• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Lịch sử về điều trị can thiệp bệnh động mạch vành

  • PDF.

Chào mừng Đơn vị Can thiệp Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 27-2-2013, chúng tôi giới thiệu bài viết của GS.TS Đặng Vạn Phước và Cs- Lịch sử về điều trị can thiệp bệnh động mạch vành, mời các bạn cùng xem.

Đã hơn 30 năm qua rồi kể từ khi Andreas Gruntzig thực hiện can thiệp động mạch vành bị hẹp bằng con đường qua da. Không phải dễ gì mà Andreas Gruntzig có được thành công đó và trở thành cha đẻ của phương pháp điều trị này. Trong việc hình thành và phát triển phương pháp điều trị can thiệp động mạch vành gần như hoàn thiện như ngày nay công đầu thuộc về Andreas Gruntzig. Tuy nhiên chúng ta không thể không kể đến những đóng góp không kém phần to lớn của những người đi trước đã tạo ra tiền đề cũng như những người đi sau đã cải tiến, hoàn thiện cho phương pháp điều trị này.

nong_vanh

Từ nửa sau của thế kỷ XIX, khái niệm “thông tim” thực nghiệm trên thú vật đã hình thành qua các nghiên cứu của Claude Bernard, Chaveau và Marvey. Các tác giả này đã đưa những dụng cụ vào hệ tuần hoàn của ngựa, chó qua đường động mạch hoặc tĩnh mạch. Và kỷ nguyên của việc nghiên cứu về thông tim và điều trị can thiệp tim mạch trên người được mở ra kể từ năm 1929 và người đánh dấu cho sự kiện này là Forssman. Bằng quan hệ bằng hữu thân thiết với một điều dưỡng tên là Gerda Ditzen, Forssman đã thực hiện việc bộc lộ tĩnh mạch đầu (cephalic vein) của chính mình và từ đường vào này ông đã đưa một ống thông niệu đạo bằng cao su vào đến tâm nhĩ phải. Đường đi của ống thông niệu đạo bằng cao su này được xem xét dưới màn hình tia X. Bằng hành động này, Forssman đã chứng minh rằng việc thông-tim-phải là an toàn và có thể thực hiện được trên người. Năm 1941, Cournand và Rangers nghiên cứu và phát triển thêm qui trình thông-tim-phải. Mãi đến năm 1949,  Zimmerman mới báo cáo kết quả của việc thông tim trái đi ngược dòng từ các động mạch ngoại biên vào.

Vào năm 1953, một cột mốc nữa được đánh dấu và lần này Seldinger đã ghi tên mình vào lịch sử thông tim, can thiệp tim mạch. Seldinger đã giới thiệu kỹ thuật chọc xuyên da để đi vào trong lòng động mạch. Từ đường vào động mạch qua kỹ thuật Seldinger tất cả các phương thức chẩn đoán và điều trị can thiệp tim mạch sẽ được thực hiện.

Chỉ vài năm sau kỹ thuật Seldinger, hình ảnh động mạch vành đã được thấy rõ qua hình chụp X quang. Bằng cách bơm thuốc cản quang vào gốc động mạch chủ, người ta đã chụp hình được các động mạch vành. Dĩ nhiên là các hình ảnh này chưa thật sự rõ nét vì chỉ được chụp không chọn lọc.

Năm 1958, trong một thủ thuật chụp động mạch vành không chọn lọc thì đầu ống thông đã tình cờ đi vào lỗ động mạch vành phải và hình ảnh chụp động mạch vành phải chọn lọc được ghi nhận. Sự kiện này xảy ra mà không hề gây bất cứ tổn thương nào cho bệnh nhân. Chỉ vài năm sau đó, đã có hơn 1000 trường hợp chụp động vành được thực hiện với chỉ có 2 trường hợp tử vong và 2% có hiện tượng rung thất.

Năm 1962, Judkins đã cải tiến và giới thiệu một loạt các ống thông đã được định hình trước tạo thuận tiện cho việc cài đầu ống thông vào lỗ động mạch vành để thực hiện việc chụp động mạch vành chọn lọc với thuốc cản quang và mở ra một kỷ nguyên mới cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, chẩn đoán và can thiệp tim mạch qua da.

Những cố gắng ban đầu trong việc điều trị tắc động mạch mà không phải trải qua phẫu thuật chủ yếu tập trung vào các động mạch ngoại biên. Vào năm 1964, Charles Dotter và Judkis đã báo cáo một trường hợp nong động mạch chân thành công. Trong một báo cáo khác, 9 bệnh nhân với bệnh cảnh thiếu máu cụ bộ trầm trọng ở chi đã được điều trị bằng nong động mạch. Sáu bệnh nhân đã cải thiện triệu chứng và 4 người đã tránh được việc phải đoạn chi. Tuy nhiên, trong các báo cáo này việc nong rộng lòng động mạch chỉ được thực hiện bằng các ống thông đi dọc trong lòng mạch. Hiệu quả của việc nong như vậy không cao. Lập tức, các tác giả này nhận thấy rằng phải nong rộng lòng mạch máu theo chiều ngang mới có được hiệu quả cao. Chính vì vậy, các loại bóng bằng nhựa dẻo được chế tạo và đưa vào sử dụng.

