• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Magiê máu

  • PDF.

Khoa Hóa Sinh

Magiê (Mg++) là một cation nằm chủ yếu trong tế bào với 60% lượng này tìm thấy trong xương dưới dạng kết hợp với canxi và phospho. Toàn bộ khối lượng Mg trong cơ thể là 25g và thực phẩm hàng ngày cung cấp khoảng 500mg (chủ yếu trong các thức ăn giàu chất diệp lục). Chỉ có một lượng rất nhỏ magiê được tìm thấy trong máu. Vì vậy nồng độ magiê máu phản ánh một cách không toàn diện và không đầy đủ kho chứa magiê của cơ thể.

magi1

Cơ thể duy trì nồng độ magiê trong máu bằng cách kiểm soát quá trình hấp thu magiê từ ruột và quá trình bài xuất hay hấp thu ion này tại thận:

-Magiê được hấp thu tại ruột non nhờ một quá trình tích cực phụ thuộc vào 1-25-di OH vitaminD. Sau khi được hấp thu, Mg lưu hành trong máu dưới dạng ion hóa (60-70%) và chỉ có khoảng 35-40% Mg được gắn với các protein vận chuyển.

- Ở thận, magie được lọc qua các cầu thận và được các ống thận tái hấp thu tới 95%.  Tái hấp thu magiê (Mg++) của ống thận phụ thuộc vào quá trình bài tiết canxi, natri, aldosterol và hormon cận giáp trạng (PTH).

Magiê có các chức năng chính:

  • Tham gia vào quá trình hình thành xương.
  • Cần thiết cho quá trình tiết và cho tác dụng sinh học của PTH.
  • Hoạt hóa nhiều loại enzym.
  • Tham gia vào quá trình hình thành ATP (sản xuất năng lượng).
  • Là một ion thiết yếu tham gia duy trì chức năng bình thường thần kinh cơ và tạo cục đông trong quá trình cầm máu.

Các bệnh nhân bị tăng nồng độ magiê máu sẽ có biểu hiện li bì, đỏ bừng mặt, tụt huyết áp, ức chế hô hấp, nhịp tim chậm và giảm hay mất phản xạ gân xương sâu. Các bệnh nhân bị giảm nồng độ magiê sẽ có biểu hiện rung giật sợi cơ và run cơ, chứng co thắt cơ, loạn nhịp tim và tăng phản xạ gân xương sâu. Giảm nồng độ magiê máu gần như do rối loạn chức năng đường tiêu hóa và thận gây nên. Thiếu hụt magiê mạn sẽ gây giảm nồng độ canxi máu thứ phát do giảm sản xuất và hiệu quả của hormon cận giáp.

Mục đích và chỉ định xét nghiệm

  • Chẩn đoán và theo dõi tình trạng giảm magiê máu và tăng magiê máu, nhất là trong suy thận.
  • Để theo dõi các bệnh nhân tiền sản giật đang được điều trị bằng magiê sulfat.
  • Định lượng nồng độ magiê trong máu có thể được dùng để giám sát về hiệu quả và an toàn ở những người đang dùng thuốc, xác định chẩn đoán ở những  nạn nhân có nguy cơ ngộ độc hoặc hỗ trợ việc điều tra pháp y. Những đứa trẻ sơ sinh của các bà mẹ sau khi được tiêm magnesium sulfate trong chuyển dạ có thể biểu hiện độc tính với mức magiê huyết thanh bình thường.

Giá trị bình thường magiê

Trong huyết thanh;

  • Trẻ sơ sinh 0,5-0,54 mmol/L
  • Trẻ nhỏ 0,69- 0,87 mmol/L
  • Người lớn 0,65-1,05 mmol/L

Trong hồng cầu: 2,25- 3,00 mmol/L

Tăng nồng độ magiê máu

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Do dùng thuốc.
  • Suy thận
  • Các bệnh khác : cường tuyến giáp, đa u tủy xương.

Giảm nồng độ magiê máu

Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Giảm hấp thu qua đường tiêu hóa.
  • Mất quá nhiều magiê qua nước tiểu.
  • Do thuốc : lợi tiểu, kháng sinh, thuốc chống ung thư.
  • Do bệnh nội tiết: suy cận giáp trạng, tăng canxi máu, cường giáp.
  • Cố định quá nhiều magiê trong xương do quá trình tạo xương quá mức.

Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm

  • Đặt garo quá lâu khi lấy máu xét nghiệm.
  • Mẫu bệnh phẩm bị vở hồng cầu.
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ magiê máu: Amilorid, kháng sinh nhóm aminoglycosid…
  • Các thuốc có thể làm giảm nồng độ magiê máu : Amphetericin, insulin, thuốc ngừa thai…

Lợi ích của xét nghiệm định lượng magiê

Định lượng magiê hữu ích trong các bệnh lý sau:

  • Tình trạng giảm hấp thu.
  • Nghiện rượu mạn.
  • Suy thận.
  • Ỉa chảy mạn tính.
  • Tăng canxi máu.

Chỉ định theo dõi nồng độ magiê huyết thanh khi điều trị bằng digitalis, lợi tiểu, kháng sinh nhóm aminosid, cisplatin.

Cảnh báo lâm sàng

Tình trạng thiếu hụt magiê thường cùng tồn tại với các bất thường điện giả khác:

  • ở một số bênh nhân có biểu hiện tạng dễ co thắt có tình trạng giảm nồng độ magiê trong huyết thanh hay trong hồng cầu. tình trạng tăng nồng độ magiê máu sẽ làm nặng thêm tác động của tăng canxi máu, giảm nồng độ magiê máu sẽ làm nặng thêm tác động của giảm canxi máu. Nên theo dõi nồng độ magiê đồng thời với canxi và phospho.
  • Giảm magiê máu có thể gây giảm kali máu và giảm canxi máu rõ rệt song không rõ nguồn gốc.
  • Khoảng 90% bệnh nhân có bất thường magiê máu song không không được phát hiện bằng lâm sàng vì vậy xét nghiệm nồng độ magie máu thường quy trong xét nghiệm điện giải là được khuyến cáo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Đạt Anh, Nguyễn Thị Hương(2013)-Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng,Nhà xuất bản y học
  2. Baselt, R. (2008). Disposition of Toxic Drugs and Chemicals in Man (8th ed.). Biomedical Publications. pp. 875–7.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 03 Tháng 3 2016 16:41