• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hemoglobin bị glycosyl hóa hay gắn đường

  • PDF.

(Hemoglobine glycosylee/ Glycosylacted hemoglobin G-Hb, Glycated Hgb)

Khoa Hóa sinh

Khi nồng độ glucose máu tăng cao hơn mức bình thường trong một khoảng thời gian đủ dài, glucose sẽ phản ứng với các protein mà không cần sự xúc tác của enzym (phản ứng glycosyl hóa protein hay còn gọi là phản ứng Amadori) tạo thành các sản phẩm Amadori. Khi phản ứng xảy ra trong hồng cầu, glucose kết hợp với hemoglobin tạo thành hemoglobin bị glycosyl hóa. Như vậy, hemoglobin bị glycosyl hóa chính là hemoglobin của các hồng cầu bị bão hòa với glucose dưới dạng glyco-hemoglobin. Tình trạng bão hòa này được thẻ hiện trong suốt 120 ngày của đời sống hồng cầu.

Bằng cách định lượng nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa người thầy thuốc có thể nhận định được nồng độ glucose máu trong vòng 2-3 tháng trước đó của bệnh nhân. Điều này cung cấp các thông tin quý giá để theo dõi các bệnh nhân bị đái tháo đường là đối tượng có glucose máu thay đổi quá nhiều giữa các ngày giúp theo dõi mức độ kiểm soát lâu dài bệnh đái tháo đường.

hba1c12

Khi nhận định kết quả xét nghiệm nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa, điều quan trọng cần biết là định lượng được thành phần nào của hemoglobin bị glycosyl hóa. Một số phòng xét nghiệm báo cáo hemoglobin bị glycosyl hóa bao gồm tổng các Hb (gồm cả HbA1a, A1b và A1c), một số phòng xét nghiệm khác chỉ ghi nhận nồng độ HbA1c như là thành phần hemoglobin được glycosyl hóa. HbA1c là một phân nhóm của HbA1, valin có chuỗi n tận của phân tử hemoglobin này sẽ phản ứng với glucose thông qua phản ứng glycosyl hóa không cần enzym xúc tác và không thuận nghịch để tạo nên sản phẩm amadori gọi là HbA1c bị glycosyl hóa.

Mối tương quan giữa nồng độ HbA1c và nồng độ glucose huyết tương được thể hiện như sau:

  • 5% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 5,4mmol/l
  • 6% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 7.0 mmol/l
  • 7% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 8.6 mmol/l
  • 8% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 10.2 mmol/l
  • 9% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 11.8 mmol/l
  • 10% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 13.4 mmol/l
  • 11% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 14.9 mmol/l
  • 12% HbA1c = nồng độ glucose huyết tương trung bình là 16.5 mmol/l

Mục đích xét nghiệm là để theo dõi hiệu quả điều trị và mức độ kiểm soát nồng độ glucose huyết ở bệnh nhân bị đái tháo đường.

Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Không cần thiết yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm.

Giá trị bình thường có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm. Kết quả được trả lời bằng % nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa so với nồng độ hemoglobin toàn phần như sau:

  • Người lớn không bị đái tháo đường: 2.2-5%
  • Người lớn bị đái tháo đường: < 7%

hba1c1

Mối tương quan giữa nồng độ HbA1c và nồng độ glucose huyết tương

Các nguyên nhân chính tăng nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa

  • Nghiện rượu
  • Tăng nồng độ glucose máu
  • Ngộ độc chì
  • Bệnh đái tháo đường mới được chẩn đoán
  • Bệnh đái tháo đường được kiểm soát kém

Các nguyên nhân chính giảm nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa

  • Mất máu mạn tính
  • Suy thận mạn
  • Thiếu máu tan máu
  • Có thai
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Sau cắt lách
  • Thiếu máu vùng biển hay bệnh thalassemia

Các yếu tố góp phần thay đổi kết quả xét nghiệm

  • Giảm thời gian sống trung bình của hồng cầu có thể là nguyên nhân gây ước tính thấp hơn giá trị thực nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa.Có các hemoglobin bất thường cũng có thể là nguyên nhân gây sai lạc kết quả.
  • Nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa rất thường bị ước tính cao hơn giá trị thực khi có nồng độ suy thận.

Lợi ích của xét nghiệm

Xét nghiệm này không thể thiếu trong quy trình theo dõi và chăm sóc lâu dài các bệnh nhân đái tháo đường không ổn định.Xét nghiệm này không bị ảnh hưởng bởi thời gian lấy máu xét nghiệm, loại thức ăn mà bệnh nhân ăn, tình trạng gắng sức và bệnh nhân có dùng hay không dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường trước đó.

