• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cách xử lý và chăm sóc thoát mạch trong điều trị hoá chất

  • PDF.

ĐD Nguyễn Thành Tiên - Khoa Ung bướu

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư, trong đó cơ bản vẫn là ba phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và  hóa trị liệu. 

Hóa  trị  liệu  bao  gồm:  Truyền  hóa  chất  tĩnh  mạch,  động  mạch,  nội  màng bụng, nội tủy, bơm vào khoang màng phổi nhưng truyền hóa chất tĩnh mạch ngoại vi là phổ biến và được áp dụng rộng rãi nhất.

Trong chuyên ngành điều dưỡng nội khoa ung thư, kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch ngoại vi được sử dụng nhiều nhất và là kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị liệu.

Ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu phải sử dụng tĩnh mạch ngoại vi để truyền hóa chất cho bệnh  nhân ung thư  có chỉ định điều trị bằng  thuốc hóa chất. Trong khi truyền hóa chất do nhiều yếu tố: chủ quan, khách quan, do đặc điểm tính chất của tĩnh mạch, vị trí cắm kim truyền, tư thế khi truyền, vận động, cử động của người bệnh dẫn đến bị thoát mạch.

truyenhchat1

1. Cấu tạo chung của thành mạch:

Thành động mạch và tĩnh mạch (TM) do ba lớp trong, giữa và ngoài tạo nên; thành mao mạch chỉ có lớp trong.

+ Lớp trong:  là một lớp tế bào nội mô được giới hạn bên ngoài bởi màng ngăn chun trong.         

+ Lớp giữa: dày nhất, do các sợi cơ trơn và các sợi chun tạo nên. Lớp này dày ở động mạch, mỏng ở tĩnh mạch. Tỷ lệ sợi cơ và sợi chun thay đổi theo đường kính động mạch: các động mạch lớn có nhiều sợi chun, ít cơ trơn; các động mạch càng nhỏ dần thì càng có nhiều cơ trơn, ít sợi chun. Sợi chun ở lớp giữa làm cho thành mạch có tính đàn hồi; sợi cơ trơn giúp thành mạch có thể co lại dưới sự kích thích của thần kinh giao cảm.

+ Lớp ngoài: là mô liên kết giàu sợi collagen và sợi chun, có mạch nuôi dưỡng và có các sợi thần kinh giao cảm vận mạch.

2. Các tác nhân hóa trị được chia 3 nhóm:

Chất gây phỏng: Là 1 tác nhân có khả năng tạo bọng nước hoặc gây ra hủy hoại mô là những thuốc: Dactinomycin, Famorubicin, Doxorubicin, Mytomycin C, Epirubicin , Vincristin.

Chất gây kích thích: Là 1 tác nhân có khả năng gây ra đau âm ỉ căng da và viêm TM ở ngay vị trí tiêm hoặc dọc theo TM có thể đi kèm hay không một phản ứng viêm 5FU, Cisplatin, Etoposide,Taxol.

Chất không gây vấn đề tại chổ Cyclophosphotamid (Endoxan), Bleomycin, Carboplatin.

3. Một số tai biến khác của thuốc hóa chất điều trị bệnh ung thư :

  • Thoát mạch.
  • Tăng nhạy cảm và sốc phản vệ.
  • Nôn và buồn nôn
  • Loét niêm mạc miệng. 
  • Rụng tóc.
  • Tiêu chảy.
  • Táo bón.
  • Thay đổi tình trạng dinh dưỡng.
  • Suy tủy do hóa trị liệu.

Riêng thoát mạch trong khi truyền hóa chất là tai biến thường xảy ra khi sử dụng tĩnh mạch ngoại vi để truyền. Nồng độ các thuốc hóa chất tại nơi thoát mạch cao, một số thuốc hóa chất lại có tác dụng kích thích, trong khi một số thuốc khác lại gây hoại tử. Vì vậy việc nhận biết, phát hiện sớm và xử trí kịp thời thoát mạch là cần thiết nhằm hạn chế tối đa những tổn thương, biến chứng cho người bệnh .

Định nghĩa thoát mạch: là sự rò hoặc xâm nhập của thuốc vào tổ chức dưới da, các thuốc gây phỏng da khi thoát mạch có thể gây lên hoại tử mô hoặc lột da, các thuốc kích thích gây viêm hoặc đau tại vị trí thoát mạch.

