• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Đề xuất xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh của BVTW Huế

  • PDF.
I. TÌNH HÌNH CHUNG

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với quan điểm " Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước". Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Đảm bảo cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dựa trên quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Y tế đã xây dựng và được phê duyệt tại Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu " Xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển". Hiện nay mạng lưới khám, chữa bệnh đã cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra, đã phát triển đồng bộ cả y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đạt được những thành tựu đáng kể.

twh

Tuy nhiên, cùng với sự bất cập chung trong quá trình đổi mới của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hệ thống khám chữa bệnh chưa thích ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế xã hội: Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhận thức người dân cũng cao hơn về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giao thông thuận tiện, người dân có xu hướng tìm nơi cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn; tâm lý người bệnh luôn coi trọng trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của tuyến trên; Diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng; Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm ( bệnh tim mạch, đái tháo đường… ); Sự xuất hiện của những bệnh lạ…Nguồn lực đầu tư cho y tế thấp: chi cho y tế ở Việt Nam đạt 58,3 USD/ đầu người, thấp hơn so với Thái Lan: 136,5USD, Malaysia: 307,2 USD. Tỷ lệ giường bệnh chung của Việt Nam còn quá thấp chỉ đạt 20,5 giường bệnh/10000 dân, so với trung bình của các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương: 33 giường bệnh/10000 dân; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn hiện nay; trong lúc ngành y tế đang cần nhiều nguồn lực để phát triển và hoàn thiện. Y tế cơ sở còn hạn chế, trang thiết bị một số bệnh viện không đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của tuyến điều trị; Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa: thiếu về số lượng và yếu cả về trình độ chuyên môn, kỹ thuật; điều kiện phát triển chuyên môn kỹ thuật, thu nhập của bác sĩ tuyến dưới còn hạn chế, nên đội ngũ cán bộ y tế có xu hướng dịch chuyển về thành thị- nơi điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi và phát triển cao. Cơ chế giao quyền tự chủ trong bệnh viện, đẩy mạnh xã hội hóa trang thiết bị, kỹ thuật y tế, phần nào dẫn đến tăng nhu cầu cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế. Thu viện phí theo dịch vụ y tế dẫn đến một số hậu quả như: hiện tượng lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán, điều trị; Giá viện phí thấp, chậm thay đổi để phù hợp với giá thị trường; Giá thu viện phí tuyến trên và tuyến dưới tương đương nhau…Tất cả những nguyên nhân trên đã làm phá vỡ tuyến điều trị, dồn ép bệnh nhân về tuyến trên; dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng ở hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa như: ung bướu, nội tiết, tim mạch, sơ sinh…và quá tải bệnh viện luôn là vấn đề bức xúc và nóng bỏng trong nhân dân, toàn xã hội và của ngành y tế từ nhiều năm qua.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển dài hạn liên quan đến việc giảm tải bệnh viện: Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/2/2008 về phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010. Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013". Ban hành và thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh như: Đề án 1816 về luân phiên cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới; Chỉ thị 06/2007/CT-BYT ban hành ngày 07/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; Chương trình số 527/CTr-BYT ban hành ngày 18/06/2009 về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế.

Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện Đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt do Bộ Y tế trực tiếp quản lý, và là một trong 3 bệnh viện lớn nhất nước, đồng thời là bệnh viện đầu ngành của hệ thống y tế miền Trung, với quy mô 1600 giường bệnh kế hoạch, thực kê là 2184 giường; phụ trách công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cùng với sự phát triển và khó khăn chung của ngành y tế Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế cũng luôn ở trong tình trạng quá tải. Trong những năm qua, mặc dù cơ sở hạ tầng của Bệnh viện TW Huế có nhiều bước phát triển đột phá nhờ tranh thủ có hiệu quả các nguồn viện trợ ODA để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Xây dựng khoa Nhi, Trung tâm tim mạch, Trung tâm Truyền máu khu vực, Khu kỹ thuật cao 7 tầng, Khoa Mắt, Trung tâm Đào tạo; Cung cấp thêm trang thiết bị, máy móc hiện đại…nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đứng trước thực trạng quá tải hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã quyết liệt triển khai một số giải pháp: tăng tỷ lệ giường bệnh, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nâng cao năng lực cho tuyến dưới; đẩy mạnh và phát triển ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh, chuẩn hóa các phác đồ điều trị…và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác giảm tải, thực hiện tốt Chỉ thị 06/2007/CT-BYT của Bộ Y tế. Năm 2011 là  năm Bệnh viện TW Huế  đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ca ghép tim trên người do kíp Bác sĩ người Việt Nam, thực hiện tại Bệnh viện TW Huế thành công đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển và hội nhập, phấn đấu xây dựng đạt chuẩn chất lượng  khu vực Đông Nam Á và tiến tới chuẩn quốc tế về kỹ thuật y học; Bệnh viện được mở rộng và nâng cấp, đưa một số công trình kiến trúc hiện đại, giá trị lớn vào phục vụ hiệu quả cho người bệnh, đảm bảo đủ chổ cho bệnh nhân nội, ngoại trú, triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh và phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đồng thời tranh thủ một số dự án quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển bệnh viện.

