• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tác dụng của cây nghệ (curcuma longa) và các chế phẩm trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh (phần 1)

  • PDF.

Bs CK2 Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Khoa Nội Tiêu hóa

ĐẠI CƯƠNG

Cây nghệ (Curcuma longa) được dùng trong chế biến thực phẩm của Ấn Độ và các dân tộc Châu Á từ hàng nghìn năm trước công nguyên.Theo y học phương Đông, nghệ có tác dụng làm lành vết thương, viêm loét, chống đau dạ dày, giải độc gan, vàng da, hoạt huyết, làm tan máu ứ, giúp co hồi tử cung sau sinh…

Năm 1815, Vogel & Pelletier đã phân lập được hoạt chất của nghệ và đặt tên là Curcumin, chiếm 2-5% trong nghệ. Gần 100 năm sau, năm 1910, Milobedzka và cs mới xác định được curcumin là polyphenol kỵ nước có cấu trúc diferuloylmethan.

Curcumin thương phẩm là một hỗn hợp gồm 77% diferuloylmethan, 18% demethoxycurcumin và 5% bisdemethoxycurcumin.

Nhiều nghiên cứu trong vài thập kỷ gần đây cho thấy polyphenol có nhiều tác dụng sinh học quý như tác dụng chống oxy hóa (anti-oxydant), kháng viêm, chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống ký sinh trùng, và đặc biệt là chống ung thư. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã rất nhanh chóng chuyển sự chú ý sang curcumin

nghe1

VAI TRÒ CURCUMIN – NANO CURCUMIN TRONG HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ, VIÊM LOÉT DẠ DÀY

GS.TS.Đào Văn Phan, Nguyên Chủ nhiệm BM Dược lý- Trường Đại học Y Hà Nội đã liệt kê một số nghiên cứu tiêu biểu về vai trò của Curcumin.

Có thể viện dẫn ra đây những tác giả đầu tiên đã nghiên cứu trên thực nghiệm để chứng minh công dụng của curcumin, đó là tác dụng chống tăng đường huyết (Srinivasan, M. 1972), tác dụng chống viêm (Srimal, R.C. 1973), tác dụng chống oxy hóa (Sharma, O.P. 1976), tác dụng chống thấp khớp (Deodhar, S.D. 1980), tác dụng bảo vệ gan (Kiso, Y. 1983), tác dụng chống ung thư (Kuttun. R. 1985), tác dung ức chế tắc mạch (Srivastava, R. 1995), tác dụng phòng nhồi máu cơ tim (Dikshit, M. 1995), tác dụng kháng khuẩn (Jordan, W.C. 1996), tác dụng bảo vệ thận (Venkatesan, N. 2000), tác dụng chống việm loét dạ dày (Ronita De, 2009) v.v…

Vì curcumin có một số nhược điểm về sinh khả dụng như ít tan trong nước, khó hấp thu, dễ bị thải trừ nên các nhà khoa học đã sản xuất curcumin dưới dạng nano, là dạng tiểu phân có kích thước khoảng 100 nanomet .

Bằng sáng chế đầu tiên về curcumin dạng nano được mang mã số EP 103266 A2 ngày 30/5/2001 (Ib-8) và tài liệu nghiên cứu đầu tiên về nano curcumin dành cho mục đích y học được công bố vào năm 2005 (Li L và cs). Từ đó là sự bùng nổ các nghiên cứu và bằng phát minh về nano curcumin:

Năm 2005 có 18 bằng thì đến năm 2010 đã lên đến gần 100. Để đánh giá tiềm năng ứng dụng của curcumin dạng nano trong lĩnh vực y học, 254 bằng phát minh có liên quan đã được phân tích, cho thấy 24% bằng liên quan đến bệnh ung thư, sau đó là các bệnh tim mạch 13%, các chứng viêm 12%, bệnh tiểu đường 11%, bệnh khớp 10% và bệnh tiêu hóa 9. Phân tích riêng về 24% các bằng liên quan đến ung thư thì thấy trong đó, 16% là ung thư vú, 10% là u hắc tố, 10% là ung thư tuyến tiền liệt, 10% là ung thư phổi, 9% là ung thư máu…

Bài này xin chỉ nói về tác dụng chống ung thư và chống loét dạ dày-tá tràng của curcumin và nano curcumin.

