• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Thoái hóa khớp xương

  • PDF.

Ths Nguyễn Văn Tánh - Khoa YHCT

Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính ở khớp và cột sống, thường gặp ở người trung niên và người có tuổi, xảy ra ở mọi chủng tộc, mọi thành phần của xã hội, ở tất cả các nước và nữ nhiều hơn nam giới.

Thống kê của WHO cho thấy có 0,3 – 0,5% dân số bị bệnh lý về khớp thì trong đó có 20% thoái hóa khớp. Ở Mỹ, 80% trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp. Ở Pháp, thoái hóa khớp chiếm 28% số bệnh về xương khớp. Ở Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp.

Thoái hóa khớp thường gặp ở cột sống thắt lưng (chiếm tỷ lệ cao nhất 31,12%), cột sống cổ, khớp gối, khớp háng, các khớp ngón tay ...

Thoái hóa khớp là bệnh lý do hậu quả của quá trình tích tuổi và chịu lực tác động thường xuyên lên khớp. Thoái hóa khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và còn là gánh nặng cho kinh tế gia đình và toàn bộ xã hội. Thương tổn cơ bản là sự thoái hóa của sụn khớp (ở cột sống là đĩa đệm), sau đó là những thay đổi của phần xương dưới sụn và của màng hoạt dịch. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn giúp duy trì cuộc sống hoạt động.

thoaihoa2

Thoái hóa khớp thường có các biểu hiện: Đau ở vị trí bị thoái hóa, đau tăng khi vận động hay thay đổi tư thế. Hạn chế vận động, có thể có dấu hiệu phá gỉ khớp vào buổi sáng hay lúc mới bắt đầu hoạt động. Biến dạng khớp như gù, vẹo cột sống. Trên X quang có thể có dấu hiệu hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương.

Điều trị thoái hóa khớp theo Y học hiện đại (YHHĐ)

Không có thuốc điều trị quá trình thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống.

Các biện pháp không dùng thuốc gồm: Nghỉ ngơi, tránh làm các động tác nặng, gắng sức; Vật lý trị liệu như chườm nóng, siêu âm, hồng ngoại, xoa bóp, kéo dãn cột sống, tập vận động.

Các biện pháp dùng thuốc: Thuốc giảm đau (Paracetamol 0,5g x 2-4 viên/ngày), thuốc chống viêm (Meloxicam 7,5mg x 2 viên/ngày), thuốc điều trị thoái hóa khớp tác dụng chậm, sau một thời gian dài - trung bình 1 tháng, và hiệu quả này được duy trì cả sau khi ngừng điều trị - sau vài tuần đến 3 tháng, thuốc dung nạp tốt, rất ít tác dụng phụ (Glucosamine sulfat 250mg uống 4 viên/ngày x 6-8 tuần).

Điều trị bằng ngoại khoa: Đối với trường hợp có chèn ép thần kinh nặng, kéo dài, không giải quyết được bằng điều trị nội khoa.

Phòng ngừa thoái hóa khớp: Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi lao động, làm việc. Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng. Phát hiện và sửa chữa sớm các dị dạng xương khớp và cột sống.

THOÁI HÓA KHỚP THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN (YHCT)

Thoái hóa khớp nằm trong phạm trù chứng Tý và chứng Tích bối thống.

Chứng Tý là một trong những chứng chủ yếu của YHCT, Tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông. Tý vừa dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh như tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, nhức, buốt… ở da thịt, xương khớp, vừa dùng dể diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết. Nguyên nhân gây bệnh có thể do phong, hàn, thấp đơn thuần hay phong, hàn, thấp phối hợp với nội thương như khí huyết hư hay tuổi già có can thận hư suy, gây rối loạn sự vận hành khí huyết, làm cho khí huyết bế tắc, lưu thông không điều hòa mà sinh bệnh. Chứng Tý thường có các biểu hiện sau:

Toàn thân: lưng đau, ù tai, tiểu tiện nhiều lần, lưng gối mỏi, mạch trầm tế.

Ở  khớp: đau mỏi các khớp, mưa lạnh ẩm thấp đau tăng, hoặc dễ tái phát lại, đêm đau nhiều, vận động đi lại đau tăng lên, hoặc có khi đau dữ dội ở một khớp, chườm nóng thì đỡ.