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ

2.1.Các chỉ số hoạt động chuyên môn cơ bản:

Bảng 1: Các chỉ số hoạt động chuyên môn cơ bản

TT

Nội dung

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

1

Giường kế hoạch

1100

1400

1500

1600

Giường thực kê

2006

2141

2152

2184

2

Số lần khám, trong đó:

272.001

337.396

368.998

379.431

+ KCB tuyến trước, cấp thuốc MP

16.421

15.846

2.603

13.223

3

Số bệnh nhân điều trị nội trú

68.298

75.250

84.138

84.220

4

Số ngày điều trị nội trú

780.679

854.754

840.095

880.534

5

Ngày điều trị bình quân/BN

11.4

11.3

10.0

10.5

6

Công suất sử dụng gường KH

Công suất sử dụng giường TK

194.4

106.4

167.3

109.4

153.4

107.5

150.8

110.0

7

Tổng sô tử vong

220

192

150

179

+ Tỷ lệ tử vong

0.032

0.025

0.018

0.020

8

Số lần chụp X quang, trong đó:

+Số lần chụp CTS Scanner

138.769

11.769

148.265

13.338

157.383

16.747

167.688

16.601

9

Thăm dò chức năng các loại

142.039

179.441

187.921

216.718

10

Tổng số lần xét nghiệm

1.118.104

1.370.406

1.638.170

2.166.790

11

Tổng số phẩu thuật

18.381

20.244

23.305

24.812

12

Tổng số tai nạn, trong đó:

10.382

10.275

8.530

6.766

Tai nạn giao thông

5.703

5.899

4.416

3257

13

Số sản phụ đẻ, trong đó:

6.355

7.559

6.872

7.887

+ Số đẻ khó

+Thụ tinh trong ống nghiệm

2.540

0

3.536

47

3233

75

4061

114

14

Số máu nhận từ người hiến máu

3.962.00

4.430.00

7.520.46

8.294.87

15

Số máu sử dụng(lít)

4.106.00

5.130.00

6.738.75

7.017.00

16

Số lần chạy thận nhân tạo

11.887

11.200

13.262

18.603

17

Số kỹ thuật lâm sàng mới

18

32

63

30

18

Số kỹ thuật cận lâm sàng mới

10

11

18

21

19

Đào tạo cán bộ tuyến trước

1.043

1.172

1.009

1.128

20

Đề tài nghiên cứu khoa học

196

165

133

189

Cấp nhà nước

4

2

8

7

Cấp bộ

4

5

3

2

2.2. Các chỉ số về giảm quá tải :

Bảng 2: Các chỉ số về giảm quá tải

TT

NỘI DUNG

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

1

Giường bệnh kế hoạch

1100

1400

1500

1600

2

Giường thực kê

2006

2141

2152

2184

3

Số lần khám và tái khám

272.001

337.396

368.998

379.431

4

Số BN điều trị nội trú

68.298

75.250

84.138

84.220

5

Số BN điều trị ngoại trú

2408

2412

3896

4353

6

Số ngày điều trị nội trú

780.679

854.754

840.095

880.534

7

Tổng số phẫu thuật (loại 3 trở lên)

18381

20244

23305

24812

8

Số sản phụ đẻ tại bệnh viện

6355

7559

6872

7887

9

Ngày điều trị bình quân 1 BN

11.4

11.3

10.0

10.5

10

Công suất sử dụng giường:

- theo giường chỉ tiêu

- theo giường thực kê

194.4

106.4

167.3

109.4

153.4

107.5

150.8

110.0

11

Các khoa quá tải (5 khoa quá tải nhất)

