• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Virus sởi

  • PDF.

KTV Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Khoa Vi Sinh

Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em. Sởi có thể lan tràn khắp thế giới và nó là nguy cơ gây bệnh cho một phần ba số trẻ dưới 12 tuổi khắp thế giới. Trẻ có thể mắc bệnh sởi với tỷ lệ tử vong khá cao. Hiện nay dịch sởi đang bùng phát ở Việt nam, là mối quan tâm lớn của toàn xà hội.

ĐẶC ĐIỂM VIRUS HỌC

 virutsoi1a

Hình ảnh virus sởi

Virus sởi có cấu trúc và đặc điểm sinh học giống các Paramyxovirus khác và có nhiều đặc điểm gần rindepest, Staupe là thành viên trong Paramyxovirus gây bệnh cho động vật, Vì vậy, thường có phản ứng chéo giữa các Virus trên. Virus sởi là loại virus đồng nhất, ít biến đổi.

Hình thể: Virus sởi hình cầu, đường kính 120 đến 250nm, chứa ARN sợi đơn, vỏ capsid đối xứng xoắn và có bao ngoài. Trong cấu trúc có thể có 6 protein cấu trúc.

Cấu trúc vỏ bao ngoài có các hemagglutinin. Có vai trò giúp virus bám vào receptor của tế bào cảm thụ, sau đó protein hòa màng và xâm nhập phức hợp tái tổ hợp, thực hiện sự nhân lên của virus trong tế bào cảm thụ. Sau khi virus được nhân lên, giai đoạn giải phóng của virus thực hiện theo phương thức nảy chồi. Virus sởi là virus đồng nhất, không có sự biến dị của mọi cấu trúc Virus , do vậy sau khi nhiễm Virus sởi, kháng thể có thể duy trì suốt đời. Virus sởi chỉ gây bệnh cho người. Hemagglutinin của Virus sởi mang tính kháng nguyên ngưng kết hồng cầu khỉ.

Virus sởi xâm nhập vào đường mũi họng và đường mắt. Virus nhân lên ở hệ bạch huyết nơi xâm nhập và tế bào đường hô hấp trên rồi đi qua máu.

LÂM SÀNG BỆNH SỞI VÀ BIẾN CHỨNG

 virutsoi3

Da của bệnh nhân mắc sởi sau 3 ngày

Đặc điểm bệnh sởi

Thời gian ủ bệnh từ 10 tới 12 ngày. Sau đó là thời kỳ khởi phát với các dấu hiệu viêm long của hô hấp trên: chảy nước mũi, ho, hắt hơi, đỏ mi mắt... kèm theo sốt nhẹ. Sau đó xuất hiện các nốt Koplik trong niêm mạc má. Tiếp theo là bệnh sởi điển hình, thể hiện bằng phát ban theo thứ tự từ trên xuống dưới sau 5-7 ngày. Rồi từ trên xuống mất dần các nốt ban. Sau khi bị sởi, người bệnh sẽ có miễn dịch vĩnh viển suốt đời.

Bệnh cảnh lâm sàng ở trẻ em còn kháng thể

Trong năm đầu của cuộc đời, do tiếp nhận kháng thể kháng sởi qua rau thai nên nếu bị nhiểm virus sởi thì triệu chứng sẽ không điển hình. Các dấu hiệu viêm đường hô hấp, các triệu chứng khác đều nhẹ và trong thời gian ngắn, ban xuất hiện không điển hình. Trong các trường hợp này, chỉ có thể chẩn đoán sởi bằng các phản ứng huyết thanh tìm kháng thể sởi.

Bệnh sởi cũng có thể xuất hiện lâm sàng cực nặng: viêm não cấp do sởi hoặc viêm xơ chai bán cấp tính do sởi (SSPE). Các biểu hiện viêm não đều phần lớn dẫn tới tử vong.