1. Vai trò của Curcumin trong hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

1.1. Curcumin và Helicobacter pylori

Theo nhiều thống kê, Helicobacter pylori (HP) đã được tìm thấy trong 80% bệnh nhân có loét dạ dày và 90% có loét tá tràng. Phác đồ điều trị phối hợp 2 kháng sinh (amoxicilin + clarithromycin/ metronidazol) với thuốc ức chế bơm proton (omeprazol) và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (muối bismuth) đã có hiệu quả làm lành vết loét tới 80 - 90% sau vài tuần điều trị. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát sau một thời gian do chủng HP kháng thuốc, do các tác dụng phụ của thuốc, do giá thành điều trị còn cao, do bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Vì vậy vẫn cần tìm một phương pháp mới, một thuốc mới có hiệu quả hơn.

Mahady G.B. và cs (2002), Han C.L. (2006) đã phát hiện ra tiềm năng kháng HP của curcumin dẫn đến việc nghiên cứu rất công phu của nhóm tác giả Ấn độ đứng đầu là Ronita De (2009) và đã đi đến kết luận: Curcumin ức chế sự phát triển in vitro của 65 chủng HP được phân lập từ các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng. Đa số những chủng này đã kháng metronidazol, vì vậy cơ chế tác dụng của curcumin trên HP khác với cơ chế tác dung của kháng sinh. Han C.L. đã chứng minh rằng hoạt tính kìm hãm sự phát triển của HP là do curcumin đã ức chế một số enzym đặc hiệu cho quá trình tổng hợp acid amin vòng thơm cần thiết cho vi khuẩn. Rai D.J. và cs (2008) cho rằng curcumin đã ức chế các enzym và cơ chế điều phối sự phân bào của HP.

1.2. Curcumin và loét dạ dày thực nghiệm

Cũng nhóm nghiên cứu của Ronita De (2009) đã gây loét dạ dày thực nghiệm cho chuột nhắt bằng các chủng HP phân lập từ người mắc loét đường tiêu hóa. Hai tuần sau khi gây nhiễm, cho chuột uống curcumin 25mg/kg/ ngày trong 7 ngày, sau đó giết chuột, kiểm tra mô bệnh học dạ dày và so sánh với lô chứng không được điêu trị. Kết quả cho thấy curcumin đã phục hồi được những tổn thương trợt loét niêm mạc và sự xâm nhập tế bào viêm vào niêm mạc dạ dày. Trên chuột cống gây loét dạ dày thực nghiệm, sử dụng curcumin với liều 20, 40 và 80 mg/kg, Tuorkey M. và Karolin K. (2009) nhận thấy curcumin đã là giảm số lượng và chất lượng ổ loét, làm giảm tiết acid dịch vị, làm giảm hoạt tính các peroxid (tác dụng chống oxy hóa), làm giảm IL-6 là cytokin thúc đẩy viêm.

Ngoài tác dụng hỗ trợ điều trị viêm loét, curcumin còn có tác dụng bảo vệ, dự phòng loét dạ dày. Morsy MA. Và El-Moselhy MA. (2013) đã gây loét dạ dày cho chuột cống bằng indometacin.Trước khi gây loét, cho chuột uống curcumin với liều 50 mg/kg. Kết quả cho thấy curcumin đã làm giảm chỉ số loét, làm giảm hoạt tính acid và pepsin dịch vị (giảm yếu tố gây loét), làm tăng nồng độ chất nhày (mucin) trong dịch vị, tăng mức oxid nitric trong dịch nhày (tăng yếu tố bảo vệ).

1.3. Curcumin trên bệnh nhân loét dạ dày

Các tác giả Thái Lan Prucksunand C. và cs (2001) đã tiến hành thử lâm sàng giai đoạn II trên 45 bệnh nhân có hội chứng viêm loét dạ dày tá tràng từ 16 đến 60 tuổi, gồm 24 nam và 21 nữ.Trong số đó chỉ làm được nội soi cho 25 bệnh nhân cho thấy có những vết loét ở dạ dày và hành tá tràng, rộng từ 0,5 - 1,5 cm. Cho bệnh nhân uống viên nang curcumin 300 mg, mỗi lần 2 viên, 5 lần trong 1 ngày. Kết quả cho thấy sau 4 tuần 48% không còn vết loét, sau 8 tuần là 72% và sau 12 tuần là 76%. Còn 20 bệnh nhân khác chỉ có vết trợt niêm mạc, viêm hoặc triệu chứng khó tiêu, sau 1 đến 2 tuần điều trị đã hết các triệu chứng. Theo dõi các xét nghiệm về tế bào máu, hoạt tính enzym về chức năng gan-thận trước và sau nghiên cứu không thấy những thay đổi có ý nghĩa trên tất cả 45 bệnh nhân tham gia nghiên cứu.

