Ds Nguyễn Văn Ngọc
Quảng Nam là một tỉnh miền trung có các vùng tiểu địai ình và khí hậu khá đa dạng, nên trong thành phần các loài cây thuốc phát hiện cũng hội đủ các yếu tố thực vật của vùng. Trước đây, vùng dược liệu của tỉnh đã được điều tra, đánh giá trên diện rộng tại nhiều địa phương. Với sự phối hợp và giúp đỡ của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trong 2 năm 2002 - 2003, Quảng Nam đã điều tra và lập danh mục, xác định tên của 832 loài dược liệu thuốc 190 họ thực vật. Trong đó, vùng Trà My có số lượng loài làm thuốc lớn nhất với 710 loài. Về tiềm năng trong việc cung cấp các loại dược liệu sử dụng theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, có 43 loài và nhóm loài là những cây thuốc được sử dụng phổ biến và có giá trị kinh tế cao. Trong số 832 loài cây thuốc đã phát hiện, có hơn 60% số loài mọc tự nhiên trong các quần xã rừng, đồi, nương rẫy và quanh bản làng, trong số này có cây Bùm bụp.
Cây Bùm bụp (Mallotus barbatus Muell et Arg), còn có tên khác như: cây Ruông, Ba bét, Bông bét trắng, Bùng bục, Lá cám thuốc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Cây dạng tiểu mộc cao 1 - 7 mét, phân nhánh, mặt dưới lá và phát hoa có long màu nâu, dày, mịn. Phiến lá nguyên hình tim, to cỡ 8 - 9 cm. Gié hoa màu trắng, dài 20 - 50cm, mang nhiều hoa đực tứ thân, với hơn 50 tiểu nhụy và nhiều hoa cái có lá đài dính, với 3 - 4 vòi nhụy. Trái nang to cỡ 2cm, với các gai nạc trên đầu dài 5mm, khi chín nở thành 3 mảnh. Bùm bụp mọc hoang ở rừng đến độ cao 500 - 700m, khắp các tỉnh trên cả nước. Cây ra hoa vào tháng 7 - 8, quả tháng 11 - 12. Riêng ở Quảng Nam, người ta tìm thấy Bùm bụp phân bố nhiều ở vùng miền núi của vùng núi Nam Giang, Trà My và Tiên Phước.
Một số tài liệu cho biết cây Bùm bụp có thể dùng làm bột giấy, vỏ cho sợi; rễ, lá, vỏ thân làm thuốc. Theo kinh nghiệm y học cổ truyền, Bùm bụp có vị hơi đắng, chát, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm đau, cầm máu. Dùng rễ Bùm bụp trị nước tiểu đục (lậu), đau dạ dày, lỡ miệng, trĩ, sa tử cung, viêm lách, viêm gan, viêm tai, viêm mắt đỏ, ung thư bạch huyết. Lá tươi giã lấy nước uống để loại bỏ sỏi thận, đắp chữa vết thương sưng, đau. Lá khô vò nát cầm máu. Hải Thượng Lãn Ông dùng Bùm bụp với dây Mảnh bát (Coccinia grandis) để phòng ôn dịch. Rễ Bùm bụp phối hợp với một số vị khác chữa nước tiểu đục, sa tử cung. Lá Bùm bụp dùng ngậm, súc miệng và dùng bông thấm chữa lở loét miệng. Gần đây, loài cây này được người dân địa phương sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh sỏi thận đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy đề tài nghiên cứu nào về hiệu quả điều trị sỏi thận của cây Bùm bụp. Một số hoạt chất của cây Bùm bụp đã được các nhà khoa học tìm thấy như: Saponin triterpenoid pentacyclic, coumarin, alcaloid, dẫn chất benzopyran... Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu của GS.TS. Châu Văn Minh - Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện KH&KT Việt Nam) khi nghiên cứu cây Bùm bụp đã phân lập được 1 triterpen và 6 triterpinoid 5 vòng từ lá Bùm bụp: 3-alpha-hydroxit-22(29)-en, hennadiol, friedelin, friedelanol, epifriedelanol, taraxeron và epitaraxerol. Năm 2003, nhóm đã đưa mẫu sang sàng lọc và phân tích tại Hàn Quốc và đã phát hiện mẫu cây này thể hiện hoạt tính chống ung thư rất tốt. Nhóm đã xác định cấu trúc của gần 30 hợp chất trong đó có 6 hợp chất mới lần đầu tiên được phân lập từ thiên nhiên Việt Nam. Trong số các hợp chất này nhóm đặc biệt quan tâm đến một chất được đặt tên là Malloapelta B với hàm lượng khá cao và thể hiện hoạt tính chống ung thư in vitro và in vivo rất tốt (kết luận trên động vật thử nghiệm). Công trình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế vào tháng 12 năm 2005. Từ sản phẩm lá cây, nhóm cũng kết hợp với Công ty dược Đông dương bào chế sản phẩm hòa tan Malltolus dùng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư. Sản phẩm này được bộ Y tế cấp phép và hiện nay đã có mặt trên thị trường.
Thực tế hiện nay số người dân sử dụng cây Bùm bụp để điều trị sỏi thận tương đối nhiều chủ yếu theo truyền miệng mà chưa có nghiên cứu lâm sàng nào, hơn nữa nhu cầu sử dụng cây Bùm bụp trong y học cổ truyền khá lớn. Số người dân sử dụng cây thuốc để chữa bệnh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải có lượng thảo dược lớn cùng với nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, khai thác liên tục trong nhiều năm không chú ý tới bảo vệ tái sinh, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn cây Bùm bụp bị giảm sút nghiêm trọng và ngày càng hiếm. Theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã mở ra hướng đi mới cây dược liệu. Ở Quảng Nam, cây Bùm bụp được kỳ vọng là cây dược liệu được hướng đến quy hoạch vùng.
- 04/06/2015 16:31 - Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện
- 04/06/2015 16:24 - Máy tách tế bào máu tự động Trima Accel
- 04/06/2015 16:18 - Tiếp cận mô hình bệnh viện xanh nhân ngày môi trườ…
- 03/06/2015 16:36 - Tầm quan trọng của việc rửa tay
- 02/06/2015 20:25 - Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS)
- 02/06/2015 19:14 - Phục hồi chức năng hội chứng vai gáy
- 29/05/2015 15:16 - Tình huống không nên sử dụng benzodiazepine tại IC…
- 28/05/2015 19:45 - Béo phì liên quan cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh n…
- 28/05/2015 19:32 - Cải tiến chất lượng bệnh viện, an toàn người bệnh,…
- 28/05/2015 19:21 - Các xét nghiệm máu chẩn đoán viêm khớp