Ths Bs Lê Thị Thu Trang -
1. Đại cương
Barrett thực quản là tình trạng biến đổi biểu mô vảy bình thường ở thực quản thành biểu mô trụ giống như tế bào ruột non. Bệnh này thường được chẩn đoán ở những người liên tục mắc chứng trào ngược dạ dày - thực quản (Gastroesophageal reflux disease - GERD). Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân GERD sẽ mắc Barrett thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một trong những bệnh tiêu hóa phổ biến. Đây là hiện tượng dịch acid dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sẽ gây kích thích niêm mạc thực quản, nếu kéo dài mà không điều trị dứt điểm, hoặc người bệnh tái lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến lớp tế bào của thực quản gây nên barrett thực quản và ung thư thực quản. Đây cũng là lý do khiến triệu chứng của barrett thực quản và bệnh trào ngược dạ dày thực quản có sự tương đồng.
2. Đối tượng bị barrett thực quản
Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc Barrett thực quản. Tuy vậy, vẫn có người có nguy cơ mắc barrett thực quản cao hơn so với người bình thường: Đó là nhóm người có hệ tiêu hóa hoạt động kém, lối sống thiếu lành mạnh hoặc những nhóm người sau:
Người thừa cân, béo phì: Bệnh lý này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với thực quản. Tình trạng dư lượng mỡ làm tăng áp lực trong ổ bụng, ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản, khiến người bệnh dễ bị trào ngược dạ dày thực quản. Khi tình trạng trào ngược tái đi tái lại nhiều lần sẽ gây ra bệnh barrett thực quản.
Người ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo xấu, chiên rán: Chế độ dinh dưỡng có mối liên hệ mật thiết với hệ vi sinh vật thực quản dạ dày. Với người thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm trên sẽ gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật. Ngoài ra, việc hấp thu các chất béo xấu từ dầu mỡ khiến cơ thắt dưới thực quản mở ra, dễ gây trào ngược dạ dày. Hai yếu tố này làm gia tăng nguy cơ bị barrett thực quản cao hơn so với người có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Người ăn nhiều socola: Socola là một loại thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng, tác động tốt đến sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, phần lớn socola được bán và sử dụng trên thị trường là các loại đã qua chế biến, chứa nhiều chất béo và năng lượng gây khó tiêu hóa. Vì vậy, những người thường xuyên bị trào ngược dạ dày thực quản được khuyên không nên ăn socola để tránh gây áp lực thêm cho hệ tiêu hóa.
Nằm ngay sau ăn: Nằm ngay sau khi ăn no, đặc biệt là buổi tối sẽ là yếu tố nguy cơ gây bệnh barrett thực quản.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây barrett thực quản hiện này vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, barrett thực quản được cho là hệ quả của tình trạng tái lại nhiều lần của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Khi một người bị trào ngược dạ dày thực quản nhiều lần, các tế bào niêm mạc ở thực quản sẽ bị biến đổi từ tế bào vảy sang tế bào hình trụ và gây ra bệnh barrett thực quản.
Lưu ý, không phải ai bị trào ngược dạ dày cũng sẽ bị barrett thực quản hoặc ngược lại. Bệnh GERD chỉ là một yếu tố dễ dẫn đến barrett thực quản, nhất là khi bệnh tái lại nhiều lần. Người bị trào ngược dạ dày thực quản vẫn có thể hạn chế nguy cơ bị barrett thực quản bằng cách cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sinh hoạt lành mạnh.
4. Chẩn đoán
Chẩn đoán Barrett thực quản chủ yếu dựa vào nội soi và mô bệnh học.
* Tiêu chuẩn đánh giá tổn thương trên nội soi:
- Theo chiều dài tổn thương: đoạn ngắn, đoạn dài
- Theo hình thái tổn thương: không rõ hình thái, dạng vòng, dạng lưỡi, dạng bao tay.
* Xác định mức độ thay đổi mô:
- Không có loạn sản
- Loạn sản mức độ thấp
- Loạn sản mức độ cao
5. Điều trị
Điều trị bệnh Barrett thực quản phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng bất thường của tế bào tại thực quản và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Điều trị barrett thực quản chính là điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tái khám định kỳ. Mỗi người bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau dựa vào mức độ tổn thương, triệu chứng lâm sàng và phạm vi tổn thương. Đối với những tổn thương nhỏ hơn 3cm, việc điều trị sẽ giống như điều trị trào ngược dạ dày. Nếu kích thước tổn thương lớn hơn 3cm, đồng nghĩa bệnh có khả năng cao chuyển biến thành ung thư thực quản, sẽ có cách điều trị khác nhau cho từng trường hợp.
5.1. Barrett thực quản không loạn sản
Barrett thực quản không loạn sản là barrett thực quản không có khả năng tiến triển thành ung thư, với kích thước niêm mạc tổn thương thường nhỏ hơn 3 cm. Với trường hợp này, sẽ điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho người bệnh. Phương pháp điều trị là sử dụng thuốc ức chế bài tiết acid, giúp người bệnh thuyên giảm tình trạng acid dạ dày trào lên thực quản.
