• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Vật lý trị liệu / phục hồi chức năng bệnh lý đa rễ thần kinh

  • PDF.

KTV Nguyễn Quốc Việt - 

I. ĐẠI CƯƠNG

Viêm đa rễ dây thần kinh là gì?

Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính (hay còn gọi là Hội chứng Guillain Barre) là một bệnh tự miễn do tự thân cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại cơ thể, chống lại các tế bảo thần kinh cơ làm yếu cơ, liệt cơ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt, hay do các rối loạn thần kinh thực vật nghiêm trọng. Bệnh hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi (tuy nhiên đối với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi thì rất hiếm).

Các bệnh lý đa rễ thần kinh thường được chia làm những bệnh lý thần kinh trục và bệnh lý thần kinh mất myelin (demyelynating neuropathies). Bệnh lý thần kinh trục rất thường liên quan đến những nguyên nhân ngộ độc và biến dưỡng như đái tháo đường ,nghiện rượu…và ít gặp trong trường hợp phơi nhiễm với kim loại nặng hoặc độc tố công nghiệp…

Nguyên nhân thường gặp nhất là những bệnh mất myelin nguyên phát là hội chứng Guilain-Barre. Nó ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại biên hỗn hợp.

PHCN11

II. CÁC ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

Dù người lớn hay trẻ em bệnh lý đa rễ thần kinh đều mang đặc tính là tình trạng yếu cơ đi lên tương đối đối xứng và tiến triển nhanh. Rối loạn vận động có thể thay đổi từ hơi yếu ở những cơ ở ngọn chi dưới đến liệt toàn bộ những cơ của tứ chi,thân mình,mặt và vận nhãn. Các phản xạ gân thường giảm hoặc mất. Khoảng 20% bệnh nhân cần phải được hỗ trợ hô hấp do liệt cơ gian sườn và cơ hoành. Suy giảm sức mạnh của các cơ hô hấp có thể dẫn đến mất khả năng ho hoặc tống thải chất tiết và giảm dung tích sống .

Những triệu chứng thuộc hệ thần kinh tự trị thường được ghi nhận. Cung lượng tim thấp,loạn nhịp tim, huyết áp dao động có thể có tác động xấu đến chức năng hô hấp và có thể gây tử vong, kèm theo ứ trệ máu ngoại biên, hồi lưu tĩnh mạch kém và bí tiểu…

Những triệu chứng cảm giác thường gặp là tăng cảm giác ngọn chi,di cảm, tê rần và giảm cảm giác rung hay cảm giác vị thế. Tuy nhiên chúng không tăng thêm hay hiện hữu liên tục. Mặc dầu những vấn đề về cảm giác ít khi gây nên tình trạng bất lực nhưng chúng lại gây cho người bệnh cảm giác khó chịu bối rôi.

Đau là một triệu chứng có ý nghĩa. Hầu hết cơn đau mà bệnh nhân mô tả là đau cơ và nó kết hợp một cách đặc thù sự vận động quá sức mạnh bạo. Đau thường là đối xứng và thường được ghi nhận ở những cơ có cơ bụng lớn như cơ mông, cơ tứ đầu đùi, cơ tam đầu đùi. Nó ít xảy ra ở cơ cẳng chân và cơ tay. Do vậy khi người bệnh xuất hiện cơn đau cơ mà không đi kèm với một tổn thương nào thì nên lượng giá và nghĩ đến bệnh lý đa rễ thần kinh.

III. LƯỢNG GIÁ ĐIỀU TRỊ

Lượng giá vận động: phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh và khả năng của họ để tham gia vào tiến trình. Trong nhiều trường hợp KTV tiến hành thử cơ bằng tay của những nhóm cơ chức năng. Tuy nhiên trong trường hợpbệnh lý đa rễ thần kinh điều quan trọng là thử cơ bằng tay và đo tầm vận động khớp càng riêng biệt càng tốt với mục đích là theo dõi sự tiến triển và cải thiện tốt, những mẫu có thể dẫn đến co rút có thể phòng tránh được và đưa ra bài tập thích hợp. Với những bệnh nhân yếu sức không thể thử cơ hàng tuần được ta nên chọn vài cơ đặc hiệu để thử hàng tuần. Những bệnh nhân bị đau nhiều khi hoạt động có thể không thử cơ bằng tay, KTV cần theo dõi mức độ đau của bệnh nhân để xác định các yếu tố liên quan.

IV. KẾ HOẠCH ĐIỀU TR

Mục tiêu điều trị trong giai đoạng cấp tính :

  • Tạo thuận cho việc giải quyết vấn đề hô hấp.
  • Ngăn ngừa loét.
  • Giảm đau thấp nhất.
  • Ngăn ngừa co rút.
  • Ngăn ngừa teo cơ yếu.

V. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

1. Đặt tư thế để ngăn ngừa co rút và loét đè ép.

  • Hướng dẫn BN chêm lót đặc hiệu để tránh tì đè.
  • Lăn trở 2h/lần.
  • Vận động gập duỗi đơn giản để ngừa co rút.

2. Gia tăng tầm vận động khớp.

  • Gia tăng ROM với tư thế đúng những chương trình tập vận động. Có thể dùng nhiệt để giảm đau cơ tạo thuận trong quá trình kéo giãn. KTV phải đảm bảo là cấu trúc khớp không bị tổn thương như khớp vai, khớp háng…Nên thực hiện tập ngày 2 lần tập thường xuyên nếu người bệnh không tự vận động được.

3. Đặt tư thế để gia tăng sức chịu đựng ở tư thế đứng.

  • KTV hướng dẫn BN phương pháp tập để gia tăng sức mạnh bằng kĩ thuật đứng tĩnh và đứng động. Tùy theo tình trạng sức khỏe mức chịu đau của BN mà KTV lựa chọn bài tập phù hợp.

4. Sử dụng dụng cụ thích nghi hoặc chấn thương chỉnh hình.

5. Xử lý các vấn đề hô hấp

  • KTV có thể dẫn lưu tư thế, đặt tư thế đúng vỗ rung….
  • Nếu BN không tự thở được cần có sự can thiệp của các dụng cụ trợ thở như máy trợ thở…

VI. PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM ĐA RỄ DÂY THẦN KINH

Các biện pháp giúp phòng ngừa, hạn chế diễn tiến của bệnh viêm đa rễ dây thần kinh bao gồm:

  • Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý thay đổi loại thuốc hay ngưng dùng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Xây dựng một lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao
  • Không lạm dụng rượu
  • Nếu đã được chẩn đoán bệnh, cần tái khám theo hẹn để theo dõi diễn tiến của các triệu chứng, và phát hiện sớm các di chứng nếu có để phục hồi chức năng sớm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Giáo trình VLTL các bệnh thần kinh cơ trường ĐH Y DƯỢC ĐÀ NẴNG.
  2. Tài liệu PHCN dành cho nhân viên VLTL/PHCN Nhà xuất bản HÀ NỘI.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 13 Tháng 5 2020 21:14

You are here Tin tức Y học thường thức Vật lý trị liệu / phục hồi chức năng bệnh lý đa rễ thần kinh