• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cảnh báo bệnh giun đũa chó ở người

  • PDF.

KTV NGUYỄN THỊ NGUYỆT ÁNH-KHOA VI SINH

Chó là loài vật nuôi trung thành, thông minh và đáng yêu đối với nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, đã được con người thuần hoá cách đây khoảng 15.000 năm. Thế nhưng loài vật này vẫn luôn mang trong mình mối nguy tiềm ẩn truyền bệnh với tỉ lệ rất cao mà chủ nhân của chúng ít được biết đến: Bệnh giun đũa chó ở người.

Đây là một bệnh do ký sinh trùng ký sinh lạc chủ gây ra, lạc chủ bởi vì vật chủ ký sinh của chúng là chó chứ không phải người. Bệnh do giun đũa chó xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới, không phụ thuộc nông thôn hay thành thị, ngay cả những nước tiên tiến vẫn có khả năng nhiễm và thậm chí nhiễm nhiều.

Duacho1

ĐẠI CƯƠNG

Giun đũa chó (danh pháp khoa học: Toxocara canis) ký sinh trong ruột non của chó, gặp ở 80% chó ở vùng nhiệt đới và 17 - 20% chó ở vùng ôn đới. Giun trưởng thành sống trong ruột non chó con dưới 3 - 6 tháng tuổi; mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân chó ra ngoài và có thể sống ở ngoại cảnh nhiều tháng; khi chó lớn hơn, do cơ chế miễn dịch, giun trong ruột sẽ bị đẩy ra ngoài. Nếu chó con nuốt trứng giun, một số ấu trùng lên phổi và phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non, một số khác tiếp tục đi lang thang trong các cơ quan nội tạng. Khi chó lớn lên và có thai, ấu trùng chui qua lá nhau, nhiễm vào bào thai, hoặc vào tuyến vú gây nhiễm cho chó con khi chúng bú mẹ.

Người nuốt phải trứng thường là trẻ em chơi đất, chơi với chó, hoặc người lớn làm những nghề gần gủi với chó... Tại ruột non, ấu trùng giai đoạn II chui ra khỏi trứng vào vách ruột, theo máu lên gan, phổi, não, tim, da, cơ, mắt...v.v. Tại đây, ấu trùng có thể sống được nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và vì lạc vật chủ sang người nên chúng không bao giờ phát triển thành giun trưởng thành. Bệnh giun đũa chó ở người có thể gây ra 3 hội chứng: u hạt do ấu trùng, ấu trùng di chuyển nội tạng (gặp ở trẻ nhỏ 1 – 4 tuổi nhiều hơn ở người lớn) , ấu trùng di chuyển ở mắt.

 LÂM SÀNG

Việc gây bệnh của ký sinh trùng Toxocara canis ở người xảy ra ở mọi cơ quan nơi chúng di chuyển đến và ký sinh, có thể gây những tổn thương với những triệu chứng đa dạng và hậu quả khác nhau. Các triệu chứng của bệnh tùy thuộc rất nhiều yếu tố như: nơi định vị cư trú của ký sinh trùng, số lượng ấu trùng, thời gian bị nhiễm cũng như tùy thuộc vào phản ứng miễn dịch với ký sinh trùng của những ký chủ khác nhau...v.v.

- Ở trẻ em, bệnh khởi phát từ từ. Bệnh nhân sốt nhẹ, thoáng qua; ăn ít, gầy yếu, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa; đau cơ và khớp; ho khạc ra đờm có bạch cầu ái toan, khó thở dạng suyễn, thâm nhiễm phổi; da nổi dát đỏ hoặc mề đay, hồng ban đa dạng, phù quinck; gan to, cứng, bề mặt nhẵn, không đau; đôi khi lách hơi to.

- Ở người lớn, đôi khi mhiễm không triệu chứng, đôi khi sốt nhẹ, mệt, nổi mẫn đỏ, ngứa, khó thở dạng suyễn, có thể giảm thị lực một bên do viêm hạt ở võng mạc hoặc viêm nội nhãn mạn tính.