Ngoài ra, khi điều trị barrett thực quản bằng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Việc ăn uống và sinh hoạt khỏe mạnh được xem là một phương pháp hiệu quả và cần thiết để phục hồi chức năng thực quản, cải thiện sức khỏe tiêu hóa.
Nội soi tái khám định kỳ được khuyến cáo sau 6 tháng và sau đó là mỗi 3 năm nếu không có bất thường thêm.
5.2. Barrestt thực quản loạn sản mức độ thấp
Barrett thực quản có loạn sản mức độ thấp có khả năng tiến triển thành ung thư với kích thước tổn thương thường lớn hơn 3 cm. Ở giai đoạn loạn sản mức độ thấp, việc điều trị nhằm mục đích ngăn ngừa ung thư thực quản.
Người bị loạn sản mức độ này thường được điều trị theo quy trình:
- Thực hiện nội soi để khoanh vùng và cắt bỏ tế bào tổn thương
- Điều trị giảm acid dạ dày
- Nội soi thực quản định kỳ (6 – 12 tháng/lần) để theo dõi tiến trình của bệnh.
5.3. Barrestt thực quản loạn sản mức độ cao
Barrett thực quản có loạn sản mức độ cao là tiền ung thư thực quản. Do vậy, quá trình điều trị cũng sẽ dài hơn, và yêu cầu người bệnh thực hiện nội soi kiểm tra thực quản nhiều hơn loạn sản mức độ thấp.
Phương pháp điều trị cũng hướng đến loại bỏ tế bào bị tổn thương, hạn chế khả năng ung thư.
Một số phương pháp được áp dụng gồm:
- Đốt sóng cao tần RFA: Đây là phương pháp tiêu hủy khối u bằng nhiệt. Cắt đốt bằng sóng tần số cao là phương pháp sử dụng một năng lượng tần số cao đưa đến vùng thực quản bị bệnh, năng lượng hủy các tế bào loạn sản, các lớp niêm mạc thực quản sẽ tự tái tạo.
- Liệu pháp quang đông (Cryotherapy): sử dụng máy nội soi để áp chất lỏng hoặc khí lạnh lên các tế bào bất thường trong thực quản, sau đó tế bào này được làm ấm lên, rồi tiếp tục đông lạnh một lần nữa. Chu kỳ cứ lặp đi lặp lại như vậy để phá hủy các tế bào bất thường. Quang liệu pháp là phương pháp điều trị bằng tia laser. Phương pháp này đã từng được sử dụng trước kia nhưng đang dần được thay thế bằng phương pháp cắt đốt bằng sóng tần số cao.
- Đông huyết tương bằng argon: Đông huyết tương bằng argon dùng khí argon và dòng điện để đốt những tế bào loạn sản.
- Nội soi cắt tách dưới niêm mạc thực quản (ESD) để loại bỏ vùng tổn thương tiền ung thư. Là phương pháp tách niêm mạc loạn sản khỏi mô bên dưới bằng cách chích dung dịch và cắt hớt bằng dây cắt thông qua kênh thao tác của ống nội soi.
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn phần hoặc một phần thực quản.
Hiện nay có các phương pháp điều trị Barrett thực quản như: quang liệu pháp, cắt đốt bằng sóng cao tần, cắt hớt niêm mạc qua nội soi,... thì Argon plasma cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý này
Cơ chế hoạt động của Argon plasma là sử dụng năng lượng của dòng điện cao tần để biến đổi Argon từ thể khí thành thể plasma, giúp phá hủy không hồi phục các tế bào cũ (ác tính hoặc loạn sản, barrett) kích thích thực quản sản sinh ra lớp tế bào bình thường thay thế lớp cũ. Bác sĩ nội soi tiêu hóa có thể điều chỉnh cường độ dòng điện để kiểm soát độ xuyên thấu của dòng Argon plasma, giúp phá hủy chọn lọc vùng mô bệnh và bảo vệ vùng mô lành lân cận, tăng tính chính xác và an toàn cho thủ thuật. Liệu trình đốt Argon plasma 2-4 đợt và giảm tiết axit. Đây là phương pháp được đánh giá là nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày sau mỗi đợt liệu trình.
Chỉ định lý tưởng đốt Argon plasma điều trị Barrett thực quản là những trường có Barrett thực quản dài tới 3 đến 5 cm. Đối với Barrett thực quản dài hơn 5 cm, điều trị bằng đốt cao tần dễ dàng hơn cho cả bệnh nhân và bác sĩ nội soi. Không có chống chỉ định cụ thể liên quan đến phương pháp đốt Argon Plasma; Các chống chỉ định chung gồm bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, bệnh nhân bị rối loạn chảy máu và bệnh nhân có tình trạng nặng.
Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh Barrett thực quản. Mỗi phương pháp có ưu điểm và nhược điểm nhất định, phù hợp với từng trường hợp khác nhau. Không thể nói bệnh Barrett thực quản điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất. Bác sĩ sẽ dựa trên những lợi ích và nguy cơ của từng phương pháp để tư vấn cho người bệnh.