Xét nghiệm giúp theo dõi mức độ kiểm soát lâu dài bệnh đái tháo đường

Bằng cách định lượng nồng độ hemoglobin bị glycosyl hóa, người thầy thuốc có thể nhận định được nồng độ glucose máu trung bình trong vòng 2-3 tháng trước đó của bệnh nhân. Điều này cung cấp thông tin quý giá để theo dõi các bệnh nhân bị đái tháo đường có nồng độ glucose máu thay đổi quá nhiều giữa các ngày. Xét nghiệm nồng độ glucose lúc đói là một thông số không ổn định do nó có thể bị thay đổi tùy theo mức độ tuân thủ với phác đồ điều trị gần đây của bệnh nhân. Định lượng nồng độ HbA1c được coi như một chỉ số cộng gộp các giá trị nồng độ glucose máu trong vòng vài tháng trở lại đây của bệnh nhân.

Định lượng HbA1c nên được làm với tần suất như sau:

  • Ít nhất 2 lần/năm ở các bệnh nhân là đối tượng đáp ứng được đích điều trị và kiểm soát ổn định nồng độ glucose máu.
  • Mỗi 3 tháng/ lần ở các bệnh nhân là đối tượng thay đổi trong phác đồ điều trị hoặc không đáp ứng được đích điều trị.
  • Khi cần để hỗ trợ cho quyết định thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Những lợi ích của việc giảm HbA1c

Hai nghiên cứu quy mô lớn - the UK Prospective Diabetes Study (UKPDS) và the Diabetes Control and Complications Trial (DCCT) đã chứng minh rằng việc cải thiện chỉ số HbA1c 1% cho những bệnh nhân đái tháo đường sẽ cắt các nguy cơ biến chứng vi mạch máu đến 25%.Biến chứng vi mạch máu thường gặp như bệnh võng mạc, bệnh thần kinh, bệnh thận tiểu đường (bệnh thận)…

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người có bệnh tiểu đường type 2 thì khi giảm mức HbA1c của họ 1% thì:

  • Giảm 19% biến chứng đục thủy tinh thể
  • Giảm 16% biến chứng suy tim
  • Giảm 43% biến chứng cắt cụt chi hoặc tử vong do bệnh mạch máu ngoại biên

Dựa vào kết quả của nghiên cứu UKPDS và một số nghiên cứu khác có qui mô nhỏ hơn, hiện nay cả Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) lẫn Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation) đều khuyến cáo kiểm soát tốt đường huyết của người bệnh đái tháo đường, chủ yếu nhằm giảm các biến chứng vi mạch. Tuy nhiên giữa 2 tổ chức này có khác biệt về mục tiêu HbA1c cần đạt.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, mục tiêu HbA1c cần đạt là < 7%, còn theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế mục tiêu này là < 6,5%.

Mối liên quan giữa HbA1c và mang thai

Phụ nữ mang thai nên cố gắng để đạt được nồng độ HbA1c là 6,1% hoặc thấp hơn.

- Kiểm soát  lượng đường trong máu là điều rất quan trọng đối với những phụ nữ có bệnh tiểu đường hoặc vào thời kỳ mang thai hoặc những người mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ.Kiểm soát đường huyết chặt chẽ sẽ giúp tăng cơ hội mang thai thành công bằng cách cắt giảm các nguy cơ biến chứng cho trẻ.

- Kiểm tra HbA1c cho biết lượng đường huyết trung bình trong 8-12 tuần qua, nhằm mục đích để đạt được một kết quả HbA1c 6,1% hoặc thấp hơn.

Điều này sẽ đáp ứng được các mục tiêu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thai nhi đang phát triển có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.

Nếu HbA1c trên 10%, nên tránh có thai đến khi kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và duy trì nồng độ thấp.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đạt Anh, Nguyễn Thị Hương (2013), Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, NXB Y học.
  2. Hồ Huỳnh Quang Trí (2010), "Ảnh hưởng của kiểm soát đường huyết tích cực đối với nguy cơ tim mạch của người bệnh đái tháo đường type 2", Tạp chí chuyên đề tim mạch học.
  3. UK Prospective Diabetes Study (UKPDS) Group. Intensive blood-glucose control with sulphonylureas or insulin compared with conventional treatment and risk of complications in patients with type 2 diabetes (UKPDS 33). Lancet 1998; 352: 837-853.
  4. UK Prospective Diabetes Study (UKPDS) Group, Effect of intensive blood-glucose control with metformin on complications in overweight patients with type 2 diabetes (UKPDS 34), Lancet 1998; 352: 854-865.
  5. Dịch từ http://www.diabetes.co.uk/what-is-hba1c.html
  6. Dịch từ http://www.diabetes.co.uk/pregnancy/hba1c-and-pregnancy.html

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 16 Tháng 10 2015 08:45

You are here Đào tạo Tập san Y học Hemoglobin bị glycosyl hóa hay gắn đường