Khoa Nội tiết thần kinh

Khoa Nội tim mạch

Khoa Nội thận

Khoa Ung bướu

Khoa Ngoại nhi cấp cứu bụng

137

121

204

181

129

161

137

180

162

146

172

149

181

142

139

167

146

155

150

145

2.3. Nâng cao năng lực các tuyến y tế cơ sở:

+ Triển khai các hoạt động đào tạo cán bộ cho các tuyến y tế miền Trung gồm nhiều loại hình: ngắn hạn, trung hạn theo nhu cầu phát triển của các tuyến y tế thông qua hoạt động đào tạo lại, cập nhật kiến thức và kỹ năng, kỹ xảo cho cán bộ y tế tuyến dưới, tạo sự tin tưởng cho nhân dân yên tâm điều trị tại tuyến dưới mà không phải dồn về tuyến trung ương.

+ Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật

- Căn cứ nhu cầu và năng lực của các bệnh viện tuyến trước, Bệnh viện TW Huế đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo và luân phiên tăng cường cán bộ cho các bệnh viện tuyến tỉnh, chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.

- Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế v/v “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hổ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”; BVTW Huế đã cử 72 bác sĩ có trình độ (PGS, TS, ThS, BSCK1, BSCK2) thuộc 19 chuyên khoa tăng cường cho 9 bệnh viện tỉnh, có mặt thường xuyên theo phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và chuyển giao 176 kỹ thuật mới lâm sàng và 41 cận lâm sàng cho bệnh viện tỉnh. Tổng số ngày tăng cường trong năm 2011 là 5.049 ngày (tăng 230%). Đồng thời cử 14 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến tỉnh miền Trung.

2.3. 1.Tăng cường phát triển nhân lực y tế và ứng dụng thành tựu khoa học:

(1) Được Bộ Y tế phê duyệt đào tạo hệ thực hành sau đại học theo Quyết định số 4665 và 4666/2011/QĐ-BYT về đào tạo chuyên khoa 1 các chuyên ngành: Nội: 7 học viên; Ngoại: 5 học viên; Chẩn đoán hình ảnh: 6 học viên; Gây mê hồi sức: 6 học viên. Đào tạo chuyên khoa 2 các chuyên ngành: Nội Tim mạch: 3 học viên; Nội Nội tiết: 4 học viên; Ngoại Chấn thương chỉnh hình: 6 học viên; Sản Phụ khoa: 6 học viên; Nhi: 3 học viên.

(2) Đào tạo lại cho cán bộ bệnh viện

(3) Tham gia đào tạo cán bộ y tế theo hệ chính quy cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên:

(4) Đào tạo bổ túc chuyên khoa và đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh và huyện

III. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

3.1. Mục tiêu tổng thể của đề án:

- Giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.

- Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các bệnh viện tuyến trước

- Xây dựng cơ chế hoạt động phối hợp với các bệnh viện vệ tinh

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Tiếp tục mở rộng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn hóa cán bộ... của bệnh viện.

- Nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh

- Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đề án 1816 hiệu quả.

- Củng cố và tăng cường hoạt động đào tạo lại cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật theo phương châm cầm tay chỉ việc cho y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.

- Xây dựng các bệnh viện vệ tinh đủ sức giải quyết các bệnh tật của địa phương nhằm giảm tải cho tuyến trên.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN ĐẾN:

4. 1. Giải pháp về đào tạo nhân lực cho y tế tuyến trước và chỉ đạo tuyến

4.1.1.Mục tiêu:

- Góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế miền Trung.

- Mở rộng và củng cố các hoạt động đào tạo cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật của BVTW Huế cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện khu vực miền Trung.

4.1.2. Giải pháp

+ Triển khai đào tạo chính quy Bác sĩ hệ thực hành sau đại học ( BSCK1, BSCK2), đào tạo Bác sĩ định hướng chuyên khoa, đào tạo luân vòng sau tốt nghiệp cho bác sĩ, điều dưỡng phù hợp với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

+ Triển khai các hoạt động đào tạo cán bộ cho các tuyến y tế miền Trung

Tiếp tục mở rộng và củng cố các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của BVTW Huế cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện khu vực miền Trung thông qua hoạt động đào tạo liên tục, gồm nhiều loại hình:

  • đào tạo tập trung theo lớp;
  • đào tạo theo nhóm;
  • đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại cơ sở y tế địa phương;
  • đào tạo định hướng chuyên khoa cho cán bộ y tế mới tốt nghiệp;
  • đào tạo bổ túc chuyên khoa cho cán bộ y tế theo từng chuyên ngành;
  • Chú trọng kỹ năng thực hành và triển khai kỹ thuật mới.