- Ngoài ra bệnh còn có thể biểu hiện ở khớp, cơ, da, tim hoặc tổn thương thần kinh trung ương do ấu trùng xâm nhiễm vào não, có thể có cơn động kinh hoặc với các triệu chứng kèm theo đặc trưng của cơ quan bị bệnh khác.

CHẨN ĐOÁN

Việc chẩn đoàn xác định thường dựa chủ yếu vào cận lâm sàng.

Chính vì không có giun trưởng thành nên việc tìm trứng giun để chẩn đoán bệnh này ở người là điều không thể mà phải dựa vào xét nghiệm máu để chẩn đoán.

1. Triệu chứng định hướng

- Bạch cầu trong máu tăng đến 10.000 - 100.000/mm3, trong đó bạch cầu ái toan chiếm 50 - 80%. Tuy nhiên bạch cầu có thể không tăng trong thể bệnh ở mắt.

- Globulin tăng hơn bình thường 10 - 15 lần, nhất là IgE và IgG.

2. Chẩn đoán xác định

- Các kỹ thuật như: sinh thiết, cố định bổ thể, ngưng kết hồng cầu, miễn dịch khuếch tán, miễn dịch điện di, miễn dịch huỳnh quang...v.v có giá trị chẩn đoán song không cao và thường có phản ứng chéo, dương tính giả...

- U hạt hoặc dạng apxe có thể xuất hiện trên phim chụp CT Scanner với hình ảnh giảm âm giống như tổ chức viêm nhiễm.

- Hiện nay kháng nguyên ngoại tiết - phân tiết (Toxocara excretory- secretory antigen) và miễn dịch men ELISA cho kết quả đặc hiệu hơn.

Test huyết thanh miễn dịch ELISA rất có ích trong chẩn đoán. Sử dụng ELISA đặc hiệu kháng nguyên giai đoạn ấu trùng sẽ có hiệu quả và độ nhạy hơn các test chẩn đoán khác nếu huyết thanh được ủ/hấp phụ lần đầu tiên với kháng nguyên trong huyết thanh Ascaris để loại bỏ những kháng thể gây ra phản ứng chéo.

ĐIỀU TRỊ

Hiện tại có rất nhiều loại thuốc trên thị trường có hiệu quả với bệnh ký sinh trùng giun đũa chó ở người, và được sử dụng ở hầu hết các bệnh viện:

1. Thiabendazol 25mg/kg cân nặng, hai lần/ngày trong 21 ngày.

2. Dietylcarbamazin 3mg/kg cân năng 3 lần/ ngày trong 21 ngày.

3. Albendazol gần đây cũng cho thấy có hiệu quả trên truờng hợp nhiễm giun đũa chó, với liều cao 800mg/ ngày trong 2-3 tuần.

Corticoid hay thuốc kháng histamin thể được dùng cho các trường hợp khó thở nhiều, viêm nặng…

DỰ PHÒNG

- Không cho trẻ con chơi với chó, nhất là chó con; theo dõi sự sạch sẽ của bàn tay; chống mọi hành động nuốt đất của trẻ.

- Cấm thả chó ra công viên, bãi cát, vườn… Định kỳ xổ giun cho chó con và chó có thai.

 Hiện nay Khoa vi sinh Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã trang bị máy ELISA và triển khai kỹ thuật ............................

Nguồn tham khảo

1. Giáo trình Ký sinh trùng y học, ĐH. Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, 2004

2. Toxocara canis và Toxocara cati một bệnh gây ra do ký sinh trùng, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang, 2008

3. Bệnh giun đũa chó, mèo và những điều cần biết, www.phongchonggiunsan.com 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 16 Tháng 3 2013 08:12

You are here Tin tức Y học thường thức Cảnh báo bệnh giun đũa chó ở người