• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Còn đó … những nỗi đau

  • PDF.

Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh - 

Ánh mắt của người phụ nữ bồng đứa bé sơ sinh mồi côi mẹ cứ mãi ám ảnh tôi trên xe cho đến khi trở về nhà. Điều này thôi thúc tôi viết vài cảm nhận của mình về số phận của những người phụ nữ vùng cao .. làm mẹ.

Nơi chúng tôi đến là một trạm xá xã của một huyện miền núi. Từ TTYT huyện đến trạm xá này mất hơn 20 cây số. Trạm xá thật khang trang, nhưng ít bệnh nhân đến khám. Làm việc trước với cán bộ y tế miền núi, họ đã hẹn giúp những người nhà ra trạm để chúng tôi đến làm việc với người nhà. CBYT ở đây bảo, nếu đến tận nhà thì phải mất hơn một buổi nữa mới đến được. Tôi tưởng tượng đến khoảng cách và sự đi lại thật sự khó khăn cho những người dân vùng cao từ những khu nhà của họ được gọi là nóc, sau đó đến thôn rồi mới đến xã.

Những người dân ở đây vẫn còn quá lạc hậu so với những gì tôi tưởng tượng. Được dịp phỏng vấn người nhà cả hai trường hợp, tôi mới thấy những nguy hiểm nơi đây khi nói về chuyện Làm mẹ. Những người phụ nữ ở đây đa số không đi khám thai và sinh tại nhà.

Trường hợp 1 là một trẻ vị thành niện 17 tuổi, học sinh dân tộc nội trú, đang học lớp 12. Cũng vì xa nhà, yêu đương quá sớm, không làm chủ bản thân, bạn ấy có bầu. Sợ quá, bạn ấy giấu diếm luôn cha mẹ và người thân trong nhà, cho đến lúc đau bụng sinh, cả nhà mới tá hỏa. Vậy là theo phong tục tập quán của người dân, một cái sạp được làm ngay tại nhà, 2 dây vải được kéo từ trên nhà xuống để giúp cho cô ấy vượt qua cơn đau đẻ. Sau 5 tiếng vượt cạn, người mẹ sinh ra mất máu quá nhiều, người nhà không biết làm gì ngoài chuyện cúng bái để thần linh phù hộ. Người mẹ trẻ ấy đã tử vong để lại đứa trẻ thơ dại. Ngày hôm qua, bác gái dâu của nó cũng bồng đến gặp chúng tôi. Thấy đứa trẻ thật thương tâm. Tôi hỏi cô ấy, mang thai em sinh tại đâu. Bản thân cô ấy cũng sinh tại nhà..

noidau

Trường hợp 2 là một phụ nữ sinh năm 1992. Bạn ấy mang thai lần thứ tư,1 lần sinh đủ tháng, sau đó 2 lần sinh non, con chết, cho đến bây giờ sinh đứa thứ tư. Vậy mà bạn ấy chỉ đi khám thai trong lần mang thai đầu tiên. Lần mang thai này, bạn ấy không hề đến trạm xá mặc dầu bạn ấy đã 2 lần sinh non và con chết. Cả bốn lần vượt cạn đều diễn ra tại nhà với sự giúp đỡ của một cô mụ lớn tuổi. Mình đã gặp chồng bạn ấy tại viện khi được đưa xuống Bệnh viện Quảng Nam. Ngày hôm nay, cậu ấy báo với mình, hôm trước em xuống bệnh viện không khai 2 đứa đã chết.

Lần mang thai này, ngày bạn ấy vượt cạn, chồng bận làm nhà. Nghe đâu, bạn đau bụng từ 12h trưa, nhưng cũng không đến trạm. Chắc hẵn trong suy nghĩ, các bạn ấy chuyện sinh nở là thuận theo trời đất. Lần sinh này, người nhà kể lại sinh lúc chập choạng tối, khoảng 5-6h, cũng được cô mụ làm da kề da nhưng chờ mãi rồi nhau không bong, chảy máu nhiều quá. Người nhà cũng lo lắng quá chừng, cũng có cúng bái rồi nhau vẫn không ra nên họ đã bỏ người phụ nữ lên cáng khiêng đến trạm xá lúc 9h tối. Lên đến trạm xá, bạn ấy đã xanh như tàu lá. Ngày trực hôm ấy là một nam y sĩ, bạn ấy có gọi cấp cứu lên tuyến huyện nhưng xe lại chuyển bệnh nhân khác đi bệnh viện tỉnh chưa về. Vậy là bạn ấy chuyền dịch và tiêm thuốc nâng huyết áp rồi chờ xe chở bệnh nhân về tuyến huyện. Bạn nữ Y sĩ bảo, hôm ấy em trực trên chốt cách đó cũng mười mấy cây số nên không về được. Và rồi nửa khuya, 0h30 phút bạn ấy mới đến được TTYT huyện. Đến đây, nhau bạn ấy cũng vừa bong xuống tới âm đạo, các BS ở đây cũng đã cắt rốn và hồi sức chuyển mẹ lên tuyến trên với những phương tiện thuốc men trong tay của họ. 4h30sáng ngày hôm sau, xe cũng đến bệnh viện mình. Báo động đỏ được kích hoạt. Mình cũng có mặt cùng phiên trực, BS lãnh đạo, Bs ICU, Bs gây mê. Bạn ấy không bắt được mạch, không đo được huyết áp. Bạn ấy được đặt Nội Khí Quản, hồi sức tích cực và chuyền máu nhưng rồi cũng không cứu vãn được gì. Lúc đến viện, bạn ấy cũng không còn máu để chảy, âm đạo trắng bệch, lòng TC không còn máu để chảy ra ngoài. Sau khi vừa chuyền dịch, dùng thuốc vận mạch, bơm máu, bọn mình chuyển ICU nhưng rồi bạn ấy đã choáng không hồi phục và lịm dần. Bạn ấy tử vong lúc 11h cùng ngày.

Câu chuyện của hai người phụ nữ làm mẹ .. không an toàn thật thương tâm. Cả hai đều là thai nghén nguy cơ nhưng vẫn sinh tại nhà theo những tập quán thật lạc hậu. Trong đầu mình, cứ ám ảnh 2 chữ GÍA NHƯ.. Giá như bé gái ấy được giáo dục sức khỏe vị thành niên, giá như em bé ấy trải lòng vơi ba mẹ và người thân trong gia đình, giá như những người miền núi ý thức được tầm quan trọng của khám thai, giá như người phụ nữ biết được sự nguy hiểm khi sinh con mà không có sự giúp đỡ của nhân viên y tế, giá như Hội phụ nữ thôn, xã, phối hợp với CBYT đẩy mạnh công tác truyền thông để cho người dân hiểu được chuyện thai nghén, khám thai và chuyện sinh nở an toàn. Nghe đâu, cô đỡ thôn bản không có một đồng phụ cấp nào nên họ phải bỏ nơi ở đến vùng khác kiếm sống….chế độ phụ cấp không còn nên những người miền xuôi cũng khó gắn bó cả đời trên miền núi.

Thương quá! Những nỗi đau… làm mẹ vùng cao.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 17 Tháng 9 2020 18:13

You are here Tin tức Tin tức y học Còn đó … những nỗi đau