+ Thiết lập hệ thống tổ chức và quản lý đào tạo tại BVTW Huế

- Xây dựng quy trình quản lý đào tạo (khảo sát, lập kế hoạch, triển khai hoạt động   và đánh giá). Củng cố công tác quản lý đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế để phát huy hết khả năng của đội ngũ cán bộ chuyên môn cao và của cơ sở vật chất cùng các trang thiết bị hiện đại của bệnh viện.

- Tăng cường chức năng đào tạo và chỉ đạo tuyến trước của BVTW Huế để đào tạo nâng cao kỹ năng lâm sàng và chuyển giao kỹ thuật y học tiên tiến cho y tế tuyến trước.

- Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên về bằng cấp, học vị; về phương pháp giảng dạy

- Đào tạo cán bộ quản lý đào tạo

- Thành lập Ủy ban điều phối đào tạo để điều phối hoạt động giữa Trung tâm Đào tạo và các khoa, phòng trong BVTW Huế

+ Giám sát, đánh giá hiệu quả đào tạo tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở miền Trung do BVTW Huế thực hiện: mỗi năm thực hiện mỗi lần tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Mỗi bệnh viện 2 ngày.

Tiếp tục thực hiện đề án 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế v/v “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hổ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, mở rộng đến 16 tỉnh miền Trung và có chỉ số đánh giá hiệu quả định kỳ hàng năm.

4. 2. Giải pháp nâng cao năng lực cho các bệnh viện vệ tinh

Theo nhu cầu của địa phương, sau khi thống nhất với Ban Giám đốc của một số bệnh viện tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên; BVTW Huế chọn một số bệnh viện  vệ tinh (đã có sự thống nhất ý kiến từ các bệnh viện này):

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên- Huế

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên

4.2.1. Lý do chọn Bệnh viện đa khoa Tỉnh Thừa Thiên- Huế

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên- Huế được thành lập từ tháng 6 năm 2008, trực thuộc sự quản lý và lãnh đạo của Sở y tế Tỉnh Thừa Thiên- Huế; được khởi công xây dựng vào tháng 09 năm 2009 và dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2012, cách BVTW Huế 19 km về phía bắc nằm trên trục quốc lộ 1; đây là bệnh viện hạng II với quy mô 500 giường bệnh gồm nhiều khoa lâm sàng và cận lâm sàng, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Bệnh viện vừa mới được thành lập, có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, nhân lực dự kiến cho bệnh viện là 600 cán bộ nhưng hiện tại bệnh viện chỉ có 176 cán bộ; do đó  thiếu nhân lực là vấn đề quan tâm hàng đầu của lãnh đạo. Vì vậy, chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên-Huế làm bệnh viện vệ tinh là nhằm chỉ đạo toàn diện cho Bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý, tương xứng với tiềm năng cơ sở hạ tầng, sử dụng tối ưu trang thiết bị hiện đại, tạo nên sự phát triển bền vững của bệnh viện. Do đó, xây dựng bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên- Huế, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và hỗ trợ cho các Bác sĩ tuyến tỉnh giải quyết tốt các bệnh lý cấp cứu tại địa phương sẽ giúp làm giảm quá tải bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế và giảm gánh nặng kinh tế cho nhân dân các vùng lân cận phía bắc tỉnh Thừa Thiên- Huế.

4.2.2. Lý do chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị:

Quảng Trị nằm trên giao điểm của trục quốc lộ 1 với quốc lộ 9 (nối Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào). Bệnh viện tỉnh Quảng Trị là đơn vị chỉ đạo điểm của Bệnh viện Trung ương Huế từ nhiều năm nay, có quan hệ mật thiết với bệnh viện TW Huế,  có cở sở vật chất và đội ngũ cán bộ tương đối tốt. Bệnh viện Quảng Trị cách Bệnh viện TW Huế 75 km về phía bắc, dễ dàng gởi cán bộ y tế đến hổ trợ và triển khai kỹ thuật, làm điểm chốt chặn bệnh nhân ở phía Bắc. Hơn nữa hằng năm, số lượng bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân nặng từ Quảng Trị được chuyển về bệnh viện TW Huế tương đối nhiều, đặc biệt là từ các vùng biên giới Việt-Lào và vùng núi (Khe sanh, Hướng Hóa), là nơi đời sống kinh tế thấp, không thích hợp điều trị xa nhà tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Do đó, nếu xây dựng bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Quảng Trị, nâng cao năng lực chuyên môn đủ sức giải quyết các bệnh lý tại địa phương sẽ giúp làm giảm quá tải bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế và giảm gánh nặng kinh tế cho nhân dân Quảng Trị vốn nghèo khó, đời sống kinh tế thấp, đỡ tốn kém khi phải khám chữa bệnh xa nhà tại các tuyến Trung ương.

