phải xây dựng chuẩn mực Y đức của cán bộ trong bệnh viện và đưa y đức vào tiêu chuẩn để đánh giá thi đua. Hàng quý, hàng năm mỗi đơn vị (khoa, phòng) tổ chức để thầy thuốc tự liên hệ và nói lên những biểu hiện sa sút (từ biểu hiện nhỏ nhất đến biểu hiện lớn nhất) về Y đức của bản thân mình, đơn vị mình, cùng nhau tìm giải pháp để sửa chữa, đề ra các quy ước thi đua cụ thể giữa các đơn vị và cá nhân. Tổ chức hội thảo những quan niệm hiện nay về Y đức trong xã hội nhằm làm rõ cho cán bộ công chức phải làm gì để thực hiện lòng nhân ái của người thầy thuốc.
Phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Y đức trong bệnh viện. Kết hợp tốt giữa giáo dục và thi đua. Lấy thi đua và khen thưởng để phát huy và củng cố kết quả giáo dục, đồng thời lấy giáo dục đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của bệnh viện. Cần tổ chức thường xuyên lấy ý kiến góp ý của người bệnh, kiên quyết phê bình và nếu cần thiết phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc với mọi vi phạm về qui ước thực hiện Y đức của đơn vị. Mặt khác phải thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, kịp thời khen thưởng những biểu hiện tốt trong việc thực hiện y đức. Trong công việc này, cần có giới báo chí, phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò đồng minh và hậu bị vững chắc cho cuộc đấu tranh của ngành Y tế trong việc xây dựng và thực hiện tốt Y đức, chống lại sự sa sút, suy thoái về đạo đức.
+ Ba là, cải tiến công tác tổ chức, quản lý, lề lối làm việc trong Bệnh viện: Để xây dựng và thực hiện tốt Y đức, nếu bệnh viện chỉ chú trọng đến công tác chính trị đơn thuần thì chưa đủ. Công tác tổ chức, quản lý trong bệnh viện cũng giữ một vị trí quan trọng. Trước hết coi trọng công tác quản lý trong bệnh viện, người lãnh đạo phải dày công suy nghĩ tìm ra các giải pháp làm cho quang cảnh bệnh viện gọn gàng, thoáng mát, tạo ra sức hấp dẫn về môi trường với người bệnh. Bệnh viện có quang cảnh đẹp sẽ giúp cho người bệnh có môi trường điều trị trong lành. Quang cảnh môi trường cho đến vẻ ngoài của thầy thuốc tại bệnh viện cũng là tiêu chí đánh giá về việc thực hiện y đức của bệnh viện đó.
Y đức phải được thể chế hoá bằng chế độ trách nhiệm cho từng cá nhân, từng tổ chức theo đúng qui định về quản lý bệnh viện, qui chế chuyên môn có sự phân công cụ thể bằng văn bản rõ ràng.Ban giám đốc, ban chấp hành công đoàn, ban thanh tra nhân dân cùng các phòng ban có liên quan phải tăng cường kiểm tra, giám sát các chế độ chuyên môn,các qui định của ngành và của bệnh viện đề ra một cách thường xuyên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót có thể xảy ra.Cải cách qui trình khám chữa bệnh sao cho cụ thể và tạo thuận lợi nhất cho người đến khám bệnh.Phải xem bệnh nhân là khách hàng và bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ.Ban giám đốc cần kiên quyết trước những việc làm gây khó khăn, phiền hà cho bệnh nhân.
+ Bốn là, nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế: Bệnh viện cần có kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài việc đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên bệnh viện.Việc học tập trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ ngày càng tốt hơn cũng là thực hiện tốt Y đức.Khi cử người đi đào tạo lâu dài, ban giám đốc cần phải xem xét cụ thể yêu cầu của bệnh viện, khả năng chuyên môn cũng như sức khoẻ của người được cử đi học.Tuỳ yêu cầu cụ thể mà cử người đi đào tạo với hình thức cho phù hợp như dài hạn,ngắn hạn; cao học, nghiên cứu sinh hay chuyên khoa I, chuyên khoa II. Ngoài ra để có hiệu quả sau khi đào tạo bệnh viện cần phải chú ý đào tạo theo ê kíp, có như vậy khi thao tác sẽ đồng bộ và thành thục hơn.Bên cạnh đó, bệnh viện cần tổ chức các lớp tại chức, các lớp đào tạo tại chổ và mời các chuyên gia đến cầm tay chỉ việc, chuyển giao công nghệ tại chỗ.Có như vậy hiệu quả đào tạo của bệnh viện sẽ được nâng cao.Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thì các khoa phòng cũng phải được nâng cấp, bổ sung những trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.Bệnh viện xây dựng kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo tại chức cho tất cả các chức danh trong bệnh viện ở mọi lĩnh vực: chính trị, chuyên môn, quản lý, ngoại ngữ, tin học...tạo điều kiện cho việc tự học, tự rèn luyện. Nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện bằng việc cập nhật các tài liệu chuyên ngành, nâng cấp hệ thống mạng vi tính đến tận các khoa phòng để kịp thời phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
+ Năm là, cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên toàn bệnh viện: Lãnh đạo bệnh viện phối hợp với công đoàn để chăm lo đời sống của cán bộ nhân viên ngày càng tốt hơn. Trong thời kỳ chiến tranh, người thầy thuốc không quản ngại hy sinh làm việc với tất cả mệnh lệnh của trái tim vì lý tưởng độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, không thể nói suông các anh chị hãy quên mình tất cả vì người bệnh trong khi tiền lương của họ chưa đủ để nuôi bố mẹ hay vợ con hay canh cánh bên lòng nỗi lo cho cuộc sống gia đình. Động viên chính trị và tự giác chính trị trong việc xây dựng và thực hiện y đức là bổn phận của mọi người thầy thuốc. Nhưng nói như vậy chúng ta không thể phủ nhận rằng công tác thực hiện chính sách xã hội đối với người thầy thuốc cũng không kém phần quan trọng trong xây dựng và thực hiện tốt y đức.