Sởi thể không điển hình

Thường xảy ra ở những trẻ em được tiêm vacxin sởi chết hoặc trẻ lớn nhiễm virus sởi. Triệu chứng của người này là sốt cao, đau đầu, đâu ngực cơ và khớp. Sau hai đến bốn ngày, xuất hiện các nốt ban không điển hình ở tứ chi. Đôi khi có biểu hiện viêm phổi khối kèm tràn dịch màng phổi. Thể không điển hình này cũng chỉ có thể chẩn đoán bằng các phản ứng huyết thanh.

Biến chứng của bệnh sởi

Sởi có thế gây nhiều biến chứng:

- Viêm phổi do sởi: Thường có triệu chứng sốt cao và viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn. Nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Viêm não cấp do sởi: Bệnh thường xảy ra với tỷ lệ 0,05 tới 0,1% trong các trường hợp bị sởi và gây tử vong 10-40%

- Viêm tai giữa do sởi

- Viêm xơ chai não bán cấp do sởi (SSPE): đây là bệnh mạn tính ở não do sởi. Bệnh có thể xuất hiện sau sởi từ 7 đến 10 năm. Trong trường hợp này có thể tìm thấy kháng thể kháng sởi ở nồng độ cao. SSPE là một biểu hiện lâm sàng điển hình của nhiễm trùng chậm. Trong dịch não tủy, có thể tìm thấy protein cấu trúc và kháng nguyên bề mặt của virus sởi.

- Ngoài ra trong khi bị sởi sức đề kháng của trẻ em suy giảm miễn dịch tạm thời nhiều nên nhiều khi trẻ có thể mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội khác như tiêu chảy, viêm giác mạc dẫn tới mù lòa...

CHẨN ĐOÁN TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM

Chẩn đoán trực tiếp

Trong thời kỳ tiến triển, có thể lấy dịch mũi họng hoặc kết mạc để nuôi cấy trong tế bào nguyên phát hay thường trực một lớp của người hoặc khỉ, có thể tìm thấy tiểu tế bào hoặc tế bào trở thành tế bào khổng lồ, tạo các ổ hoại tử (các đơn vị plaque). Cũng có thể chẩn đoán trực tiếp bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang trên tế bào nhiễm virus.

Tìm kháng thể

Kháng thể tìm thấy trong huyết thanh người bị sởi là kháng thể kết hợp bổ thể, ức chế ngưng kết hồng cầu khỉ, hoặc phản ứng trung hòa. Ngoài ra còn có thể làm phản ứng ELISA tìm kháng thể IgM hoặc IgG. Cách lấy bệnh phẩm, thời gian lấy, xử lý và đọc kết quả như các virus đường hô hấp khác.

DỊCH TỄ HỌC BỆNH SỞI

- Sởi lây lan trực tiếp qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch mũi, họng, kết mạc của người nhiễm trùng ngay từ giai đoạn cuối thời kỳ ủ bệnh.

- Đối  tượng lây nhiễm: 90-98% những người chưa miễn dịch với sởi ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ em mẫu giáo và cấp 1.

PHÒNG BỆNH

Hiện nay có 2 loại vacxin sởi: vacxin sởi chết và vacxin sởi sống giảm độc. Vacxin sởi sống giảm độc có hiệu quả phòng bệnh sởi, do vậy nó được tiêm cho tre em 12 tháng tuổi để phòng bệnh sởi ở mọi hình thái lâm sàng.

Vacxin chết, trong quá trình sản xuất phá hủy protein kháng nguyên hòa màng. Do vậy, kháng thể hình thành sau khi tiêm vacxin virus sởi chết không đủ để kháng lại mọi kháng nguyên virus sởi. Vì vậy nếu nhiễm virus sởi hoang dại, người đã tiêm vacxin có thể bị sở không điển hình, đó là nguồn lây không biết rõ nên khó phòng.

Ngoài phương pháp phòng đặc hiệu thì xử lý chất thải của bệnh nhân, cách ly bệnh nhân là cần thiết.

             Nguồn: Vi sinh y học, Gs. Ts Lê Huy Chính, NXB Y HỌC, 2007


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 09 Tháng 6 2014 09:44