• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Phòng bệnh ung thư

  • PDF.

CN Nguyễn Thị Phước - Khoa Ung bướu

Ung thư là bệnh lý “ác tinh” của tế bào. Khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn độ, vô tổ chức, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể.

Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Mỗi loại ung thư có những nguyên nhân riêng biệt, một tác nhân sinh ung thư có thể sinh ra một số ung thư và người lại

Đa số ung thư có biểu hiện mạn tính, có quá trình phát sinh và phát triển lâu dài qua từng giai đoạn, có giai đoạn tiềm tàng lâu dài, có khi hàng chục năm không có dấu hiệu gì. Khi khối u phát triển nhanh mới có các triệu chứng ung thư. Triệu chứng đau thường xuất hiện khi ung thư ở giai đoạn cuối.

Theo thống kê của Dự án phòng chống ung thư Quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 người mắc mới. Đó là con số đáng báo động về tình hình mắc bệnh ung thư ở nước ta. Theo dự đoán, con số này sẽ không dừng lại ở đó mà còn gia tăng trong những năm tiếp theo.

Mặc dù gần đây có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư cũng như sự hiểu biết nhiều hơn các yếu tố sinh bệnh và các nguyên nhân gây nên ung thư, song vấn đề phòng bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh khác vẫn là cách tích cực nhất.

unthu1

Các bước phòng bệnh ung thư:

1. Phòng bệnh bước 1

Là phòng ngừa ban đầu cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để phòng không cho xảy ra sự khởi phát và khởi động bệnh ung thư như: Không hút thuốc, không uống rượu, bảo hộ lao động tốt khi làm công tác phóng xạ…

Muốn phòng bệnh ung thư tốt nhất phải có chiến thuật dự phòng và phải dựa vào hai yếu tố cơ bản sau:

1.1. Dịch tể học ung thư

Áp dụng biện pháp dự phòng cho những loại ung thư có tỷ lệ mắc bệnh cao trong cộng đồng.

1.2. Những nguyên nhân gây ung thư

- Hút thuốc lá:

Gây 30% ung thư các loại; 90% ung thư phổi; 75% ung thư miệng, thanh quản, thực quản; 5% ung thư bàng quang. Do đó cần phải cấp bách tuyên truyền:

  • Khuyên những người đang hút thuốc ngừng hút
  • Hỗ trợ cho người bệnh ngừng hút
  • Tổ chức thăm khám theo dõi định kỳ
  • Chú ý tuyên truyền đối với những thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc và phụ nữ mang thai.

- Dinh dưỡng:

  • Sau thuốc lá, yếu tố dinh dưỡng được xếp là nguyên nhân quan trọng thứ hai gây bệnh ung thư và tử vong.
  • Cần tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau và các loại Vitamin, nhất là Be-ta-caroten có tính chống ung thư (Các rau quả có màu đỏ: Cà rốt, cà chua...)
  • Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị, các loại thức ăn bị mốc (trong đó sản sinh chất Aflatoxin gây ung thư)

- Rượu:

  • Gây ung thư gan, miệng, thực quản và phần trên thanh quản. Quan tâm hơn cả là mối liên kết giữa thuốc lá và rượu có tác dụng cộng hưởng trên ung thư vùng đầu và cổ.

- Tia xạ:

  • Bức xạ cực tím (UV) do phơi nắng quá độ được xem là tác nhân gây ung thư da. Cẩn thận che chắn đầy đủ khi làm công tác Xquang, phóng xạ.

- Các virus:

  • Có vius được biết là nguyên nhân gây ung thư ở người: Virus viêm gan B, virus EPV (Epstein Barr Virus), virus HPV (Human Papilloma Virus) và virus gây bệnh bạch cầu dòng lympho T HTLV (Human T Leukemia Virus).
  • Biện pháp tốt nhất để loại trừ visus viêm gan là tiêm chủng vacxin

- Yếu tố di truyền:

  • Tiền sử gia đình cũng xem là yếu tố nguy cơ hay gặp của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư võng mạc mắt, bệnh khô da nhiễm sắc tố.
  • Ở một số nước có phòng khám gen để tìm gen gây ung thư.

2. Phòng bệnh bước 2

Là sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư như: Sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng…

Quá trình sàng lọc này chỉ có hiệu quả ở trên một số bệnh có những phản ứng (test) đặc hiệu, nhưng là chiến lược duy nhất có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.

Việc thực hiện đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cán bộ y tế, chuyên gia dịch tể học và các nhà thống kê.

2.1. Sàng lọc ung thư vú

- Tự khám vú:

  • Là một kỹ thuật ít tốn kém và vô hại đối với tuyến vú, thực hiện tự khám vú một tháng một lần và khám sau khi sạch kinh, thường chẩn đoán ra bệnh khi u nhỏ, hạch di căn ít hơn những người không thực hành tự khám vú. Do vậy cần phải phổ biến rộng rãi cách tự khám vú qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Khám lâm sàng tuyến vú:

  • Là một phương pháp thông dụng để khám cho tất cả phụ nữ trên 40 tuổi ít nhất một năm một lần.