Có tác giả (Dong-ChanKim và cs. 2005) còn thấy curcumin phong tỏa được receptor H2 của dạ dày, làm giảm tiết acid. Nhiều nghiên cứu lâm sàng khác để hỗ trợ điều trị ung thư, viêm thấp khớp, Alzheimer… đã cho bệnh nhân uống tới liều 12 g/ngày mà vẫn thấy an toàn. Tuy nhiên khi dùng liều cao thì bệnh nhân khó uống.

Tóm lại, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến thử nghiệm lâm sàng đã ghi nhận hiệu quả hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày của curcumin là do:

  • Curcumin diệt được rất nhiều chủng Helicobacter pylori với cơ chế khác kháng sinh đang dùng, vì vậy nếu HP đã kháng kháng sinh vẫn chịu tác dụng của curcumin.
  • Curcumin làm giảm các yếu tố tấn công dạ dày: làm giảm tăng tiết dịch vị acid, pepsin, làm giảm hoạt tính các chất thúc đẩy viêm trong cơ thể (các peroxid, IL-6).
  • Curcumin làm tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày: tăng nồng độ chất nhày, tăng nitric oxid trong dịch nhày.
  • Curcumin có tác dụng chống viêm, làm hồi phục nhanh các tổn thương viêm loét trên niêm mạc dạ dày.
  • Curcumin không gây biểu hiện độc với liều cao tới 12 g/ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Altaf S. Darvesh et al. Curcumin and liver cancer : a review. Curr Pharm Biotech., 2012, 13,218-228.
  2. Francesca M. et al. Nano-curcumin inhibits proliferation  of  esophageal  adenocarcinoma cells and enhances the T cells mediated immune response. Frontiers in oncology., May 2013, vol 3,art 137, 1-11
  3. Liu J. et al. Recent progress in studying curcumin and its nano-preparations for cancer therapy. Cur Pharm Des , 2013, 19(11), 1974-93.
  4. Manish K.P. et al. Curcumin: A wonder therapeutical drug. World J.of Pharmacy & Pharmaceutical Sciences.2014, vol 3, issue 6: 374-396.
  5. Mehdi Shakibaei et al. Curcumin enhances the effect of chemotherapy against colorectal cancer cells by inhibition of NF-kB and Src protein kinase signaling pathways. Plos one, Feb 2013,vol 8, issue 2, eS7218.
  6. Morsy MA., El-Moselhy MA. Mechanisms of the protective effects of curcumin against indomethacin-induced  gastric  ulcer  in  rats. Pharmacology, 2013, 91(5-6):267-74’
  7. Murali M.Y. et al. Curcumin induces chemo/ radio-sensitization in ovarian cancer cells andcurcumin nanoparticles inhibit ovarian cancer cells growth. J Ovar Res., 2010, 3:11
  8. Murali M. Y. et al. Curcumin nanoformulations: a future nanomedicine for cancer. Drug Disc Today. 2012, vol 17, N o  1/2, 71-80
  9. Neeraj C. et al. Potential therapeutic effect of curcumin – an update. J Pharm Educ Res. 2012, vol 3, issue 2: 64-71.
  10. Preetha Anand et al. Curcumin and cancer: An “old- age” disease with an “age- old” solution. Cancer Letters 2008, 267, 133-164.
  11. Prucksunand C. et al. Phase II clinical trial on effect of the long turmeric (Curcuma longa Linn) on healing of peptic ulcer. Southeast Asian J Trop Med Public Health. 2001, vol22, No 1: 208-215.
  12. Ronita De et al. Antimicrobial activity of curcumin against Helicobacter pylori isolates from India and during infections in mice. Antimicrob. Agents Chmother. 2009, 53(4): 1592-1597.

 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 13 Tháng 4 2016 20:41

You are here Tin tức Y học thường thức Tác dụng của cây nghệ (curcuma longa) và các chế phẩm trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh (phần 1)