Năm 1974, Andreas Gruntzig tạo ra một loại bóng hình cây xúc xích bằng polyvinyl chloride (PVC). Bóng này được gắn vào đầu của ống thông và qua ống thông tác giả có thể làm bóng nở ra với lực căng thành từ 3-5 atmosphere. Loại bóng như vậy đã được dùng thử cho việc nong động mạch chậu, động mạch đùi và cho kết quả rất khả quan. Từ đó loại bóng này đã được sử dụng rộng rãi hơn như dùng để nong cho động mạch thận, động mạch dưới đòn...Thành công của hệ thống bóng nong mạch máu này khiến người ta nghĩ đến việc dùng nó để nong các động mạch vành bị hẹp.

Ngày 16 tháng 9 năm 1977, Andreas Gruntzig đã thực hiện thành công một trường hợp nong động mạch vành qua da. Để có thể thực hiện thành công thủ thuật này ông đã có những bước chuẩn bị thật chu đáo. Bước chuẩn bị đầu tiên là thực nghiệm nong động mạch vành bị hẹp của thỏ. Sau khi thành công trên thỏ, Andreas Gruntzig đã thực hiện nong động mạch vành của người. Việc nong động mạch vành trên người đầu tiên không phải là qua ngỏ vào ở da để đi vào mạch máu mà là nong trong lúc thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Nghĩa là, ở những bệnh nhân trên bàn mổ mạch vành, Andreas đã đưa bóng vào để nong. Ít nhất là ông đã thực hiện 15 trường hợp nong động mạch vành trên bàn mổ bắc cầu động mạch vành. Tiến trình chuẩn bị như vậy đã làm tác giả mất 3 năm.

Andreas Gruntzig đã mô tả thủ thuật can thiệp động mạch vành đầu tiên như sau: Sau 7 năm chuẩn bị với các việc làm như nong động mạch ngoại biên, thực nghiệm nong động mạch trên thú vật, nong mạch vành trong lúc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành... chúng tôi đã sẵn sàng cho trường hợp nong động mạch vành qua da đầu tiên. Bệnh nhân đầu tiên là một người bán bảo hiểm, có một tổn thương hẹp khít ở đoạn gần của nhánh liên thất trước. Ống thông mang bóng ở đầu đã được đưa vào qua chỗ hẹp và bóng được bơm lên để nong rộng chổ hẹp. Tất cả mọi người trong ê-kíp thủ thuật rất ngạc nhiên vì không có ST chênh lên, không có rung thất, cũng không có ngoại tâm thu thất và bệnh nhân cũng không đau ngực. Tất cả mọi người rất ngạc nhiên vì tại sao thủ thuật lại dễ đến như vậy. Từ lúc đó, Andreas Gruntzig biết rằng giấc mơ của ông đã trở thành sự thật.

Đến năm 1979 thì đã có 50 trường hợp can thiệp động mạch vành qua da được thực hiện. Kết quả của 50 trường hợp này được đăng trên tờ báo y học New England Juornal of Medecine. Trong 50 trường hợp này có 32 trường hợp thành công, 7 trường hợp phải mổ bắc cầu cấp cứu, và không có trường hợp nào tử vong do thủ thuật.

Như vậy, vào tháng 9 năm 1977, tái thông động mạch vành qua da đã đi vào một kỷ nguyên mới của quá trình phát triển kỹ thuật. Hiện nay can thiệp động mạch vành qua da đã trở thành một lĩnh vực rất hấp dẫn trong y khoa hiện đại.

Khoa học kỹ thuật đã không ngừng phát triển. Tiếp nối theo sau thành công của Andreas Gruntzig là những cải tiến liên tục về các dụng cụ can thiệp, về các kỹ thuật can thiệp và về các loại thuốc hỗ trợ trong và sau quá trình can thiệp.

Những cải tiến chủ yếu về dụng cụ can thiệp là những cải tiến về ống thông dẫn đường, về dây dẫn đường, về bóng nong và về các loại stent. Nhiều kỹ thuật can thiệp mới được giới thiệu như kỹ thuật can thiệp hẹp chỗ chia đôi, can thiệp các sang thương tắc hoàn toàn, can thiệp sang thương thân chung động mạch vành trái... Nhiều loại thuốc hỗ trợ cho thủ thuật can thiệp đã xuất hiện như Aspirin, Clopidogrel, Heparin, Statin... tất cả các cải tiến này đã tạo ra một bộ mặt mới của điều trị can thiệp động mạch vành như Andreas Gruntzig từng nói: “...can thiệp động mạch vành sẽ được chỉ định rộng rãi để điều trị bệnh động mạch vành,...một phương pháp điều trị hiệu quả và thoải mái cho bệnh nhân...”

Khoa ICU

Nguồn: Can thiệp động mạch vành trong thực hành lâm sàng - Đặng Vạn Phước, Châu Ngọc Hoa, Trương Quang Bình


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 22 Tháng 2 2013 10:53

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Lịch sử về điều trị can thiệp bệnh động mạch vành