Khuyến cáo liên quan đến thuốc ức chế bơm proton là bệnh nhân nên được điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton một lần mỗi ngày. Trong đó thuốc ức chế bơm proton làm giảm nguy cơ tiến triển thành thực quản Barrett tân sinh, liệu pháp ức chế bơm proton nên được xem xét ở bệnh nhân Barrett thực quản ngay cả khi không có triệu chứng trào ngược.
Một trong những thay đổi lớn là trong lĩnh vực điều trị nội soi cho Barrett thực quản, cả về thời điểm và cách thức áp dụng các liệu pháp này cũng như cách theo dõi bệnh nhân. Là một phần của phương pháp tiếp cận liệu pháp nội soi, bác sĩ nội soi nên kiểm tra cẩn thận đoạn Barrett, đặc biệt chú ý đến các bất thường của niêm mạc. Kết quả tốt nhất cho liệu pháp nội soi xảy ra nếu các bất thường niêm mạc được loại bỏ bằng phương pháp cắt bỏ niêm mạc qua nội soi trước khi áp dụng bất kỳ công nghệ bóc tách nào rộng hơn. Nếu niêm mạc phẳng, các hướng dẫn khuyến cáo áp dụng liệu pháp cắt bỏ bằng tần số vô tuyến.
6. Phòng ngừa bệnh Barrett thực quản
Hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo các biện pháp hạn chế mắc chứng Barrett thực quản như sau:
- Sử dụng thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tái khám đúng lịch hẹn để có thể theo dõi được sự tiến triển của bệnh. Khi sử dụng thuốc phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Do cân nặng chính là một trong những yếu tố gây chứng Barrett thực quản; người bệnh nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để hạn chế tình trạng ợ nóng, ợ hơi.
- Hạn chế ăn các đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Sau khi ăn không nên nằm ngay, mà đợi ít nhất 3 tiếng sau thì mới được nằm.
- Đối với những người bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ nên kê cao gối để hạn chế trào axit và thức ăn lên thực quản.
- Thường xuyên tập thể thao và đều đặn.
- Ăn đầy đủ các nhóm chất với lượng vừa đủ cho cơ thể; bổ sung các vitamin và khoáng chất từ rau củ, trái cây
- Ăn chậm, nhai kỹ để tránh tình trạng đầy hơi, nghẹn thức ăn
- Vận động nhẹ nhàng như đi bộ khoảng 10 phút sau khi ăn no
- Không tự điều trị bệnh bằng các loại thuốc không kê toa.
7. Tiến triển
Barrett thực quản có nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản, sẽ diễn biến qua từng giai đoạn: loạn sản mức độ thấp -> loạn sản mức độ cao -> ung thư thực quản. Theo thống kê của các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ gia tăng tiến triển thành ung thư thực quản là 0,1%/năm.
8. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh barrett thực quản
Một chế độ ăn uống lành mạnh dành cho người bị barrett thực quản cần có những yếu tố sau:
- Cân bằng các nhóm chất đa lượng gồm tinh bột, đạm và chất béo tốt. Trung bình 1 người trưởng thành cần nạp: 100-278 gr tinh bột, 46 – 56 gr đạm và tối đa 65 gr chất béo tốt mỗi ngày.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất đến từ rau củ và hoa quả trong mỗi bữa ăn
- Uống đủ nước.
- Đa dạng các loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn và hạn chế nạp dinh dưỡng bằng thực phẩm bổ sung khi không cần thiết hoặc không có chỉ định từ bác sĩ.
- Chia nhỏ 3 – 5 bữa ăn trong một ngày, tránh ăn quá nhiều trong 1 bữa
- Nên ăn tối trước khi đi ngủ ít nhất là 3 tiếng
- Hạn chế các thực phẩm dễ gây kích thích cho dạ dày như đồ chiên rán, thực phẩm khó tiêu, nước ngọt,…
Tài liệu tham khảo
- Manner H, May A, Kouti I, Pech O, Vieth M, Ell C. Efficacy and safety of hybrid-APC for the ablation of Barrett’s esophagus. Surg Endosc. 2016;30(4):1364–1370. [PubMed] [Google Scholar]
- Pech O. Endoscopic treatment of early Barrett’s neoplasia: expanding indications, new challenges. Adv Exp Med Biol. 2016;908:99–109. [PubMed] [Google Scholar]
- Rösch T, Manner H, May A, et al. Multicenter feasibility study of combined injection and argon plasma coagulation (hybrid-APC) in the ablation therapy of neoplastic Barrett esophagus. Gastrointest Endosc. 2017;85(5(suppl)):AB154. [Google Scholar]
- 26/04/2025 07:59 - Tụ dịch dưới màng cứng
- 20/04/2025 08:55 - Dinh dưỡng cho người bệnh viêm tụy cấp
- 15/04/2025 15:21 - Cúm và thai kỳ
- 14/04/2025 14:13 - Xạ trị chùm tia ngoài cho bệnh ung thư
- 10/04/2025 16:14 - Mày đay mạn tính