Chứng Tích bối thống (đau ở vùng lưng): Sống lưng là nơi đi qua của mạch Đốc và kinh Túc Thái dương. Kinh Túc Thái dương phân bố nông ở vùng lưng: Bối. Đốc mạch đi sâu trong cột sống: Tích. Gây bệnh ở hai kinh này có thể do phong hàn thấp cùng lẫn lộn xâm nhập gây bệnh, có thể do hàn tà nhân khi vệ khí suy yếu mà gây bệnh. Cả hai cùng chủ về dương khí nhưng khi phát bệnh thì bệnh ở tích có biểu hiện là lý chứng và bệnh ở bối có biểu hiện là biểu chứng. Tích chứng ít khi có thực chứng, bối chứng ít khi có hư chứng.

Tích thống: đau dọc vùng giữa sống lưng, không ưỡn thẳng người được, có ưỡn thẳng được thì cũng khó chịu và không duy trì tư thế thẳng lâu được, cảm giác lạnh ở sống lưng, tiểu tiện trong dài, đùi chân mềm yếu.

Bối thống: đau cả mảng lưng, cảm giác trì trệ khó chịu, có khi lan tỏa vùng vai gáy và bả vai.

Điều trị thoái hóa khớp theo YHCT

Phép trị chung: ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp.

1. Thoái hóa các khớp từ eo lưng xuống đến chân: gồm khớp cột sống thắt lưng, háng, gối, gót, bàn ngón chân.

Bài thuốc: Độc hoạt 12g, Ngưu tât 12g, Phòng phong 12g, Đỗ trọng 12g, Quế chi 8g, Tang ký sinh 12g, Tế tân 8g, Sinh địa 12g, Tần giao 8g, Bạch thược 12g, Đương quy 8g, Cam thảo 6g, Đảng sâm 12g, Phục linh 12g.

Xoa bóp: tập luyện thường xuyên các khớp, chống cứng khớp. Xoa bóp các khớp đau, giúp tăng tuần hoàn và dinh dưỡng.

2. Thoái hóa các khớp ở chi trên:

Bài thuốc: Khương hoạt 8g, Phòng phong 8g, Khương hoàng 12g, Chích thảo 6g, Đương quy 8g, Xích thược 12g, Sinh khương 4g, Hoàng kỳ 12g, Đại táo 12g.

3. Thoái hóa khớp ở vùng cột sống thắt lưng:

Bài thuốc: Phụ tử 4g, Kỹ tử 10g, Nhục quế 4g, Cam thảo 6g, Sơn thù 8g, Đỗ trọng 12g, Hoài sơn 12g, Cẩu tích 12g, Thục địa 12g, Cốt toái bổ 12g.

Xoa bóp: Xoa bóp vùng thắt lưng. Tập vận động nhẹ nhàng, thường xuyên để tránh cứng khớp cột sống do dính khớp.

4.  Thoái hóa cột sống có đợt cấp do co cứng: Nguyên nhân chính do lạnh. Do đó, phép trị là khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn thông kinh lạc.

Bài thuốc: Khương hoạt 10g, Độc hoạt 12g, Cảo bản 8g, Mạn kinh tử 10g, Xuyên khung 12g, Cam thảo 8g, Quế chi 8g.

Xoa bóp: xoa, day, ấn, lăn trên vùng lưng bị co cứng.

Chườm ngoài: Dùng muối sống rang nóng chườm lên vùng đau. Hoặc dùng cồn xoa bóp (Ô đầu sống, Quế, đại hồi: chỉ dùng ngoài, không được uống) xoa lên vùng đau. Hoặc dùng lá ngãi cứu sao rượu đắp nóng tại chỗ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Bay (1998), “Thoái hóa khớp xương” Bài giảng Bệnh học & Điều trị (Lưu hành nội bộ), Bộ môn Y Học Cổ Truyền – Khoa Y -  Trường Đại Học Y Dược TPHCM, tập 3.
  2. Bệnh viện Bạch Mai – Bộ Y Tế (2011), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh Nội khoa (Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng), Nxb Y Học.
  3. Hoàng Bảo Châu (1997), Nội Khoa học cổ truyền, Nxb Y Học.
  4. Susan V Garstand – Todd P Stitik (2006), Osteoarthritis - Epidemiology, Risk Factors, and Pathophysiology, American Journal of Physical Medicine and Rehabilitation, November 2006, Vol. 85, No. 11, pp. s2 – s11.
You are here Tin tức Y học thường thức Thoái hóa khớp xương