• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Sơ cứu người bệnh bị bỏng điện

  • PDF.

CN. Trần Thị Tuyết - Khoa Cấp Cứu

Bỏng điện là tai nạn phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải đặc biệt nếu thiếu kỹ năng, không biết cách xử lý thì hậu quả sẽ càng nặng nề.

Bỏng điện có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng : Giảm hoặc mất chức năng vận động hoặc tàn phế.

Bỏng điện được chia làm hai nhóm: Bỏng do dòng điện hạ thế (dưới 1000 vol – bỏng điện dân dụng) và bỏng do dòng điện cao thế (trên 1000 vol, tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện).

Khi bị bỏng điện, nếu không sơ cứu cấp cứu kịp thời thì những tổn thương có thể lan rộng sâu xuống các mô bên dưới da. Khi có một dòng điện mạnh truyền qua cơ thể thì những tổn thương bên trong như rối loạn nhịp tim hay ngừng tim có thể xảy ra, do đó cần phải nắm một số bước để xử trí cấp cứu ngay tại nơi xảy ra tai nạn

bongdien

Sơ cấp cứu tại nơi xảy ra tai nạn

*Bước 1: Trước tiên hãy quan sát chú ý, đừng chạm ngay vào người nạn nhân vì nạn nhân có thể vẫn còn tiếp xúc với nguồn điện, khi chạm vào có thể sẽ truyền điện sang bạn. Hãy bình tĩnh, nhanh chóng ngắt nguồn điện và tách nạn nhân khỏi nguồn điện.

Tìm mọi cách ngắt nguồn điện như tháo cầu chì, cắt cầu dao, kéo phích cắm khỏi ổ điện.

Dùng vật không dẫn điện tách người bệnh khỏi nguồn điện.

Khi cấp cứu nên gọi thêm người đến hỗ trợ.

*Bước 2: Đánh giá và cấp cứu ban đầu

Tiến hành theo nguyên tắc về cấp cứu ban đầu: ABCDE (theo hiệp hội cấp cứu chấn thương quốc tế - primary trauma care foundation):

A (Airway – đường thở):

- Cần nhận biết bệnh nhân có tỉnh không, tiếp xúc được không? Bảo đảm bệnh nhân thực sự lưu thông đường thở. Nếu có tắc nghẽn đường thở, cần thực hiện các thao tác sau:

- Nghiêng người, ghé sát miệng nạn nhân xem còn thở không?

- Mở miệng kiểm tra lấy sạch đờm rãi, dị vật, kéo lưỡi nếu lưỡi tụt đè vào đường thở.

- Nâng cằm, đẩy hàm giữ đường thở thông thẳng trục.

- Thông khí đường miệng hoặc đường mũi.

B (Breading – hô hấp):

Đánh giá rối loạn hô hấp dựa vào tần số thở, sự gắng sức khi thở. Nếu ngừng thở phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng – miệng hoặc miệng – mũi.

C (Circulation – tuần hoàn):

Kiểm tra mạch ngoại vi ở cổ tay, nếp bẹn, cổ. Nếu có ngừng tim: tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.

D (Disability – thần kinh):

Cần đánh giá nhanh nạn nhân ở các mức độ nặng dần như sau:

         Tỉnh: Nạn nhân tỉnh và giao tiếp bình thường

         Đáp ứng bằng lời khi hỏi.

         Đáp ứng bằng kích thích đau, chỉ áp dụng khi hỏi mà không thấy trả lời.

         Không đáp ứng bằng hỏi hoặc kích thích đau: Nạn nhân hôn mê sâu.

E (Eposure – bộc lộ):

- Bộc kiểm tra tổn thương, kiểm tra tổn thương toàn thân khác để xử trí.

- Đặc biệt kiểm tra tình trạng gãy xương và chấn thương sọ não ở bệnh nhân bỏng điện cao thế do hay kèm theo ngã.

- Nếu bị điện giật nhẹ, sau khi ngắt dòng điện, nạn nhân có thể tự phục hồi, tỉnh táo, tự thở bình thường. Trẻ em có thể quấy khóc, hốt hoảng.

*Bước 3: Hà hơi thổi ngạt – ép tim ngoài lồng ngực khi nạn nhân ngừng thở ngừng tim. Tiến hành làm ngay, không được vận chuyển.

*Bước 4: Chuyển tới bệnh viện gần nhất khi nạn nhân đã thở và tim đập trở lại. Trên đường vận chuyển tiếp tục hồi sức.

Xử tri vết bỏng chỉ tiến hành sau khi nạn nhân có tim đập, thở trở lại. Có thể dùng khăn mặt, khăn tay, vải màn…sạch để phủ lên. Băng bảo vệ vết bỏng bằng băng sạch. Với bỏng mặt, bỏng sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc.

Trong quá trình sơ cứu cần chú ý đề phòng sốc cho nạn nhân, nên đặt nạn nhân nằm tư thế đầu hơi thấp hơn thân người và kê cao chân.

Khi bị điện giật cơ thể con người bị tác động đến hệ thần kinh làm rối loạn hoạt động của hệ thống hô hấp và tuần hoàn. Dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp tạo nên cảm giác đau nhức, khó thở, rối loạn nhịp tim hoặc cũng có thể chết do điện giật ngã gây chấn thương. Vì vậy mỗi người trong chúng ta phải luôn có ý thức trong việc phòng tránh bị điện giật bằng việc tự nâng cao hiểu biết về điện cho bản thân đồng thời cũng hướng dẫn giáo dục cho người thân hiểu rõ về mối nguy hiểm của điện.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 17 Tháng 7 2018 08:10

You are here Đào tạo Tập san Y học Sơ cứu người bệnh bị bỏng điện