• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh đậu mùa khỉ

  • PDF.

BS Huỳnh Thị Tố Nữ - 

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người do vi rút đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) gây raBệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh nhân có biểu hiện phát ban dạng mụn nước hoặc mụn mủ, có thể đau và thường kèm theo sốt, khó chịu và nổi hạch.

1. Tác nhân gây bệnh

Monkeypox virus là vi rút ADN chuỗi kép có vỏ bọc, thuộc loài Orthopoxvirus, họ Poxviridae, lần đầu tiên được phân lập trên loài khỉ vào năm 1958 tại Viện huyết thanh Statens, Copenhagen, Đan Mạch.

Hình thái: Vi rút đậu mùa có dạng hình khối chữ nhật với các cạnh được vê tròn, có kích thước khoảng 280 - 320 nm  x 200 - 250 nm và là  vi rút có kích thước lớn nhất. Lõi của vi rút là một nucleotid với vật liệu di truyền là ADN.
- Vi rút đậu mùa cũng là vi rút có sức đề kháng cao nhất. Ở vảy mụn đậu khô và ở nhiệt độ phòng, vi rút sống được nhiều tháng. Tuy nhiên, vi rút dễ bị bất hoạt bởi các chất diệt khuẩn, bởi nhiệt độ > 550C và tia tử ngoại. Vi rút đậu mùa có thể lưu giữ lâu dài trong điều kiện đông khô hoặc bảo quản trong glycerin.

Nguồn bệnh và vật chủ chính của virus đậu mùa khỉ là các loại động vật linh trưởng (khỉ, vượn, tinh tinh) và các loại động vật gặm nhấm (sóc, chuột, chuột túi). Người bệnh và người nhiễm vi rút đậu mùa khỉ cũng là một nguồn bệnh quan trọng.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người khi có tiếp xúc với máu, nước bọt hoặc các giọt bắn ở đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết của vết thương trên cơ thể. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương ngoài da, chất tiết, chất thải đường hô hấp, giọt bắn với người bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ Bệnh cũng có thể lây truyền gián tiếp hoặc thông qua các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt có chứa mầm bệnh như khăn mặt, chăn, ga trải giường.

Bệnh cũng có thể lây truyền do ăn phải thịt động vật bị bệnh hoặc bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chưa được nấu chín.

2. Triệu chứng lâm sàng:

Các giai đoạn của bệnh

Thời gian ủ bệnh: 6-13 ngày (dao động từ 5-21 ngày): Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát: 1 - 5 ngày. Triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo. Kích thước trung bình từ 0,5 - 1cm. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn hồi phục: triệu chứng của bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

3. Chẩn đoán

Ca bệnh nghi ngờ: Là người đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt, sưng đau hạch bạch huyết, đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Ca bệnh có thể: là ca bệnh nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ: tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, ga giường goặc đồ dùng của ca bệnh nghi ngờ hoặc ác bệnh xác định trong vòng 21 ngày; có tiền sử đi du lịch đến quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày; có nhiều bạn tình trong vòng 21 ngày; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với Orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm chủng vắc xin đậu màu hoặc chưa tiếp xúc với các chủng Orthopoxovirus khác) .

Ca bệnh xác định: Là trường hợp ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh có thể và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Bệnh phẩm là các tổn thương ngoài da (vòm da nốt phỏng, dịch phỏng nước, dịch mủ, vẩy da nốt phỏng). Bệnh phẩm máu ít có giá trị vì vi rút thường tồn tại trong máu thời gian rất ngắn.

Phản ứng huyết thanh phát hiện kháng nguyên, kháng thể ít có giá trị chẩn đoán do có phản ứng miễn dịch chéo trong nhóm Orthopoxvirus. Ngoài ra, còn bị dương tính giả nếu đã được tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa trước đó.

4. Điều trị:

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ, nâng đỡ cơ thể, dự phòng các biến chứng và di chứng bao gồm bổ sung đầy đủ nước điện giải, dinh dưỡng tốt, vitamin, điều trị bội nhiễm vi khuẩn bằng kháng sinh.

5. Dự phòng:

- Giảm nguy cơ lây nhiễm từ động vật sang người:

  • Hạn chế hoặc cấm buôn bán, nhập khẩu các loại động vật linh trưởng, gặm nhấm.
  • Không ăn tiết canh, thịt động vật nấu chưa chín kỹ.
  • Thận trọng khi tiếp xúc gần, trực tiếp với các loại động vật. Nếu phải tiếp xác trực tiếp thì cần mang bảo hộ lao động phù hợp.

- Giảm nguy cơ lây nhiễm từ người sang người:

  • Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để cách ly, điều trị kịp thời. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người nghi ngờ hoặc đã được khẳng định nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
  • Vệ sinh phòng bệnh: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là đường mũi họng, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn môi trường, nhất là sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sau khi tiếp xúc với quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt của người người nhiễm/nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
  • Nhân viên y tế cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc khi thăm khám, chăm sóc, điều trị người bệnh.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

You are here Tin tức Y học thường thức Bệnh đậu mùa khỉ