+ Sáu là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Cấp ủy: Hàng tháng Đảng ủy họp xem xét đánh giá để có chủ trương giải quyết kịp thời những vướng mắc, sai phạm; kịp thời nêu những gương người tốt, việc tốt trong bệnh viện để động viên khen thưởng, tạo không khí thi đua sôi nổi thường xuyên trong bệnh viện. Hàng quý ra nghị quyết hành động của đơn vị cho các chi bộ triển khai thực hiện.
Hàng tháng, hàng quý các Cấp ủy các chi bộ ra Nghị quyết cụ thể để từng cá nhân, đơn vị (khoa, phòng) phấn đấu tự rèn luyện. Đảng uỷ cần nêu kịp thời những tấm gương Đảng viên tốt để cán bộ công chức noi theo.
Tóm lại: Y đức là một vấn đề hết sức đặc thù và tế nhị, Y đức không chỉ đơn thuần là sự thể hiện bên ngoài của tư tưởng, tình cảm, đạo đức mà còn là sự thể hiện kết quả của việc rèn luyện, giáo dục lâu dài, thường xuyên của người hành nghề y. Y đức không chỉ là vấn đề lớn của ngành y, là truyền thống cao đẹp, là trách nhiệm và danh dự của mỗi cán bộ y tế, mà nó còn đang trở thành vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Niềm tin yêu của nhân dân đối với người thầy thuốc, với ngành Y tế cả nước sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và thể hiện niềm tin đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, xây dựng và thực hiện tốt y đức còn mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Đó là điều mà mỗi người thầy thuốc cần nhận thức đầy đủ và quyết tâm trong mỗi hành động cụ thể hằng ngày.
Cần phải nhận thức rằng: sự hài lòng của người bệnh đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá cán bộ; sự tự nguyện lựa chọn nơi khám, chữa bệnh của người dân là thước đo uy tín của bệnh viện.
Trong thời gian qua, trong đội ngũ những người thầy thuốc vẫn còn những điều vướng bận nơi này hay nơi khác, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thừa nhận sự đóng góp và hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc cho sự ngiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, cho sự phát triển đi lên của toàn xã hội.Trong khi chờ đợi sự chia sẽ, cảm thông nhiều hơn nữa của cộng đồng, bằng sự quyết tâm và cầu thị, bằng trách nhiệm và lương tâm những người thầy thuốc bệnh viện đa khoa Quảng nam quyết tâm huy động mọi nguồn lực để tự đổi mới và phát triển, để giữ gìn và nâng cao y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, như giữ gìn màu áo trắng cao quý,là biểu tượng cho nghề nghiệp mà mọi người đã chọn lựa suốt đời.
Học tập nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và đạo đức ngành Y giúp mỗi người thầy thuốc có nhận thức đúng đắn và hành động tích cực nhằm góp phần ngăn chặn sự sa sút về Y đức đang diễn ra ở nước ta và tự rèn luyện những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho bản thân mình.
Ths. Trình Trung Phong
[1] Bộ Y tế, quản lý bệnh viện, nhà xuất bản Y học, 2001, trang 72.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà nội 1995, tập 7, trang 476.
- 04/08/2012 10:35 - Hướng dẫn kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng soi trực ti…
- 11/07/2012 20:25 - Hướng dẫn điều trị nhiễm não mô cầu
- 10/07/2012 21:29 - Phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue năm 2011
- 09/07/2012 16:30 - Lây truyền và phòng ngừa bệnh viêm màng não do nã…
- 22/06/2012 19:57 - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường ty…
- 04/06/2012 09:12 - Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị Hội chứng viêm da …
- 04/06/2012 09:08 - Hướng dẫn chẩn đoán và điệu trị ngộ độc chì
- 04/06/2012 08:52 - Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hen suyễn
- 04/06/2012 08:36 - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp
- 02/06/2012 13:45 - Điều trị nghiện rượu, thuốc gì?