- Chụp tuyến vú:

  • Chụp vú không chuẩn bị được sử dụng rộng rãi trong việc xác định bệnh và việc sàng lọc ung thư vú.
  • Với phụ nữ trên 40 tuổi nằm trong diện nguy cơ cao, một năm nên chụp vú không chuẩn bị một lần.
  • Đối với phụ nữ trên 50 tuổi, việc sàng lọc bằng chụp tuyến vú cũng có hiệu quả tốt.

2.2. Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Ung thư xâm lấn cổ tử cung có thể được phòng ngừa nếu sàng lọc được tiến hành bởi sự chính xác của Pap test (xét nghiệm tế bào âm đạo), phụ nữ trên 30 tuổi đã có gia đình nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để làm Pap test từ một đến hai lần mỗi năm.

Tại các địa phương không có phương tiện xét nghiệm để làm Pap test có thể khám cổ tử cung bằng mắt với mỏ vịt và đủ ánh sáng cho các phụ nữ đã có gia đình trên 30 tuổi. Khám bằng mắt là một phần không thể tách rời của chương trình sàng lọc với tế bào học cổ tử cung.

- Làm thử nghiệm Lugol

- Soi cổ tử cung để phóng đại các tổn thương ở cổ tử cung

- Khoét chóp cổ tử cung: Vừa chẩn đoán vừa điều trị với ung thư xâm lấn

2.3. Sàng lọc ung thư đại tràng và trực tràng

Ở nhiều nước đang phát triển ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi.

Chiến lược sàng lọc nhằm vào các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt tập trung vào những người có độ tuổi từ 50 đến 70 tuổi.

Các xét nghiệm sàng lọc:

  • Xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (FOBT)
  • Phát hiện hoạt động Peroxidase của huyết cầu tố
  • Các xét nghiệm sàng lọc cho thấy  khoảng 2% FOBT dương tính và có giá trị dự đoán test cho cả u tuyến lành và ung thư từ 20-30%. Chú ý có xét nghiệm dương tình giả.
  • Nội soi: Việc soi đại tràng và trực tràng đã sử dụng như một xét nghiệm sàng lọc đơn độc hay kết hợp với FOBT. Theo dõi các đối tượng có nguy cơ cao nên dùng test FOBT nếu FOBT dương tính; chỉ định soi đại tràng, trực tràng

2.4. Sàng lọc các ung thư khác

- Ung thư gan nguyên phát

  • Sàng lọc bằng cách đo α fetoprotein trong huyết thanh những đối tượng đã bị viêm gan siêu vi B.
  • Siêu âm được dùng để theo dõi các trường hợp có kết quả α fetoprotein bất thường

- Ung thư vòm họng

  • Sàng lọc bằng cách đo lượng kháng thể IgA của virus Epstein cho dân ở vùng hay mắc loại ung thư này.

- Ung thư vùng miệng

  • Thăm khám bằng mắt các đối tượng có nguy cơ cao (nhai thuốc lá, nhai trầu, hút thuốc, uống rượu), cần kết hợp tốt với các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe; làm tăng tỷ lệ phát hiện sớm ung thư và tình trạng tiền ung thư.

- Ung thư tiền liệt tuyến

  • Có 3 phương pháp có khả năng phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng lâm sàng (thăm khám trực tràng bằng tay, siêu âm qua trực tràng, kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt).

- Ung thư tuyến giáp

  • Các đối tượng đã chiếu xạ vào vùng cổ khi còn thơ ấu sẽ có nguy cơ cao; cần phải được khám lâm sàng định kỳ, xét nghiệm Calcitonin và Thyroglobulin.

- Ung thư quế quản phổi

  • Nên chụp Xquang phổi định kỳ hằng năm cho những người hút thuốc trên 45 tuổi để phát hiện sớm tổn thương khi các khối u còn nhỏ.

- Ung thư dạ dày

  • Cần làm Xquang dạ dày và nội soi trên những bệnh nhân có nguy cơ cao (tuổi, tiền sử bệnh viêm loét dạ dày mạn tính).

- Ung thư hắc tố

  • Biện pháp quan trọng là quan sát bằng mắt với những cán bộ y tế được huấn luyện tốt, khám tỉ mỉ.

3. Phòng bệnh bước 3

Là tìm biện pháp điều trị có kết quả nhằm mục đích tốt nhất đó là kéo dài số năm sống thêm cho người bệnh.

Để phòng ngừa ung thư:

  • Tuyên truyền sâu rộng cho người dân các kiến thức cơ bản về ung thư
  • Cần có sự nổ lực phối hợp chặc chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, xí nghiệp; nhằm hạn chế ô nhiễm không khí và môi trường.
  • Tuyên truyền trong đội ngũ ngành y tế về vai trò của người thầy thuốc trong y tế cộng đồng và xã hội.
  • Đào tạo đội ngũ thầy thuốc có khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư ở các cơ sở y tế. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. GSTS Nguyễn Bá Đức - Ung thư học đại cương - NXB Y học - Năm 2011
  2. GSTS Nguyễn Bá Đức - Bài giảng ung thư học - NXB Y học - Năm 2001

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 26 Tháng 11 2015 20:38

You are here Tin tức Y học thường thức Phòng bệnh ung thư