4.2.3. Lý do chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam:

Tỉnh Quảng Nam vừa mới thành lập (tách từ tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam cũ), Bệnh viện tỉnh Quảng Nam có cơ sở hạ tầng đang được đầu tư xây dựng, trang thiết bị thiếu, năng lực chuyên môn giới hạn. Vì vậy, chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam làm bệnh viện vệ tinh là nhằm chỉ đạo toàn diện cho Bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý. Đây cũng là giải pháp giảm quá tải bệnh nhân cho Bệnh viện Trung ương Huế một khi Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam đủ mạnh.

4.2.4. Chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên

Bệnh viện đa khoa Phú Yên mới được xây dựng tại TP.Tuy Hòa, có quy mô 500  giường bệnh với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Phương hướng hoạt động và phát triển của bệnh viện sẽ đưa từ bệnh viện hạng II lên hạng I, do đó Ban Giám đốc bệnh viện tỉnh Phú Yên rất muốn được làm vệ tinh của bệnh viện TW Huế để được bệnh viện tuyến TW giúp đỡ, đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân.

4.2.5.Chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh KonTum

Bệnh viện KonTum nằm ở cao nguyên của miền Trung, nơi mà điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế còn thấp vì đời sống của người dân còn khó khăn, do đó khi làm bệnh viện vệ tinh của bệnh viện TW Huế, thì người dân sẽ được nhận các dịch vụ chăm sóc về y tế tốt hơn.

4.2.6. Chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Bệnh viện Hà Tĩnh cũng là nơi nằm xa tuyến TW, nhân lực y tế thiếu, do đó điều kiện để người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế còn hạn chế; do đó được làm bệnh viện vệ tinh của BVTW Huế, sẽ mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

4.3. Mục tiêu:

Nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý của các bệnh viện vệ tinh, đủ sức giải quyết các bệnh lý khó và phức tạp tại địa phương, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương, bệnh nhân không phải dồn về tuyến Trung ương, từ đó giảm quá tải cho Bệnh viện TW Huế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của mạng lưới y tế miền Trung.

4.3.1. Giải pháp thực hiện:

1. Công tác đào tạo:

- Đào tạo cán bộ y tế của cơ sở vệ tinh về chuyên môn lẫn về quản lý.

- Thông qua hoạt động chỉ đạo tuyến, đề án 1816 BVTW Huế cử các nhóm chuyên gia thường xuyên về công tác tại bệnh viện vệ tinh để chỉ đạo và hổ trợ các lĩnh vực còn yếu kém.

- Tiếp tục mở rộng và củng cố các hoạt động đào tạo, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho cán bộ y tế ( bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên,…) của các bệnh viện vệ tinh theo phương châm “ cầm tay chỉ việc “ tại BVTW Huế lẫn tại các cơ sở vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo liên tục, gồm nhiều loại hình:

  • đào tạo tập trung theo lớp;
  • đào tạo theo nhóm;
  • đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại cơ sở y tế địa phương;
  • đào tạo định hướng chuyên khoa cho cán bộ y tế mới tốt nghiệp;
  • đào tạo bổ túc chuyên khoa cho cán bộ y tế theo từng chuyên ngành;
  • Chú trọng kỹ năng thực hành và triển khai kỹ thuật mới.

2. Công tác tổ chức:

- Tổ chức giao ban định kỳ giữa bệnh viện TW Huế và các bệnh viện vệ tinh (mỗi tháng 1 lần) để đánh giá và điều chỉnh hoạt động.

- BVTW Huế tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ theo khối (mỗi tuần 1 buổi) có sự tham gia của các bệnh viện vệ tinh.

