• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hưởng ứng Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới 10/10

  • PDF.

 

Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng là một lĩnh vực y tế phối hợp nhiều biện pháp để giảm bớt sự đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khái niệm chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng được đề xuất lần đầu tiên trên thế giới bởi một nữ bác sĩ người Anh, bà Cicely Mary Saunders, tại Nhà Tế bần St. Christopher - Luân Đôn, năm 1967.

 giamnhe1

Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng có thể áp dụng cho các người bệnh mắc bệnh nghiêm trọng và mãn tính như: ung thư, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, Alzheimer, Parkinson,... thuộc mọi lứa tuổi, mọi giai đoạn bệnh và có thể tiến hành song song với việc điều trị bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng được tiến hành từ lúc bệnh được chẩn đoán đến khi người bệnh qua đời, bao gồm cả việc tang lễ. Bản thân nó cũng là một phương thức điều trị, được coi trọng và phối hợp với các phương thức khác như: phẫu trị, xạ trị, hóa trị... trong suốt quá trình điều trị người bệnh, giúp người bệnh có một chất lượng sống tốt nhất cho đến những giờ phút cuối cùng. Việc tập trung vào giảm nhẹ các triệu chứng như: đau, khó thở, mệt, táo bón, buồn nôn, ăn không ngon miệng, khó ngủ, trầm cảm… giúp người bệnh tăng khả năng chịu đựng các điều trị y tế, giúp hỗ trợ trong các sinh hoạt hàng ngày,….

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO-2002): "Chăm sóc giảm nhẹ là một tiến trình cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị triệu chứng đau và hỗ trợ các vấn đề khác về thể lực, tâm lý xã hội và tâm linh”.

Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ ngày càng được xã hội quan tâm do

  • Số lượng người mắc các bệnh mạn tính, suy mòn và đe dọa đến tính mạng ngày càng tăng do sự cải thiện hệ thống an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế.
  • Kiểm soát đau và các triệu chứng, giải quyết các vấn đề về tâm lý, xã hội và tinh thần là những đòi hỏi thiết thực của người bệnh và gia đình.
  • Những lợi ích cũng như gánh nặng điều trị cần được thường xuyên đánh giá lại; việc chăm sóc giảm nhẹ giúp thay đổi điều kiện và hoàn cảnh sống của người bệnh.
  • Người bệnh và gia đình cần được chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình chết và cái chết được báo trước.
  • Gia đình cần được hỗ trợ trước tình cảnh mất người thân.

Những đối tượng cần chăm sóc giảm nhẹ

  • Những người mắc bệnh mạn tính tiến triển trong đó có ung thư.
  • Những người mắc những bệnh đe doạ đến tính mạng khác.
  • Những người bệnh sẽ chết trong vòng 6 tháng.
  • Những người bệnh phải chịu đựng sự đau đớn và các triệu chứng thực thể khác, hoặc những vấn đề tâm lý mạn tính ở mức độ vừa đến nặng.

Thời điểm thực hiện chăm sóc giảm nhẹ

- Từ khi người bệnh được chẩn đoán bệnh nặng

- Xuyên suốt quá trình người bệnh bị bệnh

  • Chăm sóc giảm nhẹ có thể áp dụng sớm trong thời gian mắc ung thư cùng với những biện pháp điều trị đặc hiệu như: hoá trị, xạ trị, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội.
  • Chăm sóc giảm nhẹ có thể làm giảm tác dụng phụ của những liệu pháp điều trị.
  • Chăm sóc giảm nhẹ có thể làm tăng sự tuân thủ những liệu pháp điều trị.

- Tầm quan trọng của chăm sóc giảm nhẹ tăng lên khi liệu pháp điều trị đặc hiệu trở nên kém thích hợp, kém hiệu quả, hoặc không khả thi.

- Cung cấp sự nương tựa cho gia đình sau khi người bệnh tử vong.

giamnhe2 

Biểu đồ chăm sóc giảm nhẹ xuyên suốt quá trình bị bệnh đến khi người bệnh tử vong

“Những cuộc đời bị che khuất, những bệnh nhân bị che khuất”. Đó chính là thông điệp năm 2015 của Liên đoàn chăm sóc giảm nhẹ thế giới. Thống kê cho thấy chỉ có 20 trên 234 quốc gia (chiếm 8,5%) ở đó chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ được kết hợp trong hệ thống y tế chung.

Tại Việt Nam, do tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trung tâm, khoa điều trị ung thư nên việc quan tâm đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ càng trở nên cần thiết.

Khoa Ung Bướu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam là một trong những khoa lâm sàng được sự hài lòng, tin tưởng của người bệnh. Đến nơi này, chứng kiến những nụ cười của người bệnh và người nhà của họ mới thấy được hiệu quả của chất lượng điều trị, thái độ giao tiếp ứng xử của các nhân viên y tế ở đây cũng như những ưu điểm của phương thức chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng. Hiểu để sẵn sàng đối mặt với bệnh ung thư là một trong các chủ đề trọng tâm của những buổi tư vấn cho người bệnh và người nhà vào lúc 14h đến 16h các buổi chiều thứ 4 hàng tuần ở khoa Ung Bướu. Những nỗi buồn đau, thất vọng, sợ hãi, mất mát, ám ảnh về cái chết... ở người bệnh dần được chia sẻ; những người nhà hàng ngày bối rối, vụng về, lo lắng trong chăm sóc người thân cũng vơi dần các trầm uất và căng thẳng,…

Ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, Ban Giám đốc, Công đoàn thường xuyên quan tâm đến các người bệnh ở khoa Ung Bướu. Hàng ngày, hàng tuần, ngoài những suất cơm từ thiện mỗi sáng, các người bệnh ở đây vẫn ưu tiên được nhận các suất cơm từ thiện buổi trưa hoặc các món quà tình nghĩa của các nhà hảo tâm gửi đến. Nhân viên y tế chúng tôi luôn mong mỏi và cố gắng nỗ lực để các người bệnh và người nhà người bệnh khi họ đến với bệnh viện chúng tôi được an tâm, vừa ý.

giamnhe3

giamnhe4

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Eric L. KraKauer, Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân HIV/AIDS và ung thư ở Việt Nam - Tài liệu tập huấn cơ bản (2007), Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Trường Đại học Y khoa Harvard - Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ, tr.27-29.

2. Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư và AIDS, Quyết định số 3483/QĐ-BYT ngày 15/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 10 Tháng 10 2015 12:43

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Hưởng ứng Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới 10/10