4. Cách đề phòng và xử trí khi bị thoát mạch:

- Cách đề phòng:

  • Tiêm truyền càng xa các khớp càng tốt.
  • Tránh những vùng có nhiều gân hay tổ chức thần kinh bên dưới.
  • Truyền các TM lớn tránh các TM nhỏ mãnh.
  • Các catheter, kim ni lông đã sử dụng được 2 ngày không nên chuyền hóa chất.
  • Không nên bơm thuốc vào ven mà phải thông qua một đoạn dây dẫn trung gian.
  • Tiêm truyền càng nhanh, nguy cơ tai biến càng cao.
  • Sau truyền hóa chất rửa ven bằng dung dịch glucose 5% từ 50-100ml.
  • Nếu người bệnh kêu đau  tại mạch máu đang tiêm truyền  nên đổi sang vị trí khác.
  • Khi phát hiện mạch bị vỡ, dù chưa xảy ra tai biến gì cũng phải đổi ngay sang vị trí khác.
  • Không truyền tĩnh mạch lại TM đã bị chọc vỡ trước đó.
  • Khi truyền hóa chất nhớ cố định các kim, và các dây dịch thật chắc tránh rơi ra khi bệnh nhân đi vệ sinh.
  • Tốt nhất là nằm khi truyền hóa chất, tránh đi lại nhiều.

- Xử lý khi thoát mạch:

  • Ngừng truyền và giữ kim tại chổ.
  • Đánh dấu quanh vùng đó bằng bút dạ.
  • Rút ra 3-5ml máu.
  • Những bệnh nhân có bỏng nước hoặc vùng thoát mạch lớn dùng kim số 16G hút dưới da nhiều vị trí vùng thoát mạch.
  • Làm giảm viêm nhiễm bằng cách tiêm Dexamethazon pha loãng  4mg/ml, tiêm 2ml dưới da tại 4 điểm quanh vùng tổn thương.
  • Nâng cao chi.

-Tùy theo hóa chất mà xử lý:

* Đối với  Doxorubicin, epirubicin, Mitomycin, Famorubicin:

  • Rửa bằng 1-3ml dung dịch Natri bicarbonat 8,4%.
  • Đắp tại chổ DMSO (Dimethyl sulfoxide) 3-4 giờ trong vòng 3 ngày ( hoặc Biafin).
  • Đắp lạnh với nước đá.
  • Dexamethazol phong bế vị trí thoát mạch.

* Đối với Vincristin, Vinorelbin (Navelbine), Etoposide:

  • Tiêm vào vùng thoát mạch Hyaluronidase 150- 300UI hòa trong 3,5- 7ml Nacl (150UI hòa trong 3ml Nacl Đối với Etoposide).
  • Đắp ấm.

* Đối với Dactinomycin, Cisplatin:

  • Đắp lạnh cách quảng 1g x 3 lần/ ngày x 3 ngày.
  • Dùng DMSO bôi.
  • Tiêm tại chổ 2- 4ml hỗn hợp Sodium thiosulfate 10% và nước cất (4-6ml).

* Paclitaxel, docetaxel,inotecan,Topotecan:

  • Đắp lạnh 15-20 phút mỗi 4-6 giờ x3 ngày.
  • Trường hợp hoại tử.
  • Rửa ổ hoại tử bằng dung dịch sát trùng pha loãng (oxy già, Nacl 0,9%, Betadin)
  • Bôi thuốc mỡ Biafin.
  • Nếu tổn thương nhiều đặt vấn đề vá da.
  • Sử dụng Biafin để bôi lên vùng hoại tử.

5. Hướng dẫn người bệnh và gia đình:

  • Hướng dẫn người bệnh và gia đình không được tự ý thay đổi tốc độ truyền thuốc. 
  • Nếu phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường (như nôn, rét run, vã mồ hôi, khó thở, thuốc không xuống hoặc đau tức, phồng tại vùng truyền…) báo ngay cho điều dưỡng hoặc bác sĩ. 
  • Sau truyền hóa chất xong bệnh nhân có các biểu hiện như: nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy, ăn kém phải thông báo kịp thời cho điều dưỡng và bác sĩ biết để xử trí.

Tài liệu tham khảo:

  1. “Hóa chất điều trị Ung thư” của GS.TS Nguyễn Bá Đức – Giám đốc Bệnh viện K trong mục “Xử trí các tác dụng phụ cấp do điều trị hóa chất Ung thư”     
  2. “Chăm sóc và điều trị triệu chứng cho bệnh nhân ung thư” của  GS.TS Nguyễn Bá Đức, Nhà xuất bản Y học.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 12 Tháng 11 2015 16:02

You are here Đào tạo Đào tạo nhân viên BV Cách xử lý và chăm sóc thoát mạch trong điều trị hoá chất