- Đảm bảo việc liên lạc thường xuyên, trao đổi và hội chẩn từ xa giữa bệnh viện TW Huế và các bệnh viện vệ tinh một cách nhanh chóng kịp thời và có hiệu quả. Do đó cần trang bị hệ thống nối mạng máy tính giữa bệnh viện TW Huế và các bệnh viện vệ tinh.

- Hàng tuần BVTW Huế tổ chức 1 buổi phẫu thuật cho các bệnh nhân từ các bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện TW Huế do các Bác sĩ từ các bệnh viện vệ tinh về tham gia cùng phẫu thuật với các phẫu thuật viên BVTW Huế để cập nhật các kỹ thuật mới.

- Các bệnh viện vệ tinh phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện tuyến TW khi chuyển bệnh về cho tuyến dưới theo dõi và điều trị; nếu có vấn đề bất thường trong diễn tiến bệnh phải báo ngay cho bệnh viện TW để chỉ đạo điều trị kịp thời.

- Các bệnh viện vệ tinh chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất cho cán bộ bệnh viện TW Huế khi đến làm việc tại bệnh viện vệ tinh.

3. Kế hoạch chuyển tuyến:

- Giữa bệnh viện TW Huế và các bệnh viện vệ tinh cần xây dựng quy chế chuyển bệnh theo phân tuyến kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân được hưởng các chế độ BHYT, các kỹ thuật cao trong điều trị đúng bệnh; bảo đảm sự hài hòa giữa bệnh viện TW Huế và các bệnh viện vệ tinh.

4. Kinh phí hoạt động:

- Hiện nay nguồn kinh phí cho các bác sĩ tuyến TW về hỗ trợ tuyến dưới chủ yếu là dựa vào nguồn kinh phí theo đề án 1816, tuy nhiên cũng gặp một số vấn đề khó khăn trong việc các chứng từ thanh toán và hóa đơn đôi lúc không đầy đủ. Vì vậy, BVTW Huế kính đề nghị Bộ Y tế xem xét và cấp kinh phí cho hoạt động các bệnh viện vệ tinh được hiệu quả và bền vững hơn.

V. CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

  1. Tổng số bệnh nhân nội trú tại bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và tại các bệnh viện tuyến tỉnh khác.
  2. Tổng số giường bệnh (tổng số giường bệnh nội trú, tổng số giường lưu) tại bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác.
  3. Công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác.
  4. Tổng số khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác
  5. Tổng số bệnh nhân phẫu thuật tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác
  6. Tỉ lệ các loại phẫu thuật tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác.
  7. Tổng số kỹ thuật cao được thực hiện tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác.
  8. Các kỹ thuật mới được triển khai tại tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác
  9. Tỉ lệ tử vong bệnh nhân tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác
  10. Số lượng bệnh nhân chuyển tuyến trên của các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác
  11. Diện tích mặt bằng bình quân/giường bệnh.
  12. Số lượng máy móc y tế kỹ thuật cao được trang bị thêm tại Bệnh viện TW Huế, tại các bệnh viện vệ tinh
  13. Công suất sử dụng các máy móc thiết bị y tế.
  14. Sự hài lòng của người bệnh đối với công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương, bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến tỉnh khác.
  15. Số cán bộ bệnh viện TW Huế được đào tạo trong nước, ngoài nước/năm
  16. Số cán bộ nâng cấp học hàm, học vị/năm
  17. Số lớp đào tạo tại bệnh viện Trung ương Huế.
  18. Số học viên được đào tạo tại Bệnh viện TW Huế theo từng chuyên ngành.
  19. Số học viên được đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại chổ (bệnh viện tỉnh).
  20. Số kỹ thuật được chyển giao và triển khai thành công tại bệnh viện vệ tinh và bệnh viện tuyến tỉnh
  21. Sự hài lòng của học viên đối với chất lượng các khóa đào tạo.
  22. Số lượt công tác chuyển giao kỹ thuật tại tuyến tỉnh.
  23. Số cán bộ tham gia công tác chỉ đạo kỹ thuật tại tuyến tỉnh.

Bệnh viện Trung ương Huế xin đề xuất một số giải pháp cho việc thiết lập hệ thống bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại khu vực Miền Trung và Tây nguyên.

PGS.TS. Phạm Như Hiệp,  

Phó GĐ BVĐKTW Huế

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 25 Tháng 9 2012 10:10

You are here Chỉ đạo Tin tức hoạt động Đề xuất xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh của BVTW Huế